1. ANH CHO EM MÙA XUÂN
Gởi
Thanh Mai
Những ngày cận tết, khu phố thường
rộn rã những khúc nhạc vui. Năm mới chưa sang, nhưng nét nhạc xuân tươi tắn
dường như đem ý xuân tới sớm trong lòng người đô thị. Chị thường bồi hồi mỗi
khi nhà hàng xóm cho nghe bài hát cũ, một kỷ niệm thuở thanh xuân: Anh Cho Em Mùa Xuân…
Hồi ấy chị sắp tốt nghiệp trường sư
phạm. Anh đã đi dạy được mấy năm. Hồi ấy thành phố còn thưa người, hàng tháng
còn ăn theo chế độ tem phiếu. Tết năm ấy, anh cùng chị sóng đôi đạp xe loanh
quanh thế nào rồi tình cờ lạc vào một nơi nửa quê nửa chợ. Anh thích thú chỉ
cho chị thấy một vạt lúa xanh non bên đường. Dựa xe đạp vào một thân dừa, anh
rủ chị mon men bước xuống bờ ruộng.
Buổi chiều yên ả. Gió thổi rì rào xua
vạt lúa nhấp nhô từng đợt như những lượn sóng con con màu lục. Chị thấy lòng
mình bỗng thênh thang. Thế rồi anh khe khẽ hát. Giọng anh không mấy hay, hát
chẳng đúng nhịp, nhưng lời ca đẹp quá, và khung cảnh quanh chị lúc ấy cũng hợp
với bài hát.
Đất
mẹ gầy có lúa / Đồng ta xanh mấy mùa / Ngoài đê diều căng gió / Thoảng câu hò
đôi lứa / Trong xóm vang chuông chùa / Trăng sáng soi liếp dừa / Con sông dài
mấy nhánh / Cát trắng bờ quê xưa …
Lần đầu tiên chị biết bài hát trữ
tình của Nguyễn Hiền, phổ thơ Kim Tuấn.
Nhiều năm sau, một buổi sáng chị và
anh ghé phòng tranh nhỏ trên đường Hồ Tùng Mậu ở trung tâm thành phố. Hôm ấy
bạn anh, ông họa sĩ gốc Huế, khai mạc triển lãm. Thế là tình cờ chị biết mặt
tác giả bài thơ Anh Cho Em Mùa Xuân.
Đón lấy tấm danh thiếp in tên Vĩnh
Khuê, hiệu trưởng trường dạy tiếng Anh và dạy nghề Thăng Long, rồi nhìn người
đàn ông ngăm ngăm ở độ tuổi lục tuần, không hề mang cái dáng dấp thư sinh mảnh
khảnh như chị từng hình dung, chị không khỏi buồn cười cho óc tưởng tượng của
mình.
Chị nói chị rất thích bài Anh Cho Em Mùa Xuân. Nhà thơ cười cười
hỏi chị thích bài thơ hay bài hát. Rồi không để chị trả lời, ông nói tiếp rằng
ông viết “Đất mẹ gầy có lúa” với niềm
mơ ước quê mẹ Hà Tĩnh sỏi đá cằn cỗi được no cơm, thế nhưng xưa nay bà con cứ
hát sai bét là “Đất mẹ đầy cỏ lúa”.
Tháng 9 năm 2003 nhà thơ đột ngột ra
đi. Đọc báo, chị sửng sốt. Bỗng nhớ lại hôm tao ngộ ở phòng tranh, ông bảo ông
thích cô Hà Thanh hát bài Anh Cho Em Mùa
Xuân hơn ai hết. Chị tủm tỉm cười nói rằng có một ca sĩ nghiệp dư hát bài
ấy còn hay hơn Hà Thanh nhiều. Và chị đưa mắt nhìn anh, ngầm trêu.
02-02-2010
2. BÀI HỌC THUỘC LÒNG
Công việc viết lách thường buộc anh phải tìm tranh ảnh minh họa. Vì thế,
tình cờ bắt gặp hình ảnh trong sách báo nào đó và nghĩ xa rằng có thể dùng cho
các bài viết của mình, anh cắt giữ lại.
Thiếu tính ngăn nắp, số ảnh tài liệu cứ bỏ đại vào một phong bì hay cái
hộp. Đến chừng cần minh họa cho một đề tài, trong đầu mang máng nhớ là ở nhà có
“đồ nghề”, mang máng nhớ hình như mấy năm trước mình bỏ chỗ nào đó. Bèn lục
tung lên.
