Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

28. Người cuối cùng về đích / SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO


28. Người cuối cùng về đích

Từ 1896 tới nay đã có chính thức mấy mươi Thế Vận Hội Mùa Hè. Tên gọi như vậy, nhưng không nhất thiết phải thi đấu đúng vào mùa hè, nên có nước tổ chức vào tháng 4 (Hy Lạp 1896, Anh 1908), tháng 5 (Pháp 1900, Thụy Điển 1912) hay từ cuối tháng 11 sang đầu tháng 12 (Úc 1956), v.v... Do đó, chẳng lạ là Thế Vận Hội Mùa Hè lần thứ mười chín tại thành phố Mexico, thủ đô của Mexico, lại khai mạc vào trung tuần tháng 10-1968.
Vượt qua một số trở ngại, thậm chí là chống đối, Thế Vận Hội Mexico 1968 khai mạc ngày 12, kết thúc tốt đẹp ngày 27, quy tụ 112 nước, với 5.530 vận động viên (4.750 nam, 780 nữ). Sau 172 trận so tài có 47 nước vinh dự chia nhau 527 huy chương vàng, bạc, và đồng dành cho 20 môn thể thao khác nhau.
Ngoài những kỷ lục mới đã được thiết lập với thành tích vẻ vang của những người chiến thắng, còn có thành tích phi thường của một vận động viên chiến bại để rồi người bại trận lại trở thành huyền thoại Thế Vận Hội.
Đó là John Stephen Akhwari, người làng Mbulu, trên vùng cao nguyên nước Tanzania ở Đông Nam châu Phi, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Năm ba mươi tuổi, Akhwari đại diện cho Tanzania góp mặt tại Thế Vận Hội Mexico 1968 ở môn chạy ma-ra-tông (marathon) bốn mươi hai cây số trên độ cao cách mặt biển hai ngàn ba trăm mét.
Nhiều bác sĩ rất lo ngại rằng không khí loãng và thời tiết khá lạnh sẽ tác hại đến sức khỏe các vận động viên chạy đua cần nhiều oxy. Ngay ngày đầu tiên thi chạy mười cây số đã cho thấy mối lo ấy rất đúng; nhiều vận động viên không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt, đành sớm bỏ cuộc.
Trước 6 giờ chiều hôm ấy, cuộc đua marathon đã phân thắng bại. Lễ trao huy chương vàng cho vận động viên Mamo Walde nước Ethiopia kết thúc. Lúc 7 giờ kém 10 phút, trận gió lạnh đêm tháng 10 lùa qua sân vận động bao la, trống trải. Nhà quay phim tài liệu Bud Greenspan (1926-2010) và các nhân viên phụ trách đang lui cui thu dọn. Thưa thớt một ít khán giả cùng các cảnh sát chưa vội ra về.
Chính lúc ấy, trên đường đua vắng tanh, một bóng người lẻ loi đang từng bước khập khiễng tiến gần đến đích. Nhiều giờ trước đó anh đã trượt ngã, rách toạc đầu gối và trật khớp chân phải. Quấn xong hai lớp băng, anh nghiến răng tiếp tục, để rồi mỗi cố gắng là thêm một đớn đau dồn lại.
Hình ảnh bi tráng của Akhwari (vận động viên mang số 36) đập vào mắt một cảnh sát. Ông lập tức hụ còi rền vang để tất cả những ai còn có mặt không phải lỡ dịp nhìn thấy người hùng loạng choạng bước qua mức đến và ngã vào vòng tay một người nhanh nhẹn lao ra đỡ lấy.
Sự thinh lặng vừa được hồi còi trả lại bỗng bùng vỡ những tràng pháo tay và tiếng hoan hô cỗ vũ. Bud Greenspan cũng kịp quay xong đoạn phim ngàn năm một thuở để hôm sau hình ảnh “người cuối cùng trên đường đua Thế Vận Hội Mexico” đã làm cho thế giới sửng sốt.
Báo chí ca tụng Akhwari là “tấm gương điển hình của tinh thần Thế Vận Hội; tượng trưng cho phẩm chất tốt đẹp nhất nơi tinh thần con người…” ([1])
Trong lễ bế mạc Thế Vận Hội Sydney (2000), Akhwari được mời sang Úc nhận giải thưởng tôn vinh ông là “biểu trưng sống động của lý tưởng Thế Vận Hội”.([2])
Ngày 02-10-2001, Thủ Tướng Tanzania là Frederick Tluway Sumaye tổ chức tại văn phòng ông một nghi thức để khai sinh Quỹ Điền Kinh John Stephen Akhwari ([3]) nhằm tài trợ việc huấn luyện vận động viên Tanzania tham dự Thế Vận Hội.
Đúng tháng ấy bốn mươi chín năm trước, khi nhà quay phim Bud Greenspan hỏi vì sao không chịu bỏ cuộc dù đã thua và đang mang thương tích, chàng trai châu Phi nhỏ nhẹ trả lời:
“Đất nước tôi không gởi tôi vượt qua bảy ngàn dặm trường [11.270 cây số] để tôi chỉ xuất phát trên đường đua. Đất nước tôi gởi tôi vượt qua bảy ngàn dặm để tôi chạy hết cuộc đua này.” ([4])
Câu chuyện của Akhwari gợi nhớ lời Nam Tước Pierre de Coubertin (1863-1937), cha đẻ của Thế Vận Hội:
“Điều quan trọng nhất ở Thế Vận Hội không phải là chiến thắng mà là tham gia, cũng y hệt như điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là thành công mà là phấn đấu. Điều cốt tủy không phải là chinh phục mà là chiến đấu oanh liệt.” ([5])
Lắng lòng suy gẫm từ bản anh hùng ca Akhwari, từ ý tưởng thâm thúy của vị Nam Tước người Pháp, chúng ta không khỏi liên tưởng tới những bậc hướng đạo Cao Đài đã trọn đời hy hiến cho lý tưởng Đại Đạo. Cả sự nghiệp các vị dẫu chưa phải là một thành công, nhưng trọn vẹn ý chí mỗi vị là cả một thành công.
Đơn cử trường hợp tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế (1902-1980). Khi ban phong tiền bối quả vị Quảng Đức Chơn Tiên, Đức Chí Tôn Cao Đài Thượng Đế dạy:
“Huệ Lương Trần Văn Quế đã hy sinh đóng góp thật nhiệt thành, bôn ba khắp nước, thiết tha với sự hòa hiệp. Chí hướng ấy trọn đời ôm ấp để thực hiện hai chữ dung hòa. Mc dù chưa thành công, nhưng ý chí đã thành.” ([6])
02-7-2005 / 06-4-2017
Huệ Khải




([1]) the epitome of the Olympic spirit; symbolises the finest in human spirit…
([2]) a living symbol of the Olympic ideal
([3]) JSAAF: John Stephen Akhwari Athletics Foundation
([4]) My country did not send me 7,000 miles away to start the race. They sent me 7,000 miles to finish it.
([5]) The most important thing in the Olympic Games is not to win but to take part, just as the most important thing in life is not the triumph but the struggle. The essential thing is not to have conquered but to have fought well.
([6]) Tam Tông Miếu, ngày 08-7-1981.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.