NGƯỜI CHA TUYỆT NHẤT TRẦN GIAN
Đây là câu chuyện “đầu tay” của
ANGIE K. WARD-KUCER. Chị kể về cha - ông Thomas Wesley Ward Sr.:
Tôi chào đời khi cha đã năm mươi
tuổi. Suốt ngày cha ở nhà chăm sóc con gái. Tôi không
hiểu tại sao cha lại ở nhà thay mẹ, nhưng tôi hãy còn bé và xét ra trong đám
bạn bè thì tôi là đứa duy nhất rất may mắn vì hầu như lúc nào cũng có cha bên
cạnh.
Những năm tôi mài
đũng quần trên ghế nhà trường, cha giúp tôi nhiều thứ. Cha thuyết phục ông lái
xe buýt của trường đón tôi tại nhà thay vì theo lẽ thường là phải ở một trạm
cách nhà sáu khu phố. Khi tôi tan trường về, cha luôn làm sẵn bữa trưa, thường
là miếng xăng uých kẹp thịt đông và bơ đậu phọng và nó được cha tạo dáng mỹ
thuật tùy theo mùa. Vào dịp Giáng Sinh, những miếng xăng uých thường được rắc
đường cát nhuộm màu xanh lục và cắt thành hình một thân cây.
Khi nhiều tuổi hơn
một chút và cố giành lấy sự độc lập, tôi muốn lìa xa những biểu hiện thương yêu
đầy tính “trẻ con” của cha. Nhưng cha nào chịu thua. Lên trung học không còn có
thể về nhà ăn trưa được nữa, tôi bắt đầu mang theo phần ăn của mình. Cha thường
dậy sớm một chút và sửa soạn giúp con gái. Không bao giờ biết trước cha sẽ trổ
tài ra sao. Bên ngoài túi thức ăn có thể là hình ngọn núi do cha vẽ (và nó đã
trở thành “thương hiệu” riêng của cha) hoặc là một trái tim bên trong viết “Cha
& Angie”. Trong túi thường có một khăn ăn bằng giấy cũng vẽ hình
trái tim giống như thế hoặc thay bằng câu “Cha thương con.” Nhiều lần
cha còn chép một mẩu chuyện cười hay một câu đố dí dỏm. Cha lúc nào cũng có một
lời vớ vẩn chi đó để chọc tôi cười và khiến tôi biết rằng cha yêu tôi lắm.
Tôi thường giấu phần ăn trưa của mình để đừng ai nhìn
thấy cái túi hay đọc được những gì ghi trên khăn giấy. Nhưng chẳng giấu được
lâu. Một hôm có đứa bạn bắt gặp cái khăn, liền chộp lấy, và chuyền đi khắp
phòng ăn. Mặt tôi chín nhừ vì ngượng. Nhưng kinh ngạc thay, ngày hôm sau tất cả
bạn bè tôi đều mong chờ được nhìn thấy khăn ăn. Từ cung cách của họ, tôi nghĩ
đám bạn đều ao ước có ai đó cũng bộc lộ cho họ một tình thương yêu như vậy. Tôi
hãnh diện biết bao. Trong suốt mấy năm ở trung học, tôi nhận được nhiều khăn ăn
kiểu như thế.
Mà nào đã hết đâu. Lúc tôi xa nhà vào đại học, cứ ngỡ
những lời lẽ nhắn gởi theo kiểu đó sẽ chấm dứt. Nhưng tôi và đám bạn lại vui
sướng rằng các cử chỉ thương yêu của cha vẫn tiếp tục.
Ngày nào tan trường, tôi cũng mong nhớ cha, thế là
gọi điện về nhà luôn. Tiền cước điện thoại trong hóa đơn của tôi vì vậy khá
lớn. Mà hai cha con nào có chuyện gì quan trọng đâu; chỉ là tôi muốn nghe giọng
nói của cha, thế thôi. Năm đầu đại học, hai cha con đã lập nên một nghi thức mà
sau này vẫn còn duy trì. Hễ tôi chào tạm biệt xong thì cha lại gọi: “Angie?”
