45. Lắng nghe và thấu hiểu
Bác sĩ James C.
Brown chuyên về chụp X quang trẻ em, là phó giáo sư, giảng dạy tại khoa X Quang
trường Y thuộc Viện Đại Học Creighton, thành phố Omaha, bang Nebraska (nước
Mỹ). Khi còn
hành nghề tư, trị bệnh trẻ em, bác sĩ bận rộn cả ngày lẫn đêm. Ông thường thức
rất khuya trong phòng mạch, cặm cụi nghiên cứu bệnh án. Những lúc ấy, ông hoàn
toàn không bị quấy rầy, trừ một lần ông không bao giờ quên được.
Một tối nọ, sau khi vợ và hai con đã đi ngủ, bác sĩ trở ra phòng mạch,
miệt mài với các xấp biểu đồ. Ông đang nghiên cứu trường hợp một bệnh nhi thì
có tiếng gõ cửa.
Đó là Brian, mười sáu tuổi, một bệnh nhân quen mặt từ mấy năm qua. Ông ôn
tồn hỏi cớ sao cậu lại lang thang vào lúc 2 giờ sáng. Cậu nói vì muốn dạo mát
và tĩnh tâm suy nghĩ.
Bác sĩ cảm thấy ở người khách nhỏ tuổi không mời có điều gì khác lạ. Thay
vì xem cậu là kẻ quấy rầy, ông gạt hết giấy tờ sang một bên, kéo ghế mời cậu
ngồi chơi và bắc ấm nước pha chút sô-cô-la uống cho ấm trong lúc tán gẫu.
Như thể trò chuyện với người bạn ngang vai vế, cậu lần lượt bày tỏ những
phiền muộn, âu lo, thất vọng trong cuộc sống. Cậu tâm sự về cô bạn gái mới chia
tay, than thở về ước vọng muốn làm kiến trúc sư nhưng sức học của cậu kém quá.
Hiện tại cậu cảm thấy mình giống như gánh nặng cho cha mẹ.
Bác sĩ chú ý lắng nghe, biểu lộ sự cảm thông và thấu hiểu. Cần thiết lắm
ông mới chen vào vài câu khích lệ. Ông hứa giúp cậu gặp vài kiến trúc sư ông
quen biết để họ chỉ dẫn cậu. Ông vạch cho cậu thấy những chiều hướng tích cực
và khuyên cậu tiếp tục nhẫn nại học tập. Sau hai giờ trò chuyện, ông ân cần lái
xe đưa cậu về tận nhà.
Sau đó cậu năng trở lại hàn huyên với bác sĩ, nhưng không phải vào cái
giờ oái oăm kia nữa. Dần dần cậu tỏ ra lạc quan hơn và thỉnh thoảng báo cho bác
sĩ biết những chuyển biến tốt đẹp trong cuộc sống.
Sáu tháng sau cái đêm tâm sự nọ bác sĩ dọn nhà đến một nơi khác. Ông và
cậu chia tay một năm, bặt dứt liên lạc. Thế rồi bất ngờ ông nhận được thiệp cậu
mời đến dự lễ tốt nghiệp trung học. Kẹp trong tấm thiệp gấp đôi ấy là lá thư
viết tay:
“Cháu muốn cảm ơn bác sĩ đã săn sóc
cháu cái đêm hôm ấy. Đêm ấy cháu đã toan tự tử. Khi lang thang dưới phố và nhìn
thấy phòng mạch còn sáng đèn, chẳng hiểu cái gì xui khiến, cháu quyết định ghé
vào. Lần trò chuyện ấy bác sĩ đã giúp cháu nhận ra những điều tốt đẹp mà đời
cháu đang có. Những lời khuyên của bác sĩ có ích cho cháu biết bao nhiêu. Giờ
đây cháu đã tốt nghiệp trung học và đã được nhận vào đại học kiến trúc. Cháu
chẳng còn gì vui sướng hơn. Cháu biết sau này cháu còn gặp nhiều khó khăn,
nhưng cháu biết cháu sẽ vượt qua tất cả. Cháu hết sức biết ơn ánh đèn đêm nao ở
phòng mạch bác sĩ.”
Một người Đức nghiên cứu Kinh Dịch từng nói: “Không có sự ngẫu nhiên nào là ngẫu nhiên cả.” Cũng vậy, người học
Phật sẽ cho rằng Brain có duyên với bác sĩ Brown và vì thế cậu đã thoát khỏi ý
tưởng tự tử vào cái đêm định mệnh nọ. Nhưng giả sử bác sĩ vì quá tham công tiếc
việc, chỉ nhìn thấy cậu là kẻ quấy rầy thời giờ vàng ngọc của ông và đã không
mời cậu ngồi lại tâm tình suốt hai tiếng đồng hồ, thì dẫu khuya nào phòng mạch
ấy vẫn sáng đèn, cuộc đời của Brian ắt đã sớm rẽ sang ngõ cụt bi thảm mất rồi.
Năm 1997, trong một hồi ức về nghề nghiệp, khi nhắc đến trường hợp Brian,
bác sĩ James C. Brown triết lý:
“Có một ánh sáng, hay là năng lượng,
nó tỏa ngời trong ta và xuyên thấu qua ta, để soi lối dẫn đường và nâng đỡ bản
thân ta cũng như anh em đồng loại của ta.” ([1])
Phải chăng đấy là ánh sáng thiên lương mà chỉ những khi biết nghĩ tới
người khác thì lòng ta mới mở ra đón nhận được?
16-7-2005
Huệ Khải