Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

31 ƯU TIÊN MỘT CỦA TÔI (CAO CAO DÁNG NÚI)


ƯU TIÊN MỘT CỦA TÔI
Thời gian bố mẹ có được trẻ thơ bên cạnh sẽ trôi qua nhanh chóng đến không ngờ. Lúc trẻ còn đang cần quấn quít bên bố mẹ, khao khát được làm bạn, để chơi đùa, trò chuyện với bố mẹ, mà bố mẹ vì hoàn cảnh khó khăn riêng, hay vì lý do nào đó không đánh giá hết tầm quan trọng của nhu cầu tình cảm thiêng liêng ấy, lỡ bỏ qua mất những tháng ngày thần tiên kia, thì đây không chỉ là thiệt thòi cho con trẻ mà còn là một phí phạm bố mẹ mãi mãi không sao chuộc lại được...
Bớt được nhiều thời gian kiếm tiền để dành cho con trẻ, đó là một đầu tư vô hình đem lại cho bố mẹ lợi nhuận tinh thần sẽ chẳng có gì sánh nổi.
Bằng kinh nghiệm bản thân, BENJAMIN J. STEIN (sinh năm 1944) đã sớm lãnh hội được chân lý vô giá này. Ông là nhà văn, luật sư, diễn viên, nhà bình luận kinh tế và chánh trị. Ngoài ra, ông còn chuyên trách viết diễn văn cho hai đời tổng thống Mỹ là Richard M. Nixon (1913-1994, nhiệm kỳ 1969-1974) và Gerald R. Ford (1913-2006, nhiệm kỳ 1974-1977).
*
Chiều Chủ Nhật. Tôi và con trai ở dưới tầng hầm. Cháu đang chơi với máy vi tính, còn tôi sắp xếp hồ sơ giấy tờ. Mấy phút sau, cháu ngẩng lên nói: “Bố ơi, bày cho con cách xếp hồ sơ đi.”
Tôi hỏi: “Sao vậy con? Có gì thích thú lắm đâu?”
Mới tám tuổi đầu, cháu đáp: “Bởi vì lúc nào bố cũng sắp hồ sơ.”
Lát sau, khi tôi và mẹ cháu đã sẵn sàng đi có chút việc, chị giữ trẻ vẫn chưa tới. Tôi nói: “Chà, coi bộ Kailani muốn biến mất rồi nghen.”
Cháu ngước lên khỏi mớ giấy má hồ sơ, đáp lại: “Đâu phải bố. Sao bố nói coi bộ muốn biến; chỉ đã biến mất tiêu rồi mà.”
“Con sửa cách dùng chữ của bố đúng lắm, con trai ạ. Con nói đúng đấy. Bây giờ mình biết tỏng là chỉ đã biến mất tiêu rồi. Bố phục con sát đất.”
Cháu nói: “Thôi mà bố, dù gì bố cũng là nhà văn mà.”
Tối đến, cháu và tôi nằm bên nhau trên giường, cùng xem ti vi chiếu một phim tài liệu. Cháu có hàng chục câu hỏi mà hầu hết tôi đều khó trả lời cho xuôi. Thế rồi, lẳng lặng, cháu ngả đầu vào ngực tôi. Mươi phút sau cháu nói “Bố, con mệt rồi” và ngủ thiếp trong lòng tôi, hơi thở nhẹ nhàng. Khoảnh khắc này, căn phòng này, bỗng như bồng lai tiên cảnh với một thiên thần bé nhỏ.
Một chiều xuân, cháu và tôi lang thang quanh thị trấn nhỏ Oxford của bang Maryland. Hai bố con bước qua tòa nhà Học Viện. Tôi bảo cháu: “Cô giáo dạy bố tiếng La Tinh hồi trung học thuộc dòng dõi một gia đình làm chủ tòa nhà này. Cô thường bắt học trò lớp bố ăn mặc giống như các quý tộc La Mã xa xưa để đọc những bài diễn văn của các nhà hùng biện cách nay chừng hai ngàn năm.”
Trong phòng ngủ khách sạn, sau khi nghe tôi kể về nhà hùng biện, nhà văn kiêm chính khách Cicero (106-43 trước Công Nguyên), về chính khách Catilina (108-62 trước Công Nguyên), và về nước La Mã thời cổ, bé thỏ thẻ: “Bố à, mấy ông đó hồi xưa cũng tài giỏi như bố.” Tôi ngó ra cửa sổ để cháu khỏi bắt gặp tôi đang khóc vì hạnh phúc.
Hôm sau, tôi chỉ cho cháu thấy lối xưa nẻo cũ tôi từng bước qua với chiếc cầu hẹp dành cho người đi bộ. Tôi kể: “Bố và một thằng nhóc đã thụi nhau ở đây.”
Cháu nói: “Bố à, con dám cá là bố đã tiêu diệt nó.”
“Không chắc đâu con. Bố nghĩ rằng chẳng đứa nào thụi được đứa nào lấy một đấm.”
“Nhưng bố dũng mãnh lắm kia mà.”
Tôi nhủ thầm: “Đây là người duy nhất trên đời này nghĩ như vậy.” Tôi vỗ nhẹ mái đầu hoe vàng của cháu, biết ơn con trẻ và Thượng Đế.
Tôi là một ông bố chẳng lấy gì tốt cho lắm, khi cháu bước vào cuộc đời vợ chồng tôi năm 1987. Thuở ấy tôi thường thấp thỏm lo sợ về công ăn việc làm. Tôi cũng thấy mình lơ lảng như phần đông những ai làm bố khi cuộc sống xoay quanh một bà vợ với đứa con thơ. Lòng không vui, thời giờ tôi dành cho con trai bé bỏng chẳng nhiều nhặn chi.
