Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

32. Một phỏng vấn tuyển dụng khác thường / SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO


32. Một phỏng vấn tuyển dụng khác thường

Đời thường xem giới kinh doanh là những người thực dụng, chỉ ưu tiên nghĩ đến tài lợi. Nhưng Scott Johnson nghĩ khác, cho rằng: “Biết quan tâm chăm sóc là một lợi thế kinh doanh mạnh mẽ.” ([1]) Như thế, giới làm ăn buôn bán còn phải biết đến cái tình. Có cái tình thì công việc dẫu mang tính chất đặc thù thế nào chăng nữa người ta vẫn giữ được cái tâm khi thi hành nhiệm vụ chứ không để lề thói công việc biến mình trở thành kẻ vô cảm.
Trong tuyển dụng nhân sự, phỏng vấn để đánh giá người xin việc là một bước quan trọng không thể bỏ qua. Bằng biện pháp phỏng vấn, nơi tuyển dụng sẽ có cơ sở để thẩm định trí thông minh, sự khéo léo, tài năng lẫn tiềm năng của người xin việc, và từ đó sẽ đi đến quyết định thu nhận vào làm hay từ chối. Nếu được tiến hành đúng phương pháp, phỏng vấn tuyển dụng chính là công cụ hữu hiệu để tìm được đúng người cho đúng việc, tiền đề của các thành quả sau này.
Chính vì thế tại nhiều cơ quan, tổ chức và công ty ở nhiều nước, người ta soạn hẳn những quy tắc, điều lệ hướng dẫn thủ tục phỏng vấn. Các chuyên gia tâm lý xã hội học còn khuyến cáo nhà tuyển dụng phải loại trừ những câu hỏi quá riêng tư hoặc không liên quan đến công việc, nhất là những câu hỏi mang tính cách phân biệt nam nữ, kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, v.v…
Nói khác đi, người phụ trách phỏng vấn tuyển dụng không thể ngẫu hứng tùy tiện, mà phải chuẩn bị kỹ càng trên cơ sở nghiệp vụ chuyên môn. Cuộc phỏng vấn có thể chỉ vỏn vẹn khoảng mười lăm phút, hoặc kéo dài hàng giờ. Có khi người xin việc chỉ tiếp xúc một người phỏng vấn, có khi là một nhóm nhiều người. Chắc chắn phỏng vấn không phải là cơ hội vui chơi thoải mái cho cả người xin việc lẫn người xét tuyển.
Mike Teeley là một diễn giả chuyên nghiệp, kiêm nghề tư vấn. Ngoài ra ông còn viết sách, mở các cuộc hội thảo chuyên đề để huấn luyện cung cách phục vụ khách hàng, lãnh đạo doanh nghiệp… Trước khi con người thành đạt này tạo nên tên tuổi trên nước Mỹ, ông từng ở vào vị thế người xin việc, nghĩa là phải ngồi trước mặt nhà tuyển dụng để được phỏng vấn, và đã trải nghiệm một cuộc phỏng vấn khác thường mà không bao giờ ông muốn quên.
Thuở ấy Teeley xin làm việc tại một hãng bảo hiểm lớn và được một viên quản lý cao cấp là Bruce phỏng vấn. Teeley thành thật giãi bày nguyên nhân chính yếu khiến ông muốn làm việc cho hãng: Sau hai mươi sáu năm chung sống, vợ ông vừa qua đời vì bệnh tim. Ông cần tìm được việc làm ở Boston để gia đình tiếp tục ở lại thành phố này, như vậy con gái ông mười sáu tuổi sẽ không phải chuyển sang học trường khác, và ông tin rằng nhờ thế cô bé sẽ giảm bớt phần nào chấn thương tâm lý và nỗi đau mất mẹ.
Mặc dù Teeley vẫn có thể tâm sự thêm một chút nữa về cảnh gà trống nuôi con, nhưng Bruce chỉ lịch sự tỏ thái độ thông cảm và tôn trọng, rồi khéo léo chuyển câu hỏi sang đề mục khác để khỏi đi sâu vào chuyện gia đình riêng tư của người xin việc.
Sau khi kết thúc vòng phỏng vấn kế tiếp, ngoài dự liệu của Teeley, ông được Bruce mời đi ăn trưa cùng với các viên quản lý đồng sự. Xong bữa Bruce lại rủ Teeley bách bộ một đỗi. Dọc đường Bruce thổ lộ rằng vợ ông cũng qua đời sau hai mươi năm chung sống, để lại cho ông ba mặt con.
Teeley cảm nhận sâu sắc cái cách Bruce chia sẻ với ông nỗi đau khi người thương yêu nhất của mình vừa ra đi. Nỗi đau ấy quả thật khó mà san sẻ nếu như không cùng cảnh ngộ.
Cuối cùng Bruce trao Teeley danh thiếp, không quên ghi lại số điện thoại nhà riêng, và dặn dò trong trường hợp Teeley cần giúp đỡ, hoặc chỉ muốn có người để trò chuyện, thì cứ gọi dây nói, đừng ngại ngần chi hết. Bất kể sau này Teeley có được nhận việc làm ở hãng bảo hiểm hay không, hễ Teeley cần giúp đỡ thì Bruce sẽ có mặt.
Hôm ấy, khi siết chặt tay nhau từ biệt, Teeley không nghĩ rằng hai người sẽ có dịp gặp lại. Nhưng Teeley không bao giờ quên được tình cảm chân thành của Bruce. Một buổi phỏng vấn tuyển dụng với quy trình nghiệp vụ đã chuẩn hóa gần như thành công thức thì thường khó tránh khỏi khô khan, lạnh lùng và căng thẳng. Thế mà Bruce đã chuyển đổi buổi phỏng vấn ấy trở thành một cơ hội tâm tình, chia sẻ và đồng cảm, đúng vào lúc Teeley đang vác trên vai một trong những gánh nặng muôn thuở của kiếp người.
Cái tâm của Bruce khiến chúng ta liên tưởng tới lời Đức Quan Âm Bồ Tát giáng cơ dạy tại Trúc Lâm Thiền Điện (Vĩnh Long) ngày 14-11-1973:
“Đời đạo vẫn một không hai, và cõi vô hình hữu hình cũng như thế, mọi việc đều do một cái tâm mà thôi.”
Bổ túc 10-4-2017
Huệ Khải



([1]) Caring is a powerful business advantage.