Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

24/52 SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO


22. Dẫu chẳng ai đòi hỏi

Thành phố Orlando ở trung tâm bang Florida (nước Mỹ) mau chóng trở thành một điểm đến nổi tiếng thu hút du khách khắp thế giới sau khi công ty Walt Disney thành lập tại đây khu liên hợp du lịch, nghỉ mát, giải trí mang tên Thế Giới Walt Disney để tưởng nhớ Walter Elias Disney (1901-1966), cha đẻ phim hoạt hình Chuột Mickey và Vịt Donald…
Khai trương ngày 01-10-1971 sau nhiều năm chuẩn bị, Polynesian Resort là một trong số hai mươi lăm khu nghỉ mát có chủ đề của Thế Giới Walt Disney. Tại đây, công ty Walt Disney cho sắp đặt những cảnh quan và dàn dựng những sự kiện giải trí thu hút du khách xoáy vào chủ đề trung tâm là tái hiện chính xác từng chi tiết đặc trưng thiên nhiên và sắc thái văn hóa bản địa trên quần đảo Polynesia ở Trung Nam Thái Bình Dương, sao cho du khách có được cảm giác như thật rằng họ đang đặt chân trên một hòn đảo nào đó của Hawaii. Do đó, mặc dù nghỉ mát ở thành phố Orlando giữa bang Florida, du khách vẫn thưởng thức được hoạt cảnh tiệc “luau” truyền thống đầy màu sắc độc đáo của thổ dân Hawaii, với các màn múa lửa cũng như điệu múa “hula” của vũ công Polynesians uốn éo hông dẻo dang, và đánh tay nhịp nhàng theo nhịp trống, lời ca...
Đã có trên hai mươi lăm năm làm việc tại Thế Giới Walt Disney, và là phó giám đốc phụ trách các chương trình phục vụ khách hàng, một hôm Valerie Oberle nhận được lá thư nhiệt thành cảm ơn của một bà khách gởi tới công ty. Nhờ thế câu chuyện sau đây được biết tới.
Chấm dứt thời gian nghỉ ngơi, giải trí tại Polynesian Resort, bà khách ấy đến phòng lễ tân làm thủ tục để rời đi. Cô nhân viên phụ trách bèn hỏi một câu quen thuộc rằng mấy ngày lưu trú vừa qua khách hàng có thích thú lắm không. Bà khách xác nhận chưa bao giờ được tận hưởng kỳ nghỉ tuyệt vời đến thế. Nhưng bà cũng thành thật thổ lộ chút phiền muộn bởi trót đánh mất mấy cuộn phim màu chưa kịp tráng. Trong lúc tham dự hoạt cảnh tiệc “luau”, bà đã cố chụp rất nhiều ảnh, mong muốn giữ lại một kỷ niệm quá đặc biệt. Thế mà…
Câu hỏi của cô nhân viên phục vụ hoàn toàn mang tính cách xã giao. Sự thổ lộ của bà khách hoàn toàn mang tính cách tâm tình. Mặc nhiên hai bên đều hiểu đó không phải là lời khách hàng khiếu nại và công ty Walt Disney cũng không hề cam kết bằng giấy trắng mực đen nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho du khách nếu họ lỡ làm mất phim ảnh.
Lẽ ra bà khách đã trở về nhà với niềm vui không trọn vẹn. Lẽ ra cô nhân viên có thể hoàn tất gọn ghẽ thủ tục giấy tờ và lòng chẳng có gì phải vướng bận. Dẫu sao bà khách ấy cũng chỉ là một cá thể sẽ mau chóng nhòa đi trong hàng ngàn hàng vạn khuôn mặt mà cô tiếp xúc tại quầy. Nhưng cô đã xin bà trao lại hai cuộn phim chưa chụp, và khuyên bà hãy an lòng để cô lo liệu giúp phần việc còn lại.
Hai tuần sau, bưu điện chuyển tới nhà bà khách một gói nhỏ. Bên trong là xấp ảnh chụp toàn bộ hoạt cảnh tiệc “luau” của thổ dân Hawaii. Các diễn viên tham gia “luau” còn ký tên lưu niệm vào từng tấm ảnh chụp sô diễn của họ. Chẳng những thế, cô nhân viên tử tế ấy còn tận dụng những giờ được rảnh rang công việc lễ tân để đích thân chụp những cuộc diễu hành, những màn đốt pháo bông trong công viên chủ đề của Thế Giới Walt Disney.
Theo nền nếp quản trị nhân sự hữu hiệu của các công ty, sau khi được tuyển dụng mỗi nhân viên đều được giao cho bản mô tả công việc để họ biết rõ nhiệm vụ công tác bản thân. Căn cứ vào đó các công ty có cơ sở cụ thể đánh giá mức độ nhân viên hoàn thành công tác giao phó. Việc cô nhân viên ấy đã làm giúp bà khách chắc chắn không hề được công ty Walt Disney quy định thành trách nhiệm. Không ai đòi hỏi cô phải làm như vậy. Và cô cũng không hề mong sẽ nhận được một tưởng thưởng hay đền bù nhỏ nhít nào cho sự tự nguyện của cô.
Bà khách bày tỏ với công ty Walt Disney rằng trong đời chưa bao giờ bà được bất kỳ một doanh nghiệp nào phục vụ chan chứa tình người đến thế. Còn phó giám đốc Valerie Oberle sau khi biết đầu đuôi câu chuyện đã nhận định sâu sắc rằng: “Sự phục vụ mang tính cách anh hùng không xuất phát từ bài bản quy định đường lối làm việc. Nó xuất phát từ tấm lòng của những ai biết quan tâm tới người khác, và từ một nền văn hóa un đúc cho người ta cái thái độ ấy.” ([1])
Quả thật, chỉ khi nào không vô cảm với đối tượng mình phục vụ thì con người mới ý thức tự nguyện làm nhiều hơn cái khung nhiệm vụ được trả lương.
01-01-2004
Huệ Khải



([1]) Heroic service does not come from policy manuals. It comes from people who care – and from a culture that encourages and models that attitude.