Thường đi tìm ảnh này thì lòi ra ảnh khác. Tấm ảnh không hẹn mà tái ngộ
ấy nếu có điều chi đặc biệt, sẽ bắt anh ngắm nghía, tự hỏi sao mình lại có nó
nhỉ? Hoặc tự trách móc sau khi xoay ngược xoay xuôi mà không thấy ghi chú nguồn
gốc. Mất thời gian bới lục đã đành, còn mất thêm thời gian hồi tưởng.
Hôm nay, bới trong mớ ảnh vô trật tự của mình, anh tìm thấy tấm ảnh in
trong cuốn Types de Pays của P.
Gastaldy danh tiếng, xuất bản khoảng cuối thập niên 1930. Một chú bé bán báo.
Anh mau chóng nhớ ra lý do vì sao đã giữ lại nó. Bởi chú bé bán báo trong tấm
ảnh đã dắt anh quay về với một chú bé khác học ở trường làng. Khiến anh bồi
hồi.
Hồi xửa hồi xưa, học trò tiểu học có môn quốc văn. Sách giáo khoa hay
chọn các bài thơ giản dị làm “Bài học thuộc lòng”. Nhiều bài sớm quên tuốt,
nhưng lạ thay, có bài như một nỗi ám ảnh, khắc sâu vào ký ức, nằm im đó nhiều
năm. Hễ có dịp, bèn nhảy ra. Đúng là học thuộc lòng.
3. BĂN KHOĂN
Sáng Thứ Hai anh có giờ dạy. Sẽ giảng kỹ một bài ngữ pháp quan trọng để
củng cố căn bản cho phần lớn sinh viên trong lớp. Vì bài hôm nay tiếp nối bài
cũ với nhiều kỹ năng được nâng cao và phức tạp hơn, nên tuần trước anh đã căn
dặn hãy cố làm hết bài tập để nắm chắc kiến thức cũ thì mới dễ lãnh hội bài
mới. Có cả ngày Chủ Nhật, chắc hẳn sinh viên đủ thời gian thực hiện điều anh
mong muốn.
Chào cả lớp, anh tươi cười vui vẻ để khởi đầu một buổi sáng tốt lành. Thế
rồi chọn hú họa một cái tên trong bản danh sách dài hơn năm mươi nam nữ, anh
gọi một sinh viên lên bảng.
Loay hoay với cục phấn chẳng đầy một phút, chàng tuổi trẻ liền bước tới
bàn anh, nói rằng chưa làm một bài nào cả. Giọng tỉnh khô. Anh lặng thinh nhìn
kẻ vừa cả gan phá hủy buổi sáng đầu tuần của anh, và bất chợt cảm thấy dường
như bị xúc phạm. Tại sao đi học mà không làm bài? Tại sao anh đã dặn dò từ tuần
trước mà không chịu nghe? Tại sao và tại sao?
Yêu cầu kẻ làm biếng ra khỏi lớp xong, anh cảm thấy có điều gì không ổn.
Vô công rỗi nghề, biết đâu hắn sẽ tấp vào chỗ nào đó và nếu rủi ro xảy ra việc
gì đáng tiếc. Xã hội bây giờ đâu thiếu những cạm bẫy cám dỗ tuổi trẻ.
Lòng băn khoăn, anh vừa tự trách mình thiếu nhẫn nại vừa thầm trách gã
thanh niên kia vô tình. Lúc hắn quảy ba lô, rời khỏi những dãy bàn cuối lớp và
rảo bước lên phía trên, anh đã dõi nhìn theo, định bụng nếu hắn chào thầy một
tiếng thì anh bảo hắn quay lại ngồi học. Thế nhưng hắn thản nhiên đi thẳng ra
cửa, chẳng thèm nhìn anh nửa con mắt thì còn mong chi có một lời chào cho phải
phép.
