47. Quà sinh nhật của cô y tá
Ngoài việc diễn thuyết, bình luận tin tức, Nancy B. Gibbs là một nhà văn,
nhà báo tự do, đã in một số sách nói về nghệ thuật sống. Những bài viết, những
câu chuyện giàu tính nhân bản của bà thường được tuyển chọn in lại trong nhiều
hiệp tuyển khác nhau và đó là nguồn an ủi, nâng đỡ tinh thần cho nhiều lứa
tuổi, nhiều thành phần độc giả nam nữ. Website riêng của bà là: http://www.nancybgibbs.com.
Năm ấy, trước sinh nhật mẹ Nancy mấy
tháng, bác sĩ chẩn đoán cha Nancy
mắc bệnh Parkinson. Chứng tê liệt tiến triển rất nhanh. Bệnh này còn khiến
nhiều người không nói chuyện được. Vì thế, trong lần nhập viện đầu tiên, cha Nancy tha thiết: “Lo cho
mẹ, con nhé! Đó là tất cả những gì cha xin con.”
Suốt sáu tháng liệt giường, cha Nancy
không thể thốt ra lời, dẫu một tiếng thầm thì. Mất trí nhớ là một hậu quả phức
tạp khác. Mới mấy tháng ông đã quên luôn tên con gái. Mẹ con Nancy đau đớn, nhận thức rõ là họ đang mất
chồng, mất cha trong từng khoảnh khắc một.
Rồi cha Nancy
được chuyển sang một dưỡng đường tư. Suốt ngày người vợ hầu như không rời
giường bệnh. Các y tá thấu hiểu lòng bà và họ rất quý mến đôi vợ chồng ấy. Trong
số nữ điều dưỡng có Tina. Cô xót xa nhìn bà vợ ngày càng héo hắt bên ông chồng
bất động, và không hiểu sao cô lại biết sinh nhật mẹ Nancy đang tới gần.
Tina lẳng lặng mua một khung hình nhỏ, lồng vào đó tấm ảnh
cha Nancy . Dưới
đáy khung có gắn một đoạn băng đủ để ghi âm một lời chúc mừng ngăn ngắn. Tina
biết rằng, nếu nhiệt tâm khuyến khích và kiên trì giúp đỡ, người bệnh vẫn có
thể cực nhọc thều thào được một chút. Trong hai tuần liên tiếp, đợi bà vợ rời
khỏi phòng nuôi bệnh, Tina lại tới bên giường, năn nỉ người chồng cố gắng nói
vào mi-crô.
Hôm sinh nhật của mình, mẹ Nancy vẫn vào dưỡng đường nuôi chồng như
thường lệ. Qua cặp mắt sưng mọng, bà ngạc nhiên nhìn thấy mọi góc phòng đã được
trang hoàng bằng mấy chùm bong bóng tươi tắn màu sắc. Trong lòng người bệnh là
gói quà xinh xắn.
Từ lúc nào, Tina và các nhân viên khác đã lẻn vào đứng yên
sau lưng bà. Cả căn phòng bỗng im ắng lạ thường. Mẹ Nancy mở gói quà, ngón tay
ấn vào một nút nhỏ trên khuôn hình. Rất khẽ khàng, nhưng đủ cho bà nghe rõ:
“Chúc Grace sinh nhật vui vẻ.” Vỏn vẹn vài tiếng thôi nhưng tràn trề hạnh phúc.
Suốt nhiều tháng rồi, dẫu kề cận bên chồng, bà chưa một lần được nghe lại giọng
nói quen thuộc ấy.
Bày tỏ lòng cảm kích, Nancy
nói rằng món quà vô giá của Tina đã vực dậy tinh thần cả nhà bà. Tấm lòng nhân
hậu của cô y tá đã mang nghị lực đến một gia đình đau khổ. Cánh cửa vĩnh hằng
dẫu sẽ mở ra để người thân yêu của họ bước qua, nhưng từ buổi sinh nhật ấy họ
đã đủ vững vàng chuẩn bị đón nhận.
15-01-2005
Huệ Khải