Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

6 MỘT NGƯỜI ĐI (MỎNG MẢNH TƠ TRỜI)

31. MỘT NGƯỜI ĐI
Tưởng nhớ Phaolô Lê Minh Đức (1929-2007)


Trước kia ông Lê Minh Đức ngụ ở đường Nguyễn Trọng Tuyển (Phú Nhuận). Đưa tôi tới thăm vào buổi tối, anh Trần Văn Chánh cho biết ông có đọc cuốn sách đầu tay của tôi, thích cách tôi Giải Mã Truyện Tây Du, muốn gặp để trò chuyện. Anh nói thêm rằng sau tai biến, ông phải dùng xe lăn, do đó gặp ông trên lầu một tôi không ngạc nhiên khi thấy ông ngồi yên một chỗ, mỉm cười chào và chìa bàn tay trái ra cho tôi bắt. Tuy bệnh tật, ông vẫn lạc quan, nụ cười tươi và vẻ mặt thanh thản. Hôm ấy, tôi chưa nghe quen giọng ông, vì ông phát âm còn khó khăn. Thỉnh thoảng anh Chánh “dịch” giúp tôi vài câu.
Khoảng giữa năm 2003 anh Chánh và tôi bàn nhau mời một số thân hữu viết chung hiệp tuyển Nguyễn Hiến Lê: Con Người Và Tác Phẩm (nhà xuất bản Trẻ). Ông nhận lời, viết xong rất sớm bài Một Ít Kỷ Niệm Về Bác Nguyễn Hiến Lê. Nhờ đó, tôi biết thêm một chút về con người ông, lòng nhân hậu, ham đọc sách, tính cần cù, và viết giỏi.
Lúc này ông đã dời về ngôi biệt thự u nhã nằm khuất trong đường Nguyễn Đình Chính (cùng quận Phú Nhuận). Đến chơi tôi ít khi gọi điện báo trước, vì lúc nào ông cũng có nhà. Nhưng phải tránh khoảng thời gian ông tập vật lý trị liệu, hàng ngày có kỹ thuật viên tới giúp.
Thăm ông, tôi ngồi ở chiếc ghế sát giường ông nằm, kê ngay phòng khách lớn, cũng là chỗ ông xem TV, xem phim dĩa, nghe nhạc, đọc sách báo và viết, vì bàn computer đặt gần bên, có cả điện thoại. Mọi thứ ngăn nắp, vừa tầm vói, thuận tiện cho người khó khăn xê dịch như ông.
Mấy lúc tôi biếng ghé nhà, ông gọi dây nói hỏi thăm, hoặc gõ cho mấy chữ e-mail. Viết sách, dịch sách gặp chữ gì không ưng bụng, ông nhấc điện thoại hỏi ý tôi nghĩ sao. Đọc được quyển nào thú vị ông cũng hỏi tôi đọc chưa, muốn xem thì ghé nhà. Thường xuyên đọc báo Công Giáo Và Dân Tộc, thỉnh thoảng ông gọi điện chia sẻ cảm nghĩ về một vài bài tôi viết. Biết tôi còn cộng tác với một, hai báo khác, ông dặn: “Dũng nhớ ‘meo’ cho anh Đức đọc nghe!”
In sách mới, ông đều cho người nhà mang đến tôi. Có lần còn soạn gởi cho vài cuốn cũ, in lúc ông khỏe mạnh, chưa nghỉ hưu. Mỗi khi nhận sách, mở ra trang đầu, đọc lời ông đề tặng, nhìn nét bút run run xẹo xọ, viết với bàn tay trái ngượng nghịu sau mấy năm bị tai biến, tôi không khỏi chạnh lòng, xét mình còn kém nghị lực, thiếu ý chí của bậc niên trưởng đang rất gần ngưỡng bát tuần.
Năm ngoái, khi gọi điện thoại cảm ơn, tôi mừng ông viết đều tay và in kịp thời, thì ông cười, cho biết đang viết cuốn khác, sẽ xong sớm. Vui miệng, ông đọc hai câu lục bát:
Việc đời gác bỏ ngoài tai,
Suốt ngày đọc sách lai rai viết hoài.
Đã lâu, tôi hỏi ông đang viết gì và ông cho biết đang tuyển dịch lại một trăm bài thơ Đường hay nhất. Tôi mau miệng nói chỉ nên chọn chín mươi chín bài thôi, khi in sách thì bài thứ một trăm để toàn giấy trắng. “Chi vậy?” Ông tươi cười hỏi. Tôi nói chắc gì mấy bài mình khen hay thì bá tánh đều đồng thuận. Chừa giấy trắng là dành quyền cho độc giả chép thêm vào đó đúng bài họ thích. Ông cười vui sướng, dặn tôi giữ bí mật sáng kiến này.
Ngày 23 tháng 12 vừa qua ông mail cho tôi: “Thân chúc Lê Anh Dũng và gia đình một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và viết được hay và nhiều hơn năm ngoái. Lê Minh Đức”. Ngờ đâu đó là lời sau cùng tôi được nhận từ ông.
Nằm trong bệnh viện Thống Nhất, ông nhờ con dâu mở hộp thư để xem giúp những phúc đáp sau loạt e-mails ông gởi thân hữu chúc mừng Giáng Sinh và tết tây. Nhân đó, chị Hiếu báo tin cho tôi (ngày 03-01): “... Ba con đã đi bệnh viện từ ngày 27-12-2006. Vừa trải qua cuộc phẫu thuật ở bụng vì bị ung thư ruột già. Hiện nay đang nằm ở phòng cách ly của bệnh viện Thống Nhất ... Con xin báo cho Chú biết, mong mọi người cầu nguyện cho Ba con mau khỏi bệnh.”
Bốn giờ chiều hôm sau, anh Giang Quốc Chung, anh Dương (báo Công Giáo Và Dân Tộc), anh Chánh và tôi vào thăm. Người bạn đời thương yêu ông rất mực, tận tụy chăm sóc ông chu đáo suốt ngần ấy năm qua – bà Nguyễn Thị Tuyết – nắm chặt cánh tay phải của tôi và đưa tôi đến đứng cuối giường nhìn ông nằm lặng lẽ. Tôi cũng lặng lẽ.
Dẫu biết đại sự đã an bài, nhưng chẳng nghĩ rằng diễn biến chóng thế. Chiều ngày 05, chị Hiếu gởi e-mail: “Ba Đức con đã đi lúc 15:30 ngày Thứ Sáu, 5-1-2007.”
Ba giờ chiều Thứ Bảy, các anh Chung, Dương, Chánh và tôi đến thắp nén hương vĩnh biệt. Có thêm anh Vũ Duy Giang ở cùng tòa soạn. Nhìn gương mặt hiền hậu thân quen đang yên ngủ bên dưới lớp kính trong suốt, tôi nói thầm: “Anh Đức ơi, chúng em tới chào anh đây.”
Ra về, chia tay nhau ở cổng, anh Chung nắm tay anh Chánh và tôi, trầm giọng: “Viết nhé, viết cái gì cho báo mình. Để nhớ anh Đức.”
Vâng, thì viết. Nhưng nào có kỷ niệm gì lớn lao, sâu sắc đâu. Chỉ là chút lãng đãng, chút thoang thoáng. Có lẽ đấy là chỗ lạt lẽo mà người xưa bảo rằng “đạm nhược thủy”. Phải thế chăng?
07-01-2007

