Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

4 CỐ NHÂN (MỎNG MẢNH TƠ TRỜI)


11. CỐ NHÂN
Gần ba mươi năm không gặp, thoạt nghe giọng nói trên điện thoại, anh ngờ ngợ, chưa kịp nhận ra ai, để rồi không khỏi bâng khuâng khi biết là người xưa bấy lâu xa xứ.
Giờ đây anh đang đối diện với chị, trong một tiệm cà phê máy lạnh sang trọng nhìn xéo sang cổng trường đại học bên kia đường. Không đúng y cái quán nước xập xệ thuở trước, và cổng trường một thời thân quen cũng mất hết rồi nét dung dị, đơn sơ mà chỉ thấy điệu bộ ngạo nghễ với những khối gạch đá phô trương kệch cỡm. Địa điểm này chị chọn. Buổi chia tay cũng khoảng nơi đây.
Ở tuổi trung niên chị vẫn liến thoắng như thời con gái. Không hỏi chuyện gia đình anh, chẳng kể việc chồng con mình, chị cũng bỏ qua lý do vì sao ngần ấy năm bóng chim tăm cá. Anh nghĩ có lẽ thế mà hay, và mơ hồ mường tượng dường như hai người chưa hề xa nhau đằng đẵng hơn một phần tư thế kỷ.
Lẳng lặng ngắm chị, thỉnh thoảng anh khẽ gật đầu tỏ ý đang chú tâm lắng nghe. Những mẩu chuyện lan man rốt lại giúp anh biết rằng chị có mấy lần về nước, có tìm đọc sách anh in, có theo dõi trên Internet bài anh viết… Tuy chưa được đầy đủ nhưng rõ ra chị không vắng bặt tin anh. Nhìn lúm đồng tiền trên má chị và cái khóe miệng hơi nhếch lên duyên dáng mỗi khi cười nụ, dưng không gờn gợn trong anh chút xuyến xao, chạnh nhớ thuở nào hai người bỏ giảng đường, rủ nhau trốn học…
Trước khi lên taxi, chị mở xắc lấy ra khối bán cầu để dằn giấy. Nó không được gói lại như thông lệ của một món quà, và anh nhìn thấy ngay cánh sen nở trắng giữa lòng khối pha lê trong suốt. Giọng chị thoảng nhẹ: “Anh đặt trên bàn làm việc để thỉnh thoảng nhớ Liên.”
16-9-2006

12. CÙNG BỆNH
Mỗi lần anh có bài trên báo, chị lại thấy mắc cười. Trước khi gởi tòa soạn, anh đọc bản thảo nhiều lượt, thêm thêm bớt bớt thì đã đành; nhưng rồi, bài chưa được đăng, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp anh lôi bản lưu ra đọc lại. Nào có còn lạ lẫm chi nữa, sao coi bộ say mê. Đã vậy mà mười phen như một, hễ có bài trên báo, y như rằng lại thấy anh giở ra đọc tới đọc lui, ngắm nghía trang báo chẳng chán, cơ hồ trong đó chợt hiện ra điều chi ly kỳ, mới mẻ lắm.
Hôm nay dọn dẹp kệ sách để lấy chỗ kê bàn học cho cháu bé, chị làm rơi ra một tập in trên giấy hồng nhạt. Hẹp và hơi dài, dày dặn nhiều hơn tấm thiệp, tập sách nằm ép giữa hai quyển khác dày cộm, như bị nuốt chửng nên lâu nay chị không để ý.


Tiện tay chị nhặt lên xem lướt: Làm Con Nên Nhớ, Lá Bối xuất bản... rồi là thư ngày 22-8-65 cụ Đông Hồ gửi cụ Nguyễn Hiến Lê. Thư riêng cớ sao in kèm tùy bút? Tò mò, chị ngồi bệt xuống sàn, đọc miết lá thư.
“Tôi có bệnh – hay tật xấu – đọc bài đăng báo của mình nhiều lần, vì khi còn trong bản thảo, mình đọc là đọc của mình, khi thành bài chữ in, mình có cảm giác như mình đọc văn của người khác, mà mình y như là độc giả, chớ không còn là tác giả nữa. Đọc để kiểm điểm khách quan.”
Vuốt thẳng thớm lại bìa tập sách cũ kỹ, bàn tay nhẹ nhàng như mơn trớn, chị mỉm cười nói thầm với người thiên cổ: Cụ Đông Hồ ơi, thì ra anh ấy cùng một bệnh.
24-4-1999