Tôi đáp: “Dạ, thưa cha.”
“Cha yêu con.”
“Con cũng yêu cha, cha ơi.”
Hầu như Thứ Sáu nào tôi cũng có thư. Nhân viên văn
phòng đều biết thư ấy ai gởi. Nhiều lần phong bì được ghi bằng bút chì, các lá
thư bên trong thường kèm theo hình vẽ con chó, con mèo nhà tôi nuôi, hình cha
mẹ; nếu cuối tuần trước tôi có mặt ở nhà, thì là hình tôi đang cùng lũ bạn rong
chơi trên phố và lấy ngôi nhà của cha mẹ làm chỗ dừng chân nghỉ xả hơi. Cha
cũng vẽ ngọn núi quen thuộc và hình trái tim ôm trọn dòng chữ “Cha &
Angie”.
Thư được phát mỗi ngày trước bữa trưa, thế nên tôi
mang luôn thư vào phòng ăn. Tôi biết rằng có giấu giếm thư cũng chẳng ích gì vì
đứa bạn chung phòng chính là một đứa bạn từ thời trung học vốn quá rành về
những cái khăn ăn. Chả mấy chốc mà thư của cha trở thành một nghi thức của buổi
chiều Thứ Sáu. Tôi thường đọc thư, còn hình vẽ và phong bì thì được chuyền vòng
quanh.
Chính vào thời gian ấy cha mắc bệnh ung thư. Khi thư
từ không đến vào Thứ Sáu, tôi biết cha yếu, không viết nổi thư. Cha quen dậy
lúc 6 giờ sáng để có thể ngồi trong căn nhà yên tĩnh mà sáng tạo ra những lá
thư theo kiểu của cha. Nếu vuột chuyến thư Thứ Sáu, thư sẽ tới một hai ngày
sau. Nhưng bao giờ thư cũng có. Bạn bè tôi gọi cha là “người cha tuyệt trần”.
Một hôm họ đã gởi cha tấm thiệp mang theo danh hiệu nọ, cả đám cùng ký tên. Cha
đã dạy tất cả bạn bè tôi và tôi biết thế nào là tình một người cha yêu con. Tôi
sẽ chẳng đời nào ngạc nhiên nếu đám bạn sau này cũng gởi con cái họ những tấm
khăn ăn giống kiểu cha sáng tạo. Ấn tượng cha gieo sẽ in dấu bền bỉ nơi đám bạn
ấy và sẽ gợi hứng cho họ trao gởi con cái họ một cách biểu hiện lòng yêu
thương.
Suốt bốn năm tôi ở đại học, thư từ và điện thoại đến
vào những định kỳ đều đặn. Nhưng rồi tới lúc tôi quyết định trở về nhà để ở
cạnh cha vì cha trở bệnh nặng hơn, và tôi biết thời gian cha con được gần gũi
bên nhau không còn nhiều nữa. Đấy là những ngày hết sức khó khăn mới vượt qua
được. Cuối cùng thì cha không nhận ra tôi và thường lầm tôi với một người bà
con đã nhiều năm cha không gặp. Dẫu biết sự việc ấy là do tật bệnh, tôi vẫn cứ
nhói lòng vì nỗi cha không nhớ được tên con gái.
Chỉ có tôi bên cạnh cha trong bệnh viện vài ngày
trước khi cha mất. Hai cha con nắm tay nhau cùng
xem ti vi. Khi đã sẵn sàng ra đi, cha gọi: “Angie?”
“Dạ, thưa cha?”
“Cha yêu con.”
“Con cũng yêu
cha, cha ơi.”
Huệ Khải
05-5-2002
Theo Angie K. Ward-Kucer, The Coolest Dad in the Universe, 1995.