06-4-2006
4. BUỔI CHIỀU LƯU TRỮ
Mắt bắt
đầu mỏi. Những con chữ nhỏ càng thêm lờ mờ trên nền giấy cũ kỹ ngả vàng. Mấy
bắp thịt lưng cũng nài xin được nghỉ ngơi một chút. Gỡ cặp kính ra, toan giụi
mắt, nhưng anh kịp dừng lại. Những hồ sơ lưu trữ đã qua ba phần tư thế kỷ, già
nua hơn cả tuổi đời anh ba thập niên; ngoài bụi thời gian, còn biết bao lần bảo
quản, chống mối mọt bằng hóa chất. Gấp lại xấp hồ sơ, tiện tay cầm khối mi-ca
chặn giấy dằn lên, anh khẽ dịch ghế, bước nhẹ ra ngoài bao lơn trống trải.
Chớp chớp mắt, anh ngó mông ra khoảng không trước mặt. Nắng chiều nhạt
trên mấy tán lá xanh xòe rộng. Con đường bên dưới như mới vừa bớt đi náo nhiệt.
Vây quanh là một cảm giác quen thuộc mỗi khi anh ghé bảo tàng, hay bước vào lưu
trữ. Cái gì đó tĩnh lặng và lắng đọng như đến mức thâm nghiêm. Có lần thử phân
tích cảm giác bất chợt ấy, anh tự hỏi, phải chăng vì ở những nơi chốn thế này
luôn bàng bạc, tiềm tàng những mảnh rời lịch sử.
Lý giải ấy đến với anh một cách chậm chạp, qua những lần mở ra các tập hồ
sơ thời Thống Đốc Nam Kỳ xếp trong fond
GouCoch, và cầm trên tay những di tích của lớp lớp người xưa: hoặc là những
bút phê của nhà cầm quyền bằng viết chì xanh, đỏ bên lề công văn, báo cáo; hoặc
là nét mực tím viết nắn nót với ngòi lá tre trên lá đơn; hoặc chỉ là một chữ ký
ngoằn ngoèo trên tờ pơ-luya đánh máy mà giấy mỏng tanh và đã muốn giòn như bánh
tráng...
Có những tuổi tên trước kia chỉ biết qua sách vở, đến lúc cầm trên tay,
tận mắt chứng kiến lời văn, thủ bút của họ, anh không khỏi thấy lòng nao nao
xúc động. Một cách kỳ lạ, có những khoảnh khắc anh không khỏi mường tượng rằng
dường như anh đang chạm ngón tay vào thiên cổ, và đang tình cờ ghé mắt vào công
việc của những con người lịch sử một thời...
07-3-2001
5. CÁI TÀU CAU
Anh lướt nhìn và lật nhanh qua các trang của tờ báo ngày. Việc ấy đã
thành thói quen mỗi sáng để, theo sở thích, anh chọn riêng cho mình một vài
điều cần quan tâm giữa bộn bề thông tin của đời thường muôn vẻ.
Lúc định xếp lại tờ báo, gạt qua một bên, anh nhác thấy tấm ảnh nhỏ, đen
trắng, khiêm nhường nép ở một cột báo. Nhấc kính, gí mắt nhìn gần cho rõ hơn,
anh nhận ra một chú bé đang túm đầu tàu cau, kéo em khác ngồi bệt trên mo cau,
hai bàn tay nhỏ bám chặt vào tàu lá. Cả hai đều đội nón. Nhìn bóng lá in trên
nền đất, anh nghĩ bấy giờ trời đang trưa...
Anh không thấy bụi đất bay lên trong ảnh. Nhưng sao có đám bụi nào chợt
mù lên trong ký ức cùng với tiếng xoèn xoẹt của chiếc mo cau kéo lê xềnh xệch
trên mặt lộ gồ ghề của đường quê thơ ấu, hòa với tiếng cười nắc nẻ hồn nhiên,
tiếng lũ trẻ nhau nhau giành đến lượt...
Khi anh tỉ mỉ cắt lại tấm ảnh, rồi đính lên một góc bàn làm việc, cạnh
màn hình computer, con anh tò mò sán lại gần, nhìn chăm chú. Anh định nói gì
đó, như giải thích, nhưng lại thôi.
Sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn, con anh không biết dang nắng ngoài đồng móc
đất sét về nặn tượng, nhưng đã có hộp chất dẻo nhiều màu, bán sẵn trong nhà
sách. Con anh không biết tự tay làm cái chong chóng bằng giấy, găm vào cọng
kẽm, không biết ngắt cái lá quấn sao cho kêu te te giữa hai bờ môi mím lại...
nhưng có thể thao tác thành thục mỗi khi muốn set up một dĩa game, khi tự mò
mẫm với bàn phím để tìm ra những tuyệt chiêu khai thác hiệu quả trò chơi điện
tử.
