Giao cảm
Tôi nhớ, khi xưa các trường sư phạm ở Sài Gòn có môn Luân Lý Chức Nghiệp
để rèn luyện đạo đức người thầy. Cũng từ xưa trường Y đã dạy Y Đức để những
thầy thuốc ra trường biết sống xứng đáng là bậc lương y. Trong ngành thương
mại, ngoài các kỹ năng quản trị và dạy làm giàu, hiện nay môn Đạo Đức Doanh
Nghiệp vẫn được duy trì với mục đích giúp doanh nhân biết làm giàu trong sạch…
Nói chung, ở đâu và thời nào cũng cần có đạo đức của người hành nghề, bất kể là
nghề gì, công hay tư.
Đạo đức nghề nghiệp, ngoài việc giảng dạy bằng những nguyên tắc hay lý
thuyết mang tính giáo khoa còn có thể chia sẻ qua những tấm gương sống thực và
xúc động đã được ghi chép rải rác trong cuộc đời thường. Vì thế, hiệp tuyển gồm
năm mươi câu chuyện người thật việc thật này được hoàn thành.
Một cách tương đối, tôi tạm chia nội dung thành tám đề mục như sau:
1. Nhà giáo (năm bài)
2. Nhà buôn nhỏ, doanh nhân (mười ba
bài)
3. Nhà tài chánh (ba bài)
4. Sân bay, khách sạn, khu du lịch, vận
tải (năm bài)
5. Thừa hành công vụ (ba bài)
6. Tuyển dụng lao động (ba bài)
7. Văn chương, báo chí, giải trí, truyền thông (sáu bài)
8. Thầy thuốc, nha sĩ, điều dưỡng (mười
hai bài)
Chân dung các nhân vật trong nhiều chuyện do tôi tìm kiếm
được trên Internet. Riêng ảnh cô giáo Bonnie Block (thành phố Baltimore ,
bang Maryland ,
Mỹ) là do cô có nhã ý gởi tặng thể theo điện thư của tôi ngày 07-4-2005. Tuy
nhiên, có một số bài tôi không tìm ra chân dung nhân vật.
Khi viết những dòng này tôi không khỏi bùi ngùi nhớ tới anh Ngô Quốc Kế
(1960-2007), một nhà báo nhạy bén, tinh tế, tài hoa, nhiệt tâm và yêu nghề, đã
lưu lại nhiều tình cảm mến thương sâu đậm trong lòng đồng nghiệp, đồng sự, và
các cộng tác viên.
Một buổi sáng cuối tháng 8 năm 2004, tôi ghé văn phòng tuần san nơi anh
làm thư ký tòa soạn. Trong lúc chuyện trò thân mật, tôi nhắc tới những tin tức
hàng ngày xuất hiện trên báo chí, trong đó không thiếu những vụ việc đáng tiếc
do những người hành nghề tắc trách, vô cảm đã nhẫn tâm gây ra hậu quả nghiêm
trọng cho người khác, cho xã hội… Rồi tôi đề nghị anh mở một chuyên mục về
lương tâm chức nghiệp trên tuần san do anh phụ trách, phát hành vào ngày Thứ
Bảy.
Không chút do dự, anh Quốc Kế vui vẻ tán thành và nhờ tôi nhận luôn
chuyên mục Sống Đẹp Với Nghề. Bài đầu
tiên đăng vào số báo 702 ngày 04-9-2004. Từ đó, mỗi tuần tôi hoàn thành một mẩu
chuyện kèm theo hình ảnh minh họa. Sau hơn một năm tôi có gần sáu mươi câu
chuyện đều đặn gởi đến bạn đọc. Cơ duyên đó giúp tôi hình thành hiệp tuyển này,
sau khi giữ lại vài mẩu chuyện đã đăng báo.
*
Năm mươi câu chuyện lần lượt kể lại trong những trang sau đây có chung
một điểm đáng lưu ý là chúng ta không biết nhân vật chánh theo tôn giáo nào.
