24. Đạo lý lái xe đường trường
Michele Vignola là một diễn giả, một nhà hoạt động xã hội tên tuổi. Được
đào tạo về pháp lý để làm phụ tá cho luật sư, Michele tham gia một văn phòng
luật ở số 1700 đại lộ Margaret, tại
thủ phủ Annapolis của bang Maryland (nước Mỹ). Văn phòng này
đảm trách việc bào chữa theo chỉ định của tòa án, trợ giúp những người không
thể thuê luật sư biện hộ.
Cha cô gốc Ý, lái xe tải đường dài. Thuở
bé, khi cô còn say ngủ thì cha đã đi làm từ 4 giờ sáng; buổi tối cô ngon giấc
lâu rồi cha mới về tới nhà. Khi đủ lớn để được phép thức qua 9 giờ đêm thì cô nhìn cha gần như kẻ xa
lạ mỗi lúc gặp nhau. Với cô, mẹ mới là người chăm sóc, nuôi dưỡng; cha chỉ là
số không to tướng.
Tối nọ, trở về với vợ con sau hai ngày ôm vô-lăng trên xa lộ liên bang,
cha cô kể rằng chiều hôm trước ông bắt gặp bên vệ đường một phụ nữ đang loay
hoay với bánh xe xẹp lép. Tấp xe tải mười tám bánh lại, ông bước xuống tự giới
thiệu, rồi mau mắn xăn tay áo thay giúp bánh xơ-cua. Bà ta vui mừng bày tỏ lòng
biết ơn vì cánh lái xe sợ dính bẫy bọn cướp, thường ngại giúp đỡ trường hợp thế
này ở quãng đường vắng.
Việc hoàn tất, ông thu dọn các thứ vào trong cốp xe, rồi đóng chặt lại.
Bà ta móc bóp đưa hai mươi Mỹ kim nhưng ông mỉm cười từ chối: “Vợ tôi cũng lái
xe và con gái vừa mới tập lái. Tôi mong ước duy nhất một điều là nếu vợ hay con
gái tôi hư xe dọc đường, thì sẽ có một người đàng hoàng, tử tế dừng xe và ra
tay giúp đỡ, giống như hôm nay tôi giúp bà vậy.”
Cha cô gọi đó là “đạo lý lái xe đường trường”. Những đêm cả nhà sum hiệp,
cô lại nghe cha giảng giải khi lái xe đường dài thì nên ăn ngủ ở đâu, phải tuân
thủ những nguyên tắc gì để tự bảo vệ mình.
Vốn chẳng mấy thân thiện với cha, chưa bao giờ cô tiếp nhận một cách hứng
khởi những đức tính quý báu mà cha cô muốn chia sẻ với vợ con. Cho đến khi cô
hai mươi bốn tuổi…
Năm 1992, rời khỏi nhà cha mẹ ở bang New Jersey ,
cô dọn đến thành phố Lawrence phía Đông Bắc bang
Kansas . Tại
đây, ngoài việc dạy kịch nghệ và viết văn tiêu khiển, cô còn làm tình nguyện
viên cho một tổ chức bảo vệ dân quyền. Trong gần bốn năm, cô hầu như di chuyển
liên tục. Một hôm, con gái người bạn nhờ cô chở sang phía Tây bang Kansas để tham gia cuộc
đi bộ xuyên nước Mỹ nhằm vận động bảo vệ môi trường. Lâu nay vẫn nhiệt thành
ủng hộ phong trào gìn giữ màu xanh cho trái đất, cô sốt sắng nhận lời cô bé
mười hai tuổi và hôm sau bắt đầu cuộc hành trình dài bốn giờ trên xa lộ.
Đi chừng nửa đường thì bánh sau bên trái xe nổ. Cô cố gắng kềm cho xe tấp
vào vệ đường. Một xe tải mười tám bánh phóng vèo qua lúc cô đang khệ nệ lấy
bánh xơ-cua ra khỏi cốp. Khi cô loay hoay với con đội tìm cách kích xe lên thì
nghe tiếng thắng hơi rít vang từ phía bên kia đường. Ngẩng nhìn, cô thấy một
tài xế xe tải đang chạy băng ngang bốn làn xe của xa lộ liên bang để sang gặp
cô. Ông cho biết tài xế xe tải mười tám bánh vừa chạy qua lúc nãy đã dùng máy
điện đàm báo tin nhờ ông tới giúp
Trong vòng hai
mươi phút, đôi tay thành thạo đã làm xong mọi việc. Khi cảm ơn và từ biệt, cô
móc bóp đưa hai mươi Mỹ kim. Mỉm cười, ông nói: “Con gái tôi trạc tuổi cháu.
Lời cảm ơn duy nhất tôi muốn nhận là hy vọng rằng khi xe con gái tôi nằm vạ dọc
đường, ai đó tốt bụng sẽ tới giúp cũng như hôm nay tôi giúp cháu.”
Ông nói giọng miền Trung Tây, nhưng cô nghe y hệt như thổ âm Brooklyn của cha cô, và thấy hai người tài xế xe tải này
suy nghĩ sao giống nhau thế.
Lần đầu tiên hình ảnh người cha hoàn toàn thay đổi trong nhận thức của cô
gái. Cô bỗng thấm thía điều mà cha cô gọi là “đạo lý lái xe đường trường”. Cô
thầm cảm ơn cha, cảm ơn người tài xế vừa giúp cô, và cảm ơn tất cả những ai dong
ruổi đường trường đã am hiểu và tuân thủ đạo lý ấy.
09-8-2005
Huệ Khải