Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

19 MỘT THỜI LÀM CON, MỘT THỜI LÀM CHA (CAO CAO DÁNG NÚI)


MỘT THỜI LÀM CON
MỘT THỜI LÀM CHA
Trong ánh mắt đầu đời của đứa con trai bé bỏng, cha là thần tượng. Cậu bé tin tưởng cha có một quyền năng hoàn hảo để tạo ra, làm được mọi thứ mà bé mong muốn và cần tới. Ở bé, tình yêu cha có trộn lòng ngưỡng mộ, thán phục sự toàn năng. Nhưng đến một ngày kia, có một lần không ai tránh khỏi, thần tượng ấy bỗng sụp đổ khi mà trong ánh mắt buồn bã của trẻ thơ, cha chỉ còn là một người lớn bình thường giữa cuộc đời này. Tình yêu cha trước và sau biến cố ấy có khác nhau không? Câu chuyện của WALTER MEADE là một trường hợp cụ thể trong muôn vàn tình huống của những bậc làm cha.
*
Một buổi tối mùa đông năm ngoái khi tôi đang ngồi đọc báo, con trai tôi bước đến bên ghế trong vẻ lặng yên thân ái. Cháu đứng vừa sát phía ngoài cái vòm sáng hình bán nguyệt hắt ra từ cây đèn đọc sách cũ kỹ bằng đồng mà tôi ưa thích, cũng là cây đèn đã thắp sáng cái bàn giấy của bố tôi, là một bác sĩ.
Dạo ấy cháu thích đến bên tôi với những vấn đề nghiêm trọng nhất của cháu khi tôi đang đọc sách báo. Trước đó không lâu, cháu cũng làm thế mỗi khi tôi đang làm vườn. Có lẽ cháu cảm thấy rất an tâm khi tôi giúp cháu giải quyết những khó khăn của cháu.
Tôi ngước mắt lên khỏi tờ báo, và cháu ngoác miệng cười với tôi. Rồi thì cháu đột ngột tỏ ra nghiêm trang, bắt chước những khi tôi có vẻ nghiêm nghị.
Cháu chìa món đồ chơi đang giấu sau lưng: “Con làm gãy cái cưa rồi. Đây nè bố.”
Cháu chẳng hỏi xem tôi có sửa được hay không. Cháu tin tưởng rằng tôi thừa sức; đó là lòng thán phục của một chú nhỏ bé bỏng đối với một bàn tay thần kỳ có thể sửa chữa được những chiếc xe ba bánh, bốn bánh và những món đồ chơi đủ loại khác.
Nhìn cái cán nhựa dẻo màu xanh lơ của cây cưa đã gãy, tôi hỏi:
“Còn thiếu mấy mảnh vỡ nữa. Con có giữ không?”
Cháu xòe bàn tay đang nắm chặt để lộ ra những miểng còn sót lại. Tôi thấy chẳng có cách nào sửa được món đồ chơi nữa rồi.
Cháu nhìn tôi chăm chăm, vẻ mặt ấy cho thấy cháu hoàn toàn tin cậy rằng tôi làm được mọi điều. Cái nhìn ấy khuấy động ký ức tôi. Tôi cẩn thận săm soi cây cưa, lật tới lật lui các mảnh vỡ trong lòng đôi bàn tay, còn tâm trí thì lật lại tháng ngày dĩ vãng.
*
Hồi ấy tôi lên bảy, vào một ngày tháng Mười Một, sau khi tan học tôi đến phòng khám của bố. Rõ ràng bố là một bác sĩ giỏi nhất trong vòng một ngàn dặm kể từ thị trấn nhỏ bên dòng sông Ohio nơi gia đình tôi cư ngụ. Bố và những gì bố làm được thường khiến cho tôi cũng như các bệnh nhân của bố kinh ngạc. Chẳng những bố có thể chữa trị cho bất cứ ai bất kỳ bệnh gì mà người còn có thể làm cho một con ngựa trở nên săn chắc, có thể đẽo được một cái bông vụ và lại chẳng hề hấn gì khi ngồi trên chiếc xe trượt của tôi lao xuống ngọn đồi. Tôi thích la cà ở phòng khám của bố và thích nghe người ta gọi tôi là “chú đốc tờ nhỏ”. Tôi cũng thích nhìn bệnh nhân rời phòng khám của bố, lúc nào họ cũng có vẻ khỏe hơn.
Nhưng ngày hôm ấy, tôi đến phòng khám để gặp đứa bạn thân nhất. Nó nghỉ học ba ngày rồi và mẹ nó đã nhắn cô y tá của bố rằng bà chỉ có thể đưa nó từ nông trại đến phòng khám vào hôm ấy.
