HÁT LÊN
ĐI
Mẹ có
thể là nhân tố không thiếu được để gắn bó cả gia đình lại với nhau, không chỉ
lúc cảnh nhà ấm no sung túc mà cả những hồi cơ khổ bần hàn. Mẹ có thể là hình
ảnh ghi dấu ấn suốt đời con sau này, kể cả khi con đã xa rời mái nhà thơ ấu. Mẹ
có thể là bóng mát thiên thu không gì thay thế được trong tâm tưởng con. Mẹ có
thể là duy nhất và tất cả. Mà những điều đó có lẽ còn tùy thuộc rất nhiều ở
cách mẹ nuôi dạy con. Hình như mỗi người mẹ có một cách riêng để nuôi dạy con,
hoặc bằng bản năng thiên phú hoặc do căn trí, văn hóa, giáo dục...
Trong
hồi ức của mình, HENRY GORDON GREEN
(1912-1991) kể lại cách mẹ ông đã nuôi dạy tám đứa con bằng trọn lòng tin yêu
không lay chuyển của bà vào khả năng mầu nhiệm của âm nhạc. Bà đã luôn luôn phả
những giai điệu qua lời ca tiếng hát vào cuộc sống, tâm hồn các con, và sau này
là cháu chắt, từ buổi thơ dại đầu đời của trẻ cho đến ngày sau rốt của bà.
Người mẹ ấy không dạy các con trở thành danh tài âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng ý
thức rõ rằng bà dạy các con ca hát để biết cách đi qua cuộc đời bất trắc này
một cách an vui, tự tại.
*
Một trong những ký ức đầu đời của tôi là việc má đã
cố gắng dạy tôi cách tạo ra được một giai điệu. Má rất nhẫn nại, rất kiên trì,
nhưng tôi là đứa học trò khó dạy.
Má thường nói: “Nào hãy nghe má lần nữa. Má hát lần
đầu, rồi con hát theo. Sẵn sàng chưa?”
Sau đó má hát dòng đầu tiên của bản thánh ca cổ Miền Đất Beulah. Chỉ có bốn nốt nhạc đơn
giản, rõ ràng, mà tôi phải mất nhiều ngày cùng với bao nước mắt tuyệt vọng mới
nắm vững được, và mất mấy tuần mới học được trọn lời ca thứ nhất và đoạn hợp
xướng. Nhưng nay tôi biết rằng đó là một bài tôi phải học vì, đối với má, ở
trong nhà thì âm nhạc cũng quan trọng gần như cơm gạo.
Gia đình tôi đã thành ra một tổ ấm lớn và ồn ào với
tám đứa trẻ, và dù chúng tôi được nuôi dưỡng trong những năm 1930 kinh tế suy
thoái, tôi vẫn nhớ chưa bao giờ có lúc nào trơ trụi hay tuyệt vọng đến nỗi âm
nhạc là thứ xa xỉ mà chúng tôi không thể có nổi. Căn phòng lớn của những nông
trang lân cận thường có cái vẻ kín đáo, trang nghiêm, vì theo tập tục, phòng ấy
dành cho những dịp tang ma, giáng sinh hay những vị khách đặc biệt. Với nhà
chúng tôi thì không thế. Nơi đây cây dương cầm luôn có một xấp bản nhạc và các
quyển thánh ca, và treo phía trên nó là một lô nhạc cụ cứ tăng thêm số lượng: ba đàn guitar, hai đàn banjo, một đàn ukulele, một violin, một
cây sáo piccolo, một kèn trombone, một kèn trumpet, một kèn altosaxophone, một
đàn concertina, một đàn mandolin. Ngày nay tôi vẫn hết sức thắc mắc không biết
gia đình chúng tôi đào đâu ra tiền để sắm ngần ấy thứ.
