Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

39. Ca trực đêm / SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO


Image result for nurse drawing

39. Ca trực đêm

“Tử tế và nhân ái với người khác tức là đã tự thưởng cho chính mình.” ([1]) Câu nói này của William John Bennett (chính khách Mỹ, sinh năm 1943) có thể giải thích vì sao rất nhiều người tự nguyện sống đẹp với người khác, không hề mong đợi một đáp đền nào cả. Câu chuyện sau đây là một minh chứng.

Bấy giờ đã nửa đêm trong ca trực ở khoa sản. Debbie Bertsch chực đi ngả lưng một lát thì điện thoại báo có người được đưa vào khoa. Sản phụ Sandra vừa cho lọt lòng một thai nhi đã chết trong bụng.
Ba tuần trước hai vợ chồng ấy đã biết bé chết rồi, nhưng điều ấy cũng không giúp họ chịu đựng sự mất mát được dễ dàng hơn. Đã mười ba năm làm y tá, đây là lần đầu tiên Bertsch tiếp nhận một ca như vậy vào khoa sản. Chị phân vân không biết mình sẽ nói năng hay hành xử sao cho phù hợp với tình huống này.
Bộ dạng thiểu não, vẻ mặt đau khổ, hai vợ chồng trả lời những điều chị hỏi bằng cái giọng vô hồn vô cảm.
Chèn tấm chăn ôm kín lấy sản phụ, Bertsch hỏi hai người đã nhìn thấy con mình sau khi bé lọt lòng chưa. Hai người có muốn nhìn bé không? Sản phụ ngần ngừ rồi lắc đầu. Sau đó nhìn chồng, người vợ khẩn nài: “Anh ơi, giờ thì anh về đi. Em sẽ không sao đâu.”
Uể oải gật đầu, người đàn ông đồng ý. Hai vợ chồng tuyệt vọng ôm nhau một lúc lâu. Rồi vuốt ve vợ lần nữa, ông ta quay đi.
Nghĩ sao Bertsch lại hỏi: “Chị có muốn nhìn bé không?”
Người mẹ đáp ngay: “Có, tôi muốn lắm. Tôi... Hồi nãy tôi không muốn yêu cầu. Sẽ quá sức chịu đựng của ảnh.”
Bertsch gọi điện thoại. Bé gái ấy vẫn chưa được chuyển xuống nhà xác. Người ta sẽ mặc áo cho bé rồi mang đến chỗ chị. Khi nghe trả lời như vậy, một nỗi khiếp sợ quặn thắt trong chị. Bé trông sẽ thế nào? Chị chưa từng bế trên tay một thai nhi đã chết. Người mẹ sẽ cảm thấy gì? Bertsch sẽ ứng xử ra sao? Chị biết bất cứ điều gì chị nói hay làm vào lúc này sẽ lưu lại ấn tượng trong người mẹ bất hạnh dài lâu, rất lâu.
Y tá đi đến cùng với một cái bó con con quấn trong chăn, và Bertsch đón lấy trao cho sản phụ. Trong đôi mắt mở to của người mẹ, Bertsch nhìn thấy nỗi sợ hãi, đớn đau đang giằng co cùng lòng mong muốn mãnh liệt. Ngồi bên thành giường, Bertsch nhẹ nhàng hé ra đôi bàn tay, bàn chân bé xíu, mỗi lần một chút. Chị cùng sản phụ đếm các ngón chân, ngón tay, hệt như khi người ta vẫn làm thế với bất kỳ một trẻ sơ sinh nào.
Người mẹ rụt rè: “Tôi có thể nhìn nốt những phần khác không?”
Bertsch đáp: “Để tôi hé nhìn trước đã.”
Dù nhỏ xíu, bé gái trông chẳng có gì khác hơn bất cứ một trẻ sơ sinh nào. Tuy nhiên chị vẫn giải thích cho người mẹ những chỗ không giống nhau: Thân mình hơi phồng lên, lớp da trông như bị phỏng vì bé đã chết trong bụng mẹ trước đó ba tuần.
Sản phụ nhìn con một hồi lâu, rồi Bertsch quấn kín bé lại, cố chừa cho phần xinh nhất của gương mặt bé được phô ra. Sản phụ muốn bế con, nên Bertsch báo cho biết trước là người bé lạnh, và mềm như một miếng thạch. Người mẹ gật đầu, giơ đôi tay ra đón con mình.
Cả Bertsch và Sandra đều cho rằng bé nhìn giống như một em nhỏ nào đó tên là Jenny, nên đặt tên cho hài nhi là Jenny. Rồi Bertsch hát ru Jenny, cũng chính cái bài “Mẹ Mãi Thương Con” mà chị đã ru con gái bé bỏng của chị. Sandra muốn học thuộc lời bài hát, vì vậy Bertsch ru lại lần nữa. Chị còn chép lời ru vào mặt sau tấm bìa các-tông ghi lý lịch mà các y tá hộ sinh vẫn đặt vào trong nôi của trẻ. Rồi chị trao cho người mẹ chiếc mũ vải mềm mại có đính dải ruy băng hồng mà các y tá hộ sinh vẫn tặng cho từng bé gái mới sinh. Chị làm một dải băng ghi tên Jenny, sinh ngày 09-7-1991.
Hai người phụ nữ trò chuyện. Bertsch bảo Sandra chẳng nên bận tâm xem mình phải chuẩn bị tình cảm sao cho đúng đắn. Cứ để lòng mình tự nhiên với bất kỳ cảm xúc nào xảy đến, không cần phải tỏ ra cứng rắn với một ai khác. Bertsch thủ thỉ: “Mỗi người sẽ tự hàn gắn vết thương lòng mình.”
Bertsch bảo người mẹ có thể bế con cho đến khi nào chị muốn nằm nghỉ. Rồi Sandra cảm thấy kiệt sức. Nước mắt đã cố nén nhưng lại bắt đầu tuôn trào lặng lẽ. Cả hai òa khóc khi Sandra cảm ơn và trao cho Bertsch cái bó con con.
Đưa trả lại Jenny xong, Bertsch quay về phòng với sản phụ. Hai người ôm chầm nhau rồi cuối cùng chị ấy cũng nằm xuống ngơi nghỉ.
Sau đó các y tá khác trong ca trực đêm ấy bày tỏ lòng khâm phục, nói rằng không hiểu sao Bertsch có thể bế được “nó” trên tay.
Bertsch khựng một chút, bởi lẽ chị cũng tự hỏi mình như thế. Rồi chị nhẹ nhàng giãi bày rằng vì “nó” là Jenny, một cháu gái bé bỏng. Chị đã cố làm bằng được điều ấy bởi vì chị buộc phải làm, và vì người mẹ đau khổ nọ.
Mấy ngày trôi qua, một lá thư gởi tới Bertsch: “Cảm ơn chị đã ở bên tôi hôm Thứ Ba. Chị đã hiểu tôi cần gì và lòng tôi ra sao. Mà nhất là chị biết được rằng tôi phải gặp lại con mình. Tôi sẽ mãi mãi trân trọng giữ gìn giây phút ấy. Chúc chị luôn luôn hạnh phúc. Sandra.”
04-9-2004
Huệ Khải




([1]) A kind and compassionate act is often its own reward.