32. MỘT NỬA GIA ĐÌNH
Anh đến thăm bạn. Khu Đồng Ông Cộ bây giờ chen chúc cư dân, nhưng ngồi ở nhà này anh vẫn cảm thấy yên tĩnh trong gian phòng nhỏ ngăn nắp của một ông giáo nhàn nhã, có khá nhiều thời gian dành cho sách vở, viết lách.
Thấy anh tò mò lật qua tờ tạp chí nước ngoài nằm trên bàn, bạn giải thích: “Đang lựa bài dịch cho tờ báo quen. Họ đặt một loạt bài về tâm lý giáo dục gia đình.” Bất chợt, bạn hỏi: “Ông biết FAMILY là gì không?” Rồi bạn nói luôn: “Father And Mother I Love You. Tài thật! Ba má ơi, con thương ba má. Gia đình phải có lòng thương yêu của con trẻ. Thâm thúy thật!”
Anh còn ngẩn người, không nghĩ ra đó là một từ tắt cấu tạo theo kiểu acronym, thì bạn cười buồn: “Như vợ chồng tôi bây giờ chỉ mới là một nửa gia đình, ông nhỉ?”
Nhìn mái tóc lấm tấm vài sợi bạc của người bạn trung niên, liên tưởng cảnh nhà bạn quạnh quẽ, anh ngần ngừ, không biết nói sao.
Đang định tìm một câu thích hợp của người xưa để an ủi bạn, anh chợt nghĩ đến những đứa con bất nhân, ngược đãi cha mẹ mà lâu nay báo chí vẫn thường đăng tải. Anh muốn nói: Nhưng con cái bất hiếu thì còn tệ hơn là chỉ có một nửa gia đình.
Ngẫm nghĩ sao, rốt cuộc anh cúi xuống tờ tạp chí, lặng thinh nhìn tấm ảnh người đàn ông nằm ngửa trên cỏ, hai chân giơ lên, co lại làm điểm tựa cho một bé gái tì bụng vào, xuôi chân nằm thẳng, dang rộng đôi tay như cánh chim bay. Cả hai cha con mặt mày rạng rỡ, hạnh phúc lắm.
31-5-2001