13. CÙNG MỘT LỨA
BÊN TRỜI LẬN ĐẬN
Gởi Trần Văn Chánh
Câu thơ nổi tiếng của Bạch Cư Dị đời Đường Cùng một lứa bên trời lận đận / Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau (Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân / Tương phùng hà tất tằng tương thức) được mượn để làm nhan đề cho tập thơ, tạm gọi cho gọn là… thơ rượu (nhà xuất bản Thanh Niên), gồm một trăm lẻ tám bài của một trăm lẻ tám tác giả Việt Nam. Con số một trăm lẻ tám có lẽ gợi cho người đọc liên tưởng tới các hảo hán Lương Sơn Bạc trong tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am, và cũng có lẽ từ chỗ liên tưởng ấy người đọc có thể mỉm cười thú vị khi thấy nhan đề phụ của tập thơ ghi rành rành bốn chữ Giang hồ khí cốt.
khí cốt thật chứ chẳng chơi:
Ta với giang hồ có nợ duyên
Có yêu thương và cả những ưu phiền
Ta đem rượu đắng đi tìm bạn
Ngửa một trời say giữa đảo điên.
(Trần Viễn Sơn)
Có đêm nào như đêm hôm qua
Hai ta say khướt dưới trăng tà
Thằng nằm chỏng gọng bên sườn núi
Thằng ngồi im lặng nhớ quê xa
(Trần Thuật Ngữ)
Nào đâu chỉ là khách giang hồ nam tử, trong tuyển tập còn một số hồng nhan thi sĩ cùng ghé vào ngồi chung manh chiếu rượu đã trải ra giữa cõi nhân gian giăng giăng hệ lụy:
Uống cạn cùng em ly nữa thôi
Để mai để mốt để muôn đời
Để trong tiếng khóc ngày ly biệt
Em hóa thân làm mây trắng trôi
(Đặng Thanh Liễu)
Uống với em đừng uống với ai
Em sẽ lạc giữa tầng hư ảo ấy
Mất dấu nhau rồi biết tìm đâu thấy?
Thoảng nghe chiều
Nghiêng xuống một bờ cây
(Trần Thị Ngọc Phượng)
Tuyển tập không thiếu nét thơ tình lãng mạn. Trần Xuân Kiêm là một thí dụ:
Một sớm người đi theo mây bay
Ta say nằm lạnh suốt đêm dài
Tỉnh ra thấy cụm hoa đầu ngõ
Ta vẫn còn, hay nỗi tàn phai?
Nhóm tuyển thơ không quên nghĩ tới các tiền bối, chẳng hạn nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940):
Ừ năm ba chén cười hay khóc,
Khóc lại cười ư cũng đảo điên.
. . .
Trời ơi, chớ bảo say là quấy!
Trời nếu như tôi cũng gật gù.
Uống rượu làm thơ dường như có cái lý của nó. Lâm Ngữ Đường viết: “Rượu giúp cho văn học còn hơn các vật khác nữa, và cũng như thuốc hút, nó làm tăng năng lực sáng tác của người ta lên rất nhiều.” Khi say, “Cơ hồ ta được thêm năng lực, thêm lòng tự tin, có ý thoát ly quy củ cùng những sự trói buộc của kỹ thuật.” (Trần Văn Chánh, Lời Ngỏ)
Họ Lâm còn cho rằng uống rượu là “cận nhân tình”. Thành ngữ Latin lại bảo “Trong rượu có sự thật” (In vino veritas). Không nên quên rằng rượu ở cả Đông Tây kim cổ là một lễ phẩm tinh khiết kính dâng lên thần thánh, mà đến với tao nhân mặc khách thì khơi mạch thơ văn mênh mang chan chứa.
Xét như thế, tập thơ rượu Cùng Một Lứa Bên Trời Lận Đận này há chẳng đáng một lần ghé mắt tới ư?
22-4-2009

