Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

9 BẠT (MỎNG MẢNH TƠ TRỜI)


BẠT
1. Anh bạn tôi ở Việt Nam vừa gửi cho tôi một tập hợp sáu mươi bài viết ngắn của anh – mỗi bài chỉ độ một trang viết về những chuyện rất đời thường anh gặp. Đối với đại chúng, những gặp gỡ đó có lẽ không có gì to tát, người vô tâm chắc hẳn thờ ơ vì ai ai cũng từng trải qua những tình huống tương tự. Đây không phải là giây phút sinh tử của người lính ngoài chiến trường, cũng không phải là một hành vi hào hiệp đòi hỏi một lòng dũng cảm vượt bực, lại cũng không phải là một câu chuyện tình trái ngang đầy xúc động… Anh bạn tôi viết về một lần gặp lại người bạn cũ, một nhà văn thanh thản đón nhận những giây phút cuối đời, một người mẹ âm thầm lo cho hậu sự của mình để khỏi làm phiền đến con cháu… Những câu chuyện anh viết chỉ phản ảnh một giây phút trung gian xảy ra mỗi ngày vì nếu kéo dài ở hai đầu chúng ta sẽ tìm thấy nhiều nhân và quả khác.
2. Hôm nay Thứ Sáu – 14 tháng 4 năm 2017 – là ngày lễ của người theo đạo Thiên Chúa gọi là Good Friday đánh dấu ngày chúa Jesus bị đóng đinh trước khi phục sinh. Gia đình tôi đi chơi một khu giải trí dành cho trẻ em tại Los Angeles, cách nơi tôi ở khoảng 45 miles, tính ra chừng 70km. Gọi là khu giải trí cũng không đúng hẳn vì đây là một quần thể nhiều viện bảo tàng, một Natural History Museum (viện bảo tàng lịch sử tự nhiên), một Science Museum (viện bảo tàng khoa học) và nhiều trung tâm nhỏ hơn trưng bày lịch sử không gian với những thành tựu của con người ra khỏi ảnh hưởng của trái đất. Cạnh đó cũng có những khu triển lãm về đóng góp của người di dân, da đen, da trắng, da vàng mà nếu đi hết mọi nơi thì một ngày không thể đủ.
Viện bảo tàng khoa học hàng năm đều có những mùa triển lãm – mỗi kỳ độ ba tháng, xoay tua và di chuyển – từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, từ nước này sang nước khác để cung cấp kiến thức cho những người ham học, đặc biệt là trẻ em để chúng hiểu và trân trọng những gì ở chung quanh, cấy vào đầu óc còn trong trắng những ý niệm tốt lành. Hôm nay, vào tuần nghỉ Mùa Xuân (Spring Breaks) nên có khá đông học sinh được nhà trường dẫn đi thăm các khu khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng. Nơi nào cũng thấy trẻ con mặc đồng phục xếp hàng đi từng đoàn.
3. Lần này, chúng tôi đi xem một khu triển lãm công nghệ có tên là Pixar – công nghệ thông tin về phương pháp và trình tự để các nghệ sĩ và nhà sản xuất hiện đại thực hiện các bộ phim hoạt hình bằng vi tính. Không nói đến những công đoạn chính yếu như làm hình mẫu, phân tích và cắt lát, quay phim để chuyển biến những động tác thành hình ảnh liên tục như khi làm một phim ảnh theo lối cũ, một phân tích khiến tôi rất chú ý là nhiều việc chúng ta thấy thật đơn giản, thật bình thường lại chứa đựng những chi tiết phức tạp khó tin.
Một bãi cỏ rung động theo chiều gió, một dòng nước chảy róc rách, một mái tóc xoăn, một đàn cá bơi lội, một bộ lông thú… được tái tạo bằng hàng triệu, triệu tính toán và mỗi một giây, một phút lại chuyển biến theo đúng những định luật vật lý và khoa học không sai lầm. Một tính toán (computation) nếu tách riêng thì không có gì đáng nói. Có thể chỉ là một phần của một parabole vẽ thành cọng lá, hay một viên bi rơi theo định luật Newton… nhưng nhiều, rất nhiều và liên tục của tác động khác nhau sẽ tạo thành thế giới quanh ta, thay đổi và biến dạng liên tục. Chính những kết hợp diệu kỳ kia là thực tế cuộc đời.
4. Vậy thì có gì liên quan giữa triển lãm Pixar và những bài viết của anh bạn tôi?
Cuộc đời cũng chỉ là những sát na ngắn ngủi liên tục và tự nhiên như hàng triệu hòn bi nhỏ mà những khoa học gia tập hợp để tái tạo một dòng nước chảy, hàng triệu cái lò xo nhún nhẩy để thành mái tóc xoăn của cô gái hoang dại cưỡi ngựa chạy trên cánh đồng, cũng êm ả như vô vàn đường cong, đường thẳng tạo thành một bãi cỏ non… Tất cả đều là những đoạn phim ngắn nếu chỉ tác động thêm một chút thì cuộc đời sẽ ra sao?
Một cậu sinh viên không làm bài ngang nhiên cầm sách vở ra khỏi lớp không một tiếng chào người thầy đứng trên bục giảng. Đâu đó có cái gì uất nghẹn như một hạt sạn trong giày. Ở thế hệ của tôi, đoạn kết có thể khác đi, chẳng hạn một sinh viên khác đứng lên giải thích giùm người bạn của mình: “Thưa thầy, anh đó mồ côi cha, mấy bữa rày mẹ anh ấy bịnh nên phải thay mẹ đi bán bánh tới khuya, không có thì giờ học.” Rồi nhà giáo chắc sẽ cho người đi kiếm đứa học trò kia trở lại lớp và bằng cách nào đó kín đáo kẹp một tờ giấy bạc trong tập của kẻ đáng thương.
Cũng câu chuyện này, ở thời đại hôm nay, có thể khi thầy giáo đã già đạp xe trên phố lại vô tình bắt gặp đứa trẻ ngỗ nghịch ngày nào ngồi trên một chiếc xe hơi bóng lộn chạy nhanh qua làm dậy lên những đám bụi đường và văng những giọt nước bùn vào người bán rong đi ngang.
Sáu mươi đoản văn, tuy độc lập ghi lại sáu mươi “clips” ngắn của cuộc đời nhưng mỗi đoạn phim đó có thể có nhiều kết cục, tùy theo mỗi người tự cho thêm một đoạn kết mới. Biết đâu bạn tôi cũng đi tìm những “hậu ký” từ người đọc để xem công trình của mình còn dấu ấn gì chăng?
Nguyễn Duy Chính
14-4-2017