Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

1. Cho trọn niềm tin / SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO

1. Cho trọn niềm tin
Sống ở thành phố Tuscaloosa nằm về Trung Tây bang Alabama nước Mỹ, ngoài việc trợ giảng môn báo chí tại Viện Đại Học Alabama, Carolyn M. Mason là cây bút tự do, viết cho nhiều báo, tạp chí, và cộng tác với một vài websites.([1]) Khoảng năm 2002 bà xuất bản quyển sách đầu tay, nhan đề Waxed, tập hợp các bài về việc nuôi dạy con cái, làm mẹ, và những trầm tư của một phụ nữ trung niên. Bà có hai con gái: Callie (chị) và Laura (em), cách nhau ba tuổi. Sau đây là chuyện về thầy trò Laura, năm cô bé lên bảy.
Lúc bà Mason đánh mascara vào đôi mi vàng hoe của Laura, bé tuyên bố: “Thầy Walker sẽ tới xem con nhảy jazz.”
Cố giữ để dụng cụ chải mi khỏi chọc vào mắt bé, bà hỏi: “Điều gì khiến con nghĩ thế?”
Thầy Walker dạy bé ở lớp Một. Thầy đã biến bé thành đứa trẻ ham đọc sách, chịu suy nghĩ, có óc tổ chức. Thầy đã khích lệ bé tập nhảy múa dù tính tình bé gần như con trai. Thầy bảo bé không nên quyết định rập khuôn theo kẻ khác. Thế là bà và con gái quyết định chọn điệu nhảy jazz. Bé không tin tưởng, nhưng cũng cố thử xem sao.
Giờ đây, vào cái đêm biểu diễn quan trọng của bé, dường như bé đã đặt hết lòng tin rằng thầy Walker sẽ tới làm khán giả. Chẳng phải bà nghi ngờ tấm lòng thầy tận tụy hy hiến cho học trò, nhưng đặt trường hợp là bà, thì bà chả đời nào đi xem nhảy jazz nếu như trong nhóm nhảy đó không có con gái mình. Vào tối Thứ Sáu có lẽ thầy Walker còn phải làm một việc gì quan trọng hơn là đi xem lũ trẻ con nhảy nhót.
Bà thấy buộc lòng phải chuẩn bị cho con gái mình cọ xát với thế giới thực tại. Không thể để bé cứ mơ tưởng viển vông rằng thầy Walker sẽ tới xem bé nhảy múa.
Trong lúc tháo gỡ cho bé những cái cuộn tóc màu hồng, bà dịu dàng hỏi: “Thầy có hứa sẽ tới không?”
Bé ngần ngừ: “Thầy không hứa, nhưng con có mời thầy.”
Bà bắt đầu nói dông dài cho bé hiểu rằng không phải ai cũng dư thời gian hay đủ thích thú để mục kích lần xuất hiện đầu tiên của bé trên sân khấu.
Bé thở dài: “Má à, má không hiểu đâu. Thầy muốn tới mà. Thầy là thầy của con mà.” Bé kết luận y như thể đó là lý do duy nhất để thầy giáo sẽ có mặt.
Rốt cuộc, bà không thể chuẩn bị cho con mình sẵn sàng giáp mặt những thất vọng trong cuộc sống. Nhưng bà tin bé sẽ vượt qua. Bé đã có khán giả là ông bà từ thành phố Baltimore tới, có mấy anh em họ từ thành phố Nashville, thêm một bà dì và ông dượng. Thế là đủ lắm rồi. bà nghĩ vậy, nhưng thấy tội nghiệp khi bắt gặp đôi mắt xanh lơ của con gái sáng lên một niềm tin trọn vẹn.
Lúc bà quệt mấy đường cọ cuối cùng lên đôi má con gái, cô bé thì thào: “Má nhớ dành một ghế cho thầy Walker.” Bà định bảo bé đừng quá mộng tưởng, mà hãy biết ơn những thân thích ruột thịt đã vượt dặm trường xa xôi bay tới đây và đang có mặt bên dưới sân khấu. Nhưng bà lặng thinh, nghĩ bụng có lẽ rồi bé sẽ quên đi.
Màn sắp sửa kéo lên. Đại gia đình bà ai nấy đã yên chỗ, bà bất chợt liếc mắt về cuối rạp. Kìa, thầy Walker, đang đọc tờ chương trình. Bà ùa ra phía sau và gần như lôi thầy sềnh sệch giữa hai dãy ghế để tới chỗ ngồi chừa sẵn giữa gia đình bà. Khi màn kéo lên, bà khẽ khàng: “Thầy đã tới.”
Mỉm cười, thầy giơ ngón cái lên ra dấu tin tưởng thành công. Lúc các cô gái nhỏ nhắn bước trên sân khấu biểu diễn, thầy vỗ tay hoan nghênh, nồng nhiệt khen ngợi bọn trẻ tài giỏi, tuyệt vời.
Khi bà tìm được con gái giữa đám đông chen chúc ở hậu trường, câu đầu tiên bé hỏi là “Thầy Walker có thích màn múa lắm không, má?”
Bà hỏi lại, chưa hết kinh ngạc: “Sao con biết thầy tới?”
“Thì con biết chứ sao!” Bé trả lời, nụ cười sáng rỡ trên gương mặt giống như ngọn nến bừng lên trong gian phòng tối.
Bà biết bé sẽ có nhiều thầy cô tận tụy trong quãng đời của bé. Bé sẽ có những giáo viên dạy văn giàu sáng tạo, những giáo sư đại học lỗi lạc, những vũ sư đam mê nghề nghiệp. Nhưng bà không dám chắc liệu bé sẽ có được vị nào giống như thầy Walker.
Rõ ràng thầy đã có công việc quan trọng phải làm vào một đêm Thứ Sáu của tháng Năm, là giữ cho đứa học trò bé bỏng được trọn vẹn niềm tin. Thầy đã giữ chữ Tín với đứa học trò bé bỏng.
Nho Giáo dạy con người tu dưỡng năm đức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Tín đặt ở vị trí sau cùng, như để làm nền móng đỡ nâng cho bốn đức khác. Nghĩa là, nếu không giữ được chữ Tín với nhau thì có nói tới Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí cũng chỉ là khoác lác.
Luận Ngữ (thiên 12, mục 7) chép chuyện ông Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử về phép trị nước. Đức Khổng đáp có ba thứ phải được đầy đủ là lương thực, quân đội, và lòng tin của dân chúng; nếu hoàn cảnh buộc chánh quyền phải bỏ bớt thì chỉ có thể bỏ lương thực và quân đội, tuyệt đối không thể bỏ mất lòng tin của dân chúng.
04-12-2004
Huệ Khải




([1]) Như USA Today, Trucker’s News, Commercial Carrier Journal, Overdrive Magazine...; như MSN.com, Salon.com, Health.com…