Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

46. Một lời cảm ơn cần thiết / SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO


Image result for nurse care clipart

46. Một lời cảm ơn cần thiết
Georgann Phillips Schultz sống với chồng con tại bang Virginia (nước Mỹ). Trước khi lấy bằng thạc sĩ, bà là điều dưỡng chánh quy. Bà còn làm thơ, viết truyện cho thiếu nhi. Mùa xuân năm 2002, nhà xuất bản Munchweiler in cho bà quyển Foghorn Hannah, là một truyện tranh thiếu nhi được bắt đầu viết trong một nhà trẻ của bệnh viện.
Thuở mới ra trường, năm đầu tiên làm điều dưỡng, Georgann mỗi tuần trực trọn năm đêm và đêm nào cũng quay như chong chóng vì thường phải chăm sóc hơn một tá bệnh nhân. Cứ cách hai giờ cô phải đến bên giường bệnh để kiểm tra tình trạng từng người, ghi chép cẩn thận vào các biểu bảng theo dõi, giúp đỡ các trường hợp khó khăn, cho uống thuốc hay tiêm chích theo chỉ định của bác sĩ, v.v… Cô làm tròn bổn phận được giao nhưng lại cảm thấy công việc quá sức chịu đựng và dường như không thể đáp ứng hết mọi yêu cầu, đòi hỏi của tất cả người bệnh với đủ tánh khí khác nhau.
Thế rồi sau một ca trực đêm mệt nhoài, cô được bà trưởng điều dưỡng mời vào văn phòng để trao đổi riêng chút việc. Cô thấy lòng dâng lên một nỗi chán chường. Cô đã cố hết sức mình, luôn tận tụy với trách nhiệm, thế mà vẫn chưa đủ ư? Miễn cưỡng, cô lê bước nặng trịch vào cái nơi mà cô không muốn ghé chân chút nào.
Bà trưởng điều dưỡng khép cửa phòng lại, mời cô ngồi xuống, đối diện với bà, cách nhau một mặt bàn rộng. Rút trong ngăn kéo ra lá thư, bà hỏi: “Cô có nhớ bà nào tên là Dickinson ở phòng H723-B không?”
Cái tên nghe xa xôi quá, chẳng hề gợi cho cô gương mặt nào cả. Làm sao nhớ nổi ai là ai trong số đông bệnh nhân cô đã chăm sóc sau ngần ấy đêm. Nhưng cái tên đó có là bà nào thì cũng chẳng quan trọng hơn sự việc cô đã bị khiếu nại. Cô lắc đầu, cảm nhận rất rõ một cục gì chặn ngang cổ mà không sao nuốt trôi xuống.
“Cô đọc thư này đi.”
Đưa tay run run đón lấy tờ giấy từ tay bà trưởng điều dưỡng, cô tủi thân và cố nén khóc nhưng những dòng chữ cứ nhòe đi. Sau cùng, cô ráng trấn tĩnh để xem thiên hạ kể tội mình ra sao. Thư viết:
“Kính gởi bà trưởng điều dưỡng,
“Vừa qua tôi là bệnh nhân nằm ở chỗ bà. Xin lỗi bà tôi không sao nhớ hết mọi cái tên nhưng có một cái tên cứ rõ nét trong tôi. Đó là cô điều dưỡng trực đêm đã săn sóc tôi. Tôi nhớ giọng nói an ủi dịu dàng của cô trong đêm khuya. Nhớ bàn tay mát rượi của cô đặt trên trán tôi đang nóng sốt. Cứ cách hai giờ cô ấy lại chịu khó ghé tới bên giường để xem tôi có dễ chịu không, có cần được giúp đỡ gì không. Từ tận đáy lòng, tôi biết ơn cô gái ấy.”
Nhà thơ Mỹ Henry Wadsworth Longfellow (1807-1882) nói: “Chúng ta đánh giá bản thân bằng những gì ta cảm thấy mình có thể làm được, còn người khác đánh giá chúng ta bằng những gì ta đã thực hiện xong rồi.” ([1])
Quả như vậy, Georgann đã được đánh giá tốt và khách quan bằng chính việc làm của cô. Lá thư ngắn ngủi của bà Dickinson đối với cô thực sự là món quà có ý nghĩa rất to tát vì chẳng những thêm sức cho cô, nó còn khiến cô tự tin về năng lực bản thân và cảm thấy nghề điều dưỡng không đến nỗi bạc bẽo.
Suốt mười lăm năm sau đó, cô vẫn ghi nhớ trong tâm lời thư của bà ấy. Đến khi được giao trách nhiệm kèm cặp các điều dưỡng mới vào nghề, cô đem những dòng chữ ấy chia sẻ với đồng nghiệp trẻ, định hướng họ vào con đường phục vụ bệnh nhân bằng một tấm lòng. Đó cũng là lý do vào năm 2000, mở đầu hồi ức Cảm Ơn Bà Dickinson,([2]) Georgann viết: “Các bệnh nhân có lẽ không biết rằng họ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm người khác như thế nào đâu.” ([3])
Chắc chắn ở đâu và bao giờ cũng có bệnh nhân mang lòng chân thành biết ơn thầy thuốc, điều dưỡng… y hệt như bà Dickinson, chỉ có điều họ ít khi chịu nhín thời gian để viết đôi dòng cảm tạ. Như thế, phải chăng họ đã để lỡ mất một cơ hội tạo được ảnh hưởng tốt đẹp cho rất nhiều người khác?
Nữ sĩ Mỹ Alice Walker (sinh năm 1944) nói: “Lời cảm ơn là kinh cầu nguyện tốt nhất bất kỳ ai cũng tụng được. Tôi tụng nhiều kinh ấy. Lời cảm ơn diễn tả tột bực lòng tri ân, khiêm tốn, và thấu hiểu.” ([4])
Nữ diễn viên, nhà văn Canada sinh năm 1978 là Lisa Jakub khuyên: “Nếu trong đời bạn mang ơn ai đó, bạn muốn viết mấy dòng cảm ơn chân thành, dẫu tuồng chữ xiên xẹo, chánh tả trật lất, thì cứ viết đi. Nói cho họ biết rằng họ khiến bạn cảm thấy được yêu thương và nâng đỡ. (…) Hãy nói với họ tất cả những lời đó. Hãy nói đi, nói hôm nay.” ([5])
Vâng, đừng quên một lời cảm ơn chân thành. Cần thiết lắm!
30-9-2005 / 09-4-2017
Huệ Khải



([1]) We judge ourselves by what we feel capable of doing, while others judge us by what we’ve already done.
([2]) Thank You, Mrs. Dickinson
([3]) Patients may not be aware of how they can affect the lives of hundreds of people.
([4]) “Thank you” is the best prayer that anyone could say. I say that one a lot. Thank you expresses extreme gratitude, humility, understanding.
([5]) If you have someone in your life that you are grateful for - someone to whom you want to write another heartfelt, slanted, misspelled thank you note - do it. Tell them they made you feel loved and supported. (…) Tell them all of that. Tell them today.