BẮT
NÒNG NỌC
Thú
vui của trẻ khác với sở thích người lớn. Cái mà trẻ háo hức trông ngóng vốn
không giống với điều người lớn đau đáu quan tâm. Phải chăng đó có thể là lý do
khiến nhiều bậc cha mẹ thường không sẵn lòng nhín ra cái gọi là thời giờ vàng
ngọc của mình để san sẻ cho trẻ, giúp trẻ được toại nguyện với những ham thích
thơ dại?
Người
lớn nào cũng đã qua một thời trẻ nhỏ, và nếu người lớn biết ý thức lấy lòng
mình ngày xưa ấu thơ mà cảm thông và hòa điệu cùng lòng trẻ thơ ấu hôm nay, thì
đó là một món quà ý nghĩa to tát và vô giá mà không một cửa hàng nào có thể bày
bán.
Cho là
nhận. Món quà không mất tiền mua ấy phải đâu chỉ từ người lớn trao sang con
trẻ, mà chính là lúc trao đi, người lớn đồng thời cũng nhận lại được từ con trẻ
một món quà khác - là
người lớn chứng kiến niềm hạnh phúc tràn trề biến thành nỗi hân hoan rạng rỡ
của trẻ; là người lớn tìm lại tuổi thơ của mình hôm qua giữa tháng ngày cơm áo
dãi dầu hệ lụy hôm nay. Câu chuyện của ELIZABETH
WORLEY là một trường hợp như vậy đó.
*
“Má về! Má về! Má ơi, dẫn chúng con đi bắt nòng nọc
ngoài đầm nghe má!” Giọng các con tôi hăm hở, háo hức, khẩn khoản.
Tôi thở dài ngao ngán. Tôi còn chưa kịp bước qua khỏi
ngưỡng cửa, cái túi đi chợ đựng trứng tuột nhanh khỏi bàn tay, mấy con chó cứ
nhảy quẩn bên chân, và trong nhà đang vọng ra tiếng chuông điện thoại réo liên
hồi.
“Má ơi, má! Má hứa rồi mà. Má nhớ không?”
Tôi chẳng muốn nhớ. Tôi muốn buông mình xuống, để cho
hai bàn chân được thoải mái, uống một hơi cái gì đó mát lạnh, và yên lặng ngồi
nghĩ tới tất cả những công việc tôi phải làm hàng ngày. Tôi chẳng muốn bắt nòng
nọc, lũ nòng nọc trơn tuồn tuột sống dưới lớp nước phủ một màng xanh nhơm nhớp.
Phillip, thằng bé tám tuổi khỏe mạnh và đã hiểu biết,
đỡ lấy bình sữa trong tay tôi; Geoffrey, năm tuổi, tóc vàng, mặt bầu bĩnh và
quả quyết, xua lũ chó cho khỏi cản lối tôi đi. Điện thoại vẫn đang reo.
Phillip nối gót tôi vào bếp. “Con thấy mấy con nòng
nọc to ơi là to trong lạch nước phía sau đầm. Nhiều con đã mọc chân rồi.”
Geoffrey kêu lên: “Ái chà! Tụi con có thể bắt và coi
tụi nó hóa thành ếch. Tụi con đi được không má? Đi liền nghe má?”
Tôi vớ lấy điện thoại đang reo nhưng chỉ kịp nghe
tiếng u u bên tai khi đường dây vừa bị ngắt.
“Cho má thở một
chút coi.” Tôi ngồi phịch xuống chiếc ghế đẩu trong nhà bếp. “Mấy đứa bây dỡ đồ
ăn ra đi.”
Bọn trẻ thọc tay
vào những túi xách màu nâu với lòng hăng say của những kẻ đi tìm kho báu.
Phillip ráng giữ thăng bằng năm cái hộp giấy đựng sữa chua xếp chồng lên nhau
và khệ nệ khuân cái chồng ngất nghễu đó đi tới tủ lạnh. Giống như con khỉ,
Geoffrey bám vô cái kệ để cất mấy thứ ngũ cốc. Tôi ngồi, tìm kiếm một cái cớ
hợp lý để thoái thác lời hứa với con trẻ. Quả thực tôi không tìm ra nổi, ít ra
là một cái cớ mà đầu óc giản đơn của trẻ chấp nhận được, bởi vậy tôi đã bảo các
con rằng tôi sẽ đi.
