Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

01 GIAO CẢM (CAO CAO DÁNG NÚI)


Nhan đề: CAO CAO DÁNG NÚI
Tác giả: HUỆ KHẢI
Nhà xuất bản HỒNG ĐỨC, Hà Nội 2017
Sách dày 168 trang, khổ 14,5x20,5cm.
Đây là quyển 107-1 trong TỦ SÁCH VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện
để làm quà tặng Vu Lan Đinh Dậu (2017).
Ấn tống lần thứ nhất hai ngàn quyển
do giác linh hiền tỷ LÊ THỊ TRƯƠNG
môn sanh Chiếu Minh Long Vân Đàn (Mỹ Tho)
công quả 20.000.000 đồng (đợt 80, 84).
*
MỤC LỤC
GIAO CẢM
1. BÀI TẬP LÀM VĂN CỦA CON TÔI
2. BÍ MẬT CỦA BỐ
3. BỐ, CON TRAI, VÀ CHUYẾN TÀU
4. BỐ TÔI, CON TÔI VÀ TÔI
5. CÁNH CHIM CÂU TRẮNG
6. CHA CẬU SAO VẬY?
7. CHA CŨNG THƯƠNG CON
8. CON KHỦNG LONG NHỰA
9. DI VẬT
10. ĐI TÌM BẰNG AN
11. ĐỒ GÀ MÁI
12. ĐÔI BÀN TAY BỐ
13. GIA TÀI CỦA BỐ
14. LÒNG CHA
15. LỜI HỨA NĂM XƯA
16. MỘNG ƯỚC ẤU THỜI
17. MỘT NGƯỜI CHA
18. MỘT THỜI LÀM CON, MỘT THỜI LÀM CHA
19. NẮNG XUÂN XIN GIỮ TƯƠI MÀU
20. NGƯỜI CHA TUYỆT NHẤT TRẦN GIAN
21. NGƯỜI LÀ BỐ TÔI
22. QUANH CHIẾC BÀN ĂN
23. SAO BỐ LẠI QUÊN
24. SAU CÙNG CỦA YÊU THƯƠNG
25. TẠ ƠN BỐ LÀ BỐ CON
26. TÔI YÊU CHA VÌ THẾ
27. TRÊN ĐÔI VAI BỐ
28. TỪ KHI CHA LÀ MẸ
29. TÚI BÁU VẬT
30. ƯU TIÊN MỘT CỦA TÔI
BẠT -- Trần Văn Chánh
*
GIAO CẢM
Sống ở Hy Lạp khoảng 535-475 trước Công Nguyên, hiền giả Heraclitus bảo: “Chưa ai từng hai lần bước xuống cùng một dòng sông, vì nó không còn y hệt là dòng sông ấy và hắn cũng không còn y hệt là con người ấy.”  (No man ever steps in the same river twice, for it’s not the same river and he’s not the same man.)
Nghĩa là khi bước xuống sông lần thứ hai ở ngay địa điểm cũ, dù chỉ cách lần trước một khoảnh khắc ngắn ngủi, thì chỗ nước cũ đã trôi đi mất, hắn đang dầm chân ở chỗ nước mới từ trên nguồn chảy tới; ngay cả hắn, giữa hai lần bước xuống sông đã có biết bao tế bào sinh diệt trong cơ thể rồi, bản thân hắn đã đổi khác qua từng sát na rồi. Vậy thì xét ra Heraclitus có lý lắm khi nhìn vạn vật theo góc độ dịch hóa.
Nhưng lời ông lại e là không đúng nếu ta xét suy và nhận thức sự vật theo cảm xúc lòng mình. Phải, dòng sông tuổi nhỏ sau mấy mươi năm vẫn còn có ít ra một lần ta trở lại, đó là khi ta làm cha mà đứa con trai bé bỏng hôm nay lại là hiện thân của ta ngày xưa thơ dại. Những tâm trạng của ta bây giờ bắt ta vụt thoắt quay lui về dĩ vãng để nhìn lại một hình ảnh cũ bấy lâu vốn nằm im trong lớp ký ức đã dày theo thời gian. Trong khoảnh khắc hồi tưởng ấy, ta gặp lại mình, bé nhỏ bên cạnh bóng dáng cha trên lối đi thơ ấu.
Người đời bảo rằng có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Một phần những câu chuyện kể lại trong hiệp tuyển này phần nào chứng minh cho lời nói ấy. Và lạ thay, điều này cho thấy dù thuộc sắc dân nào đi nữa, “quy luật” tình cảm giữa cha và con xưa nay dường như chẳng mấy khác nhau.