14. ĐẤT CỦA MẸ
Cái dạo thành phố lên cơn sốt địa ốc, chuyện mua bán sang nhượng đất cát trở thành đề tài thời thượng của một số người. Anh không đủ sức nhập cuộc chơi cho bằng anh bằng chị trong cơ quan, nhưng chẳng khỏi vẩn vơ mơ ước ngày nào đó, khi giã từ cuộc mưu sinh giữa phố phường tranh cạnh, anh cũng sẽ có được khoảnh đất nhỏ đủ trồng chút cỏ hoa, gọi là di dưỡng tâm hồn buổi chiều hôm bóng xế.
Thỉnh thoảng, trong bữa cơm, giữa câu chuyện mua vui bỗng chen vào thoáng hơi hướm đất cát. Đó là khi anh chặc lưỡi nhắc tới giấc mơ đất của anh. Và cũng chính những khoảnh khắc không mấy thường xuyên ấy, anh dường như bắt gặp ánh mắt khang khác của mẹ, nhưng chưa một lần anh định tâm tìm hiểu.
Hôm nay, gọi anh ngồi bên giường, mẹ đặt vào tay anh chút vàng dành dụm. Rồi mẹ lúng túng lựa lời lựa tiếng. Có lúc câu nọ mẹ xọ câu kia, nhưng dần dần anh kịp hiểu. Hiểu rằng mẹ không muốn trở thành mối lo hay gánh nặng bất ngờ cho anh khi mẹ trăm tuổi. Hiểu bấy lâu mẹ âm thầm tiện tặn từng khoản chi tiêu trong số tiền hàng tháng anh gởi mẹ. Hiểu mẹ lặng lẽ lo âu khi tích cóp ngày một ít oi mà giá đất cho cõi dương và cõi âm ngày một vùn vụt leo thang...
Rồi anh không còn nghe được nữa phần sau lời giãi bày của mẹ. Rưng rưng, anh nhìn kỹ mẹ, giật mình chợt nhận ra từ lúc nào mẹ đã già héo biết bao trong khi anh mải vô tình, để mẹ một mình lo toan với chút đất cỏn con dành cho ngày về của mẹ.
19-4-1999

15. ĐIỆN HOA
Buổi tối anh đến trung tâm ngoại ngữ, chị nhân viên văn phòng tươi cười báo tin anh có hoa gởi tặng. Hoa nhận buổi sáng, mà tối anh mới có giờ dạy, chị đã cắm bó hoa còn nguyên lớp giấy kính bọc ngoài vào một ly nước. Cầm bó hoa nhỏ hãy còn tươi tắn, anh vui vui bất chợt, biết ơn tính chu đáo của chị.
Cùng ngồi ở phòng giáo viên chờ chuông báo giờ giảng, một đồng nghiệp nhìn anh cười: “Chưa vào lớp mà đã có hoa 20 tháng 11 rồi. Sớm thế!”
Cười lặng lẽ thay cho lời đáp lại, anh nhè nhẹ xoay xoay món quà trên tay, hơi phân vân khi đọc lời chúc mừng in vi tính sắc sảo trên nền giấy láng của tấm thiệp gởi kèm theo điện hoa. Người tặng chỉ ghi là “Học trò cũ”. Ai nhỉ? Ai trong số vài trăm học viên nam nữ, trẻ già từng học với anh qua bao nhiêu khóa ở trung tâm này?
Người thôi học rồi mà còn nhớ mình, nghĩ vậy anh thầm vui, như được an ủi với nghề. Nhưng nhận quà mà không hề có lấy một lời cảm ơn nào đáp lại nhã ý người tặng thì anh vẫn không khỏi thấy mình thiếu sót, cho dù thiếu sót này hoàn toàn bất khả kháng.
Tháng 11-1999

