18. Trên hết là con người
Trong một công ty, CEO (Chief
Executive Officer) là người đứng đầu ban điều hành, hàng ngày chịu trách
nhiệm thi hành các sách lược kinh doanh của ban giám đốc. Tạp chí Chief Executive, số 199 (tháng 6-2004)
đã bình chọn Frederick W. Smith (sinh năm 1944), là CEO của năm 2004. Ngoài ra,
Smith còn là chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc của FedEx – một anh
chàng khổng lồ trị giá hai mươi lăm tỷ Mỹ kim, tạo công ăn việc làm cho hai
trăm bốn mươi ngàn nhân viên (số liệu năm 2005).
Là người thành phố Memphis ,
bang Tennessee
(nước Mỹ), tốt nghiệp Viện Đại Học Yale (1966), Frederick W. Smith (hay Fred
Smith) đã toan đi buôn, hoặc vào trường luật. Nhưng ông lại vào lực lượng thủy
quân lục chiến, sang chiến trường Việt Nam chỉ huy một trung đội, rồi trở
thành phi công. Về Mỹ (1971) ông lập công ty FedEx, hai năm sau bắt đầu hoạt
động (1973).
Đặt tên công ty là FedEx (tức là Federal Express: tốc hành
liên bang), ông muốn nó tượng trưng cho một thị trường xuyên quốc gia, dành
được các hợp đồng chở thuê cho chánh phủ. FedEx là hãng vận tải hàng hóa đầu
tiên dám sử dụng máy bay phản lực vào dịch vụ chuyên chở thâu đêm, và mau chóng
trở thành công ty hàng đầu trên thế giới trong lãnh vực này.
FedEx đã mua lại hãng máy
bay vận tải hàng hóa quốc tế Flying Tigers (1989). Sau đó, tháng 1-1998, lại
mua luôn Caliber System, Inc. là một tập đoàn gồm bốn hãng vận tải RPS, Roberts
Express, Viking Freight và Caliber Logistics. Tiếp theo, FedEx mua luôn hãng
vận tải hàng hóa American Freightways. Với sự hợp nhất các công ty đã mua lại,
tổng công ty FDX Corp ra đời, đến năm 2000 đổi tên thành FedEx Corporation.
Tháng 2-2004, FedEx bỏ ra hai tỷ tư Mỹ kim mua lại Kinko’s, một công ty Mỹ đang
làm chủ một ngàn hai trăm cửa hàng kinh doanh trong lãnh vực sao chụp, in ấn
tài liệu. Năm 2005 FedEx Corporation có mười ba đơn vị hoạt động, trong đó khá
quen thuộc ở thị trường Việt Nam
là FedEx Express.
Smith đưa ra phương châm
P-S-P, gồm ba chữ tắt của People
(con người) – Service (phục vụ) – Profit (lợi nhuận). Đồng tiền đi sau chất
lượng phục vụ, và trên hết là CON NGƯỜI. Ông tuyên bố: “Hãy chăm sóc nhân viên
của anh; đổi lại, họ sẽ phục vụ khách hàng của anh hoàn hảo; và khách hàng sẽ
tưởng thưởng mình bằng nguồn lợi nhuận bảo đảm tương lai anh.”
Năm 1989, không lâu sau khi
bán Flying Tigers cho Smith, vợ chồng Forrest King và số nhân viên cũ của công
ty ông đã thuê nguyên chiếc Boeing 747 đến Memphis, nơi đặt trụ sở trung ương
của FedEx. King đã không tin vào mắt mình. Khi hai ông bà và số nhân viên cũ
bước xuống máy bay, thảm đỏ được trải sẵn, hàng chục nhân viên FedEx hoan hô
chào mừng họ. Trong phái đoàn tiếp đón, còn có ông thị trưởng thành phố Memphis và nhân vật số
một của FedEx là Fred Smith.
King nói: “Theo tôi nghĩ,
khi một công ty khác mua lại công ty của anh, họ không nhất thiết có nghĩa vụ
phải trao cho anh một việc làm ở vị trí ưu tiên. Thế mà mọi người chúng tôi đều
được giao cho việc làm, và tất cả mọi người đã được thông báo điều này.”
Năm 1986, khi bộ phận
Zapmail của công ty phải đóng cửa, tất cả một ngàn ba trăm nhân viên của bộ
phận này được ưu tiên đăng ký tìm việc làm mới trong nội bộ công ty. Đối với
những công nhân không tìm được việc làm có mức lương tương đương mức lương cũ,
họ có thể chấp nhận công việc thấp hơn và công ty vẫn trả đúng mức lương cũ
suốt mười lăm tháng, hoặc cho tới khi nào họ tìm được việc làm khác có mức
lương cao hơn.
Có lúc FedEx đã phải ngưng
một số dịch vụ của công ty trong phạm vi thị trường châu Âu, và lực lượng lao
động của công ty tại châu Âu từ chín ngàn hai trăm bị giảm xuống còn hai ngàn
chín trăm. Nhiều cơ quan ngôn luận, trong đó có Thời Báo London (The London Times), từng ca ngợi cách
thức FedEx giải quyết vấn đề thất nghiệp. Chẳng hạn, FedEx cho đăng quảng cáo
chiếm nguyên cả trang lớn trên các nhật báo để khuyến khích những công ty khác
hãy tuyển lại công nhân cũ của FedEx. Kết quả rất ngoạn mục. Riêng ở Bỉ đã có
tám mươi công ty hưởng ứng quảng cáo của FedEx và nhờ thế đã giúp sáu trăm
người thoát khỏi cảnh thất nghiệp.
FedEx cũng có lúc khó khăn,
trắc trở. Những khi ấy, họ biết cùng nhau gắn bó để sinh tồn. Fred Smith đã
trung thành với phương châm của ông: TRÊN HẾT LÀ CON NGƯỜI.
29-3-2005
Huệ Khải