CHIẾC
ÁO KHOÁC CŨ
Đối
với một thiếu niên, việc ăn mặc chỉnh tề không chỉ là một nhu cầu thẩm mỹ. Câu
chuyện của MARY E. POTTER cho thấy
chẳng cần phải là trang phục xa hoa chạy theo mốt thời thượng, nhưng khi một bà
mẹ biết chăm chút đúng mực việc ăn mặc của con, thì phần thưởng mang lại không
hề nhỏ.
*
Cậu con trai mười bốn tuổi của tôi và tôi cùng lúc đã
phát hiện ra chiếc áo khoác. Nó đang treo trên giá ở một tiệm bán quần áo cũ,
ép mình giữa những áo khoác đi mưa loại xoàng, cùng với cả lô áo khoác ngoài
bằng len, màu u tối.
Trong lúc những áo khoác khác buông thõng xuống ủ rũ,
chiếc áo kia dường như đang phô mình ra. Chiếc áo khoác cài ngực chéo bằng len
dày dặn này hãy còn mềm mại và chưa cũ mòn, cơ hồ nó đã được cất giữ kỹ nhiều
năm không ai đụng tới. Chiếc áo có cổ bằng nhung đen, cắt khéo và bán hai mươi
tám đô, rẻ không ngờ.
Má con tôi nhìn nhau, thinh lặng, nhưng đôi mắt cháu
sáng lên. Hồi ấy áo khoác len màu sẫm đang được các cậu thiếu niên ưa chuộng,
nhưng mua mới có thể mất tới mấy trăm đô. Chiếc áo này thậm chí lại tốt hơn,
mang dáng dấp thanh lịch cổ điển của một thời đã qua.
Xỏ tay vào hai cánh tay áo lót sa tanh dày và gài
nút, cháu hết xoay người sang bên này lại xoay sang bên kia, ngắm nghía bóng
mình trong gương với vẻ săm soi tỉ mỉ, để rồi nhoẻn miệng cười. Vừa vặn không
chê được.
Hôm sau cháu mặc áo khoác đi học và tan trường về nhà
cháu tươi cười hớn hở. Tôi hỏi: “Bọn trẻ thích áo con chứ?” “Tụi nó mê tít.” Cháu
đáp, trong lúc cẩn thận xếp lại áo trên một chiếc ghế và lấy tay vuốt cho áo
phẳng phiu, thẳng thớm.
Trong vài tuần sau, cháu thay đổi hẳn. Ngoan ngoãn
thay vì trái tính; nhỏ nhẹ luận bàn chứ không cãi lẫy. Cháu trở nên đứng đắn
hơn, lễ phép hơn, thận trọng hơn, sẵn sàng làm người khác vui lòng. Mỗi tối
cháu thường nói: “Má à, cơm ngon lắm.”
Cháu còn rộng rãi đưa cậu em mượn băng cát xét của
cháu và giảng giải cho em cháu những điều tế nhị về cách cư xử; và cháu mang
củi vào bếp không một lời cự nự. Trước kia cháu hay trì hoãn công việc, vậy mà
bây giờ có hôm tôi gợi ý cháu hãy làm bài vở trước khi ăn cơm tối, thì cháu trả
lời: “Má nói đúng. Con làm đây.”
Lúc tôi đề cập sự việc này với một trong các giáo
viên dạy cháu và nói tôi không hiểu điều gì đã làm cháu thay đổi, thì cô giáo
cháu cười to: “Hẳn là cái áo của chú nhỏ rồi!” Một cô giáo khác đã bảo cháu rằng
cô đã cho cháu điểm tốt không chỉ vì cháu đáng được như thế mà còn vì cô thích
cái áo của cháu nữa. Tại thư viện, má con tôi tình cờ gặp một anh bạn đã lâu
không thấy mặt bọn trẻ nhà tôi. Ánh mắt anh ấy đánh giá cách cắt may chiếc áo
cháu mặc, thán phục khi thấy cháu có vẻ cao lớn thêm, miệng hỏi: “Không lẽ là
cậu cả đây à?” Và anh bắt tay cháu theo kiểu quý ông chào nhau.
Má con tôi biết rằng chúng ta chẳng bao giờ nên lầm
lẫn đánh giá một người qua quần áo bề ngoài. Nhưng đối với việc mặc áo quần cắt
may tinh xảo khi xuất hiện trước mắt mọi người, đối với việc thực hành những
điều tinh tế trong ý nghĩ, lời nói và hành vi, cử chỉ, cũng như đối với việc
hòa hợp hình thức bên ngoài với phẩm chất bên trong, thì có điều đáng để mà nói.
Đôi khi nhìn theo con trai rời nhà đi học, lòng tôi
day dứt nhớ lại thuở mình mười bốn tuổi. Cái tuổi dễ dàng thử nghiệm những cách
vào đời khác nhau như thể xỏ tay mặc thử chiếc áo khoác. Cả cuộc đời này, cả
tương lai này trải rộng ra phía trước, một toàn cảnh bao la nơi mọi cánh cửa
đều rộng mở. Và ngay lúc này đây, giá mà tôi lại ở vào lứa tuổi đó, tôi sẽ hình
dung được mình đang bước qua những cánh cửa ấy, khoác trên người tấm áo tuyệt
vời, kỳ diệu.
Huệ
Khải
25-81998
Theo Mary E.
Potter, A Standard of Excellence,
1994.