33. MỘT TẤM LÒNG
Tưởng nhớ Phêrô Trần Thanh Cao (1946-2011)


Anh thích đọc Thầy Thuốc Gia Đình do bác sĩ Trần Thanh Cao phụ trách, đăng thường kỳ trên tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc. Biết chuyện, một bạn ngạc nhiên nói mục ấy đâu có gì thú vị để quan tâm, trừ phi anh là người bệnh đang cần tham khảo.
Nào phải anh cốt tìm hiểu thêm vài vấn đề liên quan sức khỏe. Tình thật, anh thích cách bác sĩ trả lời. Không trực tiếp mặt đối mặt với người bệnh, chỉ có thể “cách không giải huyệt” (nói như truyện chưởng), nhưng phần tư vấn y học của ông trên trang báo thường thể hiện tấm lòng người thầy thuốc.
Có một độc giả ở thị xã Tây Ninh than thở vô phước bởi lẽ hoàn cảnh bản thân khiến người ấy không đủ điều kiện và năng lực để biết đúng cách chăm sóc đứa con chậm phát triển trí tuệ. Thay vì chỉ trả lời thẳng vào vấn đề độc giả cần biết, ông chẳng nệ mất công, đã an ủi độc giả bằng cách dẫn lại một điển trong Kinh Thánh:
“Khi đọc truyện ông Gióp bị mất hết mọi thứ vẫn một lòng cảm tạ Giavê [Đức Chúa Trời], tôi thật thán phục lòng can đảm, đức điềm tĩnh của ông. Bạn đã một mình tần tảo nuôi dạy, lo lắng cho con như vậy đảm lược không phải là nhỏ, chấp nhận thực tế không thể đổi khác để vươn lên là việc cần làm của bạn, đừng nghĩ đó là điều vô phước và coi như lửa thử vàng, gian nan thử nhân đức vậy.”
Chẳng phải người trong cuộc, vậy mà anh xúc động khi đọc đoạn mở đầu chan chứa tình cảm ấy. Sau đó ông chịu khó tìm cách trình bày kiến thức chuyên môn cho thật dung dị. Ông giải đáp về bệnh tật, mách thuốc… mà không chỉ đơn thuẩn là y học. Giữa hai hàng chữ, còn bàng bạc nét nhân ái kín đáo của người thầy thuốc Công Giáo.
26-10-2005

34. NGHE TỪ BÊN TRONG
Một văn phòng nhỏ, phía ngoài dành tiếp học viên, sinh viên. Ngồi bên trong không nhìn thấy, nhưng anh có thể nghe được câu chuyện bên ngoài, qua một lớp tủ hồ sơ thay vách ngăn.
Có lần, tiếng cửa mở ra nhưng không tiếng chân bước vào. Hoặc khách đi êm quá, hoặc khách chỉ hé cửa, đủ thò đầu vào. Giọng đàn ông dõng dạc: “Phòng đào tạo ở đâu?”
Không phải khách hỏi hư vô đâu. Vì đã có người chỉ khách lối lên lầu. Thế rồi sập một cái, cửa lại đóng. Anh đoán mò: Người ta đang tập tác phong công nghiệp, tiết kiệm lời lẽ đến cộc lốc, và nói cảm ơn cũng là xa xí.
Khi khác là giọng nữ, đoán chừng khách không còn trẻ... Lát sau, nghe tiếng khách: “Cảm ơn.” Cụt lủn. Như một dấu chấm kết thúc cuộc đối thoại. Anh phân vân: Sao khách không ráng thêm một chữ nữa nhỉ? Hay tại người mình xưng hô phức tạp, khách không biết phải nên cảm ơn em, cảm ơn cô, cảm ơn chị hay cảm ơn bạn…
Một lần lóng tai nghe khách ríu rít hỏi đủ điều, giọng oanh trong trẻo. Anh vui vui, coi như được thư giãn bất ngờ. Bất chợt, khách hỏi liên tiếp làm anh hẫng: “Cô ơi, học xong thì chừng nào nó tổ chức thi? Nó ra đề khó không cô? Nó có bảo lưu kết quả không cô?” Anh mong là đã nghe lầm. Nó ư? Nó là ai mà khách phải đến xin học với nó?
Sáng nay, con trẻ hỏi: “Bố ơi, nước mình văn hiến lâu đời; tiếng Việt mình giàu đẹp lắm phải không bố?” Gật đầu, nhưng bất giác anh ngẫm nghĩ những gì lúc ở trường đã có dịp nghe.
03-10-1998