Rất có thể trong số họ lắm người chẳng theo đạo nào cả, nhưng những việc họ làm
đều rất đẹp, rất đúng đạo lý, khiến tôi nhớ lời Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy: “Đạo lý không chỉ trọn vẹn trong giáo điều
kinh sách, mà phải tràn lan trong sự thế, trong nhựt dụng thường hành của nhơn
loại.” ([1])
Và lời Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: “Còn đời là đâu? Đạo là đâu? Đạo không phải chỉ nơi chùa thất, thánh
đường, am tự, hoặc nhà thờ; còn đời không phải chỉ ở nơi quan trường, doanh
thương, sản nghiệp. Hai thứ ấy đều có và cũng tại chính nơi con người.” ([2])
Bởi vì thế, SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO được chọn làm nhan đề cho hiệp tuyển này.
Thời gian qua, trong chín năm thực hiện Chương Trình Chung Tay Ấn Tống
Kinh Sách Đại Đạo, lòng tôi vui vui khi biết rằng một số đạo hữu đã trích dẫn
các mẩu chuyện tôi kể trong mấy tập Bắc
Cầu Tâm Linh, Dưới Mái Đạo Viện, Hòa Điệu Liên Tôn, Nẻo Về Tâm Linh, Ngọn Nến
Nào Không Tắt, Nhịp Cầu Tương Tri, để minh họa cho các đề tài thuyết minh
giáo lý, bình giảng thánh giáo tại họ đạo trong những ngày sóc vọng. Vâng, biết
kể một câu chuyện cho khéo và đúng chỗ đúng lúc sẽ giúp tín hữu chúng ta mau
lãnh hội được ý nghĩa giáo lý vốn dĩ ẩn áo, trừu tượng.
Trong tiểu thuyết The Night Circus (Gánh Xiếc Đêm), in năm
2011, nữ nghệ sĩ kiêm tác gia danh tiếng Erin Morgenstern (người Mỹ, sinh năm
1978) nói về tác dụng kỳ diệu của việc kể chuyện như sau: “Quý bạn có thể kể một câu chuyện và chuyện đó ngự trị trong tâm hồn
người nghe, trở thành máu của họ, bản thân họ, và mục đích đời họ. Câu chuyện
đó sẽ làm họ xúc động, sẽ thúc đẩy họ, và ai mà biết được họ có thể hành động vì
câu chuyện đó, vì những lời lẽ bạn kể. Đó là vai trò của quý bạn, món quà của
quý bạn.” ([3])
Trong truyền giáo, kể chuyện luôn luôn là một cách thức rất hiệu quả. Các
vị giáo chủ Đông Tây vốn là các bậc thầy kể chuyện. Đọc Kinh Thánh Tân Ước
chẳng hạn, chúng ta thấy các Thánh tông đồ chép lại nhiều dụ ngôn (parables) do Đức Giêsu kể. Cũng vậy,
trước Chúa Kitô, trong hơn bốn mươi năm hóa độ chúng sanh, Đức Thích Ca Mâu Ni tùy
duyên mà kể nhiều chuyện hiện nay còn lưu truyền trong các bộ kinh Phật.
Bởi thế giờ đây, qua Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo,
khi trân trọng gởi đến quý đạo tâm, đạo hữu hiệp tuyển SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO, tôi ước mong rằng năm mươi câu chuyện này sẽ
được quý đạo hữu tiếp tục hoan hỷ đón nhận và khéo léo ứng dụng vào những buổi
thuyết đạo hay sinh hoạt phổ tế, phổ thông, phổ truyền giáo lý Kỳ Ba.
Nếu may mắn được như vậy, tôi xin chân thành biết ơn quý bạn, các anh chị
thuyết trình viên, phổ tế viên áo trắng đang thực hành Bồ Tát Đạo bằng cách
nhiệt thành thực thi hai lời cầu nguyện hàng ngày trong bốn thời cúng của mọi
môn sanh Cao Đài: Nam mô nhứt nguyện Đại
Đạo hoằng khai / Nhì nguyện phổ độ chúng sanh…
Sau cùng, tôi xin hết lòng tạ ơn quý vị Mạnh Thường Quân hào sảng gần xa
đã không ngừng ủng hộ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống, nhờ vậy nối tiếp hơn một
trăm nhan đề đã phổ biến, tập sách này được diễm phúc đặt vào tay quý bạn đọc.
Huệ Khải
Nhiêu Lộc, 28-3-2017