16. E-CARD GIÁNG SINH
Bạn rất quý chị. Nhưng ít khi điện thoại chuyện trò. Chị cũng vậy. Điện thoại quả là tiện mà cũng có thể bất tiện. Gọi tới biết đâu nhằm lúc người ở máy bên kia không sẵn sàng để trò chuyện. Mà nói thẳng với nhau rằng đang bận, rằng hãy gọi lại lúc khác thì có vẻ Tây quá, e chưa hợp tính cách Việt, không khéo lại tự ái, lại sứt mẻ tình cảm.
Bạn và chị thích e-mail cho nhau, đủ chuyện trên trời dưới đất. Hôm nào không có mail, hay chậm có mail, thì thấy thiếu vắng, nhơ nhớ. Dường như người ta bảo đó là nghiện e-mail. Có lẽ nghiện thật rồi, vì lắm khi không có chuyện gì để nói thì lại gởi một tấm ảnh, một bản nhạc lồng trong power point, một mẩu video, một truyện ngắn, hay một bài thơ tình cờ nhặt được đâu đó trên mạng… Như để thay lời muốn nói.
Tối nay check mail, chị không ngờ nhận được e-card Giáng Sinh bạn gởi. Còn nhiều ngày nữa mới tới Noel, nhưng bạn bảo gởi sớm để chị hưởng dài niềm vui mừng thánh lễ. Chị cảm động, bạn không phải người Công Giáo, thế mà…
Chị ngạc nhiên khi mở e-card. Thánh thót và dịu dàng giai điệu quen thuộc Stille Nacht! Heilige Nacht! từ năm 1816 của Joseph Mohr và Franz Xaver Gruber. Nhưng ảnh trên thiệp điện tử không mang một đặc trưng gì của Noel như lẽ thường. Chỉ là cảnh một anh lính trên chiến trường khi tạm yên tiếng súng. Anh đang hôn lá thư, mờ mờ hậu cảnh là chiến xa bọc thép và sa mạc cát vàng. Có lẽ Iraq.


Bạn quên không gởi kèm theo một lời giải thích? Đánh đố nhau chăng? Chị trầm ngâm nhìn vào gương mặt người lính trẻ đang hôn lá thư trong lúc thả hồn nghe lại giai điệu bất tử của Mohr và Gruber. Trong ký ức chị hiện dần dần theo tiếng nhạc ca từ quen thuộc: Silent night, Holy night… All is calm, all is bright… Sleep in heavenly peace… Sleep in heavenly peace… Và chị chợt hiểu.
Chị và nhiều người nữa hiện bình an trong mùa Giáng Sinh đang đến gần. Nhưng còn rất nhiều người đang xa nhà, xa bếp lửa đêm Noel. May chăng là có những cánh thiệp, lá thư nối họ với gia đình xa lắc. Chị chạnh lòng nhìn lại gương mặt anh lính trẻ không quen, nghe trong tâm khảm vang lên lời cầu nguyện dành cho anh, đồng đội anh, những đối phương của anh… Xin tất cả được bình an trong ơn phước. Sleep in heavenly peace
07-12-2006

17. GỐM VÀ NGƯỜI
Gởi Lê Ký Thương
Đến với liên hoan gốm phương Nam buổi tối, anh thong thả ghé qua từng vạt cỏ, từng gốc cây, từng vuông sân, từng gian nhà rộng chỉ có cột và mái… Tất cả là một không gian khoáng đãng lắng trong những mảng sáng và những nhòa tối đang giao lấy nhau. Khách ngoạn gốm không quá đông để phải chen chúc xô bồ, không quá thưa để phải lạnh với mấy cơn gió đêm thỉnh thoảng thốc lên từ duềnh nước gần bên.
Những bước chân thận trọng, những chạm tay nhẹ nhàng, những mắt nhìn chiêm ngưỡng. Người lẫn trong gốm, gốm xen với người, gốm và người hòa cùng cây cỏ chung quanh. Đất nung thô mộc, sành cứng nâu đỏ, sứ mỏng thấu minh, men xanh men trắng. Gốm cao ngang tầm ngực, gốm nhỏ chừng nắm tay. Gốm đứng giữa cỏ cây, gốm nằm trong hòm kính. Gốm ngồi trên sạp gỗ mun, gốm đòng đưa đu mình cùng nhánh lá. Gốm mới tinh khôi vẹn tuyền chi thể. Gốm xưa sứt gãy, vỏ tróc men bong, xương đất trắng xốp. Gốm thân thương, gần gũi trong hình hài chum vại, chén vò. Gốm xa vời, u hiển trong cốt thần, tượng phật. Có làn men hỏa biến tưởng chừng còn hừng lên hơi lửa lò nung trên ngàn độ bách phân. Có thân gốm còn bám nguyên mảnh hàu dường như chưa tan mùi muối mặn sau vài trăm năm chìm đắm đáy biển xa.


