4.
Một trường hợp đóng thế
Trong điện ảnh, những màn nguy hiểm thường phải nhờ tới diễn viên đóng
thế. Ở một trường tiểu học nọ, có lần cô giáo Nancy Noel Marra đã nhanh trí nhờ
mẹ ruột làm diễn viên đóng thế để cứu cho đứa học trò nhỏ của cô thoát khỏi tình
huống bẽ bàng.
Là cựu sinh viên Viện Đại Học Montana ở
miền Tây nước Mỹ, Nancy khởi đầu làm cô giáo tiểu học, rồi lấy bằng thạc sĩ
giáo dục, thường xuyên có mặt tại các hội nghị chuyên ngành. Sau hai mươi mốt
năm đứng lớp, bà nghỉ hưu (2003), sống với chồng và con gái ở thành phố Great Falls (bang Montana ).
Ngoài nhiệt tình dạy học, một đam mê khác của bà là viết sách dạy nấu ăn với
một văn phong bóng bảy. Bà xuất bản được bốn đầu sách, trong đó có quyển Câu Lạc Bộ Những Người Sành Ăn: Sách Dạy Nấu
Ăn Tân Kỳ.([1])
Năm 1996 Bill Clinton tặng Nancy giải
thưởng hàng năm của Tổng Thống Mỹ dành cho giáo viên giảng dạy Khoa Học và Toán
Học xuất sắc.([2]) Không chỉ là cô giáo có tài, Nancy còn là cô giáo có tâm. Thực vậy, sự
kiện diễn viên đóng thế xảy ra khi Nancy
đi dạy được năm năm, đang phụ trách lớp Hai.
Theo thông lệ, giáo viên thường giúp học trò chuẩn bị Ngày Của Mẹ tại
lớp. Đây là dịp con trẻ tặng quà, bày tỏ lòng thương yêu mẹ. Nancy cùng các học trò bàn bạc kỹ lưỡng và
chuẩn bị một tiệc trà trang trọng, tươi vui: tập hát, đọc thơ, làm các túi xách
bằng giấy cột nơ xinh xắn, tự sáng tạo các mẫu thiệp mừng, thiệp mời, và gói
sẵn quà là những vật lưu niệm do chính tay bọn trẻ chế tác… Mỗi trẻ mang thiệp
về nhà mời mẹ, và mẹ phải xác nhận với cô giáo rằng sẽ có mặt hay không dự. Cô
ngạc nhiên vui sướng khi thấy ai cũng hứa dự lễ. Chính cô cũng mời mẹ mình đến.
Tục lệ Mỹ chọn ngày Chủ Nhật thứ hai trong tháng Năm (tháng cuối mùa xuân
ở bắc bán cầu) để tổ chức lễ. Nhưng lớp cô tổ chức tiệc trà vào chiều Thứ Sáu,
sớm hơn hai ngày, cũng là buổi học cuối tuần. Hôm ấy, lúc 1 giờ 45, bọn trẻ xếp
hàng ở cửa lớp háo hức đợi mẹ. Gần sát giờ khai mạc, cô giáo nhìn quanh và bắt
gặp Jimmy đang khổ sở vì mẹ bé vẫn biệt dạng. Nhanh trí, cô bèn cầm tay mẹ mình
kéo tới gặp Jimmy. Cô bảo cháu:
“Cô kẹt quá, con à! Lát nữa cô rất bận, phải lo
điều khiển chương trình văn nghệ, lo dọn các thức uống và bánh kẹo mời khách,
cho nên không rảnh tay tiếp đãi mẹ cô được. Con giúp cô chứ, Jimmy? Con có thể thay mặt cô mời
mẹ cô ăn bánh, uống nước không? Tới mục tặng quà, con hãy lấy món quà cô chuẩn
bị sẵn và biếu giùm cô, con nhé?”
Jimmy đưa mẹ cô giáo tới một bàn đã có hai cặp khác ngồi sẵn. Vốn đã tập
dượt thuần thục trước đó, chú bé lịch sự kéo ghế mời bà ngồi, rồi khéo léo mang
nước, bánh ngọt ra mời. Cuối cùng là mục trao quà tặng, chú nhỏ làm rất đĩnh
đạc, tự nhiên. Từ xa, thỉnh thoảng cô giáo kín đáo để mắt nhìn, thấy mẹ và chú
bé chuyện trò có vẻ tương đắc lắm.
Bẵng đi mười năm, tình cờ cô gặp lại Jimmy ở bậc trung học. Bấy giờ cô
dạy về môi trường. Sau một chuyến khảo sát thực địa, về lớp cô bắt học trò viết
thu hoạch. Lúc thu bài, cô liếc nhanh từng trang giấy, để xem có gì sai sót thì
yêu cầu tác giả bổ chính ngay. Đến bài của Jimmy, mắt cô đập vào dòng chữ: “Cô
còn nhớ buổi tiệc trà Ngày Của Mẹ ở lớp Hai không? Con nhớ hoài. Con mang ơn
tất cả những gì cô đã làm cho con hôm ấy, và con cũng biết ơn mẹ cô nữa.”
Tan học, Jimmy cố ý chùng chình để ra về sau cùng. Nancy bảo cậu bé: “Cô thật sự vui khi đọc
những lời con viết.”
Jimmy lúng túng, ấp úng “Cảm ơn cô”, rồi rảo bước lủi đi mất. Khi xe buýt
cô ngồi đang chầm chậm bẻ cua lăn bánh ra khỏi bãi đậu, Jimmy từ đâu nhào ra,
đập mạnh vào cửa xe. Cánh cửa vừa mở, cậu bé thót ngay lên xe và ôm chặt lấy cô
giáo: “Cô ơi, con cảm ơn cô lần nữa. Hôm đó chẳng ai biết là mẹ con vắng mặt.”
Câu chuyện của cô giáo Nancy
gợi nhớ lời hiền giả Aesop ở Hy Lạp (khoảng 620-560 trước Công Nguyên): “Dẫu nhỏ nhít mấy đi nữa, chưa từng có việc
làm tử tế nào là lãng phí.” ([3])
Trong Kinh Sám Hối, ngày
27-11-1925, Đức Đông Huê Đế Quân dạy:
Việc lành chẳng khá bỏ qua
Tuy rằng nhỏ nhít, cũng là công phu.
07-5-2005
Huệ Khải