Khi bệnh nhân cuối cùng trong buổi chiều đã ra về, nó vẫn bặt dạng. Bố con tôi ra ngoài để đến khám bệnh ở các tư gia. Bố thích có tôi đi cùng vì người ưa kể chuyện trong khi lái xe, còn tôi thì cho rằng trên đời này chỉ có tôi mới là kẻ biết nghe những câu chuyện bố kể nhất.
Bố con tôi xong việc lúc gần bảy giờ. Khi bắt đầu quay về nhà, bất chợt bố bảo: “Bố con mình đi thăm bệnh bạn thân của con nhé.” Tôi cảm thấy lúng túng với lòng biết ơn, chắc chắn rằng bố làm thế chỉ vì muốn tôi vui lòng.
Nhưng khi ngôi nhà đá xám xịt cũ kỹ lọt vào tầm mắt, bố con tôi đã thấy cửa sổ trên lầu phía sau nhà và cửa sổ ở hiên sau đều sáng ánh đèn; từ lâu đời đó là những báo hiệu mỗi khi gặp hoạn nạn.
Bố cho xe chạy ngay vào khoảnh sân trước cửa nhà. Chị của bạn tôi chạy ùa ra ôm chầm lấy bố, vừa khóc lóc vừa lắc lắc bố và cố nói: “Bác sĩ ơi, em con sắp chết rồi! Ba con đang chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm bác sĩ. Tạ ơn Trời bác sĩ đã tới. Thoạt đầu chỉ là cảm lạnh chút thôi. Thế rồi chiều nay em cháu bắt đầu toát mồ hôi như tắm và cứ nhắm nghiền hai mắt.” Chị ấy nói mãi như thế và bấu chặt lấy bố.
Bố không bao giờ chạy. Bố thường bảo chẳng có lý do đúng đắn nào để phải vội vàng cả; nếu như con phải vội vã thì khi ấy đã là trễ tràng rồi. Vậy mà bố bảo chị ấy buông bố ra, và bố co chân chạy.
Tôi theo chân hai người đi qua gian bếp nồng mùi bột nổi và leo lên những bậc thang hẹp, tối om om. Thằng bạn tôi đang thở gấp và phát ra những tiếng khò khè. Trên mình nó là cả đống chăn đệm thành thử tôi chỉ có thể nhìn được khuôn mặt nó trong ánh đèn dầu chập chờn. Trông nó đã kiệt sức lắm rồi và mồ hôi đẵm trên da loang loáng.
Má nó chẳng nói năng gì. Bác ấy là một người đẫy đà, mặt tròn, và trước đây chưa bao giờ tôi gặp bác trong nhà mà lại không đeo tấm tạp dề. Bác đứng sau lưng tôi, cả hai bàn tay đặt lên vai tôi trong lúc bố nghe ngực nó. Bố gắn ống tiêm và giơ mũi kim lên trước ánh đèn. Mẹ nó, chị nó, và tôi dõi mắt nhìn theo giọt thuốc trong veo lăn xuống khỏi đầu mũi kim. Tôi tin chắc rằng trong đó chứa cái phép lạ mà chúng tôi phải có.
Bố chích cho nó. Rồi lấy từ trong hộp đen đồ nghề một tấm gạc, bố đặt lên miệng nó. Bố chồm lên người nó và bắt đầu thở với nó. Trong phòng không một ai nhúc nhích, và cũng không nghe một âm thanh nào khác hơn.
Rồi, thình lình như ánh chớp, chỉ còn nghe thấy tiếng bố thở mà thôi. Tôi cảm thấy hai bàn tay mẹ nó bóp chặt lấy vai mình và cũng như bác ấy, tôi biết rằng một điều gì đó đã sụp đổ. Nhưng bố vẫn tiếp tục thở vào buồng phổi nó. Một lúc lâu sau, mẹ nó bước tới bên giường, đặt tay lên vai bố và nói khe khẽ: “Cháu nó đi rồi, bác sĩ ơi. Bác sĩ ngừng lại đi. Vô ích thôi. Con trai tôi không còn ở với chúng tôi nữa đâu.” Nhưng bố chẳng chịu buông nó ra.
Rồi mẹ nó cầm tay tôi và hai bác cháu đi vào gian bếp. Bác ấy ngồi xuống ghế xích đu còn chị nó sà vào lòng mẹ, chưa bao giờ tôi thấy ai đau đớn khổ sở như chị lúc ấy. Tôi bỏ ra ngoài hàng hiên và ngồi trên bực thềm trên cùng, trong bóng đêm lạnh lẽo. Tôi muốn đừng ai bắt gặp tôi hay nghe tiếng tôi hết.