Con trẻ
nhìn anh, mỉm cười thỏ thẻ: Chơi như vầy cũng vui lắm, ba há? Anh ôm con vào
lòng, âu yếm: Ờ, vui nhiều. Con nép vào người anh, nhỏ bé. Và lần nữa, bất giác
anh lại thấy anh bằng tuổi con bây giờ, với chiếc tàu cau cùng đám bụi mờ một
ngày thơ dại.
Tháng 02-2001
6. CẦU TUỘT
Gởi Nguyễn Duy Chính
Bạn phương xa vừa gởi anh một thư dài, có đoạn kể ba bố con đi chơi công
viên. Một cháu lên bốn, một cháu lên hai. Thấy cái cầu tuột cao, cháu lớn mạnh
dạn leo lên rồi thả người trôi xuống nhẹ nhàng. Đứa em thích thú, muốn bắt
chước, nhưng rồi chỉ ngập ngừng đứng ở chân thang. Bố cháu khuyến khích mấy
cũng không kết quả. Một ông bố khác đứng cạnh đó bèn góp ý: “Ông cùng leo lên
với cháu, cháu sẽ hết sợ.” Bạn anh thử làm theo, quả nhiên thành công. Sau đó
cháu bé có thể tự chơi cầu tuột một mình, rất đỗi thích thú.
Kết thúc câu chuyện, bạn anh triết lý: Dưới con mắt người lớn, việc chơi
cầu tuột thật đơn giản, thật dễ dàng, nhưng trong cái đầu của cháu bé hai tuổi
vấn đề lại khác hẳn. Cháu chưa từng trải nghiệm trò này bao giờ. Lần thử nghiệm
đầu tiên chắc chắn là một thách thức lớn, rất lớn. Nó không còn là trò chơi mà
chính là một nỗ lực to tát, buộc đứa trẻ phải thắng được nỗi sợ hãi trước một
cái gì mới mẻ, xa lạ. Trong cuộc sống, người lớn cũng y như vậy. Lắm phen họ
vẫn chỉ là những trẻ thơ rụt rè, sợ hãi mỗi khi phải tiếp xúc lần đầu một cái
gì mới lạ, vượt khỏi tầm nhìn cố hữu. Cho nên muốn dẫn dắt ai, ta đừng bảo họ
bằng lời nói suông, mà phải đi chung một đường với họ, nhập cuộc với họ.
Kết luận thâm thúy của ông bạn buộc anh vẩn vơ suy nghĩ. Và anh liên
tưởng đến nguyên do vì sao trong lịch sử nhân loại đã có các đấng cứu thế chọn
cách hóa thân làm người. Phải chăng để chia sẻ nỗi sướng vui sầu khổ nhân sinh,
và để nhập cuộc, cùng đi chung với con người trên nẻo đường trở về quê xưa nhà
cũ?
04-5-2006
7. CHÍN VÀ MƯỜI
Một cuốn sách về nghi lễ Cao Đài in
năm 1939 ở Bạc Liêu, nay đã trở thành di thư vì từ lâu người soạn đã “vĩnh du
tiên cảnh”, đã mãi dạo cảnh tiên, như lời lẽ thỉnh thoảng còn gặp trong vài tấm
trướng đi phúng tang. Con gái của người xưa ấy muốn gấp rút in lại, và nhờ anh
làm giúp phần san nhuận. Mà lỗi in sai nhiều quá. Chữ in nhòe nhiều quá. Điển cố
nhiều quá. Lời ăn tiếng nói người Nam Kỳ thuở trước cũng khác nay nhiều quá.
Nên cứ phải mầy mò tra cứu tỉ mỉ, cân nhắc từng mặt chữ, từng nghĩa lý. Công việc
làm anh như chìm đắm suốt trong những ngày này. Đã ra một hạn chót. Rồi lại gia
hạn. Và tiếp tục tự gia hạn.
