MỘNG
ƯỚC ẤU THỜI
Thông
thường, hầu như mọi người đều sẵn có một niềm tin quen thuộc rằng cha mẹ và con
cái vốn thuộc về hai thế hệ hoàn toàn cách biệt nhau; do đó, trong quan hệ
thường ngày, giữa cuộc sống gia đình, hai thế hệ này dường như không mấy dễ dàng
thông cảm, hiểu biết lẫn nhau.
Trong
hồi ức của WILLIAM M. HENDRYX, ông
thuật lại trường hợp bản thân. Thuở ấy, ông là chú bé vừa hơn mười tuổi đầu,
vậy mà chú đã cùng với bố có thể khám phá, cảm thông nhau. Kết quả ấy là do
người cha biết trân trọng ước mơ của con, biết can thiệp đúng mức để giúp con
trẻ biến ước mơ trở thành hiện thực.
*
Dạo lên tám,
cái tuổi vừa biết khôn, tôi cứ đinh ninh sẽ chẳng còn gì vinh quang hơn nữa nếu
tôi có được một tuyến đường giao báo. Điều ấy nghĩa là tôi có tiền túi rủng
rỉnh, không phải lệ thuộc ai, và tôi hy vọng bố sẽ thừa nhận tôi có năng lực
làm được chuyện gì đó.
Theo con mắt
bố, ai cũng mong có công ăn việc làm đàng hoàng. Còn nhỏ, bố đã sớm mồ côi cha
mẹ, phải sống ở một nông trại nhỏ tại Texas
với ông nội là người có lòng nhân ái nhưng nghiêm khắc. Đó là thời kỳ kinh tế
trì trệ vào những năm 1930. Bố đã từng biết qua mọi công việc lao động chân
tay, nào là hái bông vải, nặn đất sét trên mâm quay bàn gốm, và bây giờ thì
điều khiển máy móc ở một nhà máy chất dẻo (plastics).
Đối với bố, học làm ăn buôn bán là nền tảng giáo dục cho thanh niên. Cho tới
lúc ấy, tôi không tỏ ra giỏi giang lắm về mặt này.
Tối đến, khi
cả sáu người trong nhà quây quần bên mâm cơm, bố vẫn không bao giờ quên hỏi:
“Hôm nay ở trường con học được gì nào?” Ai nấy cũng thường im lặng, mọi cặp mắt
dồn vào tôi.
Không hề chuẩn
bị sẵn sàng cho câu hỏi, tôi thường nhìn chằm chằm vào chén dĩa trước mặt mình
và đáp: “Dạ, không nhiều lắm.”
“Thì thôi học
mà đi làm vậy.” Bố thường nói thế, và một nụ cười thoáng hiện trên nét mặt
phong trần nắng mưa dầu dãi.
Đêm đêm tôi
vẫn trở vô giường ngủ mà mơ mộng về những toan tính tìm cho mình một tuyến
đường giao báo. Ước vọng của tôi bị hai trở ngại: Còn bốn năm nữa tôi mới đủ
mười hai là cái tuổi bắt buộc tối thiểu, và việc làm này đã có người nhận rồi.
Frankie, mười bốn tuổi và to gần gấp đôi tôi, theo tôi nhớ đã đi giao báo trên
tuyến đường đó lâu lắm rồi, và cũng không mong gì ảnh giải nghệ. Tuy nhiên, tôi
cứ luôn nằn nì anh ấy nếu như ảnh bỏ công việc này thì hãy tiến cử tôi. Những
lời cam đoan của ảnh làm cho tôi mải nuôi ước vọng.
Là kẻ tình
nguyện làm phụ tá cho Frankie, tôi biết rành tuyến đường giao báo cũng gần như
anh ấy vậy. Chiều chiều sau khi tan trường, tôi lại đạp xe đến chỗ góc đường có
những bó báo nằm ngổn ngang. Frankie và những trẻ giao báo khác luôn luôn có
mặt ở đó khi tôi tới nơi. Những chiếc xe đạp, các túi vải bố màu cam và những
sợi dây thun nằm lăn lóc chỗ này chỗ khác trên nền gạch bê tông bụi bặm.