Khi về tới nhà và nhìn thấy xe bố con tôi, ba thằng bạn tôi chạy ùa vào. Trong một lúc tôi nghe tiếng nói chuyện. Sau đó là im lặng, rồi lại có tiếng nói. Cuối cùng là tiếng bước chân nặng nề của hai người đàn ông giẫm trên các bậc thang. Bố đi ra ngoài, và tôi nối gót ra xe. Suốt con đường hiu quạnh trở về thị trấn bố chẳng hé răng với tôi. Và tôi cũng chẳng dám đường đột hở môi với bố. Cái thế giới mà tôi tưởng là tôi biết, nó nằm trong lòng tôi, tan nát.
Thay vì về nhà, bố con tôi quay lại phòng khám của bố. Bố đứng đơn độc ở cửa một lúc. Rồi bố gọi tên tôi, lớn tiếng, giọng dữ dội, trao tôi chìa khóa và bảo: “Mở đi. Bố không mở được.”
Tôi sợ lắm. Tôi chưa từng quen làm điều gì giúp bố. Luôn luôn là bố làm giúp tôi. Hai bố con bước vào căn phòng tối đen. Bố bảo tôi bật ngọn đèn trên bàn giấy. Bố bắt đầu lục lọi hết quyển sách này tới quyển sách khác, hoài công tìm kiếm một điều gì khác mà lẽ ra bố đã có thể làm được.
Tôi muốn ngăn bố lại, nhưng không biết phải bằng cách gì. Tôi không thể tưởng tượng nổi đêm sẽ qua đi như thế nào. Chốc chốc, chẳng cầm lòng được, tôi lại khóc.
Cuối cùng, nghe có tiếng người bên ngoài, tôi đi qua phòng đợi để ra cửa, lòng đầy biết ơn cho dù đó là ai đi nữa. Trong một cộng đồng như thị trấn chúng tôi, khi có trẻ con chào đời hay khi xảy ra tang tóc, mọi tin tức đều lan truyền xa và nhanh. Mẹ đã đến tìm hai bố con.
Mẹ quỳ xuống, ôm chầm lấy tôi, xoa xoa sau đầu tôi, còn tôi thì ôm ghì lấy mẹ như tôi chưa từng bao giờ làm vậy kể từ khi còn nhỏ xíu.
“Mẹ ơi, sao bố lại không thể, sao bố lại không thể?” Tôi khóc và ngả đầu lên vai mẹ.
Mẹ xoa lưng tôi cho tới khi tôi nín lặng. Rồi mẹ bảo: “Bố lớn hơn con, nhưng bố nhỏ bé hơn sự sống. Mẹ con mình yêu thương bố vì những gì bố có thể làm; và mình cũng chẳng vì những gì bố không thể làm mà giảm bớt lòng thương yêu bố. Yêu thương luôn luôn là chấp nhận, bất kể đó là gì.”
Mặc dù tôi không chắc rằng mình hiểu hết ý tứ trong lời lẽ ấy, tôi biết tôi cảm thấy được tầm quan trọng của điều mẹ dạy. Sau đó mẹ vào gặp bố.
*
Mùa đông xa xưa mà tôi đã trải qua năm ấy dường như kéo dài bất tận, thế nhưng khi tôi lật qua lật lại mấy mảnh đồ chơi của con trai mình, những hồi ức ấu thơ hiện hình trong tôi nhanh trong tích tắc. Tôi bảo cháu: “Bố e rằng nó bể hết rồi.”
“Con biết chớ. Nhưng bố làm ơn sửa giùm con đi.” Trong giọng nói của cháu có ẩn chút sốt ruột.
“Bố không sửa được.”
“Chắc chắn bố sửa được.”
“Không, bố chịu thua. Bố xin lỗi con.”
Cháu nhìn tôi, và cái vẻ thán phục ngưỡng mộ trên mặt cháu tan mờ đi. Bờ môi dưới của cháu run run, và cháu cố dằn lòng trong khi những giọt lệ tuôn chảy.
Tôi kéo cháu lên lòng và hết sức vỗ về an ủi trong lúc cháu đau buồn vì món đồ chơi gãy và vì thần tượng của cháu đã sụp đổ. Dần dần cháu thôi khóc. Tôi tin chắc cháu cảm thông được nỗi buồn của tôi khi thấy bản thân tôi trong mắt cháu chỉ là con người trần tục thông thường, bởi lẽ cháu vẫn nép đầu vào tôi một lúc lâu, tay cháu quàng quanh cổ tôi.
Khi cháu ra khỏi phòng, trao cho tôi cái nhìn thẳng và thân ái, tôi có thể nghe được giọng mẹ tôi, bảo tôi rằng thương yêu vốn không có điều kiện. Xưa làm con, nay làm bố, tôi nhận ra rằng sự khởi đầu hiểu biết cảm thông xuất phát từ nỗi đớn đau khi khám phá điều ấy.
Huệ Khải
28-02-1999
Theo Walter Meade, Once the Son, Now the Father, 1974.