Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

50. Tin yêu dành cho người tuyệt vọng / SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO


50. Tin yêu dành cho người tuyệt vọng
“Điều phi thường ở chúng ta là mỗi người đều có khả năng như cánh phượng hoàng bay vút lên khỏi đám tro tàn đời mình, để tái tạo bản thân, để làm lại từ đầu. Bất kể những gì đã chịu đựng trước đây, ta vẫn có thể chuyển hóa bản thân và đời ta. Có lẽ mục đích chân xác của khổ đau chính là vượt lên đau khổ, ta sẽ trỗi dậy, tăng trưởng, lớn mạnh, và thành tựu.” ([1])
Tư tưởng ấy là của Judy Tatelbaum, một chuyên gia đầy thẩm quyền làm cái nghề trợ giúp người khác vượt qua nỗi buồn khổ và đớn đau trong cuộc sống, khích lệ họ can đảm giáp mặt và trụ vững trước những nghịch cảnh không sao tránh né.
Sinh trưởng ở thành phố Rochester thuộc bang New York, Judy Tatelbaum tốt nghiệp Viện Đại Học Syracuse và trường Công Tác Xã Hội thuộc Simmons College. Có bằng thạc sĩ công tác xã hội, trước khi hành nghề tư tại bang California, bà làm công tác xã hội tại Trung Tâm Y Tế Tâm Thần bang Massachusetts ở thành phố Boston,([2]) và Dưỡng Đường Payne Whitney liên kết Trung Tâm Y Khoa Cornell ở thành phố New York.([3]) Ngoài ra, bà còn là chuyên gia tâm lý trị liệu, một diễn giả ăn khách ở nhiều bang, một huấn luyện viên nhà nghề, thường chủ trì các hội thảo chuyên đề, và xuất hiện trên truyền hình, đài phát thanh. Website của bà là http://www.judytatelbaum.com.
Sau khi xuất bản hai quyển sách bán rất chạy, nhan đề Can Đảm Chấp Nhận Đau Buồn; Bạn Chẳng Phải Chịu Khổ,([4]) bà làm một video nhan đề Can Đảm Chấp Nhận Đau Buồn, Can Đảm Để Trưởng Thành.([5]) Một bộ bốn cát-xét được ra đời dành cho người làm công tác chăm sóc (bác sĩ, y tá, nhân viên công tác xã hội…): Chăm Lo Cho Người Làm Công Tác Chăm Sóc; Nâng Cao Lòng Tự Trọng; Quyền Nói Lời Từ Biệt; Nỗi Sầu Đau Đặc Biệt Của Người Bệnh HIV Và AIDS.([6]) 
Mới vào nghề công tác xã hội, là nhân viên trẻ tại một dưỡng đường tâm thần ở thành phố New York, Judy được giao nhiệm vụ tiếp nhận Roz, cô gái hai mươi tuổi do một dưỡng đường tâm thần khác chuyển đến. Vì hồ sơ bệnh lý không kịp gởi kèm theo như thông lệ, Judy được cấp trên khuyên là trong buổi gặp mặt đầu tiên hãy phán đoán tình trạng bệnh nhân bằng tai, bằng mắt và bằng cảm nhận của chính mình để tìm ra biện pháp trị liệu thỏa đáng.
Thay vì chẩn đoán, Judy hỏi han cặn kẽ và khám phá ra Roz sống bất hạnh, lẻ loi giữa cảnh nhà khốn khổ, bị ngộ nhận vì những người trị liệu trước đây đã không biết lắng nghe cô. Khi thấy Judy quan tâm muốn nghe, Roz rất tích cực trả lời các câu hỏi. Thế rồi Judy bàn với Roz phương hướng lập lại cuộc sống mới bằng cách tìm một việc làm, một chỗ ở đàng hoàng, và xây dựng các mối quan hệ mới. Roz đồng thuận, sau đó cô khởi sự từng bước quan trọng để thay đổi cuộc sống của mình.
Một tháng trôi đi, việc hai người hợp tác trị liệu đang tiến triển khả quan thì hồ sơ bệnh lý của Roz được chuyển tới, và chồng giấy dày cộp này làm cho Judy bàng hoàng. Hồ sơ kết luận Roz mắc chứng tâm thần phân liệt thể hoang tưởng (paranoid schizophrenic) và không còn hy vọng chữa khỏi.
Trải nghiệm của Judy trong quá trình làm việc với Roz hoàn toàn phủ nhận kết luận chẩn đoán đó. Judy thật sự đau lòng khi hình dung thời gian qua Roz đã bị cô lập, bị cho uống thuốc sai, và bị chấn thương tâm lý vì sự điều trị tệ hại đáng sợ ấy. Judy quyết định tiếp tục trị liệu theo cách của cô, vững tin rằng Roz sẽ hoàn toàn bình phục.
Trước tiên Roz có được việc làm, kế đó lại tìm ra một chỗ ở cách xa cái gia đình khốn khổ của mình. Sau mấy tháng làm việc, Roz giới thiệu cho Judy biết vị hôn phu, một thương gia thành đạt. Khi chương trình điều trị kết thúc, Roz tặng Judy một miếng đánh dấu chỗ sách đang đọc dở, làm bằng bạc, kèm theo mảnh giấy ghi mấy chữ: “Biết ơn chị đã trọn tin em.” Judy gìn giữ cẩn thận mảnh giấy ấy như một kỷ vật nhắc cô nhớ phải biết đứng ở đâu để giúp những người bị coi là tuyệt vọng tìm thấy cuộc đời mới tin yêu, hạnh phúc.
10-4-2017
Huệ Khải




([1]) What is extraordinary about us is that we each have the capacity to rise like the phoenix out of our ashes, to create ourselves newly, to begin again. We can transform ourselves and our lives, regardless of what we have endured before now. Maybe the true purpose of suffering is that out of our pain, we will rise, expand, grow and achieve.
([2]) Massachusetts Mental Health Center
([3]) Payne Whitney Clinic affiliated with the New York Cornell Medical Center
([4]) The Courage to Grieve; You Don’t Have to Suffer.
([5]) The Courage to Grieve, the Courage to Grow.
([6]) Caring for the Caregiver; Enhancing Self Esteem; The Power of Saying Good-bye; The Special Grief of HIV and AIDS.