Đi theo giao
báo hơn hai năm, tôi sung sướng lắm. Thế rồi buổi chiều xuân nọ, Frankie cho nổ
tung một trái bom. Ảnh đặt một bàn tay lên vai tôi, nói: “Anh không biết làm
sao cho em hay chuyện này. Huấn luyện viên Black muốn anh khởi sự làm người
giao banh cho đội bóng chày, mà bọn anh chiều nào cũng luyện tập cả. Anh... anh
phải bỏ luôn việc đi giao báo.”
“Bỏ việc...”
Tôi không sao nói được. Tôi hãy vẫn còn quá nhỏ chưa đủ điều kiện để nhận lãnh
việc ấy, và tất cả những gì mà tôi còn có thể làm được là cố cầm lòng ngăn đôi
dòng nước mắt.
Ảnh nói: “Nè,
đừng thất vọng. Anh đã nói với ông chủ phát hành báo rằng em là một người trợ
tá đắc lực, và ổng muốn gặp em.”
Tối hôm đó,
trong lúc ngồi trên chiếc đu ở dưới vòm hiên trước nhà, trong tâm trạng một kẻ
bại trận, tôi nghe thấy bước chân nặng nề quen thuộc của bố khi bố bước ra
ngoài hút thuốc. Châm tẩu thuốc, bố hỏi: “Con không sao chứ? Trong bữa cơm tối
nay con hầu như chẳng nói năng gì.”
Tôi rút hai
đầu gối lên tận ngực và ngập ngừng giãi bày hoàn cảnh. Bố bảo: “Đó là một việc
làm khá lớn lao. Con thành thực tin rằng con có thể đảm đương nổi việc giao báo
trên tuyến đường đó không?”
“Thưa bố, có.”
Tôi nói cứng, mặc dù thâm tâm tôi biết mình có những hạn chế. Báo ngày Chủ Nhật
dày đến khiếp và phải đem giao trước bình minh, nhưng tôi sẽ có cách.
Bố lại mồi tẩu
thuốc, ánh lửa ấm áp của que diêm soi cho tôi thấy vẻ lo nghĩ trên mặt bố. Bố
bảo: “Thế thì bố sẽ đi với con gặp ông chủ, nhưng bố chỉ đứng ngoài coi thôi.
Con phải tự mình nói chuyện với ông ấy.”
Ngạc nhiên,
tôi ngẩng nhìn bố. Từ trước giờ, chuyện này là cái gì đó giống như một cuộc
chơi, cũng là cách để tôi tự chứng tỏ cho bố biết bản lĩnh của tôi. Dẫu thế,
với sự can dự của bố, dường như tôi đã tiến thêm một bước lớn hơn tôi những
tưởng.
Quay lưng trở
vào nhà, bố còn bảo: “Ờ, mà hãy mặc vét và thắt cà vạt khi đến gặp ông ấy, con
nhé.”
Tôi bỏ chân
xuống đất. “Nhưng đâu có ai ăn mặc như vậy.” Tôi cãi, và nghĩ thầm rằng ăn mặc
như thế trông tôi sẽ ngốc thế nào đối với những trẻ khác.
Bố nói: “Tụi
nó đã có việc làm rồi mà con thì chưa.”
“Nhưng mà...”
Bố nói giọng
chắc nịch: “Không nhưng gì hết. Đây thực sự là công việc. Nếu con không đón
nhận nó cho nghiêm chỉnh, thà đừng nhận thì hơn.”
Hai tuần sau
đó, lòng những phập phồng, tôi mặc bộ com lê nâu sậm, sơ mi trắng, cà vạt hợp
màu và mang giày. Hai bố con im lặng lái xe đến chỗ gặp người chủ, ở bãi đậu xe
gần khu buôn bán.
Trong lúc tôi chờ
tới lượt vào gặp người chủ, bố ngồi xổm, dịu dàng nắm lấy hai vai tôi. Bố bảo:
“Nếu ông ấy cho con việc làm này, là ông ấy bẻ cong hết các luật lệ, và con
biết điều đó có nghĩa là gì rồi đấy. Ông ấy có lẽ còn có một gia đình phải đùm
bọc. Con có tin chắc về việc làm này không?”
