Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

14/52 SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO

12. Khoan dung nhân viên
Triết gia Pháp Voltaire (1694-1778) có lần định nghĩa: “Khoan dung là gì? Nó là hệ quả của lòng nhân đạo.” ([1]) Cùng thời với ông, nhà thơ Anh Alexander Pope (1688-1744) đề cao: “Lầm lỗi là người; tha thứ là trời.” ([2]) Tuy nhiên, dường như chỉ riêng nhà thực vật học Hà Lan Paul Boese (1668-1738) mới nói ra được tác dụng biến cải tích cực của khoan dung: “Tha thứ không thay đổi được quá khứ, nhưng mở rộng được tương lai.” ([3]) Câu chuyện sau đây chứng minh Boese rất đúng.
Mary Jane West-Delgado là một nhà vật lý trị liệu, viết văn, viết kịch bản phim hoạt hình, và thiết kế các mẫu sản phẩm an toàn dùng trong gia đình. Khi Mary còn bé, cửa hàng nho nhỏ của cha cô mỗi sáng thu mua sữa tươi của nông dân, sau khi tiệt trùng thì đóng vào chai cung cấp cho các nhà hàng và các bà nội trợ. Cũng có các cỡ chai nhỏ dành cho trẻ con đi học. Công việc làm ăn trôi chảy, ngày nào cũng bán hết sữa. Ngoài ra cửa hàng còn tự làm kem bán. Vào những tháng hè quầy kem lúc nào cũng đông khách xếp hàng chờ mua món đặc sản có tới hai mươi bảy mùi khác nhau.
Làm việc trong một cửa hàng đông khách như vậy, các nhân viên luôn luôn phải nhanh tay nhanh mắt, lúc nào cũng túi bụi, hầu như chẳng được nghỉ ngơi. Nhất là những hôm trời oi ả, khách lũ lượt ghé mua kem nhiều giờ liền thì áp lực công việc càng tăng gấp bội phần.
Dù đã thuê khoảng mười lăm người đứng bán hàng, cha Mary vẫn phải điều thêm bảy đứa con phụ giúp, và ngay từ bé Mary đã sớm gắn bó với công việc mưu sinh của gia đình.
Mùa hè 1967, cửa hàng của gia đình Mary vừa nhận thêm một nhân viên mới tên là Debbie. Cô chưa từng làm việc này bao giờ, và mọi cử chỉ của cô không thoát khỏi ánh mắt soi mói của cô chủ nhỏ Mary đang muốn giám sát để đánh giá năng lực kẻ mới thử việc.
Rõ ràng đó là một ngày thảm hại đối với Debbie: Nào là nhầm lẫn khi tính tiền cho khách, nào là giao không đúng món hàng khách hỏi mua. Tệ hơn nữa, cô còn tuột tay đánh vỡ nguyên một bình sữa gần hai lít! Cảm thấy quá ngán ngẫm con người vụng về ấy, Mary bước thẳng vào chỗ cha ngồi, giọng bực bội: “Cha ra mà xem nhân viên mới của mình. Hết chỗ nói!”
Mary ngỡ rằng cha cô sẽ xồng xộc đi đến chỗ kẻ vụng về, mắng cho một trận nên thân rồi tống cổ không do dự, nhưng lạ thay, ông bình thản ngồi yên. Thực ra, nào phải đợi con gái mách, ông đã thấy rõ tất cả. Thế rồi, sau một lúc đắn đo, ông đứng dậy.
Mary đắc ý, liền bám theo. Cô bé thấy cha dịu dàng đặt tay lên vai Debbie, giọng ngọt ngào: “Debbie, tôi đã quan sát xem cô bán hàng thế nào, và thấy rõ cách cô phục vụ thân chủ của chúng ta là bà Forbush.”
Debbie liền đỏ bừng mặt và hai dòng nước mắt vội tuôn trào. Có lẽ cô gái đáng thương đang xới tung trí nhớ xem ai là bà Forbush: người bị cô tính lộn tiền hay người bị cô vấy sữa lên áo váy.
Trong khi đó cha Mary vẫn từ tốn: “Xưa nay bà Forbush có tiếng là khó chịu đối với nhân viên ở đây. Thế mà bà ấy tỏ ra lịch thiệp với cô. Nghĩa là cô đã phục vụ bà ấy chu đáo, làm bà ấy hài lòng. Lần sau ghé cửa hàng chắc chắn bà ấy chỉ muốn gặp cô thôi. Hãy cứ tiếp tục như thế, Debbie nhé.”
Kể lại chuyện cũ, Mary cho biết lúc đầu Debbie chỉ định làm việc thời vụ, hết hè sẽ tìm công việc khác. Nhưng cô đã trở thành nhân viên cần mẫn, trung thành của cha Mary suốt mười sáu năm.
09-7-2005
Huệ Khải




([1]) What is tolerance? It is the consequence of humanity.
([2]) To err is human; to forgive, divine.
([3]) Forgiveness does not change the past, but it does enlarge the future.