Bỗng anh lặng người nhìn tiểu tượng Quán Âm giữa buổi rảnh rang đang xuề xòa ngồi, bên chân thõng bên chân co, đạo bào hờ hững... Triền sông nào đã dâng đất dẻo vào đôi bàn tay người thợ tài hoa mà mười ngón phù thủy giỏi nắn buông, khéo vuốt lượn đã khiến khối đất nung vô tri bất động trong vị trí an bài mà vẫn sống động phả hồn vào tình người mê gốm?
Người thợ vô danh ơi, người đang ở đâu trong luân hồi lịch kiếp? Có biết chăng phiêu dạt qua bao mùa non nước điêu linh vẫn còn đây toàn vẹn đến dị thường một tự tại tượng hình vượt ra ngoài cả bát nhã lẫn hành thâm?
Người là hoa của đất và trong tay người đất cũng trổ hết tinh hoa.
15-01-2007

18. HAI CON ẾCH
Gởi Nguyễn Duy Chính
Từ nửa bên kia trái đất, bạn nhấp chuột, gởi cho anh một điện thư dài, có đoạn kể:
“Tôi còn nhớ thằng bé con tôi, năm học lớp Bốn, trong lớp có nuôi một cái bồn sinh vật trong đó có hai con ếch xanh, một con đực một con cái. Hôm giảng về hai con này, cô giáo nó giảng con to là con đực, con nhỏ là con cái. Con tôi nhất định cãi lại là cô giáo giảng sai mặc dầu cô giáo nó nói đó là theo lời của người bán hàng trong tiệm bán thú cưng như một nhân vật thẩm quyền để minh chứng. Thằng bé hôm sau xách ngay một cuốn trong bộ bách khoa thư về thú vật vào chỉ cho cô giáo phần viết về con ếch đó, với lý luận rằng con đực phải nhỏ hơn con cái nếu không thì khi giao phối, cả hai con sẽ chết chìm. Đó cũng là một chủ đích của thiên nhiên. Cô giáo chịu thua và cho thằng bé điểm A+ [rất giỏi] về khoa học.”


Đọc thư, anh rất phục thằng bé lớp Bốn. Già đầu như anh mà lắm khi đối với những bậc trưởng thượng, thậm chí với kẻ ngang hàng, anh còn thiếu dũng khí để nói thẳng rằng họ đã lầm thì trách chi hai trẻ nhà anh. Đi học về có lần chúng phàn nàn giáo viên dạy sai. Kiểm tra lại, anh biết hai cháu có lý. Các trẻ không dám góp ý với cô đã đành mà anh cũng không mạnh dạn khuyến khích con mình hãy nêu ý kiến.
Biết can đảm và thẳng thắn nói thật ý nghĩ của mình với người khác phải chăng là do cách dạy dỗ ở nhà trường và còn do cách giáo huấn ở gia đình?
Tháng 5-2003

19. HAI QUYỂN SÁCH
Bạn anh vui lắm, cảm ơn anh đã mượn giúp quyển từ điển của P. Ký. Sách in lại năm 1937, thuộc loại hiếm. Ngồi một lúc, anh định về thì bạn lại có khách. Người mới đến đã có tuổi. Bạn giới thiệu, anh biết khách vừa từ Thủ Đức đạp xe xuống. Buổi trưa, mười mấy cây số. Không kịp uống ngụm nước chủ nhà mời, khách lật đật moi ngay trong túi xách ra một quyển sách dày, cũ kỹ. Cũng là quyển từ điển 1937 của P. Ký.
Như quên hết mọi nhọc mệt đường xa, khách hào hứng cho bạn anh biết hơn tháng qua ông đã sục sạo như thế nào để tìm cho được và mượn giúp quyển này. Trên gương mặt ông, nụ cười hơi móm mém mà hồn hậu. Khách nói nhiều lắm, gần như huyên thiên, nhưng nghe ra không hề có chút xíu nào ngụ ý kể công. Thế rồi, như hể hả vì đã chu toàn một trọng trách, khách khoan khoái tự thưởng cho mình một ngụm nước chanh, và không thèm khách khí, vớ luôn gói thuốc lá trên bàn, cho phép mình bổ sung thêm một hơi khói.
Khách vui một, bạn anh càng tỏ ra vui mười. Giọng thành thật lắm, bạn nói như phân trần, rằng nhờ mượn được sách này sẽ giải quyết được nhiều nghi vấn trong một công trình ngữ học dở dang. Bạn anh tỏ vẻ áy náy vì khách tốn nhiều công sức, lại lặn lội nắng nôi, nhưng mặt khách cứ như dãn ra, như rạng rỡ. Khách xua tay không muốn được cảm ơn. Quả thực, lòng ông hoan hỷ lắm khi biết mình có thể giúp được chút ít cho một nhà nghiên cứu.
Hôm ấy anh về mà lòng không khỏi vẩn vơ. Giá là anh, không chừng anh đã hấp tấp chìa ngay cho khách thấy quyển từ điển đang có trong nhà, và khoe: Ồ, tôi cũng mới kiếm được nó rồi đây nè. Thử nghĩ, nếu bạn anh nói thế, khách sẽ như thế nào nhỉ? Con đường về Thủ Đức biết đâu sẽ chẳng trở thành đường thiên lý dưới những vòng quay trĩu nặng của chiếc xe đạp cà tàng.
02-01-1999

