Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

21/52 SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO


19. Bệ phóng cho thanh niên vào đời

Vào năm 1975, nếu Tiến Sĩ Russell Mawby thiếu mắt xanh thì thế giới đã không có thêm hai tổ chức nổi tiếng chắp cánh cho thanh niên vào đời. Ông đã tin tưởng, mở rộng tấm lòng làm bệ phóng cho ước mơ một chàng trai hai mươi tuổi bay cao và bay xa.
Xuất thân trong một gia đình nông dân trồng cây ăn trái ở miền Tây bang Michigan, cha mẹ chỉ học hết lớp Tám, Mawby là đứa con đầu tiên trong nhà tốt nghiệp đại học. Theo nghề làm vườn tại Viện Đại Học bang Michigan (nước Mỹ), những mong sẽ trở thành người trồng cây ăn trái nối nghiệp mẹ cha, nào ngờ Mawby trở thành giáo sư tiến sĩ thực thụ.
Năm 1964, giám đốc phụ trách bộ phận nông nghiệp của Quỹ Kellogg ([1]) gọi điện mời Mawby thay ông đảm trách chức vụ này. Sau đó Mawby lần lượt làm phó chủ tịch phụ trách các chương trình tài trợ, rồi làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc hai mươi lăm năm. Nghỉ hưu (1995), Mawby tiếp tục làm ủy viên hội đồng quản trị năm năm và làm ủy viên danh dự thêm ba năm. Thuở ông mới gia nhập, mỗi năm Quỹ tài trợ khoảng mười hai triệu Mỹ kim. Lúc ông nghỉ hưu, mỗi năm Quỹ tài trợ gần hai trăm sáu mươi triệu Mỹ kim. Năm 1975, đang làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc Quỹ Kellogg (một trong năm quỹ lớn nhất nước Mỹ), ông nhận được thư của Rick Little, hai mươi tuổi, sinh viên năm thứ hai.
Lớn lên ở một thị trấn nhỏ thuộc bang Ohio, mẹ nát rượu, cha nghiện ma túy, nhưng Little đã quyết chí phấn đấu và vững tin vào giá trị của chính mình. Không buông xuôi theo nghịch cảnh, anh vào được Đại Học Anderson (bang Indiana). Năm mười chín tuổi, ngủ gục khi đang cầm lái từ trường Anderson về nhà, anh lao xe lên vệ đường, đâm vào một thân cây. Gãy lưng, nằm bệnh viện sáu tháng, anh suy gẫm nhiều về bản thân, chua xót nhận ra mười ba năm học hành chẳng hề giúp anh kỹ năng ứng phó cuộc sống nhiều bất trắc, và anh không phải là kẻ duy nhất. Ra viện, anh về nhà mới ba tuần thì mẹ lại tự tử bằng thuốc ngủ suýt chết.
Anh biết nhà trường hầu như chẳng dạy được gì cho giới trẻ những kỹ năng thiết yếu để giới trẻ sẵn sàng bước vào cuộc đời nhiều bất trắc. Bản thân anh có thể vượt qua nghịch cảnh, nhưng còn biết bao thanh thiếu niên khác? Không lẽ để mặc họ phải chịu hậu quả do lỗi của người lớn? Anh thấy rằng tuổi trẻ thất bại vì thiếu một người lớn có trách nhiệm trợ giúp trong tình thương yêu, gắn bó. Anh sớm định hình lý tưởng cải thiện hoàn cảnh người trẻ bất hạnh vì lỗi của người lớn, giúp giới trẻ học được những phương cách để vào đời và tồn tại. Anh quyết tâm kiếm tiền lập một tổ chức huấn luyện các kỹ năng cần thiết giúp thanh thiếu niên gặp nghịch cảnh ứng phó với đời.
