Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

2. Cơ hội đồng đều cho trẻ / SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO


2. Cơ hội đồng đều cho trẻ
Nếu cho rằng dạy học đơn thuần là truyền đạt tri thức thì phải chăng nhà giáo chỉ mới thực hiện cái phần thứ yếu trong thiên chức của mình? Người thầy đúng nghĩa còn phải ý thức tạo ra cơ hội cho học trò tự tin để khám phá nội lực tiềm tàng nơi bản thân các trẻ.
Suốt ba mươi tám năm làm thầy giáo cho tới khi nghỉ hưu (2015), với trải nghiệm bản thân, tôi trộm nghĩ các đồng nghiệp có thể chia sẻ cảm nhận này, rằng cơ hội đồng đều cho học trò cùng một lớp mình dạy trong thực tế thường khó đảm bảo trọn vẹn. Mỗi học trò có điều kiện thể chất và tâm sinh lý khác nhau, cũng chẳng giống y như nhau về “căn trí” (nếu nói theo ngôn từ đạo học phương Đông). Cho nên đối xử với các học trò đồng đều thì thực chất là bất bình đẳng: Có em rất nhạy bén, ngược lại có em cháy chậm và ngòi nổ dù kích hoạt rất lâu nhưng vẫn cứ nổ chậm, rất chậm.
Một bài giảng sau khi đã chi tiết hóa thành giáo án, thầy cô thường hạn chế tối đa thời gian thảo luận tại lớp. Thầy cô nào cũng sợ thời gian chết làm cháy giáo án, vỡ kế hoạch chung. Do đó thầy cô dường như dễ thiếu nhẫn nại chờ cho trẻ cháy chậm có đủ thời gian cần thiết để ngòi nổ hoạt động. Thành thử, trẻ cháy chậm hầu như không còn cơ hội để tham gia trả lời câu hỏi vì học trò nhanh nhạy bao giờ cũng dễ chiếm quyền ưu tiên.
Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ tạo ra trong lớp một số phần tử muôn thuở thầm lặng. Các em đó sẽ là cái bóng mờ từ năm học này sang năm học sau, luôn luôn bị các bạn học khác che khuất. Chỉ khi nào ưu tiên vào mục đích gợi mở cho học trò khám phá chính các em, nhà giáo không còn bị ám ảnh vì số thời gian chết mà trẻ nổ chậm tạo ra, bấy giờ các trẻ này mới thực sự có cơ hội đồng đều để khẳng định mình như các trẻ nhanh nhạy.
Tôi có đọc được mẩu chuyện nhỏ về cô giáo Bonnie Block. Năm học 1992-1993 cô được hạt Baltimore, bang Maryland (Mỹ) bình chọn là Giáo Viên Trong Năm.([1]) Sau này, ngoài việc đào tạo và tư vấn cho những người làm công việc chăm sóc trẻ trong hệ thống các trường công của hạt Baltimore, cô còn viết sách.
Đam mê của cô Block là giúp mọi trẻ mẫu giáo vượt qua trở ngại bản thân trong sinh hoạt vui chơi, học tập. Không chỉ chăm sóc, bảo bọc và yêu thương bọn trẻ như mẹ hiền đối với con cái một nhà, cô còn luôn luôn lưu tâm khuyến khích các cháu khám phá sức mạnh tiềm tàng ở bản thân và nhìn nhận sức mạnh ấy ở bạn bè cùng lớp. Trẻ được huấn luyện tuân theo nguyên tắc quan trọng nhất của cô là chỉ nói với nhau những lời tử tế, và cư xử tử tế với nhau. Khi trẻ này thi thố năng lực và thành công, các trẻ khác đồng loạt đứng dậy vỗ tay cổ vũ. Khi trẻ nào gặp khó khăn, không vượt qua được thử thách, một bạn nhỏ sẽ khích lệ: “Cứ cố hết sức mình, nhé!”
Sau đây là chuyện về lớp học của cô.
Giờ sinh hoạt tập thể, bọn trẻ ngồi bệt cả xuống sàn, và Michael bao giờ cũng siêng giơ tay xin phát biểu. Cô giáo và cả lớp luôn luôn ưu tiên dành cơ hội để cháu có đủ thời gian trả lời trong tâm trạng thoải mái, hy vọng cháu sẽ nói nên lời, bất kể là lời lẽ gì. Tuy nhiên chưa lần nào cháu mở miệng được để nói ra thành tiếng ý nghĩ của cháu. Trước những cố gắng không thành của Michael, các trẻ khác vẫn giữ thái độ khích lệ. Về phần cô giáo, sau những phút im lặng kiên nhẫn chờ đợi, cô âu yếm bảo: “Michael, con đã cố gắng rất tốt.” Một nhận xét tự nhiên và thành thực, y như thể cô và cả lớp đã nghe Michael trả lời xong. Nhờ vậy, nhiệt tình hăng hái giơ tay của Michael chưa từng nguội lạnh.
Thế rồi đến một hôm, Michael lại hăng hái giơ tay. Vẫn như mọi khi, cô giáo cùng cả lớp hồi hộp chờ kết quả. Kinh ngạc thay, cháu buột miệng nói rõ thành lời! Bọn trẻ và cô giáo đều sửng sốt trong nỗi hân hoan. Cơn sóng hào hứng tràn ngập lớp học. Cuối cùng, một cháu gái rất kháu khỉnh, dễ thương tên là Nicole đứng dậy nêu nhận xét: “Michael trả lời sai nhưng mà tuyệt vời.”
Lập tức, bọn trẻ đồng loạt đứng cả dậy, vỗ tay rào rào tán thưởng. Cô giáo sung sướng chứng kiến lòng nhẫn nại của cô và cả lớp tựu thành kết quả.
Biết dưỡng nuôi, khéo chăm sóc thì búp non sẽ có ngày hé nở và trái xanh sẽ có ngày ửng chín. Do đó, công ơn dạy trẻ của thầy cô cũng ngang bằng như công ơn sinh dưỡng của cha mẹ. Ngày 03-02-1926, Đức Cao Đài Thượng Đế dạy: “Cái công giáo hóa cũng đồng sinh.” ([2])
23-4-2005
Huệ Khải




([1]) TOY: Teacher Of the Year
([2]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển thứ nhì. Thi Văn Dạy Đạo.