8. Cần một tấm lòng
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”
là một trong nhiều câu hát rất hay, rất đẹp của Trịnh Công Sơn (1939-2001).
Nhưng tấm lòng đó sẽ không dễ gì “để gió
cuốn đi” như lời họ Trịnh mà vẫn còn đọng lại sau khi đã nâng đỡ con người
đúng lúc người đó cần được nâng đỡ.
Làm chuyên
viên tư vấn cho một hãng bia, Martin Rutte có nhiệm vụ giúp tổng giám đốc và
các phó tổng giám đốc hoạch định, thực hiện những kế hoạch phát triển kinh
doanh mang tính chiến lược. Trong một nền kinh tế cạnh tranh, thương nhân trên
thị trường sát phạt nhau quyết liệt chẳng kém quân nhân ngoài chiến trường thì
rõ ràng công việc của ông không hề nhẹ nhàng chút nào. Nó mang tính thách đố
ghê gớm, và vì thế cũng âm thầm bào mòn sức khỏe, làm suy yếu thần kinh mỗi
ngày từng tí, từng tí một.
Thế mà mẹ ông
lại đang ở vào giai đoạn cuối của người bệnh ung thư. Cả ngày ông cặm cụi làm
việc ở công ty nhưng đêm nào cũng lái xe vượt sáu mươi lăm cây số để về hủ hỉ
bên mẹ. Mệt mỏi và căng thẳng muôn phần, nhưng ông bằng lòng đeo đuổi nếp sống
như vậy. Ông tự hứa vừa đảm bảo chu toàn nhiệm vụ ở hãng bia vừa cố gắng để
khỏi lỗi đạo làm con.
Ông chẳng
muốn lãnh đạo công ty phải bận lòng về hoàn cảnh gia đình ông. Nhưng dẫu gan
đồng dạ sắt đến mấy đi nữa, lắm lúc thâm tâm ông cũng khó tránh khỏi mong muốn
có ai đó cho ông san sẻ nỗi niềm giữa những ngày đầy khó khăn này. Thế là một
ngày nọ ông đem cảnh nhà ra tâm tình cùng phó tổng giám đốc đặc trách nguồn
nhân lực, và xin đừng hở chuyện cho một người thứ ba.
Mấy hôm sau,
tổng giám đốc hãng bia mời ông vào văn phòng. Ông ngỡ cấp lãnh đạo cần trao đổi
thêm về mấy vấn đề họ đang xúc tiến.
Đến nơi, ông
được mời ngồi đối diện với tổng giám đốc, cách nhau một mặt bàn đồ sộ. Nhìn
thẳng vào mắt ông, tổng giám đốc bảo: “Tôi nghe nói mẹ anh đau nhiều.”
Ông quá sửng
sốt, rồi bỗng dưng bật khóc. Trường hợp này quả đúng như William Sahkespeare
(1564-1616) đã viết trong một vở kịch: “Khóc
là để với bớt buồn đau.” ([1]) Bởi vậy, cứ yên lặng nhìn ông khóc,
chờ cho cơn xúc động lắng dịu, bấy giờ tổng giám đốc mới nhỏ nhẹ dặn dò: “Có
cần bất cứ điều gì, cho tôi biết nhé!”
Nhắc lại
chuyện cũ, Rutte tâm sự: “Ông ấy đã thấu hiểu và có thiện ý để cho tôi được
trút đi niềm đau nỗi khổ, lại còn hứa giúp tôi mọi việc. Tôi mang trong lòng
tấm tình quý hóa ấy đến tận bây giờ.”
Quan
hệ lãnh đạo và thuộc cấp không phải chỉ là công việc và lương bổng. Có những
người suốt đời vui lòng chịu ràng buộc mình vào một “ông chủ” chỉ vì họ đã nhận
được một giá trị phi vật chất còn to tát hơn mọi tưởng thưởng bằng vật chất.
Chuyện của Rutte chẳng những gợi nhớ câu hát trong nhạc Trịnh mà còn khẳng định
tính chân xác trong lời nói đơn giản của Jeremiah Burroughs: “Cái gì đến từ con tim thì đi vào con tim.”
([2])
08-01-2004
Huệ Khải