Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

18 MỘT NGƯỜI CHA (CAO CAO DÁNG NÚI)


MỘT NGƯỜI CHA
Giáo sư DAVID TAKAYOSHI SUZUKI (sinh năm 1936) là nhà môi trường học tên tuổi thế giới, chủ nhiệm một chương trình về môi trường thiên nhiên của đài phát thanh Canada (CBC). Giáo sư kể về thời sinh viên của ông:
*
Vào những năm 1950, tôi là học sinh giỏi cuối bậc trung học ở thành phố London (Tây Nam tỉnh Ontario, Canada). Một số bạn đề nghị tôi ra tranh cử chức chủ tịch hội học sinh mà tôi không chịu.
Tôi thưa chuyện lại, cha hỏi: “Sao con từ khước?”
“Con chẳng có cách gì thắng cử.”
Nhìn tôi, cha bảo: “Nếu con đi qua cuộc đời này mà lúc nào cũng sợ thất bại thì con sẽ chẳng làm chi được. Đâu có gì hổ thẹn khi con thử sức để rồi thua cuộc, bởi lẽ ở đời luôn luôn có nhiều người giỏi giắn hơn con mà.”
Thế là tôi ra tranh cử. Tôi nhờ mấy chị em ruột cùng với anh em bà con phụ giúp. Họ viết các khẩu hiệu cổ động trên mọi tấm bảng đen và gắn một biểu tượng trên mui xe cha tôi rồi lái đi lòng vòng khắp nơi. Trước cuộc bầu cử một ngày, các ứng cử viên phải đăng đàn diễn thuyết. Tôi chẳng chút lo âu, hồi hộp và đã nói chuyện say sưa, hùng biện. Kết quả, tôi được nhiều phiếu hơn số phiếu của các ứng cử viên khác gộp lại.
Thói thường, bọn trẻ mới vừa kiếm được tí tẹo kiến thức ở trường trung học thì đã vội cho rằng cha mẹ chúng chẳng hiểu biết gì hết. Chẳng hạn, có hôm cha kể: “Cha đã quan sát mấy con ong bắp cày (wasps). Các con ký sinh trùng bám vào chúng trông như là tôm hùm.” Miệng tôi thốt “Chà, hay thật à!” mà bụng lại nghĩ: Rõ ngớ ngẩn, cha mà biết gì!
Nhiều năm sau, tôi theo một khóa sinh thái học (ecology). Đọc sách, tôi mới té ra có những con ký sinh trùng tên là pseudoscorpions nhìn hao hao tôm hùm. Quả là cha nói rất chính xác và tôi nhận ra cha là một người quan sát thiên nhiên rất đỗi tài tình, sắc sảo. Tôi cũng nhận ra mình ngu ngốc biết bao.
Vẫn còn có thêm nhiều điều tôi học được ở cha. Mười sáu tuổi, tôi qua Mỹ theo học trường Amherst College ở bang Massachusetts. Tiền học và chi phí ăn ở tính ra gấp đôi số tiền cha kiếm được mỗi năm. Tôi lọt vào nổi trường đó chỉ nhờ học bổng. Để duy trì học bổng, tôi phải luôn nằm trong số một phần năm học sinh đứng đầu lớp.
Đang học năm thứ hai, tôi được thư bạn gái cho biết có chàng trai khác. Tâm hồn điên đảo, tôi đón xe quá giang về Toronto (tỉnh Ontario, Canada) và cố gắng giữ lại người yêu, nhưng cô nàng trót mê mệt người ta mất rồi.
Cõi lòng tan nát, tôi áo não trở lại trường. Đến giữa khóa học, thứ hạng tuột dốc, tôi điện thoại về nhà: “Cha à, con có lẽ không giữ nổi học bổng nữa.”
Cha bảo: “Cha sẽ làm bất kỳ cái gì mà cha làm được để giữ con lại nhà trường. Nhưng con phải nhìn vào mắt cha mà nói rằng con đã tận lực.”
Thế là tôi ngồi xuống và vùi đầu vào sách vở. Thứ hạng của tôi vọt lên và học bổng không vuột mất. Tôi là người đầu tiên trong dòng họ Suzuki tốt nghiệp đại học.
Huệ  Khải
23-11-2001