“Ngay bây giờ hả
má?” Bọn trẻ hỏi, mắt tròn xoe đầy hy vọng.
“Ngay bây giờ nè.
Đem vài cái hũ ra và hãy mang mấy đôi giày cũ của các con. Má đi thay đồ đây.”
Tôi chấp thuận, và mặt bọn trẻ rạng rỡ lên. Phần thưởng cho tôi đã giữ lời hứa
với chúng đó.
“Mà hãy nhanh
nhanh lên nghe.” Tôi nhẹ nhàng nhắc nhở các con. “Má không muốn mất trọn buổi
chiều để săn đuổi ếch nhái đâu nhé.” Đúng là bọn con nít. Tôi ậm ừ trong miệng,
lắc đầu, chịu thua chúng, nhưng hoàn toàn không hẳn như vậy.
Trên lầu, tôi
trút bỏ bộ đầm để xỏ vô chiếc quần bò, và bắt gặp mình trong gương. Trên trán
đã có những nét nhăn nho nhỏ, nhưng không phải là hoàn toàn không nhìn ra được,
và miệng cười đã để lộ rõ những nếp hằn; chúng nhắc tôi nhớ đến năm tháng trôi
qua. Lúc ấy tôi nghe bọn trẻ sôi nổi kháo chuyện ở tầng dưới. Tôi hỏi lòng, đã
từng có một thời nào trong đời mình mà chuyện quan trọng nhất trong đầu chỉ là
mấy con nòng nọc lội loăng quăng như thế không. Hẳn là có chứ, và tôi ráng hồi
tưởng lại cái thời tôi đã từng là trẻ nhỏ.
“Má ơi! Đi mau
đi!” Giật mình, tôi thoát ra khỏi cơn mơ mộng.
“Đi nào!” Tôi nói to. “Vô xe đi!”
*
Cái đầm rộng nằm im ắng trong buổi xế chiều, mặt đầm
lấp loáng hàng ngàn mảng ánh sáng, điểm xuyết những hoa súng hồng hồng trăng
trắng. Phillip và Geoffrey vừa hò hét vừa cười reo chạy qua đám cỏ thấp lao tới
bờ nước. Một con chim xanh biếc cất giọng kêu hốt hoảng. Tôi cảm thấy sự có mặt
của mấy má con đã khuấy động nơi chốn thanh bình yên ả này, và thâm tâm tôi cứ
mong sao đừng có một con nòng nọc nào hết để mấy má con có thể quay về cho lẹ.
Còn phải nấu cơm tối, giặt giũ, đọc sách nữa.
Tôi ngồi trên bờ nước dõi mắt nhìn theo bọn trẻ. Ít
ra tôi cũng chẳng phải nhập cuộc với chúng. Phillip và Geoffrey tụt giày ra và
rẽ nước bước tới, gặp gì cũng đuổi bắt. Khi thì chộp được khi thì vuột mất. Lũ
nòng nọc như đang dò ra đa để khỏi bị những bàn tay nhỏ bé tóm lấy.
Phillip gọi: “Má ơi! Con chẳng bắt được con nào hết.
Xuống giúp chúng con với!”
“Thôi mà. Các con bắt đi. Đừng làm ồn quá. Đi chậm
lại. Các con quậy nước dữ quá đó.”
“Xuống chỉ chúng con đi.”
“Má không muốn.”
Tôi thấy chúng xịu mặt thất vọng, và bỗng dưng tôi
xấu hổ. Khi trẻ còn thơ dại và đầy những ước mơ kỳ thú thì đó chính là thời
gian quý báu, tôi nhắc nhở mình như thế. Vậy mà tôi lại từ khước các con tôi và
tôi điều ấy.
“Được rồi, được rồi.” Tôi bảo chúng. “Để má tháo giày
đã. Má tới đây.”
Tôi rẽ nước bước đi. Lớp bùn dưới đáy phọt lên xen
qua kẽ ngón chân tôi mềm mại. Tôi ngọ ngoạy ngón chân, cảm thấy được thư giãn
khi dầm chân nơi đây. Mọi chuyển động đều lắng đọng. Ba má con tôi, hai thấp,
một cao, đứng im trong làn nước âm ấm, chờ đợi những con mồi quay lại.