Mấy tuần rồi vin vào tính cần kíp sự
việc anh thấy mình có lý do chánh đáng để không về thăm mẹ như thông lệ. Và
cũng làm biếng “a lô” một tiếng với mẹ nữa. Nhớ con, cũng sợ con bệnh mà giấu,
nên mẹ gọi điện. Cho rằng bị quấy rầy đang lúc cần tập trung làm việc, anh
không vui. Nghe giọng anh mẹ cũng không vui, ngắn gọn vài câu rồi cúp máy.
Hôm nay anh làm tiếp sang phần văn tế,
con cúng cha mẹ. Giữa trang sách cũ bỗng chựng lại. Kìa chín chữ cù lao
lồng lộng / Nọ mười ơn dưỡng dục minh minh. Người xưa khéo lồng cả đạo đức Nho và luân lý Phật
vỏn vẹn trong hai câu lục bát để nhắc kẻ làm con chữ hiếu.
Anh liên
tưởng bài Lục Nga trong Kinh Thi:
Phụ hề sanh ngã / Mẫu hề cúc ngã / Phủ ngã súc ngã / Trưởng
ngã dục ngã / Cố ngã phục ngã / Xuất nhập phúc ngã / Dục báo chi đức / Hạo
thiên võng cực.
(Cha thời
sanh ta / Mẹ thời dưỡng ta / Vuốt ve cho bú / Nuôi lớn dạy dỗ / Trông nom nâng
đỡ / Ra vô ẵm bồng / Muốn báo ơn đức / Trời cao lồng lộng.)
Tất cả
những nhọc nhằn, vất vả của cha mẹ sanh dưỡng con tóm trong chín chữ: sanh (đẻ con), cúc (nuôi con), phủ (vỗ về),
súc (cho bú), trưởng (nuôi lớn), dục (dạy
dỗ, cho ăn học), cố (trông nom), phục (nâng đỡ), phúc (ẵm bồng).
Mười ơn sâu của mẹ cha mà con cái khó bề
báo đáp, theo Phật là: (1) ơn mẹ mang thai và gìn giữ thai nhi; (2) ơn mẹ sanh
con chịu vô vàn khổ sở, đau đớn; (3) ơn mẹ sanh con rồi nhìn thấy con lành lặn
thì quên hết mọi âu lo khổ nhọc đã chịu; (4) ơn mẹ nuốt đắng để mớm ngọt cho
con, như nhai cơm búng; (5) ơn mẹ chịu nằm chỗ ẩm ướt để nhường con chỗ khô
ráo; (6) ơn mẹ cho con bú mớm; (7) ơn cha
mẹ giặt rửa ráy dơ uế cho con; (8) ơn cha mẹ luôn nhớ nghĩ đến con khi con xa
nhà; (9) ơn cha mẹ luôn an ủi và tha thứ cho con, hoặc vì nuôi con mà có khi
phải gây nghiệp xấu; (10) ơn cha mẹ suốt đời thương yêu ân cần đối với con.
Anh xấu hổ. Ứa nước mắt. Cha mẹ nuôi ăn
học, chữ nghĩa cho lắm vào để rồi mượn cớ này, vin cớ cái kia trót làm mẹ buồn.
Tắt computer, anh dắt xe ra cổng.
12-11-2008
8. CHỮ VÀ NGHĨA
Từ khi làm từ đường và tổ chức giỗ hội,
năm nào cũng vậy, sau rằm tháng Giêng chị lại chuẩn bị mướn xe, sửa soạn các
món để đưa ba má cùng người chú đã hưu trí rời Sài Gòn đi cù lao Long Thuận,
huyện Hồng Ngự. Nói như lớp xưa là về Lục Tỉnh, mặc dù từ thời Tây mới chiếm
Nam Kỳ thì sáu tỉnh đã sớm bị chia nhỏ thành hai mươi, rồi hai mươi mốt tỉnh.
Năm nay ngày giỗ hội trùng với khóa tu
dưỡng trong tiết xuân phân. Ba má chị vì việc đạo, không về quê được. Chú ghé
nhà, bàn: “Mướn nguyên chiếc xe tốn tiền quá. Chú cháu mình đi xe đò cho gọn.”
Chị ngẫm nghĩ rồi cười: “Lâu lắm mới
nghe hai tiếng xe đò. Bây giờ dân thành phố quen nói xe khách, xe buýt. Xe chạy
trên lộ, đò đi dưới sông. Xe là xe, đò là đò, vậy mà dân cố cựu Lục Tỉnh vẫn
quen nói ghép thành xe đò.”
