25. Hành khách đêm cuối năm
Joseph
Campbell (1904-1987) là nhà văn Mỹ chuyên viết về thần thoại học và tôn giáo
đối chiếu. Năm 1948 ông nổi tiếng với tác phẩm Người Hùng Có Một Ngàn Gương Mặt.([1]) Quan niệm về bản sắc của
người hùng, Campbell
viết: “Khi chúng ta không còn ưu tiên nghĩ
tới bản thân và sự an toàn cho riêng mình, chúng ta thực sự chuyển biến ý thức
thành một người hùng.” ([2])
Quan niệm này
của ông có thể được minh họa bằng trường hợp sau
đây của chị Rachel Dyer Montross, nhân viên hãng hàng không Southwest, thuộc bộ
phận phục vụ hành khách tại sân bay quốc tế Los Angeles (nước Mỹ).
Đối với Montross mùa Giáng Sinh năm ấy là những ngày rất gay
go. Gia đình và tất cả bạn bè thân thiết của chị đều đã trở về nhà ở bang Florida . Chị hoàn toàn
cô đơn giữa thời tiết California
khá lạnh. Chị làm việc quá nhiều giờ và bải hoải rã rời.
Chị đang trực hai ca liền tại quầy vé hãng hàng không
Southwest. Lúc ấy khoảng 9 giờ đêm Giáng Sinh, chị thực sự cảm thấy khổ sở.
Nhóm của chị chỉ có vài người làm việc và rất thưa thớt khách hàng chờ được
giúp đỡ. Đến lúc gọi người kế tiếp tới quầy vé, chị nhìn ra và thấy một ông lão
dáng dấp rất tử tế đang cầm gậy đứng đợi.
Chầm chậm bước tới quầy, giọng yếu ớt, ông cho chị biết ông
phải bay tới thành phố New Orleans .
Chị cố giải thích để ông hiểu đêm ấy chẳng còn thêm chuyến bay nào nữa và ông
sẽ phải bay vào sáng hôm sau.
Ông tỏ vẻ rất đỗi bối rối, lo âu. Cố gắng tìm thêm thông tin
ở ông, chị hỏi ông có
giữ chỗ trước không, có nhớ sẽ đi chuyến bay nào không. Nhưng chị càng hỏi thì
ông lão dường như càng rối rắm hơn. Ông luôn miệng: “Cô ta bảo tôi phải đi New Orleans .”
Mất nhiều thời gian chị mới biết được rằng cô em dâu đã dừng xe thả ông
lão bên vệ đường vào đêm Giáng Sinh, và bảo ông hãy về New Orleans sống với gia
đình. Cho ông ít tiền, cô ta bảo ông cứ vào trong nhà ga mua vé.
Chị hỏi ngày mai ông lão quay lại được không. Ông đáp cô em dâu đã lái xe
đi khỏi rồi mà ông chẳng có chỗ nào trú ngụ cả, vì vậy ông sẽ ở lại sân bay chờ
tới mai.
Tự dưng chị cảm thấy hơi xấu hổ. Đúng lúc chị đang cảm thấy rất tội
nghiệp cho bản thân mình vì cô đơn vào đêm Giáng Sinh thì ông lão Clarence
MacDonald này đã được Ơn Trên gởi tới để nhắc chị nhớ thế nào là ý nghĩa thực
sự của nỗi cô đơn. Tình cảnh ông lão làm chị chạnh lòng, xa xót.
Chị liền bảo ông rằng nhóm của chị sẽ thu xếp tất cả mọi việc. Nhân viên
bộ phận phục vụ hành khách của hãng hàng không giúp giữ cho ông một chỗ trên
chuyến bay sớm nhất vào sáng hôm sau. Các chị trao cho ông loại vé dành cho
người già, như thế ông được giảm bớt ít tiền. Lúc này ông bắt đầu lộ vẻ rất mệt
mỏi.
Khi bước vòng ra ngoài quầy vé để hỏi thăm tình trạng sức khỏe của ông,
chị nhận thấy một chân ông đang băng bó. Ông đã đứng chịu trận với vết thương
nọ suốt ngần ấy thời gian, ôm khư khư bọc ny-lông đựng quần áo.
Chị gọi xe lăn. Khi xe tới, tất cả các chị đều bước vòng ra ngoài quầy vé
giúp ông lão ngồi vào xe. Chú ý thấy vết máu nhỏ trên miếng băng, chị hỏi vì
sao chân bị thương, và được biết ông vừa trải qua một vụ mổ bắc cầu để thông
tim, một đoạn động mạch ở chân vì thế được cắt ra.
Chao ôi! Ông lão mới mổ tim và không lâu sau đó bị thả xuống bên vệ đường để
mua vé bay đi New Orleans mà không hề giữ chỗ trước, lại một thân một mình nữa
chứ!
Chị thật sự chưa bao giờ gặp cảnh huống này, và chẳng biết
chắc chị có thể làm gì được nữa. Quay lại tìm hai giám sát viên của hãng, chị
hỏi có thể tìm chỗ cho ông lão ngơi nghỉ chăng. Cả hai đồng ý và họ lấy một
phiếu trọ qua đêm tại khách sạn cho ông, kèm theo phiếu ăn tối và ăn sáng.
Trở ra chỗ ông lão, chị và các bạn mang giúp ông bọc quần áo
cùng với cây gậy, giúi chút tiền cho người khuân vác để nhờ đưa giúp ông lão
xuống dưới lầu đợi xe buýt của sân bay. Chị cúi xuống giải thích cho ông hiểu
về chuyện trọ qua đêm ở khách sạn, chuyện ăn uống, và lộ trình của ông. Vỗ nhẹ
lên cánh tay ông lão, chị chúc ông mọi việc suôn sẻ an lành. Lúc rời quầy vé,
ông lão thốt “Cảm ơn các chị”, rồi gục đầu xuống, bật khóc. Chị cũng khóc. Sau
đó chị quay lại cảm ơn chị giám sát viên, chị ấy mỉm cười: “Tôi thích những
chuyện thế này. Ông lão là khách Giáng Sinh của chị đấy.”
Năm xưa Đức Cao Đài dạy đệ tử: An ủi người già cả ốm đau / Tùy duyên có thể giúp vào / Lâm cơn hoạn
nạn khi nào cần con / Phước đức đó vẫn còn muôn thuở / Tuy vô hình đừng ngỡ
rằng không / Con ơi, trong chốn trần hồng / Mấy ai giữ được cõi lòng thanh cao.
16-10-2004 / 10-4-2017
Huệ Khải