35. NGƯỜI HỌC TRÒ GIÀ
NƠI GÓC BIỂN


Tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây trong khi cụ Phan Thanh Giản đang làm Kinh Lược Sứ ba tỉnh này. Trước cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía giặc, biết không giữ được thành, muốn tránh đổ máu vô ích, cụ Phan quyết định không kháng cự, yêu cầu quân Pháp vào thành phải bảo đảm an toàn cho bá tánh. Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên lần lượt rơi vào tay giặc trong ba ngày 20, 22 và 24. Về phần mình, quan Phan tự xử bằng cách tuyệt thực. Sau mười bảy hôm vẫn không chết, sang ngày 4 tháng 8 năm 1867 ông lão bảy mươi hai tuổi đã mượn chén thuốc độc để “nhắm mắt đi vào cơn trường mộng” (Đinh Hùng, Phan Thanh Giản, kịch thơ).
Trước khi tuyệt mạng, cụ Phan căn dặn con cháu không được hợp tác với giặc Lang Sa. Cụ tự tay viết mấy dòng chữ trao cho người nhà, khuyên bỏ tấm triệu (minh tinh) ghi tên tuổi, chức tước của người chết. Nếu vẫn muốn giữ nghi thức đám tang thì chỉ nên ghi chín chữ: Hải nhai lão thơ sanh tánh Phan chi cữu (linh cữu người học trò già họ Phan nơi góc biển). Thương tiếc bậc đại nho, cụ Đồ Chiểu làm bài thơ điếu, có hai câu: Minh tinh chín chữ lòng son tạc / Trời đất từ rày mặc gió thu.
Nhưng nào phải đâu chỉ là gió thu. Bão táp đã dấy lên từ ấy để vùi dập thanh danh người thiên cổ. Tháng 11 năm 1868, vua Tự Đức kết tội quan Phan, làm án trảm giam hậu, cho đục bỏ tên cụ trên bia tiến sĩ. Một thế kỷ sau tại Hà Nội, Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu (1901-1969) lại tuyên án cụ Phan lần nữa trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử (số 55, tháng 10 năm 1963, tr. 18-19).
Ở miền Nam và miền Trung sau tháng 4 năm 1975, chịu hệ quả của bản án năm 1963, tất cả các con đường, các ngôi trường mang tên Phan Thanh Giản cũng như các pho tượng cụ Phan đều bị xóa bỏ. Đau lòng bao người hằng kính trọng cụ Phan. Đau lòng dân Vĩnh Long, nơi cụ được thờ trong Văn Thánh Miếu của tỉnh. Đau lòng dân Bến Tre, nơi sinh cụ Phan, cũng là nơi có đông đảo tín đồ Cao Đài, một tôn giáo mà Đức Thánh Phan Thanh Giản nhiều lần giáng cơ dạy đạo, ban truyền thánh giáo…
Ngày 7 tháng 3 vừa qua, đọc trên tuần san Công Giáo Và Dân Tộc số 1647, thấy “Vinh danh cụ Phan Thanh Giản” (tr. 9), và biết rằng “Cục Di Sản Văn Hóa đã có công văn cho phép tôn vinh nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. (…) Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre đã có kế hoạch dựng tượng Phan Thanh Giản ở thị xã Bến Tre.”
Vâng, cuối cùng thì bão đã tan và gió đã lặng. Thánh hiền muôn thuở lòng son rạng / Quân tử từ rày sạch án oan.
12-3-2008