Nhận ra một thói quen cửa miệng hình
thành từ thuở nhỏ, chú cũng cười: “Nam Kỳ rộng hơn sáu mươi bảy ngàn cây số
vuông, không chỉ là đồng bằng lớn nhứt nước mà còn là châu thổ lớn nhứt Đông
Nam Á. Sông nước, kinh rạch Nam Kỳ chằng chịt, tổng số chiều dài lên tới trên
năm ngàn cây số. Hồi xưa bà con đi lại chỉ dùng đò ngang, đò dọc. Tới chừng có
xe hơi chở khách trên đường lộ thì bà con kêu luôn là xe đò.”
Ngừng một chút, chú thủng thỉnh nói
tiếp: “Quá giang là qua sông. Vậy mà đứng bên đường lộ, ngoắc xe xin đi ké, đi
nhờ thì bà con mình kêu là quá giang, có giang.”
Nghe vậy chị lại liên tưởng tới nghề in.
Hồi xưa thợ in phải bốc từng con chữ rời (movable
type), xếp từng chữ cái mới thành từ ngữ, ra câu cú. Do đó nghề in có cách
nói “xếp chữ, sắp chữ”. Bây giờ tân tiến, chỉ cần gõ phím trên keyboard máy
computer là xong, tiện lợi biết bao. Nghề sắp chữ mai một từ lâu, thế nhưng
hàng tuần ở bìa hai của tờ tuần báo đạo thân quen chị vẫn nhìn thấy: “Sắp chữ
tại phòng vi tính …”
Chị nhận ra, theo dòng chảy thời gian,
có một số lời ăn tiếng nói dần dần biến mất vì cái mà nó gọi tên đã lùi xa vào
dĩ vãng. Bù lại, phát sinh thêm một số từ ngữ mới để kịp thời thích nghi cuộc
sống đổi thay. Song, vẫn còn đó một số chữ cũ kỹ nhưng mang mặc ý nghĩa mới, và
con người vẫn dùng theo thói quen mà ít khi lưu tâm rằng cách hiểu ban sơ nay
không còn nữa.
06-3-2007
9. CÓ MỘT NỤ CƯỜI
Ba ngày trung tuần tháng Bảy âm lịch,
tôi và vài bạn đạo ra Trung dự đại lễ của một hội thánh lớn. Đây là lần đầu
tiên chúng tôi đặt chân
đến quê hương “chưa mưa đã thấm” với
thứ danh tửu “chưa nhấm đã say”. Biết
thế, ban tổ chức tuy rất bận rộn nhọc nhằn với đại lễ vẫn chu đáo sắp đặt sẵn
sàng cho chúng tôi việc đi lại, đưa đón cho cả hai chuyến khứ hồi, bố trí nơi
lưu trú tiện lợi và thoải mái. Thời gian eo hẹp của ngày chót cũng không vì thế
ngăn trở được ban tổ chức tạo điều kiện đưa chúng tôi thăm một thoáng phố cổ
Hội An… Ái ngại vì quý anh phải vất vả thêm sau khi vừa tổ chức thành công đại
lễ, chúng tôi phải cố từ tạ để gác lại mục đi Ngũ Hành Sơn mà quý anh định sẵn.
Một ngày rưỡi đầu tiên, chúng tôi được nếm mùi mưa gió miền Trung. Có
thời tiết khắc nghiệt như vậy mới thấy tận mắt óc tổ chức và tài tháo vát của
bổn đạo địa phương. Các lều bạt, sân khấu lớn ngoài trời… đã dàn dựng, thiết
trí ổn định rốt cuộc đành phải thay đổi tức tốc. Ngoài trời gió mưa cứ vần vũ
tơi bời, nhưng các chương trình đã lên lịch đều tuần tự diễn ra suôn sẻ.
Nhờ ơn Trời, từ trưa ngày Thứ Hai cho đến khi xong đại hội thì mây quang,
nắng đẹp. Cùng với hơn ba ngàn người đời và đạo, chúng tôi được dự trọn vẹn một
đại lễ với ấn tượng sâu sắc.