Nhưng khi con trai tôi mười tám tháng tuổi, một buổi tối tôi đứng bên nôi, ru cháu, bảo: “Chào con, con ngủ ngon.” Bằng cái giọng an ổn, cháu đáp: “Bố ngủ ngon.” Tôi không dè rằng cháu biết nói. Cháu đã nói được trọn câu, với tiếng “bố” rất đỗi trìu mến, ấm áp mà xét ra tôi chẳng đáng được hưởng. Xúc động, tôi ra khỏi phòng cháu, và kể từ giây phút ấy đến nay, cháu mãi mãi đã trở thành ưu tiên một của tôi.
Bố con tôi có nhiều thời gian gần nhau. Vì thời gian làm việc của tôi dễ linh hoạt, hầu như ngày nào tôi cũng đến trường đón cháu về. Tôi cho cháu làm bài ở nhà, rồi bắt làm lại, nếu cần. Thường tôi lo bữa cơm tối và đọc truyện khi cháu vào giường ngủ.
Thời gian đầu tư cho cháu đã mang lại một thành công to tát cho tôi. Bố con tôi có một quan hệ thương yêu chia sẻ khác thường. Chẳng hạn, thầy giáo dạy cháu ở lớp Ba bắt học trò đọc một quyển sách về một nhân vật lịch sử, rồi ăn mặc giả làm nhân vật ấy, và kể trước lớp về những thành tích, công trạng của vị ấy.
Hai cô bé đóng vai Amelia Earhart (1898-1937). Tháng 5 năm 1932 bà người Mỹ này là phụ nữ đầu tiên một mình bay qua Đại Tây Dương. Tháng 01 năm 1935, bà là người đầu tiên một mình bay từ đảo Hawaii tới bang California. Trong lần bay vòng quanh thế giới năm 1937, cả phi hành đoàn của bà rớt xuống Thái Bình Dương, mất tích.
Một chú nhỏ đóng vai Thomas Jefferson (1743-1826), tổng thống thứ ba của nước Mỹ với hai nhiệm kỳ liên tiếp, tám năm (1801-1809).
Con trai tôi chọn vai Richard M. Nixon, thống thống thứ ba mươi bảy và là tổng thống đầu tiên của Mỹ phải từ chức năm 1974 vì vụ bê bối Watergate. Nhưng đó là vị tổng thống tôi có nhiệm vụ soạn thảo giùm các diễn văn.
Lòng hân hoan hãnh diện, tôi bảo: “Con à, bố rất cảm động vì việc này, nhưng các trẻ khác có thể chế giễu con bởi lẽ nhiều người chẳng hề ưa thích gì Nixon đâu.”
“Thì họ sai rồi. Nếu bố đã làm việc giúp ổng thì ắt hẳn ổng đã làm được những điều tốt.” Cháu nói thế, khiến tôi chưa bao giờ sung sướng được như vậy.
Cháu cho rằng tôi biết hết mọi điều. Có lần cháu hỏi: “Bố ơi, tại sao người Đức lại làm được máy bay phản lực trước mình?” Cháu cũng cho rằng tôi làm được tất cả mọi chuyện. Một bữa nọ chúng tôi trễ buổi đi xem phim, cháu nói: “Bố ơi, điện thoại bảo người ta khoan chiếu, chờ mình tới rạp đã.” Mãi đến mới gần đây, lúc cháu bị trầy đầu gối, cháu tin rằng tôi có thể chữa lành cho cháu bằng cách hôn lên chỗ bị xước.
Tôi chú ý thấy rằng khi tôi đón cháu ở trường, hay khi bố con tôi đi mua sắm vào buổi chiều cuối tuần, hầu như tôi là ông bố duy nhất xuất hiện những nơi đó. Tất cả các ông bố khác còn đang tối mắt tối mũi lo làm ăn và tôi cho rằng họ đang hái được nhiều tiền hơn tôi.
Điều này đôi lúc có khiến tôi ghen tỵ nhưng bao giờ cũng chỉ thoáng nhanh một vài giây. Tôi cảm thấy hầu như tôi đã học hỏi được điều mà những người khác đã để vuột mất: Nếu bạn là một người Mỹ làm việc cần cù, bạn thường có thể kiếm đủ tiền ăn tiền ở. Tháng này nếu bạn chưa được cất nhắc lên chức vụ cao hơn, thì luôn luôn còn có một cơ hội khác. Nhưng mấy năm trẻ ở giữa cái tuổi năm và mười lăm, khi con bạn biết nói chuyện sõi sàng, biết nhận xét phân biệt, biết tỏ bày lòng trìu mến vô biên, thì những năm tháng này trôi qua nhanh đến kinh ngạc.
Bạn có là tỷ phú cũng chẳng thể biến cậu con mười sáu tuổi cộc cằn bẳn tính thành chàng trai lúc nào cũng sát cánh với bạn, trọn vẹn tin yêu bạn. Chẳng một chức tước nào trong công ty có thể thay thế được những giây phút con trai bạn ngả đầu vào ngực bạn ngủ yên. Chẳng chiếc xe hơi đắt tiền nào, chiếc máy bay riêng nào có thể đền bù nổi cho thời gian bạn xa cách con mình, lúc đứa trẻ từ một cậu bé lớn lên thành một thanh niên trai tráng. Dành thời gian cho con, nào phải đâu tôi đã bỏ qua những việc trọng đại trong đời. Dành được thời gian cho con, đó mới chính là điều trọng đại.
Huệ Khải
18-6-1997
Theo Benjamin J. Stein, My No. 1 Priority, 1996.