Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

23 QUANH CHIẾC BÀN ĂN (CAO CAO DÁNG NÚI)


QUANH CHIẾC BÀN ĂN
Leo Buscaglia, tức Felice Leonardo Buscaglia (1924-1998) là giáo sư dạy môn giáo dục học ở Viện Đại Học Nam California, cũng là nhà văn có sách ăn khách và được biết tiếng ở nhiều nước. Gia đình ông là người Mỹ gốc Ý. Mẹ ông không nói được tiếng Anh; bố ông vốn là nông dân, học ít, nhưng hiếu học và hiểu được giá trị của học vấn. Trong hồi ức này, LEO BUSCAGLIA kể lại cách bố ông đã giáo dục con cái để cả gia đình luôn luôn ý thức mỗi ngày không ngừng trau dồi tri thức.
*
Lúc vừa bước sang thế kỷ Hai Mươi, khi bố trưởng thành ở một làng quê miền Bắc nước Ý, việc học hành hãy còn dành cho con nhà giàu có. Bố là con của một nông dân lam lũ tay làm hàm nhai. Bố thường kể cho anh em chúng tôi rằng bố không nhớ nổi là đã có được một ngày nào khỏi phải làm lụng. Trong đời bố chưa bao giờ có cái khái niệm về sự rảnh rang. Quả tình bố chẳng hiểu nổi, làm sao mà người ta có thể ở không cho được.
Thầy giáo và cha xứ trong làng thấy rằng bố có rất nhiều tiềm lực để theo học ở trường lớp cho đàng hoàng, và dù họ phản đối, bố vẫn phải bỏ ngang việc học ở lớp Năm để đi làm cho một nhà máy.
Trường đời trở thành trường học của bố. Bố quan tâm đến mọi thứ. Bố đọc tất cả những thứ sách vở, báo chí nào mà bố có thể mó tay tới. Bố rất thích lắng nghe lớp đàn anh ở thị thành nói chuyện và biết về cái thế giới bên ngoài cách xa miền bán đảo đã là quê hương của biết bao thế hệ ông bà tổ tiên nhà bố. Lòng tôn sùng học vấn của bố và óc say mê tìm hiểu thế giới bên ngoài đã theo bố vượt đại dương qua đất Mỹ và sau đó lại truyền sang cho cả nhà. Bố quyết tâm rằng sẽ chẳng để một đứa con nào của bố bị thất học hết.
Bố tin rằng cái tội lớn nhất là tối đến vô giường ngủ mà vẫn chẳng học hỏi thêm được gì, cứ dốt y như lúc sáng thức dậy. Bố thường bảo: “Có lắm điều cho ta học. Dẫu sinh ra ta có dốt đi nữa, thì chỉ có người ngu mới chịu dốt nát hoài.”
Nhằm đảm bảo là con cái bố không một ai bị sa vào bẫy rập của lòng tự mãn, bố nhất quyết rằng mỗi ngày chúng tôi phải học lấy ít nhất một điều mới mẻ, và giờ cơm tối dường như là lúc họp mặt tốt nhất để chia sẻ với nhau những gì chúng tôi đã học hỏi được trong ngày. Lẽ tự nhiên, là trẻ con, chúng tôi nghĩ rằng việc này kỳ cục. Chắc chắn rằng khi chúng tôi so sánh những mối bận tâm ấy của bố với những gì các ông bố khác quan tâm, thì bố quả là khác đời.
Chúng tôi chưa bao giờ từ khước yêu cầu của bố. Thế nên khi mấy anh chị em chúng tôi tụm nhau trong buồng tắm rửa tay chuẩn bị ăn cơm tối, chúng tôi tất nhiên phải hỏi nhau: “Bữa nay đã học được gì rồi?” Nếu câu trả lời là “không”, chúng tôi chẳng dám ngồi vô bàn nếu như trước hết chưa tìm ra được một điều chi đó trong bộ bách khoa toàn thư đã dùng mãi của chúng tôi. “Dân số của Nepal là...”
Bấy giờ, được võ trang bằng kiến thức của mình, chúng tôi mới sẵn sàng ăn cơm tối.
Bữa cơm tối là thời gian ồn ào với tiếng bát dĩa khua động lẫn với tiếng chuyện trò sôi nổi bằng thổ ngữ quê nhà, bởi lẽ mẹ tôi không biết tiếng Anh. Những tin tức chúng tôi thuật lại, bất kể là có quan trọng hay không, bao giờ cũng được chú ý. Bố mẹ tôi lắng nghe kỹ lưỡng, và sẵn sàng đưa ra nhận xét phẩm bình, thường là những ý kiến sâu sắc, có tính phân tích, luôn luôn xác đáng.