20. HẾT MỘT KỲ HÈ
Gởi Ngọc Mai
Chị làm trưởng điều dưỡng ở một bệnh viện lớn chuyên chăm sóc những người thần trí bất toàn. Năm nào chị cũng dành khoảng một tháng hè về thăm mẹ già và cô em ở quê nhà. Đó là những ngày nhàn nhã êm đềm. Được sống lại trong ngôi nhà cũ kỹ đầy ăm ắp những kỷ niệm thương yêu từ thời niên thiếu cho đến cái thuở chợt biết làm điệu, rồi chợt vui vui khi tình cờ nhận ra mình bấy lâu vô tình khiến cho ai đó “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” như Huy Cận ngày xửa ngày xưa tự thú.
Những ngày về quê nhà là những ngày hạnh phúc. Chút hạnh phúc nhẹ nhàng khi thỉnh thoảng hẹn gặp lại một vài bạn cũ hiếm hoi sót lại từ sau thời sinh viên. Ăn với nhau một bữa cơm xoàng xoàng hay có khi chỉ là tách cà phê đơn giản để có cớ gặp mặt mà ngồi cà kê ở quán, nhắc nhau tên người này người kia. Một cuộc điểm danh không bao giờ đầy đủ và cũng không theo trình tự nào hết. Cứ ngẫu nhĩ mà một hai cái tên ai đó chợt đến chợt đi.
Một tuần, hai tuần, rồi ba tuần trôi nhanh. Lại chuẩn bị hành lý để xa mẹ xa em mà trở về với chồng con và những người bệnh đặc biệt của chị. Buổi tối, chị mở computer, qua e-mail gởi cho người bạn đồng môn một lời chào sớm. Người bạn thuở nào bây giờ vẫn toòng teng với nghề giáo nhưng lại đa mang thêm cái nghiệp văn trót đã lăm le từ thời đi học trường làng.
Không ngờ bạn chị đang online. Chị vừa nhấp chuột chuyển mail xong thì gần như liền sau đó nhận được hồi âm. Vẫn cái giọng tinh nghịch quen thuộc:
Chào bạn hiền người về bên kia biển,
Phương trời này tiếp tục gõ keyboard...
Bao giờ cũng vậy, trở về với bệnh viện chị đều phải mất hơn một tuần để giải quyết một số thủ tục hành chánh và ổn định công tác. Khi có thể thư thả, chị kiểm tra hộp thư và tìm thấy một e-mail đã đợi chị hơn mười ngày qua. Vỏn vẹn chỉ là một bài thơ trỏng lơ, chẳng nhan đề cũng không kèm thêm câu nhắn nào hết:
Hôm nay Thứ Bảy Sài Gòn
Người về bên Mỹ ta còn nơi đây
Nhớ nhau gặp chỉ hai ngày
Dăm ba câu chuyện nước mây trăng trời
Cũng vừa đủ để trong đời
Ôn vui kỷ niệm của người của ta
Thôi thì giữa cõi sa bà
Hợp tan đâu phải chỉ ta với người
Chia tay gởi một đôi lời.
Chị nhìn dòng ngày tháng. Thư gởi vào buổi sáng, lúc chị đang ở sân bay. Một tiễn chân thi vị. Chị bâng khuâng nhìn ra cửa sổ. Sắc lá vườn cây nhà chị không giống sắc lá ở quê nhà. Nơi xa ấy, mùa hè vừa hết. Bạn chị sắp trở lại với bục giảng và bụi phấn. Chị nhủ thầm: “Cảm ơn bạn. Năm sau gặp lại.”

30-8-2007