Trong quan hệ giữa bậc sinh thành và kẻ làm con, thường người ta vẫn cho rằng nước mắt chảy xuôi. Chắc cũng chỉ có thể đúng một phần thôi. Yêu thương vốn dĩ không điều kiện; nào ai nỡ cân đong đo đếm thương yêu để biết rằng nước mắt chảy xuôi nhiều hơn chảy ngược.
Tình cha con, một đề tài không mới mà chẳng cũ. Nó là mối quan hệ muôn thuở muôn phương. Chạm đến nó cũng là chạm đến chính ta, bởi chưng ai mà không một lần từng làm con và với phần đông thì ít ra cũng một lần được làm bố làm cha.
Ba mươi câu chuyện nho nhỏ gom lại nơi đây, trừ hai chuyện là của bố con tôi, còn lại là chuyện của người khác, hoặc các ông bố trải lòng, hoặc mấy cô con gái, mấy cậu con trai tâm sự. Trong cuộc chơi chữ nghĩa trần gian, tôi nhặt nhạnh nơi này nơi khác, rồi chia sẻ cùng quý bạn theo cách tôi xúc cảm, rung động với từng mẩu chuyện lòng của họ. Dẫu chưa kết thành bức tranh toàn cảnh về tình cha con trong vòng nhân loại, hiệp tuyển này cho thấy giữa cõi người ta bao giờ cũng có những mảnh đời thường mà ở đó cha yêu con và con thương cha, quan tâm nhau và hy sinh cho nhau, kín đáo dành hạnh phúc cho nhau, tuy rằng biểu hiện và hành vi thường không giống nhau.
Nhân mùa Vu Lan Đinh Dậu (2017), qua Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, CAO CAO DÁNG NÚI mong được làm một chút duyên để chúng ta tạm gác những đa đoan việc đời, những mể mang việc đạo mà thử dành cho mình vài khoảnh khắc hồi tưởng, gẫm suy về những dáng núi in bóng trong đời, để thương để nhớ, để vun vén cho nhau, gìn giữ cho nhau, ngõ hầu mai này khỏi có lúc phải muộn màng hối tiếc.
Lời sau cùng, tôi xin hết lòng mang ơn quý vị Mạnh Thường Quân đáng kính hằng bao năm qua luôn bền bỉ nuôi dưỡng Chương Trình Chung Tay Ấn Tống để những tập sách mỏng dày lần lượt nối tiếp nhau tìm đến những tâm hồn áo trắng đồng điệu buổi Kỳ Ba…
Con cúi xin Thầy từ bi ban ơn lành đến toàn thể các vị ân nhân và cửu huyền thất tổ của những vị con mãi mang ơn.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Tháng Bảy 2017
Huệ Khải
*
PHƯƠNG THỨC NHẬN SÁCH BIẾU
Quý bạn đọc quan tâm sách này, có thể nhận sách biếu (miễn phí) qua bưu điện (nhưng quý bạn vui lòng trả cước phí cho bưu điện ngay khi nhận sách).
Liên lạc nhận sách biếu qua điện thư:daidaovanuyen@gmail.com
Quý bạn vui lòng cho biết đầy đủ họ và tên, địa chỉ rõ ràng (số nhà, đường ... + các chi tiết khác), số điện thoại.
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo (hoạt động từ tháng 6-2008) rất hân hạnh tặng quý bạn sách này.

BAN ẤN TỐNG