6. Bài học bán hàng
Thủ tướng nước Anh là Winston Churchill (1874-1965) nói: “Bạn kiếm sống bằng những gì có được, nhưng
tạo ra cuộc sống bằng những gì bạn cho đi.” ([1]) Nếu ai nghi ngờ tính chân xác của
lời lẽ thâm thúy này, thì câu chuyện sau đây có thể sẽ làm họ thay đổi ý kiến.
Có bằng thạc sĩ khoa học, bà LaVonn Steiner là diễn giả quốc tế, nhà quản
trị, kiêm chuyên viên tư vấn, tổ chức hội thảo huấn luyện theo chuyên đề. Thuở
nhỏ bảy anh chị em cô bé LaVonn được học buôn học bán một cách tự nhiên trong
cửa tiệm của cha ở Mott, một thị trấn nhỏ thuộc bang Bắc Dakota (nước Mỹ). Lũ
trẻ ấy học nghề bằng những công việc vặt vãnh như phủi bụi, sắp xếp kệ hàng và
gói hàng hóa. Dần dà về sau mới được cha giao cho việc phục vụ khách đến mua
hàng. Bảy đứa trẻ vừa làm việc vừa quan sát, và LaVonn sớm ngộ ra rằng đạo lý
bán hàng không có nghĩa chỉ cốt chăm chăm kiếm lời kiếm lãi nuôi sống tấm thân,
gia đình và mau giàu.
LaVonn nhớ mãi bài học cha đã dạy. Hôm ấy gần tới lễ Giáng Sinh, LaVonn
đang học lớp Tám, tối tối đều ra cửa tiệm phụ giúp cha. Việc của cô bé là dựng
lại ngay ngắn các món đồ chơi bày trên kệ.
LaVonn nhìn thấy một bé trai trạc năm, sáu tuổi bước vào tiệm. Em khoác
cái áo nâu sờn rách, hai cổ tay xơ mòn, cáu bẩn. Trừ một chỗ như chó liếm trên
đỉnh đầu, tóc tai em chỉa lên tua tủa. Giày thì xây xước, trầy tróc, một bên
dây buộc đã đứt. Bộ dạng em bé nghèo khổ quá, LaVonn đoán biết em không đủ tiền
mua nổi bất kỳ món hàng nào trong tiệm.
Em bé đảo mắt nhìn quanh khu bày đồ chơi, nhấc món này lên rồi cầm sang
món khác, cẩn thận đặt lại các món trở về chỗ cũ. Lúc ấy, cha LaVonn bước xuống
thang, đi về phía em. Ánh mắt xanh biếc lộ vẻ tươi cười và một lúm đồng tiền
hiện rõ trên má khi ông dịu dàng hỏi xem vị khách hàng tí hon có cần được giúp
gì không. Em bé trả lời rằng đang tìm mua một món làm quà Giáng Sinh cho anh
mình. LaVonn thật xúc động khi thấy cha đối xử với em bé nghèo khổ cũng trân
trọng y hệt như khi đang tiếp một khách hàng người lớn sang trọng. Cha LaVonn
bảo em bé cứ thong thả lựa chọn, kiếm tìm và em đã nghe theo. Khoảng hai mươi
phút sau, em bé cẩn thận cầm lấy chiếc máy bay, bước tới chỗ cha LaVonn đứng và
hỏi: “Thưa bác, cái này bao nhiêu?”
“Cháu có bao nhiêu?”
Em bé chìa bàn tay ra và mở xòe năm ngón. Vì nắm chặt món tiền quá lâu,
lòng bàn tay hằn rõ các nếp nhăn vừa ươn ướt mồ hôi vừa cáu bẩn bụi đất. Trong
bàn tay nhỏ nhắn ấy là hai đồng mười xu, một đồng năm xu, và hai đồng một xu.
Tổng cộng hai mươi bảy xu. Chiếc máy bay em bé chọn đề giá ba Mỹ kim chín mươi
tám xu.
“Vậy là đủ tiền rồi.” Cha LaVonn bảo thế và việc mua bán kết thúc mau
chóng nhưng câu nói của ông ngân vang mãi bên tai cô con gái. Trong lúc gói quà
LaVonn cứ mải suy nghĩ về những gì vừa chứng kiến.
Khi em bé bước ra khỏi cửa tiệm, LaVonn không còn thấy áo em dơ bẩn, cũ
mòn, không còn thấy tóc tai em lởm chởm, bù xù, không còn thấy một chiếc giày
dây đã đứt. Trái lại, LaVonn nhìn thấy một em bé mặt mày rạng rỡ đang nâng niu
trên tay một báu vật.
30-10-2004
Huệ Khải