36. NHỊ THIÊN ĐƯỜNG
Là trung tâm thương mại lớn nhất nước, thành phố chỗ nào cũng làm nơi bán buôn, bảng hiệu treo san sát, đủ cỡ, đủ màu, đủ kiểu cách trình bày. Với anh, đáng chú ý hơn cả lại là cái tên được chọn cho cửa hàng. Gọn lỏn một chữ, đoán là tên người chủ: Thu, Luyến, Nhạ… Thông thường mỗi cái tên hoặc thể hiện tính cách chủ nhân, hoặc liên quan tới mặt hàng buôn bán. Quán cà phê thì Cung Tơ Chiều, Giọt Đắng, Lối Cũ… Nghe lãng mạn. Mang hơi hướm nghịch ngợm là tiệm Tí Lì bán đồ chơi trẻ con trên đường Nguyễn Tri Phương trong quận 5. Cạnh nhà anh có cửa hàng quà lưu niệm Táo Đỏ, cái tên chả ngụ ý gì nhưng mộc mạc và ngộ nghĩnh. Dường như càng ngày càng bớt đi rất nhiều thói quen sính dùng từ Hán-Việt.
Tuy thế, có ngành nghề hầu như chẳng bao giờ thay đổi phong cách bảng hiệu. Tiệm vàng nhất định phải kèm chữ Kim, như Kim Ngân, Kim Thịnh, Kim Phát… Tiệm ăn người Hoa thường dùng chữ Gia: Hải Ký Mì Gia, Sanh Ký Trà Gia… Cũng thế, tiệm thuốc bắc nhất định không thiếu chữ Đường: Dân Chúng Đường, Hạnh Hoa Đường... Gia là nhà mà Đường cũng là nhà, nhưng quán ăn và nhà thuốc chưa hề dùng lẫn lộn.
Nhắc tới tên tiệm thuốc bắc, độc đáo hơn cả có lẽ là Nhị Thiên Đường. Thuở bé anh đã quen lắm với chai dầu gió Nhị Thiên Đường trên nhãn in hình “ông Phật mập” như cách gọi của giới bình dân. Thứ dầu được tin là trị bá chứng luôn nằm trong túi áo mỗi khi có việc đi tàu xe. Giống như bùa hộ mệnh.


Trời chỉ một, sao dám gọi “Nhị Thiên”? Thắc mắc đó nhiều năm chưa ai giảng giúp anh. May sao một hôm đọc sách Ấu Học Quỳnh Lâm của Trình Đăng Cát đời Minh mới tình cờ vỡ lẽ. Người xưa viết: “Cảm cứu tử chi ân, viết tái tạo; tụng tái sinh chi đức, viết nhị Thiên. Cảm cái ơn cứu cho khỏi chết gọi là tái tạo; ca ngợi cái đức làm cho sống lại gọi là ông Trời thứ hai. Thì ra chủ nhân Nhị Thiên Đường đã tự đề cao tài làm thuốc hiệu nghiệm của mình.
Sau 1975 nhà thuốc danh tiếng này không còn ở Chợ Lớn nhưng cây cầu bắc qua kênh đôi hơn bảy mươi năm qua vẫn giữ nguyên cái tên bất hủ, dù cấu trúc đã hoàn toàn thay đổi.
20-3-2007

