41. Đời vẫn có thiên thần
Nhà văn Mỹ Elbert Hubbard
(1856-1915) nói: “Con người giàu có chỉ
khi nào họ cho đi. Ai phụng sự nhiều thì nhận lại nhiều.” ([1]) Nhưng nữ sĩ Mỹ Varda One
lại nhìn những ai biết phụng sự nhiều cho người khác ở một góc độ lãng mạn hơn
tính từ “giàu có”. Bà gọi họ là thiên thần.
Thuở thanh xuân, như phần đông thiếu nữ, Varda One rất ngại
tới phòng răng. Còn có một lý do nữa là cô quá chật vật tiền bạc. Thật vậy, khi
là sinh viên năm thứ hai, cô phải làm việc bán thời gian để tự trang trải chi
phí ăn học.
Nhưng một hôm đau răng không chịu xiết, cô đành mở danh bạ
điện thoại và lựa phòng răng gần nhất để chỉ cần cuốc bộ tới gặp nha sĩ. Thư ký
của nha sĩ bảo Varda có thể tới ngay, không cần hẹn ngày. Lúc rảo bước băng qua
khuôn viên trường đại học, cô bỗng quên luôn chỗ răng đau mà chỉ lo nơm nớp
không biết đào đâu ra tiền chữa răng.
Rốt cuộc Varda cũng ghé lưng nằm vào ghế, há miệng cho nha sĩ
khám răng. Ông ta lầm bầm qua miếng khẩu trang: “Chà, chà, mấy cái răng này tệ
quá xá!”
“Tôi biết rồi.” Varda nói cộc lốc, chỉ cốt che giấu nỗi lo âu
của mình.
“Nhưng yên tâm đi, tôi sẽ chữa hết cho cô.”
“Thôi đừng.” Varda nhổm dậy và toan bước ra khỏi ghế. “Tôi
chẳng có tiền trả đâu.”
“Cô làm nghề gì?”
“Đã nói rồi, tôi không có tiền.”
“Cô là sinh viên đại học này phải không?”
“Phải. Có can hệ gì không?” Varda dè dặt.
“Vài năm nữa cô sẽ tốt nghiệp, phải không?”
“Tôi mong thế.” Varda cảm thấy bực bội, thấy mình giống như
đang bị cảnh sát điều tra.
“Khi ấy cô sẽ tìm được việc làm, phải không nào?”
“Thì cứ cho là thế.” Varda
không hiểu cái kiểu hỏi đáp cù nhây này sẽ đi tới đâu, và để làm gì.
“Ờ, đợi đến lúc ấy cô hãy
trả tiền cho tôi. Còn bây giờ, cứ tập trung học tập và giao việc chữa răng cho
tôi nhé.”
Varda trợn mắt, không tin
vào tai mình; còn nha sĩ bình thản cầm lấy đồ nghề và bắt tay vào việc. Từ hôm
ấy trở đi, mỗi tuần một lần Varda đều đặn trở lại phòng răng cho tới khi mấy
cái răng tệ hại của cô được chữa trị hoàn hảo. Thế rồi Varda tốt nghiệp đại
học, kiếm được việc làm. Vài tháng sau cô trả dứt món nợ đã ngâm khoảng ba năm.
Giờ đây, sống ở thành phố
Hawthorn, phía Nam bang California, Varda viết văn nghị luận, truyện ngắn, tiểu
thuyết, làm thơ, sáng tác nhạc… có sách in ở nhiều nước.
Trong hồi ức The Woodwork Angel ([2]) in năm 1996, Varda
thổ lộ rằng suốt bốn mươi năm sau vụ chữa răng đó bà không hề quên ông nha sĩ
ấy. Trên đường đời, bà từng gặp nhiều người xa lạ khác. Khi bà cần được giúp
đỡ, họ bỗng như từ đâu hiện ra, lúc thì cho vay tiền, lúc thì đồ đạc, dụng cụ…
Họ chỉ dẫn những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và nghề nghiệp. Có khi họ cứu
bà ra khỏi tình huống nguy hiểm hay thoát được một sai lầm nghiêm trọng.
Những lúc mang ơn nghĩa ấy
bà lại chạnh nhớ ông nha sĩ ngày xưa. Bà cảm kích xem ông nha sĩ tốt bụng và
những người từng đưa tay trợ giúp bà là những thiên thần thoắt hiện thoắt biến
giữa cõi ta bà đa đoan, bất trắc này.
09-9-2005 / 08-4-2017
Huệ Khải