Thoát chết sau tai nạn xe hơi, phấn khích vì lý tưởng xây dựng một chương trình giáo dục thanh thiếu niên theo cách riêng của mình để bổ túc những thiếu sót của hệ thống nhà trường hiện hữu, sinh viên Little bỏ học, đích thân tới nhiều bang phỏng vấn hơn hai ngàn học sinh ở một trăm hai mươi trường trung học. Anh chỉ hỏi hai câu:
1. Nếu muốn phát triển một chương trình học nhằm giúp em thích nghi cuộc sống hôm nay và mai sau, theo em chương trình này cần có những gì?
2. Hãy kể ra mười vấn đề hàng đầu em muốn giải quyết tốt đẹp ở nhà và tại trường.
Dù thành thị hay nông thôn, con nhà giàu hay nhà nghèo, tất cả đều trả lời gần như giống nhau, và cũng giống với kết quả nghiên cứu của Viện Quốc Gia Giáo Dục.([2]) Viện điều tra một ngàn người ở độ tuổi ba mươi, thì có tám mươi bảy phần trăm than phiền trường trung học chẳng trang bị được kỹ năng thiết yếu để họ giáp mặt cuộc sống xã hội. Họ ao ước thuở nhỏ được học cách thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp, cách làm cha mẹ hiền, cách nuôi dạy con, cách biết lắng nghe, cách quản lý tiền bạc, cách giải quyết xung đột, và quan trọng nhất chính là dạy cho họ hiểu rõ ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì.
Về câu hỏi thứ nhì, hai vấn đề hàng đầu là trẻ luôn cảm thấy lẻ loi, và ghét bỏ chính mình. Kết quả này cũng phù hợp một nghiên cứu Little đọc được: Chín mươi phần trăm trẻ mẫu giáo hài lòng về bản thân, nhưng lên lớp Sáu tỷ lệ này chỉ còn mười phần trăm.
Để hoàn thành cuộc phỏng vấn ấy Little phải ngủ bụi trong xe hai tháng. Chỉ có sáu mươi Mỹ kim để sống, mỗi bữa ăn qua loa mấy miếng bánh lạt phết bơ đậu phọng, lắm hôm nhịn đói. Kế tiếp, anh tiếp xúc các nhà giáo dục hàng đầu của Mỹ, các bậc thầy trong nghề tư vấn và tâm lý, xin họ ủng hộ. Họ đều bàn ra: “Cậu còn trẻ quá! Hãy trở lại đại học, lấy xong bằng cử nhân trước khi đeo đuổi ước mơ này.”
Không nản chí, anh liên tiếp tìm tới các quỹ tài trợ. Để có tiền đeo đuổi lý tưởng, anh bán xe, vay bạn bè thêm ba mươi hai ngàn Mỹ kim. Suốt một năm anh khổ nhọc làm việc từ tinh mơ cho tới khuya, cứ viết đi viết lại các dự án sau mỗi lần bị nhà tài trợ từ chối. Một nhà giáo đã nghỉ dạy để theo giúp anh viết dự án đành phải than với anh: “Tôi sạch tiền rồi, lại phải nuôi vợ con. Cậu chỉ còn một cơ hội chót, nếu vẫn thất bại, tôi lập tức quay về với bục giảng.”
Lúc ấy chưa biết gì về các quỹ tài trợ, Little kinh ngạc nghe nói có những tổ chức chuyên đem tiền giúp người khác. Lưng còn mang nẹp cố định xương, đi đứng rất khổ sở, anh vẫn lập dự án và kiên nhẫn gõ cửa một trăm năm mươi lăm quỹ khác nhau. Tất cả đều từ khước không chút do dự. Cuối cùng, gần như tuyệt vọng, anh nghe nhắc đến Quỹ Kellogg do Tiến Sĩ Russell Mawby làm chủ tịch.
Được cho cái hẹn, Little chỉ dám mong ngài chủ tịch danh giá chiếu cố khoảng ba mươi phút thì đã ân huệ lắm rồi. Nhưng Tiến Sĩ Mawby trò chuyện với anh suốt một trăm năm mươi phút. Anh trút cạn nỗi lòng, kể lể cảnh nhà và sôi nổi trình bày mơ ước phát triển một chương trình giúp thanh thiếu niên vào đời. Xong buổi phỏng vấn, Mawby mời anh ra ngoài ăn trưa. Ngang qua một quầy kem, ông hỏi: “Cậu ăn chứ?”