37. NHỚ HƯƠNG RỪNG


Thứ Tư tuần rồi, sau khi nhấp chuột chuyển bài Góc Nhà đến tòa soạn Công Giáo Và Dân Tộc, tôi liền nhận được thư bào đệ, kèm theo mẩu tin nhà văn Sơn Nam từ trần tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Vậy là thêm một đàn anh lão thành dứt áo ra đi để sum hiệp với các cây bút tiền bối đáng kính của văn học miền Nam.
Tôi có dịp trò chuyện với ông không nhiều. Vài lần tình cờ ở một góc hẹp bên hông Bảo Tàng Thành Phố, nơi đặt văn phòng tạp chí Xưa & Nay (giờ đã chuyển đi). Một lần ghé tìm ông ở quán cà phê bình dân trong sân Nhà Văn Hóa quận Gò Vấp, ông cho biết mẹ ông theo đạo Cao Đài, và đọc vanh vách mấy câu kinh mẹ ông hàng ngày vẫn tụng. Một lần ghé thăm ông ở con hẻm trên đường Đinh Tiên Hoàng, Bà Chiểu, cạnh chợ Chiều thuộc phường 3, không xa nhà tôi. Ông căn dặn chớ lỡ miệng nhắc tới những tiếng như viết báo, bài vở, nhuận bút… và chẳng giấu cái lý do tế nhị phải kiêng kỵ mấy tiếng bình thường đó trong nhà ông. Nhìn gương mặt khắc khổ của ông lão danh chấn văn đàn mà còn phải hệ lụy vì những tình đời vặt vãnh, tôi không khỏi chạnh lòng.
Tôi gặp ông lần đầu trong cuộc họp bàn về dự án biên soạn một bộ bách khoa từ điển do anh Trần Trung Phượng rủ ren. Tình cờ ngồi cạnh ông trong phòng họp nhỏ trên lầu tòa nhà 46 Nguyễn Thông, quận 3, tôi bày tỏ lòng biết ơn các nghiên cứu của ông về đất phương Nam đã giúp tôi tìm hiểu đạo Cao Đài. Sẵn mang theo cuốn Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926 (Thuận Hóa xuất bản), tôi biếu ông một tập. Vài năm sau, đọc trong cuốn sách mỏng ông viết về đồng bằng sông Cửu Long, thấy ông nhắc tới đạo Cao Đài, và bảo tôi là cây viết trẻ đầy nhiệt huyết.
Tôi đọc ông rất sớm. Hồi lớp Nhì, lớp Nhất (lớp Bốn, lớp Năm ngày nay) trường làng giữa thập niên 1960 đã say mê bộ Chuyện Xưa Tích Cũ. Thuở ấy nhà tôi ở xã Mỹ Luông, ven nhánh sông Tiền, nhìn qua sông là xã Tấn Mỹ, có thể thấy đỉnh tháp của giáo đường Cù Lao Giêng cổ kính. Vào trung học Hồ Ngọc Cẩn, cuốc bộ đi học qua Lăng Ông Bà Chiểu, tôi hay tạt vào quán sách trước cửa nhà việc xã Bình Hòa, để đắm mình trong những Hương Rừng Cà Mau, Hai Cõi U Minh, Vọc Nước Giỡn Trăng… Tuổi thơ của tôi không khỏi nhuốm phần nào không khí u linh, huyền bí của Nam Kỳ Lục Tỉnh, của một thời mở rừng dựng nước.
Sau này, hơn hai mươi tuổi, tôi tập tễnh tìm hiểu đạo Cao Đài, thì những biên khảo độc đáo của ông về miền Nam lại gợi mở cho tôi thêm một góc nhìn về tôn giáo Cao Đài theo khía cạnh địa văn hóa. Và sách tôi viết hay trích dẫn ông, với lòng cảm kích một tiền bối đã làm giàu cho văn hóa dân tộc.
Sơn Nam đã đi. Nhưng Hương Rừng Cà Mau và biết bao chữ nghĩa, tâm huyết của ông còn mãi với đời nay đời sau.
20-8-2008