Xong rồi đến hồi đại kết cuộc, cái giờ khắc mà chúng tôi rét nhất, là lúc phải cùng nhau san sẻ những gì mới học được trong ngày.
Bố, ngồi ở đầu bàn, thường dịch cái ghế ngồi lại, rót một ly chát đỏ, châm một điếu xì gà nặng, rít một hơi dài, phà khói, và “kiểm kê” nhân khẩu trong nhà.
Điều này luôn luôn khiến chúng tôi thắc thỏm trong lúc đăm đăm nhìn bố, đợi bố nói. Bố thường bảo nếu bố không nhẩn nha để còn nhìn chúng tôi, chúng tôi sẽ mau trưởng thành và bố sẽ vuột chúng tôi mất. Thế nên bố cứ chăm chăm nhìn đàn con, từng đứa từng đứa một.
Cuối cùng, ánh mắt bố dừng lại ở một đứa. Bố gọi tên tôi: “Felice, cho bố biết hôm nay con học được gì nào?”
“Con biết rằng dân số của Nepal là...”
Im lặng.
Tôi luôn kinh ngạc, và càng thêm tin chắc rằng bố có hơi gàn gàn, những gì tôi nói chưa bao giờ bố coi là nhảm nhí. Bố nghĩ về điều đó như thể rằng sự cứu rỗi cho thế gian này phải tùy thuộc vào nó. “Dân số của Nepal, ờ, ờ...”
Bố nhìn về phía cuối bàn, nơi mẹ đang trộn món trái cây ưa thích của mẹ với chút rượu nho. “Mình có biết không?”
Câu trả lời của mẹ luôn luôn làm cho bầu không khí nhẹ đi. Mẹ nói: “Nepal hả? Em đâu biết dân số nó bao nhiêu; thậm chí em còn chẳng biết nó ở chỗ nào trên thế gian này nữa mà.”
Bố bảo: “Felice, đem tập bản đồ ra đây cho mẹ con thấy Nepal ở đâu nè.” Và rồi cả nhà xúm nhau đi tìm xứ sở Nepal.
Cảnh ấy còn tái diễn cho tới khi nào mỗi người trong nhà đều làm xong lượt của mình. Bữa cơm tối nào cũng kết thúc với ít nhất là năm sáu vụ như thế.
Là trẻ con, chúng tôi ít suy tính tới những kỳ tích có tính giáo dục ấy. Chúng tôi chỉ nôn nóng được nhập bọn chơi đùa với đám bạn ít học.
Bây giờ nhớ lại, tôi nhận ra bố đã cho chúng tôi một kỹ thuật giáo dục năng động. Dù không ý thức được điều đó, cả bọn đã lớn lên, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và tham dự vào việc học hành của nhau. Bằng cách nhìn chúng tôi, lắng nghe chúng tôi, tôn trọng những gì chúng tôi mang đến, khẳng định giá trị của chúng tôi, cho chúng tôi một cảm nhận về phẩm cách, bố rõ ràng đã là một ông giáo đã có ảnh hưởng đối với chúng tôi nhiều nhất.
Mới bước vào ngưỡng cửa đại học, tôi nhất định chọn nghề giáo. Sau cùng, khi đã thoát ra ngoài thế giới trường ốc, khi đã được ban bố cho cơ man là lý thuyết, từ ngữ và kỹ thuật, thì kinh ngạc biết bao, tôi lại phát hiện ra các vị giáo sư của tôi đang giảng giải điều mà bố đã biết hết cả rồi: Cái giá trị của sự học hỏi không ngừng.
Bố biết rằng không có gì mầu nhiệm hơn là khả năng học hỏi của con người, và một mảy mún tri thức cũng có quyền năng để cải thiện chúng ta. Bố bảo: “Kiếp người thì hữu hạn hữu giới, nhưng biển học thì vô bờ. Ta học được chi thì đấy là của ta.”
Cách dạy của bố đã giúp ích trọn cả đời tôi. Ngày nay, trước khi ngả đầu lên gối hàng đêm, tôi lại nghe thấy giọng bố nói: “Felice, bữa nay con học được gì nào?”
Đôi khi tôi không thể nhớ lại ngay cả một điều mình đã học. Dù đã mệt lử sau những giờ miệt mài công việc, tôi vẫn nhổm dậy ra khỏi giường và lướt mắt nhìn qua những kệ sách để tìm thấy một cái gì mới mẻ. Đọc xong rồi tôi và bố mới có thể ngủ ngon, yên tâm rằng mình đã chẳng bỏ phí phạm một ngày. Cho dẫu rằng, chẳng bao giờ có ai nói được là khi ta biết dân số Nepal bao nhiêu, thì giúp ích được gì.
Huệ  Khải
25-3-1995
Theo Leo Buscaglia, Our Dinner Table University, 1990.