5. Sinh nhật trẻ khó dạy
Galileo
Galilei (1564-1642), nhà vật lý, thiên văn Ý, nói: “Chúng ta không thể dạy ai điều gì hết, mà
chỉ có thể giúp họ khám phá điều ấy nơi bản thân họ.” ([1]) Nếu quả thế, phải chăng giáo dục
đích thực chính là biết gợi mở để người khác tìm lại cái mà họ trót lãng quên?
Nếu đúng thế, thì thầy Marty Appelbaum đã làm được việc ấy.
Ngoài bằng
cử nhân, thầy còn có bằng sư phạm của Trung Tâm Quốc Gia Giáo Dục Montessori,
và chứng chỉ của Trung Tâm Quốc Gia Các Chuyên Viên Chăm Sóc Trẻ.([2])
Là tác giả
và đồng tác giả mười một quyển sách về chăm sóc trẻ, thầy được mời nói chuyện
trên đài phát thanh, truyền hình, làm biên tập viên cho các tạp chí hướng dẫn
nuôi dạy trẻ.
Thầy còn
là chủ tịch Viện Đào Tạo Appelbaum,([3]) một trong những cơ sở lớn nhất ở Mỹ
mà thầy và Tiến Sĩ Marilyn Appelbaum đồng sáng lập (1989), chuyên huấn luyện
nghề dạy trẻ, mỗi tuần có hàng chục hội thảo chia sẻ kinh nghiệm với các giáo
chức về trẻ khó dạy.
Trong ký
ức nghề nghiệp không quên của thầy, cháu Jay Brewer từng là một trẻ khó dạy.
Đối với thầy, sáu tháng liên tục chịu đựng các trò quậy phá hàng ngày của cháu
trong lớp cũng thừa mệt mỏi chẳng khác gì sáu năm dồn lại. Nhưng thầy không
ngạc nhiên chút nào về cá tính của cháu. Từ lâu thầy biết cháu mồ côi mẹ ngay
khi vừa lọt lòng, còn cha lúc nào cũng bù đầu với việc làm ăn.
Cháu luôn
luôn được đưa tới trường thật sớm, nhưng cha lại thường xuyên đón về nhà muộn
màng. Hầu như cháu chẳng vắng một buổi nào cả. Lớp học vô hình trung trở thành
một ngõ thoát bất đắc dĩ cho hai cha con. Thầy biết cháu đang cần được gần gũi,
tin yêu, chăm sóc. Đó là trị liệu pháp duy nhất chứ không phải những biện pháp
răn đe, trừng phạt.
Một buổi sáng, như thường lệ thầy đến trường sớm mười lăm phút nhưng đã
thấy hai cha con Jay chờ sẵn rồi. Người cha trao cho thầy hộp bánh kem và gói
quà tặng, nhờ thầy sắp xếp cho cả lớp liên hoan mừng sinh nhật con ông vào buổi
chiều. Rồi ông hạ thấp giọng, cho biết sẽ bận việc tới tối, chẳng những không
tới dự được, mà còn phải nhờ một cô giữ trẻ đến đón con đưa về nhà giúp.
Sáng hôm đó cháu vẫn lặp lại thái độ ương ngạnh và các trò phá phách cố
hữu. Khi thầy đổi chỗ ngồi của cháu để cho cháu hạ nhiệt thì chú bé chợt ngẩng
nhìn và hỏi: “Cha con có tới không, thầy?”
“Không, cha con rất bận, con à!”
Cháu quay ngoắt đi, chạy mấy bước, rồi
khựng lại. Không chỉ nét mặt mà cả dáng hình cháu đều đượm vẻ buồn tủi. Đứa trẻ
ngỗ nghịch mọi ngày biến đâu mất rồi, trước mắt thầy chỉ còn một tâm hồn mỏng
manh với nỗi đau khổ đang thấm sang lòng thầy.
Buổi trưa, thầy đắn đo mãi rồi quyết
định gọi điện tìm cha cháu và phải đợi một lúc mới gặp được. Thầy lựa lời nói: “Thưa
ông, tôi chẳng biết ông sẽ nghĩ gì về sự can thiệp của tôi, nhưng mong rằng tôi
nói điều này không làm ông phật lòng. Hôm nay con trai ông cần có cha bên cạnh. Tôi vẫn biết lúc
nào ông cũng bận rộn công việc và họp hành, nhưng thưa ông, ông mới là người
quan trọng trong đời con trai ông. Chiều nay nếu ông không có mặt ở lớp tôi thì
sinh nhật của cháu chẳng còn nghĩa lý gì đâu.”
Đầu dây bên kia im lặng. Thầy cũng im lặng, cảm thấy ngực nặng nề khó
thở. Dẫu sao cái điều khó mở miệng thầy cũng thốt ra hết rồi. Cuối cùng, người cha
khẽ khàng lên tiếng, giọng run run như đang cố nén cảm xúc: “Cảm ơn thầy. Tôi
sẽ tới.”
Thầy không báo tin cho cháu, cố ý tặng cho đứa trẻ một món quà đặc biệt,
bất ngờ. Và đúng như thế. Vừa nhác thấy dáng cha ở cửa lớp, cháu vội chạy ùa
tới, nhảy bổ vào vòng tay cha, ôm chặt. Nước mắt tuôn xuống trên mặt đứa con,
trên mặt người cha, và cả thầy giáo nữa.
Chưa bao giờ cháu vui vẻ, dễ thương với bạn bè đến thế. Tàn tiệc, cháu
cẩn thận chào hết cả lớp rồi nhưng vẫn thừa hăng hái để tạm biệt thêm lần nữa.
Trong lúc ấy, cha cháu xúc động bắt tay thầy giáo: “Cảm ơn thầy đã gọi điện.
Hôm nay là một ngày rất ý nghĩa cho cha con tôi. Tôi nhớ mẹ cháu biết bao. Vợ
chồng chúng tôi đã trù tính nhiều thứ. Chưa bao giờ tôi bỏ lỡ một cơ hội để tỏ
lời yêu thương vợ. Hồi trưa, sau khi gác điện thoại, tôi tỉnh ngộ nhận ra rằng
kể từ lúc nhà tôi mất đi, tôi đã trốn chạy cuộc sống. Tôi vô vàn biết ơn thầy
đã giúp tôi nhớ rằng con tôi rất cần có tôi.”
22-11-2004
Huệ Khải