Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

33. Dẫu mất việc cũng đành / SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO

33. Dẫu mất việc cũng đành
Trẻ em Mỹ rất yêu thích anh hề Ronald McDonald quảng cáo cho hãng thức ăn nhanh McDonald danh tiếng thế giới. Lúc đang đóng vai Ronald mà vi phạm nguyên tắc của hãng thì đương nhiên bị đuổi việc, thế nhưng Jeff McMullen đã một lần chìu theo trái tim nhân hậu của anh, bất chấp sự thiệt thòi sau đó sẽ xảy đến cho bản thân.
Image result for ronald mcdonald
Chuyện là McMullen mưu sinh bằng nghề đóng vai Ronald McDonald cho hãng McDonald. Mỗi tháng một lần thực hiện “Ngày Ronald”, nhóm của anh phải cố ghé thăm càng nhiều bệnh viện càng tốt, để mang chút vui vẻ đến cho cái nơi không ai mong đặt chân tới. Anh rất hãnh diện khi có thể làm một việc ý nghĩa cho các cháu nhỏ và cho những người lớn đang phải trải qua những ngày khó khăn. Anh yêu thích chương trình này; hãng McDonald, các trẻ nhỏ, người lớn, nhân viên bệnh viện và những người điều dưỡng cũng đều yêu thích nó.
Có hai cấm kỵ phải tuân thủ mỗi khi ghé vào bệnh viện. Cấm kỵ thứ nhất là anh không được đi đâu trong bệnh viện khi không có người của hãng McDonald giám sát cũng như khi không có người của bệnh viện đi kèm theo. Nhờ thế, nếu anh đã hóa trang bước vào phòng bệnh mà đứa trẻ hoảng sợ, thì liền có người xử lý tình huống ngay lập tức.
Cấm kỵ thứ hai là anh không được chạm tay đến bất kỳ ai trong phạm vi bệnh viện. Người ta không muốn anh truyền vi khuẩn lây lan từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Anh hiểu vì sao phải có nguyên tắc này, tuy nhiên anh không thích. Anh tin rằng “chạm tay” nhau là hình thức giao tiếp trung thực nhất. Lời nói và nét chữ còn có thể lừa dối; nhưng tình cảm nồng nhiệt khi ôm chầm lấy nhau thì không thể dối gạt được. Anh được báo trước rằng nếu vi phạm một trong hai cấm kỵ này, anh có thể mất việc.
Anh tham gia chương trình “Ngày Ronald” được gần bốn năm (1983-1987), địa bàn hoạt động là phần lớn bang Arizona và một phần bang Nam California. Hôm ấy, đang bước xuôi theo hành lang bệnh viện để trở về nhà sau một ngày dài mang lớp hóa trang trên mặt, anh nghe tiếng gọi nho nhỏ: “Ronald, Ronald…” Anh dừng chân. Tiếng kêu yếu ớt vọng ra từ một cánh cửa mở hé. Anh đẩy cửa và nhìn thấy bé trai chừng năm tuổi đang nằm trong vòng tay cha. Thân thể cháu được nối với những máy móc y khoa mà chưa bao giờ anh thấy gắn nhiều dây nhợ đến thế. Bà mẹ ở một bên cùng với ông bà cháu và cô y tá đang phụ trách theo dõi các máy móc ấy.
Anh biết bệnh tình cháu bé nghiêm trọng rồi. Hỏi tên, cháu nói là Billy. Anh làm vài trò ảo thuật đơn giản cho cháu xem. Khi từ giã, anh hỏi cháu có muốn thêm điều gì nữa không.
“Ronald, bế cháu đi, chú!” Một thỉnh cầu đơn giản là thế, nhưng anh liền nhớ rằng nếu chạm vào người cháu, anh có thể mất việc. Vì vậy anh bảo ngay lúc này anh không thể bế cháu được, tuy nhiên anh gợi ý hai chú cháu hãy cùng tô màu một bức tranh. Khi cả hai đều rất tự hào đã hoàn thành một tác phẩm mỹ thuật tuyệt vời thì cháu bé lại nài xin anh hãy bế cháu trên tay. Lúc ấy lòng anh thốt lên: “Ừ, chú bế cháu đây.” Nhưng tiếng nói lý trí trong anh lại còn to hơn nữa: “Đừng, mi sẽ mất việc đấy.”
Khi cháu yêu cầu lần thứ hai, anh đã cân nhắc lý do vì sao không đáp ứng thỉnh nguyện đơn giản của một sinh linh bé nhỏ có thể sẽ không còn khả năng trở về mái nhà của cháu. Anh tự hỏi cớ sao mình lại bị giằng xé giữa tình cảm và lý trí vì một đứa trẻ trước đây chưa từng gặp và có thể sẽ chẳng bao giờ gặp lại nữa.
“Bế cháu đi, chú!” Một cầu xin đơn giản, vậy mà... Anh đã tìm kiếm bất kỳ một cái cớ nào hợp lý để cho phép mình bỏ ra về, nhưng không một tia sáng lóe lên. Bất chợt, anh nhận thức rằng trong hoàn cảnh này bị mất việc có lẽ chẳng phải là thảm họa đáng sợ nữa. Anh đủ tự tin là nếu mất việc, anh sẽ có thể kiếm ra việc khác và làm lại từ đầu.

Nếu mất việc có thể không lâu sau đó anh sẽ mất xe, rồi mất nhà vì không có tiền trả góp... Nhưng anh nhận thức rằng vào cuối đời anh thì xe cộ cửa nhà sẽ chẳng giá trị gì. Duy nhất có giá trị vững bền chính là tình người. Một khi tự nhắc nhở rằng sở dĩ anh có mặt chốn này là để đem lại chút vui vẻ cho một chốn buồn đau, thì anh ngộ ra thật sự anh hoàn toàn chẳng đối mặt với rủi ro nào cả.
Anh mời cha mẹ, ông bà cháu bé ra khỏi phòng, hai nhân viên đi kèm của hãng McDonald cũng ra xe. Cô y tá phụ trách theo dõi thiết bị y khoa ở lại, nhưng cháu bé yêu cầu cô đứng day mặt vào góc phòng. Thế rồi anh bế cái sinh linh quá mỏng manh bé bỏng ấy lên tay. Trong bốn mươi lăm phút hai chú cháu cười cười khóc khóc, và chuyện trò với nhau về những điều cháu đang băn khoăn lo lắng.
Lúc bước ra khỏi phòng bệnh cùng với những vệt phấn son của lớp hóa trang nhòe nhoẹt trôi theo nước mắt tuôn dài xuống cổ, anh cho cha mẹ cháu biết tên thật và số điện thoại của anh (lại thêm một lý do để anh bị hãng McDonald lập tức sa thải) nhưng anh hình dung rằng mình sẽ vượt qua cảnh ngộ và chẳng có gì để mất. Anh bảo nếu hãng McDonald và anh có thể làm được điều gì, họ hãy gọi điện cho anh. Không đầy bốn mươi tám giờ sau, anh nhận điện thoại của bà mẹ báo tin cháu bé đã ra đi. Vợ chồng bà chỉ muốn cảm ơn anh đã làm một việc có ý nghĩa đối với cuộc sống ngắn ngủi của con trai bé bỏng.
Hãng McDonald mau chóng phát giác được chuyện bé Billy và McMullen, nhưng cho phép anh vẫn tiếp tục công việc.
02-10-2004

Huệ Khải