38. NHỮNG CÁNH THIỆP XUÂN
Thiệp xuân nói riêng, hay thiệp mừng nói chung, ban đầu là những mảnh giấy nhỏ ghi lời chúc tụng mà người Trung Hoa, người Ai Cập xa xưa đã biết dùng để gởi tay tặng nhau. Thiệp mừng năm mới ở Nhật gọi là nengajō, tức là niên hạ trạng 年賀狀. (Hạ là chúc mừng. Niên là năm. Trạng tạm hiểu là thư tín.) Ở châu Âu nghe nói tục gởi thiệp mừng đã có từ thế kỷ mười lăm. Dĩ nhiên, thời xưa, thiệp đều làm bằng tay, và đắt tiền, nên không dành cho quần chúng bình dân ít tiền. Đến năm 1850, khi nghề in phát triển và loài người phát minh ra cách dùng tem để gởi thư thì nhân loại đã có thể gởi thiệp mừng chúc tụng lẫn nhau ngày càng dễ dàng và thuận tiện hơn.
Ngày nay, công nghệ thiệp mừng là một ngành kinh doanh hái được hàng tỷ Mỹ kim mỗi năm. Khi thiệp điện tử (e-cards) ra đời, người ta vẫn không tẩy chay thiệp in trên giấy. Nghề in thiệp ngày càng tiến bộ, thiệp mừng kèm theo những nốt nhạc vui, thì con người hiện đại vẫn chưa từ bỏ thiệp làm bằng tay, và dĩ nhiên cánh thiệp thủ công thường đắt tiền hơn thiệp in công nghiệp.
Kỹ thuật số phát triển giúp cho mỗi cá nhân chỉ với một máy computer và một máy in màu gọn ghẽ vẫn thừa sức biến góc phòng nhỏ của mình trở thành một xưởng in để tự chế tạo thiệp mừng theo “gu” riêng của mình, hãnh diện vì thiệp của mình là hàng độc, là không đụng hàng ngoài chợ.
Dù mang hình thức nào, chế tạo thủ công hay hiện đại, cánh thiệp vẫn là cánh én mùa xuân nối những tấm lòng nhớ nghĩ tới nhau.
*
Sau vài năm viết bài đăng báo rồi in sách, tôi thường nhận được khá nhiều thiệp xuân vào dịp cuối năm. Của chỗ quen biết trong giao dịch, của bằng hữu, của bạn văn, của bạn đạo, của độc giả… Có thiệp thì lời chúc được viết tay nắn nót hẳn hoi, chan chứa thân tình, kèm theo chữ ký bay bướm hoặc áp thêm con dấu, con triện đỏ thắm, trông rất oai. Có thiệp thì lời chúc đã in sẵn, người gởi chỉ ngoay ngoáy ký tên.
Nhưng lắm khi mở tấm thiệp ra chỉ thấy vỏn vẹn lời chúc khuôn sáo in sẵn, chẳng ai thèm ký tên. Nếu không có phong bì thì chẳng biết ở đâu gởi tới. Nhận những cánh thiệp vô tính như thế, đôi lúc cũng đành lẩn thẩn nghĩ quấy rằng có khi người ấy bận bịu quá, họ bảo ai đó trong nhà hay nhân viên thuộc cấp ra chợ mua về một đống thiệp, nhờ thợ kéo lụa in luôn lời chúc, rồi cứ theo cái danh sách dài sòng sọc có sẵn mà gởi đi. Chẳng khác gì các cơ sở làm ăn, cứ mở danh bạ điện thoại ra lập danh sách, rồi cho thơ ký gởi hàng loạt thơ từ quảng cáo qua bưu điện.
Biết bổn phận phải thủ lễ trước, năm nào siêng thì tôi sắm thiệp sớm, gởi sớm. Có năm làm biếng quá, thì nhận thiệp rồi mới gởi đáp lễ. Cuối năm Thân nọ, muốn cải tiến tập quán gởi thiệp xuân, ngày tiễn ông Táo tôi rị mọ gieo vần được hai chục dòng, rồi mua giấy thơm có in chìm hoa văn, giả làm tờ hoa tiên của người xưa, rồi in laser từng tờ, kèm theo tên từng người nhận thân quen:
Đáp Tạ Tình Xuân
Tháng Chạp năm nào cũng giống nhau
Thiếp xuân cánh cánh thắm tươi màu
Như đàn chim én vui mùa hẹn
Lần lượt về thăm thương biết bao
Biết bao thương quý tự trong lòng
Thân hữu gần xa chẳng quản công
Chiu chắt chọn trao lời chúc đẹp
Gởi cùng cánh thiếp ngọn đông phong
Đông phong sớm đến phố phường Sài
Lác đác ngoài sân mấy nụ mai
Mở cánh thiếp xuân vui tấc dạ
Nét mực thơm tình ai với ai
Với ai từ buổi mới vừa quen
Chút tình hàn mặc bén thành duyên
Sá chi thưa gặp hay chưa gặp
Xuân xuân vẫn nhớ khách bên triền
Bên triền nô nức phố cùng phường
Đọc thiếp đạo đời ý vấn vương
Tứ thơ đâu bỗng gieo thành vận
Đáp tạ tình xuân bạn bốn phương
Nhưng sau rồi tôi cũng lười, quên luôn việc mua thiệp hay tự làm thiệp chúc xuân.
12-01-2009

