Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

TRẦN VĂN CHÁNH: ĐỌC SÁCH LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI



ĐỌC SÁCH
LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI
THỜI TIỀM ẨN 1920-1926
TRẦN VĂN CHÁNH
Việt Nam có hai tôn giáo bản địa độc đáo: Cao Đài và Hòa Hảo. Do hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, nếu tính lùi thời gian từ giữa năm 1975 trở đi đến khoảng chừng mười năm trở về trước, trong suốt hơn ba mươi năm, thư tịch liên quan đến hai tôn giáo này nói chung hầu như không thấy xuất hiện, vì thế sự hiểu biết của công chúng trong cũng như ngoài đạo về cả hai phương diện giáo lý và lịch sử cũng bị rất nhiều hạn chế, từ đó có thể làm nảy sinh một số chuyện hiểu lầm đáng tiếc và không đáng có.
Riêng về đạo Cao Đài, phát triển rất nhanh, với số tín đồ năm 1997 chỉ khoảng gần 1,2 triệu,([1]) nay đã lên đến ước khoảng gần 3 triệu người trong nước và 30 ngàn ở nước ngoài,([2]) cái khoảng thiếu sót nêu trên có lẽ đã được lấp trống dần dần từ khi Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo do Huệ Khải (Dũ Lan Lê Anh Dũng) chủ trương bắt đầu hoạt động từ giữa năm 2008. Tính đến nay, chỉ trong vòng chín năm, Chương Trình này đã lần lượt cho xuất bản được đến hơn một trăm đầu sách đủ loại, từ kinh sách, giáo lý cơ bản đến lịch sử Đại Đạo, tiểu sử các danh nhân, và thơ văn…, chưa kể tập Đại Đạo Văn Uyển, một loại sách tổng hợp chuyên đề nhiều tác giả, cứ khoảng ba tháng xuất bản một lần, đến nay đã ra được đến tập số 21.
Là một người ngoại đạo chỉ chú ý nhiều hơn đến khía cạnh lợi ích nói chung của tôn giáo đối với xã hội, từ đó có nhu cầu tìm hiểu lịch sử và lý do phát triển của mỗi tôn giáo, đặc biệt các tôn giáo bản địa, nên khi tiếp nhận được cuốn Lược Sử Đạo Cao Đài Thời Tiềm Ẩn 1920-1926 của Huệ Khải (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017, dày 200 trang), tôi nhận ra ngay đây thuộc loại sách quý hiếm cần đọc, có thể cung cấp cho mọi người có quan tâm vấn đề tôn giáo một tập hợp tư liệu có tính hệ thống về lịch sử đạo Cao Đài, trong đó chứa đựng rất nhiều điều mà trước đây mọi người có thể đã có dịp nghe qua nhưng còn rất lờ mờ.
Đặc biệt, sách còn có thêm phần đối chiếu tiếng Anh (dưới tên gọi A Concise Caodai History the Earliest Beginnings 1920-1926), giúp người đọc nước ngoài dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu tìm hiểu đạo Cao Đài. Bên trong sách còn có thêm 28 trang phụ bản in rõ và đẹp, làm cho cuốn sách trở nên đỡ khô khan, với ảnh chân dung các nhà khai đạo, cùng hình ảnh các sự kiện lịch sử liên quan; đáng chú ý có cả ảnh chụp đầy đủ “Mười một trang danh sách và chữ ký các môn đệ Cao Đài trong cuộc họp khai tịch Đạo ngày 29-9-1926”, thuộc loại tư liệu quý hiếm lâu nay ít được người trông thấy.
Tuy người viết khiêm tốn tự nhận mình không phải nhà chuyên môn chép sử, nhưng người đọc dễ dàng nhận thấy quyển sách xứng đáng là một tài liệu lịch sử biên soạn có phương pháp khoa học, với cách trình bày mạch lạc sáng sủa, có tính hệ thống, với một văn phong dễ đọc, kỹ lưỡng cả trong cách dùng từ chuẩn xác và dẫn chứng tư liệu, kèm theo những chú giải cần thiết của một công trình khoa học.
