26. Tận tình ngoài nhiệm vụ
Joanna Slan
là một diễn giả chuyên nghiệp rất tên tuổi, một tác giả có sách được dịch ra
ngoại ngữ, một cây bút viết cho nhiều báo và tạp chí, một người dẫn chương
trình tài giỏi trên màn ảnh nhỏ và từng đoạt giải thưởng trong lãnh vực truyền
thông. Chuyện sau đây xảy ra khi chị đang ở bang Illinois (nước Mỹ).
Sáng hôm ấy chồng chị đang xa nhà, vì bận dự
hội nghị về quảng cáo trên đài phát thanh tổ chức tại thành phố Kansas . Mẹ và em gái chị
là Jane đang ở bang Indiana .
Cha chị đang nằm bệnh viện Memorial, là nơi Jane làm bác sĩ chuyên khoa hô hấp.
Vì bệnh tình ông diễn biến quá xấu, một xe cứu
thương đã sẵn sàng để chuyển ông sang bệnh viện Thánh John, là nơi có các thiết
bị điều trị tim mạch đầy đủ hơn.
Qua điện thoại, Jane thông báo tình trạng sức
khỏe của cha và trấn an chị rằng mọi việc sẽ êm xuôi, chị không nhất thiết phải
lái xe đường trường vượt xa lộ liên bang vì đã có Jane và các đồng nghiệp lo
liệu.
Chị làm việc tới trưa thì gan ruột bồn chồn
quá, bèn gọi điện thoại đến bệnh viện Thánh John, nhưng cha chị không có ở đó.
Chị gọi tới bệnh viện Memorial và biết rằng xe cấp cứu vừa rời khỏi cổng, đi
được chừng hai dãy phố đã phải quay về…
Nghe tới đó, chị bủn rủn, hiểu ngay rằng cha đã
tắt thở dọc đường. Chị không liên lạc được với Jane nhưng một y tá đã xác nhận
hung tin. Đầu óc chị quay cuồng, lòng dạ đau đớn, tâm trí rối bời. Chị phải có
một quyết định, nhưng trước hết chị muốn liên lạc với chồng (bấy giờ điện thoại
di động chưa ra đời).
Chị gọi đến sở làm của chồng nhưng không ai
biết số điện thoại khách sạn anh trọ. Chị mở danh bạ chọn thử một khách sạn lớn
ở Kansas ,
nhưng được trả lời rằng nơi ấy không có hội nghị mà cũng chẳng có tên chồng
chị. Chị bèn chọn lựa lần nữa: khách sạn Hyatt. Kết quả cũng là số không; cô
phụ trách tổng đài điện thoại cho biết: “Chỗ chúng tôi không có hội nghị quảng
cáo nào hết. Danh sách khách hàng cũng không thấy tên chồng chị. Rất tiếc…”
Trước khi đầu dây bên kia kịp cúp máy, chị bật
ra tiếng khóc. Chị vẫn bấu chặt ống nghe bên tai, và lấy tay áo quệt mũi như
đứa trẻ con. Sau một khoảnh khắc im lặng ngỡ ngàng, cô giữ tổng đài khách sạn
Hyatt nhẹ nhàng hỏi: “Có trục trặc gì à?”
Chị sùi sụt kể lể: “Cha tôi vừa qua đời sáng
nay ở Indiana ,
cách chỗ tôi năm giờ xe. Tôi cần tìm được chồng tôi. Tôi phân vân không biết
nên chờ gặp ảnh hay cứ tự lái xe về ngay với mẹ và em gái.”
Đầu dây ở Kansas im lặng một lúc, rồi rót vào tai chị
một giọng nói dịu dàng, từ tốn: “Đọc cho tôi tên và số điện thoại của chị. Cứ
ngồi yên ở nhà chờ tôi gọi lại nhé.”
Chưa đầy năm phút sau, chị nghe chuông điện
thoại reo. Vẫn giọng nói tử tế ấy từ Kansas
vọng về: “Tôi tìm ra chồng chị rồi. Anh ấy đang ở khách sạn Adam’s Mark. Tôi đã
nhờ ông quản lý khách sạn cho người đến ngay hội nghị báo tin gấp cho chồng
chị.”
Joanna thổn thức: “Cảm ơn chị. Cảm ơn chị nhiều
lắm.”
Vẫn giọng nói từ Kansas : “Còn một điều này nữa. Nếu chị quyết
định lái xe đi Indiana ,
thì hãy tìm một người bạn đi kèm. Cẩn thận, chị nhé. Chị đang xúc động quá đấy.
Phải nhớ là rất cẩn thận nhé. Tôi xin chia buồn với chị.”
Gác điện thoại, chị cảm thấy được an ủi nhiều
lắm. Người phụ nữ ở Kansas
mà chị không biết mặt cũng chẳng kịp hỏi tên đã tự nguyện giúp đỡ chị vượt ra
ngoài nhiệm vụ quy định của ngưởi trực tổng đài điện thoại khách sạn. Chắc
chắn, khi làm ơn cho một người xa lạ, chỉ tình cờ một lần tiếp xúc và không hẹn
ngày gặp lại, người ấy đâu bao giờ mong có sự đáp đền.
Người Việt rất quen thuộc với câu nói của thánh
hiền: “Thi ân bất cầu báo.” Năm chữ ngắn gọn ấy nào có khác gì ý tưởng mà bà
Ruth Smeltzer từng bày tỏ:
“Dẫu rằng hôm nay bạn kiếm được tiền,
bạn cũng chưa sống một ngày hoàn hảo, trừ phi bạn làm giúp điều gì cho một người sẽ không bao giờ có thể trả ơn bạn.” ([1])
27-8-2005
Huệ Khải