Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

29. Vợ chồng người giám ngục / SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO


29. Vợ chồng người giám ngục

Bắt đầu hoạt động năm 1828 sau ba năm xây dựng, Sing Sing là một trại giam của bang New York, đặt tại làng Ossining, quận Westchester, cách thành phố New York khoảng sáu mươi bốn cây số về phía bắc. Không chỉ nổi danh nhờ chiếc ghế điện dành cho tử tội (sử dụng từ tháng 7-1891, bãi bỏ vào tháng 8-1963), Sing Sing còn gắn liền với tiếng tăm của giám ngục Lewis E. Lawes.
Sinh ngày 13-9-1883 tại thành phố Elmira ở phía Nam bang New York, Lawes là một tấm gương trong phong trào cải cách chế độ lao tù. Ông tin tưởng mãnh liệt rằng giáo dục cho tội phạm hoàn lương là chức năng của nhà giam, và ông cực lực chống lại án tử hình.
Để cảm hóa tù nhân, trong hai mươi mốt năm làm giám ngục (1920-1941), Lawes giúp họ lập đội bóng Những Con Cừu Đen (Black Sheep) với trình độ gần như chuyên nghiệp. Ông yêu cầu tù nhân phải mặc đồng phục vì cho rằng đồng phục và thể thao giúp họ có tinh thần kỷ luật.
Ông chủ trương phải cho người tù tiếp xúc thế giới bên ngoài để khi mãn hạn tù họ dễ dàng hội nhập. Vì thế, những tối Chủ Nhật, các ngôi sao ca nhạc hoặc các nhân vật danh tiếng trong giới mỹ thuật, thể thao, tôn giáo… được mời đến Sing Sing biểu diễn hay diễn thuyết.
Tù nhân được lập ban nhạc, kịch và mỗi năm biểu diễn cho công chúng một lần. Họ được học nghề trong các xưởng thợ trang bị đầy đủ phương tiện đảm bảo an toàn lao động, được nuôi chim và trồng cây trong nhà kính để vừa tạo cảnh đẹp trong trại giam, vừa giúp thăng bằng tâm hồn…
Lawes cho lập nhà nguyện và xây mới 1.366 phòng giam vì nhà tù cũ quá chật chội (1929); cất thêm nhà tắm, chỗ giặt, phòng cắt tóc (1930); xây cho tù nhân trường học, bệnh xá, thư viện với 15.000 quyển sách (1936).
Tù nhân được huy động tham gia lao động trong tất cả các công trình xây dựng này, mỗi người được trả ba mươi xu thù lao mỗi ngày – điều chưa từng có ở trại giam trước kia.
Uy tín và danh tiếng của Lawes vượt ra ngoài phạm vi nhà tù từ năm 1932, lúc ông xuất bản quyển Hai Mươi Ngàn Năm Ở Sing Sing ([1]) và sách được dựng thành phim. Không chỉ hàng ngàn bài viết trên sách báo, đài phát thanh mà kể cả sân khấu kịch Broadway lừng lẫy ở thành phố New York cũng nói về ông.
Khi được ca ngợi vì những thành tích nhân đạo cảm hóa tù nhân, giám ngục Lewis E. Lawes nói: “Tất cả đều nhờ Catherine, người vợ tuyệt vời của tôi đang an nghỉ bên ngoài trại giam.”
*
Dẫu bạn bè khuyên đừng bao giờ bước chân qua cánh cổng Sing Sing, nhưng Catherine không nghe. Khi trại giam tổ chức trận bóng rổ đầu tiên, bà mẹ trẻ này liền dắt ba đứa con nhỏ kháu khỉnh vào ngồi xem bên cạnh các tù nhân. Bà nói: “Vợ chồng tôi chăm sóc những người này và họ sẽ chăm sóc lại tôi. Hà tất phải lo sợ.”
Bà nài nỉ chồng cho bà làm quen với tù nhân và đọc hồ sơ, lý lịch của họ. Khi phát hiện một tù nhân bị mù, bà liền đến thăm. Nắm bàn tay kẻ từng giết người, bà hỏi: “Anh biết đọc chữ nổi Braille không?” Y ngơ ngác: “Braille là cái quái gì vậy?” Thế là bà chỉ dẫn cho y.
Lần khác, Catherine phát hiện một tù nhân câm điếc. Bà liền đi học ngôn ngữ ra dấu và dạy lại người đó để hai bên có thể giao tiếp nhau…
Một buổi sáng năm 1937, giám ngục Lawes không đi làm. Một người khác tạm thay ông. Sự kiện bất thường lập tức làm trại giam xôn xao, thế rồi các tù nhân đau đớn biết tin Catherine vừa thiệt mạng vì tai nạn giao thông ngày hôm trước.
Hôm sau nữa, di hài Catherine được quàn tại nhà riêng, cách Sing Sing khoảng một cây số. Sáng sớm, khi đến trại giam, viên quyền giám ngục sửng sốt nhìn thấy một đám tội phạm hình sự dáng dấp dữ dằn nhưng lại tụ tập ở cổng chánh chẳng khác đàn cừu ngoan hiền. Đến gần hơn, ông bắt gặp trên mặt họ vẻ buồn thê thiết và những giọt lệ tiếc thương. Cảm thông và thấu hiểu, ông ra lệnh: “Thôi được, các anh có thể đi. Chỉ yêu cầu tối nay tất cả trở về đầy đủ.”
Rồi ông mở cổng, đoàn tù lũ lượt kéo nhau đi mà không cần giám thị hay lính gác kèm theo. Sau khi vĩnh biệt Catherine Lawes, xế chiều tất cả lầm lũi quay về Sing Sing. Không thiếu một người.([2])
17-9-2005
Huệ Khải




([1]) 20,000 Years in Sing Sing
([2]) Tiền khai Ngô Văn Chiêu (1878-1932) khi làm chủ quận Tân An và Phú Quốc tuy không cắt lính canh giữ mà tù nhân vì mến đức độ của Ngài, chẳng hề thừa cơ bỏ trốn.