39. NHỮNG THÔNG ĐIỆP SẮC MÀU
Gởi Thân Trọng Minh
Khi Phật lẳng lặng giơ lên cành hoa, giữa đại chúng im ắng trong phân vân ngơ ngác, riêng Ca Diếp nhoẻn cười hồn nhiên trước thông điệp vô ngôn. Tranh cũng là một thông điệp vô ngôn gởi vào lòng đại chúng.
Đứng với thế giới sắc màu của người bạn họa sĩ nhân một lúc tạm thưa vắng khách, dưng không anh lại liên tưởng xa xôi. Phải chăng, vì chỉ cần bước qua ngưỡng cửa phòng tranh là tức khắc đã đi vào cõi khác: Ngoài kia là đại chúng bộn bàng trong vội vàng bươn chải; trong này là nhỏ hẹp một khung trời riêng tư lắng đọng.
Khi bố cục do đường dao nét cọ bày ra trước mắt, trực giác cảm thụ liền cái đẹp; nhưng ngoài đẹp ra, đằng sau bức thông điệp sắc màu còn mang mễ một ẩn ngôn nào chăng? Không ư? Thế sao tranh chẳng đơn giản chỉ là phiên bản trung thực sự vật đời thường, cớ sao chẳng khác gì những biểu tượng gọi mời một truy tầm biện giải?


Trước mắt anh, trên những nền vải vuông vắn là những hình những khối kỷ hà chia sẻ không gian với những hào những quái, với điên đảo quẻ xuôi quẻ ngược. Cái ngôn ngữ tượng số, tượng hình của Dịch Kinh cổ đại ám ảnh người vẽ từ bao giờ vậy? Là hý lộng của phút buông thả cọ dao? Là bộc bạch của tâm thức đi tìm khoảnh khắc tịch liêu khi mà những ai kia chợt nhận ra cỗ xe đời mình đã lăn mòn hơn nửa phần thế kỷ?
Người vẽ nào mấy khi muốn tự giải mã chính mình, người xem cũng đành lẩn thẩn, âm thầm riêng tìm đáp án. Phật và Ca Diếp không cô đơn trên kênh thông tin mật ngữ nhưng người vẽ với khách xem tranh biết đâu lại chẳng là những kẻ cô đơn đuổi bắt nhau hụt hẫng trong cuộc chơi màu sắc giữa trần gian.
10-10-1998

40. ỐC ĐẢO
Chị ghé thăm cô em họ, mang chút quà thưởng đứa cháu vừa đậu đại học. Gởi xe xong, chị leo cầu thang lên tầng ba mới tới căn hộ cô em nằm trong một chung cư bên bờ kinh Nhiêu Lộc.
Miệng mời chị ngồi, tay thoăn thoắt dọn nhanh những báo chí sách vở bừa bãi trên mặt bàn, cô em phân trần: “Nhà cửa chật hẹp, mấy cha con chỉ giỏi bày chứ không biết dẹp.”
Chị cười thông cảm: “Nhà ai chẳng thế. Thiếu bàn tay đàn bà là thành ngay bãi chiến trường.”
“Như chị là sướng nhất. Nhà cửa thênh thang, vợ chồng con cái mỗi người một phòng, ai cũng tự do, thoải mái. Nhiều bữa mệt mỏi, em muốn có một góc riêng nghỉ ngơi cũng khó. Các cháu càng lớn, nhà càng thiếu chỗ.”
Chị đảo mắt nhìn quanh. Căn nhà gần như thông thống, ngồi góc này vẫn biết góc kia ai đang làm gì. Chị hoàn toàn chia sẻ nỗi niềm cô em vì bản thân chị đã trải qua hoàn cảnh này. Tuy nhiên, cô em chưa nhận thấy sự chật hẹp ấy lại là môi trường cho mọi người trong nhà gần gũi nhau, đúng cái nghĩa sum hiệp như những bài luận văn thuở học trò hay nhắc tới.
Cô em không biết ngày nay chị vẫn tiếc nuối cái không khí được quây quần trong một gia đình. Bữa cơm thường là cơ hội duy nhất để cả nhà chị được nhìn thấy nhau, nhưng hiếm khi trọn vẹn. Lúc thì chồng họp hành về trễ, khi thì cơm khách hoặc tiệc tùng. Con cái bận bịu học hành nên lắm hôm đành lệch giờ ăn với cha mẹ. Sau bữa cơm, chồng con trao đổi vài câu qua quít rồi mỗi người liền rút về phòng riêng. Phòng nào cũng có computer, cũng nối mạng, và ai nấy đều bị cuốn hút vào thế giới riêng của mình. Mỗi người như một ốc đảo.
21-9-2006