Tuy nhiên, bất ngờ xảy ra trục trặc nhỏ. Trong chương trình có mục vị
lãnh đạo hội thánh đọc diễn văn. Cụ xấp xỉ chín mươi, nên ban tổ chức cắt đặt
người sẽ giúp cụ bước từ hàng ghế danh dự tiến lên lễ đài. Và một bản văn in
chữ to dành riêng cho bậc trưởng lão sẽ được trang trọng dâng trình sau đó… Có
lẽ quá mệt vì suốt mấy ngày liền xốc vác lo liệu cho đại lễ, người được phân
công không kịp sẵn sàng bên cạnh vị lãnh đạo cao nhất của hội thánh đúng vào
lúc cụ được long trọng thỉnh lên lễ đài.
Thật nhanh thôi, nhưng sự cố trên lễ đài dường như đã khiến cho hàng ngàn
người dự lễ chợt lặng im phăng phắc, ái ngại, băn khoăn... Tôi chạnh lòng, có
cảm giác mơ hồ như bầu trời áp thấp nhiệt đới chợt đè xuống nặng trĩu. Và cũng
như hàng ngàn cặp mắt khác, tôi chăm chăm nhìn lên bậc Thiên ân hướng đạo, thắc
thỏm…
Một đạo hữu nào đó linh hoạt tìm ngay bản văn khác và mau lẹ tiến lên lễ
đài, nhẹ bước đến bên cụ, cung kính dâng lên. Và kìa, cụ ung dung đón lấy bản
văn in chữ nhỏ, nhoẻn miệng nở nụ cười bao dung hiền hậu.
Tôi nhìn quanh, bắt gặp những gương mặt dãn ra, những miệng cười thán
phục và những cái đầu gục gặc tán thưởng. Rồi cụ kết thúc diễn văn. Những tràng
pháo tay giòn giã như càng thêm giòn giã.
Đức Lão Tử dạy: Họa hề phúc chi sở ỷ.
(Họa là chỗ dựa của phúc.) Tương tự, dân gian mình bảo: Trong cái rủi có cái may. Quả đúng như thế. Bởi, nếu không có chút
xíu trục trặc đó trên lễ đài, làm sao mọi người có dịp tận mắt nhìn thấy công
phu hàm dưỡng của bậc Thiên ân hướng đạo?
31-8-2010
10. CÒN LẠI
Hàng ngày chở con gái đi học, để rút ngắn quãng đường từ bờ kinh Nhiêu
Lộc bên Phú Nhuận sang mãi quận Năm, anh chịu khó len theo mấy ngõ hẹp loanh
quanh trong các hẻm nhỏ ngoắt ngoéo của giáo xứ An Lạc.
Từ khi làm thêm công trình xử lý nước, người ta chắn vách tôn ngăn cả một
đoạn dài ven kinh, ngay ở đầu cầu Sạn đã phá bỏ. Dòng người đông đúc vào giờ
cao điểm nhiều khi phải dồn cục lại để chậm chậm lách xe tránh nhau ở phần hẻm
hầu như chỉ còn vừa đủ rộng cho một thân xe gắn máy.
Sáng Thứ Ba, anh đưa con trở lại trường sau ngày nghỉ bù tết dương lịch.
Lúc giảm ga quẹo cua để chực thoát khỏi hẻm, anh bất chợt nhìn thấy ở trước đầu
xe mình một dấu tích của mùa Giáng Sinh vừa trôi qua. Nhà chật, không sân, gia
chủ tận dụng mẻm đất sát vách để tái tạo hình ảnh thu nhỏ máng cỏ nằm khiêm
nhường trong hang đá.
Xe nhích bánh chầm chậm, anh có dịp đưa mắt nhìn vào trong hang. Không
còn các tượng nhỏ, nom trống trải. Và kia… chủ nhà quét rác buổi sớm từ bao giờ
mà chưa dẹp cây chổi. Thân chổi dựng ngược, đầu chổi cỏ lau cùn tựa hẳn vào
vách hang, lớp sơn phủ trên giấy xi măng giả làm màu đá vốn đã cũ đi vì bụi
đường và mấy cơn mưa bất thường vào dịp cuối năm trông càng thêm thảm hại.
Cho xe chạy theo ven kinh, lúc này đường khá trống trải mà anh chẳng buồn
tăng tốc. Vẫn lỏng tay ga, anh bận lòng nghĩ về hang đá cũ, thầm hỏi sao chủ
nhà kia nỡ vô tâm, sơ ý thế.
03-01-2006