Tôi chú ý đọc kỹ hơn phần “Mở Đầu” và phần “Thay Lời Kết”, vì dường như ngoài phần chép sử ở các chương chính ra (với tất cả bốn chương), tất cả suy tư và “tâm sự” của tác giả đều dồn tụ hết ở hai chỗ này. Theo tác giả, lịch sử đạo Cao Đài trải qua thời kỳ tiềm ẩn dài sáu năm (1920-1926) để chuẩn bị nhân sự khai Đạo và mọi điều kiện cần thiết khác cho việc cơ cấu một tôn giáo có quy củ. Phần “Mở Đầu” rất quan trọng, qua đó tác giả giới thiệu tóm tắt ba kỳ phổ độ của Đại Đạo mà Kỳ Ba khởi đầu từ khoảng giữa thế kỷ 19, với đặc điểm thế giới ngày một gần lại, các nền tư tưởng gần lại, giúp con người khám phá ra sự tương đồng trong tính đa nguyên đa dạng, dẫn tới xu hướng dung hòa và tổng hợp tư tưởng đông tây kim cổ. Trong Kỳ Ba này, thật vậy, các triết gia, học giả đã khởi xướng một phong trào đối chiếu và tổng hợp tư tưởng triết giáo qua rất nhiều cuộc họp thượng đỉnh tôn giáo thế giới, được tác giả Huệ Khải liệt kê dẫn chứng một cách chi tiết và đầy sức thuyết phục (ở các trang 14-18), nhằm nỗ lực đưa con người gần lại nhau trong tinh thần đại đồng, có nghĩa đại khái rằng, trong tương lai nhân loại (tương ứng Kỳ Ba phổ độ), sẽ không còn một tôn giáo nào hoàn toàn độc tôn cả. Tới đây, tác giả Huệ khải dường như muốn nói với mọi người: Thì đây cũng chính là tư tưởng triết giáo căn bản của đạo Cao Đài chúng tôi!
Phần “Thay Lời Kết” ở cuối sách là một bài viết thú vị. Ở đây tác giả cố gắng biện minh cho những điều người ta rất thường hiểu lầm về đạo Cao Đài, chủ yếu bằng cách dẫn chứng mấy lời nhận xét khách quan của vài học giả, nhà nghiên cứu xã hội, tôn giáo phương Tây, đáng chú ý có lời của Giáo Sư Ralph Bernard Smith (1939-2000), Viện Đại Học London (tr. 102): Sự hiểu biết hời hợt về yếu tố tôn giáo trong đạo Cao Đài lại rất phù hợp với thói nhạo báng hoặc lối chỉ trích cay độc của các quan sát viên chính trị… Trong những tình huống như thế, có lẽ chẳng ngạc nhiên rằng thực chất và căn nguyên của đạo Cao Đài đã không được nhìn thấy, và thậm chí lịch sử tôn giáo này cũng chưa hề được tóm tắt đầy đủ bằng bất kỳ ngôn ngữ phương Tây nào… Trong chừng mực nào đó, việc người phương Tây không hiểu biết về đạo Cao Đài là trách nhiệm của chính những người Cao Đài .
Lời nhắc nhở vừa nêu trên của Giáo Sư Smith (mà tác giả đọc được hồi năm hai mươi hai tuổi) có lẽ là một trong những động lực thúc đẩy để trong tủ sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thỉnh thoảng chúng ta thấy có kèm thêm bản dịch tiếng Anh, như trong trường hợp cuốn Lược Sử Đạo Cao Đài… này. Cách làm như vậy lẽ tất nhiên rất tốt, nhưng thiết nghĩ, ngay trong cộng đồng người Việt, cả trong lẫn ngoài đạo, nhiều người vẫn còn hiểu rất lơ mơ về nền tôn giáo bản địa đặc sắc và có ảnh hưởng khá sâu rộng này, do vậy trách nhiệm của tác giả Huệ Khải và những người đồng sự của anh chắc chắn sẽ còn nặng nề, và độc giả đang chờ sẽ được cho xem tiếp những tập lịch sử ở các giai đoạn tiếp sau.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, với một người ở trong đạo mà viết về lịch sử đạo mình, không khỏi sẽ đụng phải những điều tế nhị, nhạy cảm, nhất là khi đề cập những sự kiện, vấn đề liên quan đến thời kỳ tiềm ẩn với không ít điều “tiềm ẩn” chưa tiện trình bày đầy đủ. Điều khó khăn này dường như tác giả Huệ Khải đã cảm nhận được, khi anh viết lời “Giao Cảm” ở đầu sách (tr. 9): “Có những vấn đề lịch sử phải kiên nhẫn đợi đến khi dòng thời gian trôi qua rồi…, lúc bấy giờ con người mới có thể vô tư nhìn lại lịch sử và hiểu được phần nào tâm tư cùng can tràng những người thiên cổ.”
Tôi chưa dám khẳng định khoảng thời gian trôi qua chín mươi năm (kể từ khi khai đạo 1926) đã tạm đủ hay chưa để tác giả Huệ Khải viết lên được hết những gì mình đã biết, nhưng có thể xác tín một điều rằng, anh đã thiện chí làm việc thận trọng hết mình, và cuốn sách này của anh cũng như những công trình dự bị tiếp theo, chắc chắn sẽ là tài liệu tham khảo căn bản, khả tín cho một bộ lịch sử đạo Cao Đài đầy đủ hơn nhiều trong tương lai.
TRẦN VĂN CHÁNH
01-4-2017
 



([1]) Đặng Nghiêm Vạn, Lý Luận Về Tôn Giáo Và Tình Hình Tôn Giáo Ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 2012, tr. 346.
([2]) Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia. 



Trần Văn Chánh (Sài Gòn, 19-10-2016). Ảnh: Dũ Lan