Không ai trong nhà chúng tôi trở thành nhạc công
chuyên nghiệp hay rắp tâm mong làm kẻ chơi nhạc nhà nghề. Tài nghệ âm nhạc của
chúng tôi chỉ đủ để kết hợp một lũ trẻ con nghịch ngợm, ồn ào, lộn xộn, hay cãi
cọ hòa chung thành một giọng. Không có gì phải ngạc nhiên rằng âm nhạc sẽ vẫn
còn là một phần trong những mảnh đời của anh em chúng tôi, cả sau khi chúng tôi
đã bắt đầu sinh con đẻ cái.
Dù má thích mọi nhạc cụ, trừ kèn túi (bagpies), má đoan chắc rằng giọng hát
con người mới là âm nhạc đáng yêu nhất trên đời. Má hát giọng nữ trầm, và có
một giọng hát tuyệt vời...
Má là người rất sùng tín, ngoan đạo. Quả tình những
quan niệm của má về thiện ác thị phi cứng nhắc đến nỗi gia đình tôi đã có nhiều
lần cãi nhau sôi nổi. Nhưng khi lửa giận chớm nhen ở bàn ăn trong bữa cơm tối,
hay khi nào ba trầm mặc âu lo, má lại bảo: “Khoan ăn cơm đã. Cả nhà hãy hát
chơi một chút nhé.”
Chúng tôi trưởng thành, ra riêng, thành gia thất, làm
nhiều điều dại dột và làm được ít điều hay cho má hãnh diện. Nhưng cứ tới cuối
tuần lại thấy tất cả bọn chúng tôi đông đủ ở nhà, đàn ca hát xướng. Rồi đến
chừng anh em chúng tôi dẫn mấy đứa con đầu lòng về thăm, má lại cố hết sức dạy
đám cháu nhỏ bản thánh ca cổ Miền Đất
Beulah.
Má thường giảng giải: “Học hát nào khó khăn gì đâu,
và một khi bọn trẻ thuộc rồi, đó là bài hát sẽ chẳng bao giờ chúng quên được.”
Khi đám cháu bắt đầu đem lũ chắt về chơi thì má đã
lẫn, nhưng má vẫn biết từng chữ của những bài thánh ca xưa kia chúng tôi cùng
hát với má mỗi dịp sum họp bên nhau.
Má thường nài chúng tôi: “Hãy hát thêm một bài nữa
trước lúc các con ra về. Chỉ một bài nữa thôi.” Tôi e rằng những nàng dâu và
bọn cháu chắt của má thường không nhẫn nại chịu đựng được cái cách anh em chúng
tôi vẫn chìu ý để làm má vui lòng. Làm sao những dâu con cháu chắt trong nhà có
thể hiểu được rằng ca hát xưa nay vốn đã là một phương cách chắc chắn để cả gia
đình quây quần, đoàn tụ yên lành bên má như những chú gà con núp dưới đôi cánh
mẹ? Làm sao có ai ngờ được rằng bản thánh ca chúng tôi hát cùng má trước lúc ra
về thực sự là lời má nguyện cầu cho chúng tôi khi sắp bước chân đi.
Rồi cũng tới cái ngày định mệnh chúng tôi phải vĩnh
biệt má. Má ốm nặng, lẫn lộn nhiều, và chúng tôi chỉ còn mường tượng được ở má
chút bóng mờ của một thời xuân sắc. Má cứ khăng khăng rằng má vẫn còn biết đủ
hết chúng tôi, từng đứa một, nhưng khi có ai trớ trêu nói má thử kể tên lũ con
thì má chịu thua. Má bảo má mệt quá.
Tuy nhiên má không mệt đến nỗi không thể hát được, và
bài hát sau cuối chúng tôi cùng nhau hòa giọng trước khi chuyển má vào bệnh
viện là bản thánh ca cổ Miền Đất Beulah...
Chính tôi là người đề nghị bài hát đó, nhưng giả dụ
hôm ấy má không thể giúp tôi hát lại bài hát nọ thì tôi đã thấy khó khăn y như
thuở ban đầu má mới dạy tôi. Vậy mà má vẫn nhớ từng lời từng chữ.
Huệ
Khải
13-6-1995
Theo Henry Gordon
Green, Always Time For Music, 1990.