Anh gật đầu. Bất ngờ trước thịnh tình của Mawby, anh vụng về đón lấy cây kem quá mạnh tay, lớp vỏ bánh bể nát và kem sô-cô-la chảy trào xuống mấy kẽ ngón tay. Mawby bật cười, lấy khăn giấy ở quầy kem giúi cho chàng trai đỏ mặt sượng sùng. Anh than thầm: “Có cây kem cầm cũng chẳng nên thân thì nói gì tới việc huấn luyện các kỹ năng giúp thanh thiếu niên vào đời!”
Hai tuần sau Mawby gọi điện báo tin: “Hội Đồng Quản Trị đã bỏ phiếu bác bỏ năm mươi lăm ngàn Mỹ kim cậu đề nghị…”
Nước mắt Little trào ra. Hai năm lao tâm khổ trí, đã tan thành mây khói. Đầu dây bên kia, Mawby thản nhiên nói tiếp: “Tuy nhiên, Hội Đồng nhất trí tài trợ một trăm ba mươi ngàn Mỹ kim.”
Anh hoàn toàn bất ngờ, như thế là duyệt chi tăng hơn dự án của anh bảy mươi lăm ngàn Mỹ kim. Bây giờ anh có thể cho phép mình bật khóc ngon lành.
Thế là cuối cùng anh được chấp nhận. Tổ chức Quest International ra đời (1975), Rick Little làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc (1975-1989), huấn luyện hàng ngàn giáo viên và các nhà tư vấn, các giáo dục viên dạy kỹ năng vào đời cho thanh thiếu niên theo phương châm 3T do anh đề ra: Thẩm định lại giá trị bản thân; Tinh thần trách nhiệm; Tự trọng.([3])
Năm 2005 các chương trình huấn luyện của Quest được dạy tại hơn ba mươi ngàn trường học ở năm mươi bang nước Mỹ và bốn mươi quốc gia, mỗi năm có bốn triệu trẻ được đào tạo. Vốn của Quest tăng lên hơn một trăm triệu Mỹ kim. Được Quỹ Kellogg tài trợ thêm sáu mươi lăm triệu Mỹ kim (1989), Rick Little thành lập Quỹ Thanh Niên Quốc Tế,([4]) do anh làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc (1990-2002). Năm 2005 Quỹ hoạt động ở hơn sáu mươi quốc gia, mỗi năm đầu tư hơn một trăm ba mươi lăm triệu Mỹ kim vào hàng trăm dự án huấn luyện kỹ năng vào đời, chăm sóc sức khỏe, tìm việc cho thanh niên vượt khó…
Rick Little được Hội Đồng Các Quỹ Ở Mỹ ([5]) trao giải thưởng Robert Scrivner (1997). Trước đó (1996), Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ([6]) ở thành phố Davos (Thụy Sĩ) bầu chọn Rick Little là một trong các nhà lãnh tụ toàn cầu vì mai sau.([7])
Khi thôi làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc Quỹ Thanh Niên Quốc Tế (2002), Rick Little lần lượt lãnh đạo nhiều tổ chức tên tuổi khác để kết hợp những doanh nhân hoạt động xã hội, những nhà tư tưởng lớn, những tổ chức tài chính, những nhà giáo dục tâm huyết… Tất cả cùng nhau làm việc vì thanh thiếu niên nghèo khó trên toàn thế giới. Theo Rick Little, dù có làm nhiều hơn nữa cho thanh thiếu niên cũng chẳng bao giờ đủ, và phải luôn đáp ứng cho lớp trẻ niềm hy vọng và lòng tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn.
21-6-2005
Huệ Khải



([1]) the W.K. Kellogg Foundation
([2]) the National Institute of Education
([3]) Tiếng Anh là 3Rs: Reassessing; Responsibility; self-Respect.
([4]) the International Youth Foundation
([5]) the US Council on Foundations
([6]) the World Economic Forum
([7]) one of the Global Leaders for Tomorrow