37. Phía sau sự nghiệp một tài năng
Lẽ
ra Scott Adams chẳng bao giờ tạo được sự nghiệp hý họa vẻ vang để ghi vào bách khoa thư Britannica danh tiếng thế giới nếu như lúc mới vào nghề anh
đã không nhận được lá thư tử tế của Jack Cassady, một đại thụ trong nghề vẽ
truyện tranh hài hước. Phía sau sự nghiệp một tài năng lớn chính là tấm lòng
một tài năng lớn khác.
Sinh ngày 08-6-1957 tại thành phố
Windham , bang New York ,
từ sáu tuổi Adams đã muốn trở thành họa sĩ
chuyên vẽ truyện tranh hài hước. Khi anh chưa biết làm sao hiện
thực ước mơ thì hý họa của Jack Cassady đã xuất hiện trên hàng trăm tạp chí tên
tuổi, sách và ấn phẩm ở Mỹ và ngoài nước, kể cả trên màn ảnh nhỏ… Cassady là
bậc thầy lão luyện trong nghề dạy hội họa, vẽ truyện tranh hài hước, minh họa
sách báo và đồ họa ở trường đại học. Kinh
Doanh Hài Hước, Nghệ Thuật Vẽ Truyện Tranh Vui ([1]) là sô truyền hình ăn khách do
Cassady sản xuất và đích thân dẫn chương trình.
Tháng 01-1986, Adams xem một
sô Kinh Doanh Hài Hước trên kênh truyền hình PBS (Public
Broadcasting Service). Thấy có tên Jack Cassady ở danh sách
những người tham gia thực hiện, anh liền viết thư đến bậc danh tài, xin chỉ dẫn
vào nghề vẽ tranh hài hước, không quên kèm theo vài mẫu sáng tác của anh.
Mấy tuần sau Adams nhận được
thư hồi âm. Đích thân Cassady viết thư với thủ bút của ông, hướng dẫn tỉ mỉ
từng chi tiết chuyên môn. Ông còn cảnh báo rằng anh sẽ có rất nhiều nguy cơ bị
từ chối ngay từ lần thử sức đầu tiên. Ông khuyên nếu việc ấy xảy ra anh chớ nản
chí bởi lẽ những mẫu vẽ của anh rất đạt và xứng đáng đăng báo lắm.
Cuối cùng Adams đã biết cách
vào nghề. Lòng phấn khởi, anh gởi mấy mẩu vẽ ưng ý nhất tới hai tạp chí Playboy và New Yorker. Họ mau chóng chuyển tới anh hai mẩu giấy được sao chụp
sẵn, lời từ khước lạnh tanh. Nản quá, anh dẹp hết đồ nghề vào tủ và quyết định
quên đi mơ ước đời mình.
Một năm rưỡi trôi qua. Tháng 6-1987 Adams nhận lá thư thứ hai
của Jack Cassady. Anh vừa ngỡ ngàng vừa ngượng ngùng, bởi trót chẳng viết một
lời nào cảm ơn Cassady về lá thư thứ nhất. Cassady viết:
Scott mến,
Tôi đang xem lại mớ thư
từ liên quan tới sô Kinh Doanh Hài Hước của tôi thì tìm thấy thư và mấy mẩu vẽ
của anh. Tôi nhớ có trả lời cho anh rồi.
Lý do tôi gởi anh thư này
là để thêm một lần nữa khuyến khích anh hãy gởi các ý tưởng của anh tới thật
nhiều tờ báo khác nhau. Tôi hy vọng anh đã làm như thế và đang trên đường kiếm
được vài Mỹ kim và cũng đang có được chút vui sướng.
Đôi khi khó tìm được sự
khích lệ trong nghề vẽ truyện tranh hài hước. Đó là lý do tôi đang khuyến khích
anh hãy bền chí nhẫn nại và cứ tiếp tục vẽ đi.
Tôi chúc anh nhiều may
mắn, bán được tranh và vẽ tốt.
Chân thành,
Jack
Năm 1989 nhân vật Dilbert và con chó Dogbert “thông thái” lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo.
Mười một năm sau, cả hai đã
chiếm lĩnh khoảng một ngàn chín trăm nhật báo tại năm mươi bảy quốc gia, dược in
mười chín ngôn ngữ khác nhau (http://www.cnn.com,
ngày 06-10-2000).
Khi đã thành danh rồi, có lần Adams
tâm sự:
“Tôi biết chắc chắn rằng
tôi sẽ không thử vẽ trở lại nếu như Jack chẳng gởi lá thư thứ hai đó. Với lời
lẽ tử tế và một con tem, ông đã khởi động một chuỗi sự kiện quan trọng. Nhân
vật Dilbert càng thành công hơn, tôi càng thêm thấm thía cái ý nghĩa to tát
trong hành vi tử tế mà giản đơn của Jack. Cuối cùng tôi có cảm ơn ông, nhưng
không bao giờ tôi rũ bỏ nổi cái cảm nghĩ là mình đã được tặng một món quà nhưng
vô phương báo đáp lại. Vì một lẽ nào đó, hai tiếng cảm ơn dường như là chưa đủ.
Lần hồi tôi ngộ ra có một số quà tặng ta không thể báo đáp mà phải tiếp tục
trao sang người khác.
Tôi mong ước có cả triệu
người đọc những dòng chữ này. Hễ biết ai sẽ được ơn ích nhờ vào một lời nói tử
tế thì bạn hãy hành động liền đi. Để đạt tác động mạnh mẽ nhất, bạn hãy viết
thư, và gởi người nào biết rõ bạn chả lợi lộc gì với lá thư tử tế ấy. Tôi đề
nghị bạn hãy khích lệ người nào mà họ không thể trả ơn bạn.”
*
Bậc thầy Cassady tài năng xuất chúng, danh tiếng như cồn, mà
vẫn rất khiêm tốn, biết sống thuần chơn vô ngã khi chân thành nâng đỡ, hết lòng
khuyến khích một tài năng tiềm ẩn để rồi nhờ vậy mà thế gian có thêm được một
Adams cũng xuất chúng tài năng và danh tiếng như cồn.
Câu chuyện cảm động của hai con người lừng lẫy ấy khiến chúng
ta liên tưởng tới Tân Luật Cao Đài (Điều Thứ Hai Mươi Hai) có quy định là “Chớ khoe tài, đừng cao ngạo, quên mình mà
làm nên cho người. Giúp người nên đạo. (…) Chớ che lấp người hiền.”
18-12-2004 / 08-4-2017
Huệ Khải