Không còn chỗ
thối lui nữa, tôi đáp: “Dạ, chắc.”
Bố dừng lại,
nhìn lâu vào mắt tôi. Bố bảo: “Vậy vào trong đó đi và cho ông ấy thấy con là
người như thế nào. Bố đợi ở đây.”
Lòng không mấy
tin tưởng, tôi lách tấm thân bé bỏng của mình qua những trẻ giao báo khác và
tiến tới trước người đàn ông vạm vỡ, rắn chắc có mái tóc sẫm bắt đầu hói trước
trán và hai bên thái dương.
Ông ta hỏi:
“Ai vậy kìa? Ăn vận thiệt bảnh hén. Cháu hẳn là chú bé mà Frankie nói đây.”
Tôi đáp: “Dạ
phải. Cháu biết cháu còn nhỏ, nhưng nếu bác cho cháu một cơ hội, cháu sẽ là
người đi giao báo giỏi nhứt của bác từ trước tới giờ. Cháu biết rành tuyến
đường đó. Biết hết mọi người ở đó. Và bác có thể trông cậy cháu được. Bác cứ
hỏi anh Frankie.”
“Ta đã hỏi Frankie rồi.” Ông ngả người ra sau để đánh giá
nhanh con người tôi. “Cháu mấy tuổi vậy?”
“Dạ, mười tuổi rưỡi.” Tôi nói thế, ráng để nghe như là
mười hai.
Ông ta nhíu mày. “Cháu không nghĩ rằng cháu hơi nhỏ, chưa
giao nổi báo Chủ Nhật à?”
“Cháu biết cháu có thể làm được.”
Ông ta vẫn hỏi tiếp: “Giả tỷ như mưa gió lạnh lùng thì
làm sao?”
Hai vai tôi xụi xuống. Tôi chịu thua ông ta về điều đó.
Ổng biết, tôi biết và Frankie cũng như những đứa trẻ khác đang vây quanh chờ
chực cũng đều biết điều đó. Lặng lẽ, tôi gục đầu nhìn sững mũi giày của mình.
“Thì tôi sẽ
lấy xe hơi chở cháu nó đi.” Bố lên tiếng. Bàng hoàng, tôi quay lại và thấy bố
đang đứng sau lưng tôi chỉ cách mấy gang tay. Bố nói thêm: “Khi thời tiết xấu
thì bọn trẻ được giúp đỡ.” Ý tưởng ấy cũng đã nảy đến trong đầu tôi, nhưng vì
một chút tự ái nào đó, tôi đã chẳng hề hỏi bố.
Gãi gãi đầu,
ông chủ phát hành báo chằm chằm nhìn bố, rồi lại nhìn tôi. Ông ta bảo: “Thôi
được, ta sẽ thử việc cháu trong ba mươi ngày. Nhưng nếu ta cho rằng cháu làm
không tốt, ta sẽ tìm người khác thay thế cháu. Sòng phẳng không nào?” Ông ta
chìa tay cho tôi bắt.
Tôi liếc nhìn
bố, bất chợt tưởng như xưa nay tôi chưa hề trông thấy bố. Tôi đang chơi vơi
không chỗ bấu víu thì bố đã đến với tôi. Nụ cười nồng ấm và cái gật đầu lẹ làng
của bố là tất cả những gì đảm bảo mà tôi cần có.
“Dạ, sòng
phẳng lắm.” Tôi đáp, và đặt bàn tay bé nhỏ của mình vào bàn tay ông chủ.
“Chừng nào
cháu có thể khởi sự nhỉ?”
Tôi cười toe
toét, nói: “Ngay bây giờ nè bác.”
Ba năm sau đó gia đình tôi dọn đi nơi khác, và tôi phải từ bỏ tuyến
đường giao báo yêu dấu của mình. Nhưng tôi đã đem theo được một điều vô giá: Tôi
đã khám phá ra bố, và bố đã khám phá ra tôi. Hai bố con đã nhận lấy một cơ hội,
và hai bố con đã làm cho công việc đó được chu toàn.
Huệ Khải
29-7-1994
Theo William M. Hendrix, My
Paper Dream,1994.