Trong vài khoảnh khắc, những hình thù màu nâu dài
hai, ba phân lao vào mắt cá chân má con tôi. Chầm chậm, tôi hạ thấp cái hũ
xuống, sẵn sàng múc con nòng nọc đầu tiên nào bơi qua... A rồi, một chú xuất
hiện... Chú bơi tới gần hơn, mập tròn... Hấp! cái hũ vục xuống. Dính rồi! Bọn
trẻ reo mừng đắc thắng.
“Má ơi, nó bự thiệt kìa!” Phillip nói với vẻ khâm
phục dành cho cả cái sinh vật bé nhỏ đó và kỳ công của tôi. Má con tôi mang nó
vô bờ và trút vào một dĩa nhựa màu xanh lục chứa đầy nước với mấy chiếc lá ướt
sũng.
Má con tôi trở lại đầm. Chẳng mấy chốc, bọn trẻ nhận
biết được cách thức bắt nòng nọc, và má con tôi tóm được thêm năm chú mập tròn
trĩnh. Mấy má con đều đồng ý như vậy là đủ rồi.
“Mình chơi cút bắt nghe.” Phillip đề nghị, và lém
lỉnh ra dấu cho Geoffrey chạy đi. “Má, rượt mau!” Bọn trẻ vụt chạy, cười to, và
đố tôi đuổi theo chúng.
À, sau vụ bắt nòng nọc, sao lại không chơi trò này
nhỉ? Tôi lao người đi, bám theo hướng chạy như chữ chi của bọn trẻ. Geoffrey
thì yếu sức hơn, và nó bị tóm liền. Phillip và tôi nhào lên. Geoffrey chẳng do
dự, hụp người xuống ôm lấy cổ chân tôi và Phillip. Bùn văng lên tung tóe. Bây
giờ thì ai cũng đều ướt nhem và thở hào hễn, mấy má con lội vô bờ, gập cả người
lại cười rũ rượi.
Mặt trời đã lặn xuống khuất sau các tàn cây ngọn lá,
và đầm nước đẫm mình trong ánh hoàng hôn. Một con sóc cất tiếng, và dế bắt đầu
trỗi giọng; mấy con bọ nước lướt qua mặt đầm; đây đó lũ cá ngoi đầu lên đớp làm
cho làn nước xao gợn lăn tăn. Không khí dịu êm và đượm mùi rễ cây mục ruỗng,
mùi rêu mốc và hơi cá tanh tanh. Một con ễnh ương kêu uềnh oang, tiếng vọng từ
bờ đầm bên kia dội lại.
Mấy má con tôi ngồi im lặng, lắng nghe những tiếng
động, dõi mắt nhìn ánh sáng cuối ngày thay đổi. Cái đầm đã khác đi, không còn
giống như lúc má con tôi đặt chân tới... hay chỉ bởi vì chính tôi đã đổi khác
rồi? Phillip luồn bàn tay vào tay tôi và nhoẻn miệng cười. Lúc này tôi thực sự
hạnh phúc bên con và vui sướng vì điều ấy.
Tôi nhận ra mình không còn là người lớn cũng chẳng
phải trẻ con, mà đơn giản chỉ là một con người, cảm nhận, thấy được và biết
được theo một cung cách mà tôi nhớ là đã xa xôi lắm rồi. Quá khứ và tương lai
tôi dồn nhập lại, nối kết với hiện tại, khi tôi ngồi đây với các con, cả ba
cùng chia sẻ cho nhau thời gian và cuộc sống của mình.
Cuối cùng, khi mấy má con ra về thì cái giờ cơm tối,
giờ tắm rửa, giờ đi ngủ đều đã quá muộn màng. Nhưng nào ai nghĩ tới những thứ
ấy. Tôi cảm thấy no nê, đầy đủ khi nhận thức rằng tôi đã tìm lại ý nghĩa của
bản thân mình, cái điều mà nhiều năm qua tôi đã gạt qua một bên. Đẹp thay khi
ta biết rằng sức tưởng tượng kỳ diệu của trẻ thơ không bao giờ tàn lụi, mà chỉ
ngủ yên, đợi chờ được đánh thức, được tìm lại.
Huệ
Khải
06-02-1996
Theo Elizabeth Worley, Of Time, Boys and Tadpoles, 1990.