42. Giữ lại hình ảnh đẹp sau cùng
Mỗi y tá phải nắm được nhiều kỹ năng phức tạp, biết suy nghĩ, có tri thức
ở mức độ cao, và hãy cố làm nhiều hơn khả năng sẵn có. Dẫu bệnh nhân không qua
khỏi, những chăm sóc tận tụy của y tá sẽ mãi in dấu trong tâm tưởng gia đình
người bệnh, an ủi họ rất nhiều trước nỗi đau mất mát. Đó là bài giảng y đức của
bà Catherine Hoe Harwood, dạy nghề điều dưỡng tại Viện Đại Học Western Ontario
(công lập) ở thành phố London, tỉnh Ontario (cực Nam Canada), và Viện Đại Học
Trinity Western (tư thục) ở thành phố Langley thuộc tỉnh duyên hải British
Columbia (phía Tây Canada). Bà không quên kể cho sinh viên trải nghiệm bản
thân, vì trước khi đứng trên bục giảng đại học, bà từng làm một y tá.
Thuở mới vào nghề, Catherine phục vụ tại bộ phận săn sóc đặc biệt và bệnh
nhân của chị là ông Nolan, một viên chức ngân hàng vừa nghỉ hưu. Trong lúc chờ
mổ bắc cầu để thông động mạch vành thì ông lên cơn đau tim. Ông hồi phục, mổ
bắc cầu xong, và được chuyển vào bộ phận của chị. Nhưng liền sau đó lại phát
sinh những phức tạp mới.
Do huyết áp thấp suốt thời gian dài, chức năng lọc của thận suy yếu,
người bệnh phải cần tới kỹ thuật lọc qua màng bụng. Để cứu ông, phải mổ bắc cầu
lần nữa, rồi lại luồn một ống từ dưới háng lên để nong mạch máu tim. Tuy thế, đường
dẫn máu xuống chân phải vẫn tổn thương, vài ngón chân bắt đầu hoại tử. Cuối
cùng, trọn bàn chân phải thâm đen và lạnh ngắt. Để kéo dài mạng sống của ông,
phải cắt bỏ nó. Trong phòng mổ, các bác sĩ phát hiện ra chân phải cũng bị hoại
tử ngầm bên trong. Thế là đành tháo khớp, phế luôn cái chân ấy.
Sức khỏe ông ổn định thêm một chút trong tuần kế tiếp, nhưng ông và gia
đình, cũng như y tá và bác sĩ, đều biết rõ rằng hồi chuông báo tử sẽ vang tiếng
một ngày không xa. Mặc dù thể trạng ông lúc này quá thảm hại, Catherine quyết
định sẽ giúp gia đình ông giữ lại mãi trong tâm tưởng hình ảnh cuối cùng của
một ông Nolan tươm tất, đàng hoàng, đẹp đẽ.
Biết rằng buổi chiều gia đình ông sẽ vào thăm, từ đầu ca trực buổi sớm
chị giúp ông lau mình, gội đầu, cạo râu. Chị còn cố cắt, tỉa mái tóc của ông
giống như tấm ảnh mà có lần chị được thân nhân ông cho xem. Chị giúp cho ông
nghỉ ngơi nhiều hơn để buổi chiều ông được tỉnh táo. Cuối cùng, chị nhờ một tốp
y tá chuẩn bị các thứ cần thiết để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Gia đình ông đến nơi và được yêu cầu chờ đợi bên ngoài. Trong phòng, các
y tá xúm lại giúp ông ngồi vào chiếc ghế có lắp bánh xe dành cho người già. Các
ống truyền, dây nhợ đang gắn trên người ông được một tấm chăn phủ lên che giấu.
Các máy móc y khoa trong phòng cũng khéo ẩn mình sau
mấy tấm màn được căng ra, kín kẽ. Gắn xong cho ông cặp kính, bấy giờ Catherine
mới mở rộng cửa mời cả nhà người bệnh bước vào.
Sau nhiều tuần nằm viện, lần đầu tiên ông xuất hiện trước
thân nhân trong tư thế ngồi, giữa căn phòng vừa biến đi vẻ u ám nặng nề của ca
bệnh nghiêm trọng. Ánh mắt long lanh, nụ cười tươi tắn, ông không có chút gì
thê thảm của kẻ liên tiếp vào ra phòng mổ và sắp xa lìa cuộc sống. Vợ, con và
cháu ông được nhìn thấy hình ảnh một người già đang ngả lưng thư giãn trên ghế.
Họ cất tiếng cười thêm sức cho ông, và trên má lặng lẽ tuôn xuống giọt nước mắt
cảm động chứ không hề bi lụy. Catherine đâu được mục kích cảnh tượng ấy. Khuất
sau những tấm màn che chắn, chị còn bận theo dõi, kiểm soát các máy móc y khoa
đang nối liền với những dây những ống gắn trên người ông lão.
Ông Nolan ra đi không nhằm ca trực của Catherine. Mấy ngày
sau, vừa đến cửa bộ phận săn sóc đặc biệt, chị ngạc nhiên thấy con gái ông đang
chờ. Thay mặt cả nhà, cô bày tỏ lòng biết ơn vì chị đã có sáng kiến giúp họ lưu
giữ được lần cuối cùng hình ảnh một ông Nolan đường hoàng, đĩnh đạc chứ không
phải một người bệnh suy kiệt, gần đất xa trời. Ấn tượng ý nghĩa ấy khiến cả nhà
cô cảm thấy dễ chịu hơn và bình tâm đón nhận giờ khắc người thân yêu bước qua
cánh cửa đi vào cõi vĩnh hằng.
23-7-2005 / 08-4-2017
Huệ Khải