TRÊN
ĐÔI VAI BỐ
Như
một định lệ éo le, cha và con trai dường như vẫn hay ở vào hai đối cực. Con
khôn lớn rồi, thường cha không mấy khi được con thông cảm. Có những điều cha
thấy miễn cưỡng, ngại ngùng thổ lộ, đành một mình ôm kín trong lòng. Con vì
tuổi trẻ hiếu thắng, một chút ngang tàng, bồng bột, kiêu hãnh, khó thể ép lòng
đón ý, san sẻ cùng cha niềm riêng ẩn giấu. Thường phải đợi đến khi nào đứa con
ở vào vị trí một người cha, bài học lịch sử mới được một lần lặp lại, và thấu
hiểu.
Hồi ức
của HANK WHITTEMORE đã phân giải
những mâu thuẫn trái ngang cũng như những cảm thông hòa điệu giữa hai bố con.
Nhờ lòng cha nhẫn nại thương con không bờ bến, cuối cùng hai bố con đã không tự
mình đánh mất lẫn nhau. Kinh nghiệm của Hank như cũng để suy nghiệm rằng có những
giá trị thiêng liêng mà mãi đến lúc muộn màng đời mình, hoặc đến khi giá trị đó
đã vuột khỏi tầm tay, người ta mới có cơ hội khám phá và trọn vẹn thấm thía.
*
Bố được săn sóc đặc biệt,
tim bố không hoạt động tốt nữa rồi. Hay tin, sáu đứa con đã trưởng thành của bố
tức tốc vào một bệnh viện ở Florida ;
bố nằm đó, người dính chặt với những máy móc khác nhau. Khuya hôm ấy, mẹ con
chúng tôi đứng quanh giường bệnh, cầm hai bàn tay bố và kề sát vào mặt bố nói
chuyện trong lúc bố đang trì níu với một sức mạnh nào đó cứ lôi tuột bố đi.
Chúng tôi nói: “Từ biệt
bố. Chúng con yêu bố. Mang ơn bố...”
Bàn tay chúng tôi cảm thấy
một hơi thở lìa khỏi thân xác bố, và chúng tôi ngoái đầu theo dõi những con số
hiện ra trên các chiếc máy. Rồi thì mấy mẹ con chúng tôi bất chợt òa khóc. Bố
đã ra đi.
Năm ấy bố bảy mươi lăm
tuổi.
Bố khuất bóng, những ảo
tưởng của tôi về kiếp sống lâu dài bỗng dưng vuột mất. Tôi vốn được an lòng khi
nghĩ rằng đang có bố ở phía trước, điều ấy thôi cũng không còn nữa. Tôi vừa mới
trở thành lẻ loi, bơ vơ, và hơn bao giờ hết, phải chịu trách nhiệm về cuộc đời
mình.
Tôi nhớ lại buổi sáng nọ
thuở lên năm. Sau một cơn bão tuyết, bố công kênh tôi trên vai từ nhà đi vào
phố. Trong lúc bố hiên ngang bước qua những ụ tuyết, tôi quàng tay mang găng ôm
đầu bố cho khỏi ngã, rồi bất chợt bịt luôn đôi mắt của người. “Bố không thấy
đường đâu nhé.” Bố nói thế, nhưng vẫn chẳng dừng bước, như chàng hiệp sĩ mù
cõng tôi băng qua một vùng tuyết phủ xa lạ, kỳ bí, không dấu chân người. Hồi
ấy, bố vừa trở về sau Thế Chiến thứ Hai, và lần được bố cõng đi chơi đó là kỷ
niệm chân thật đầu đời mãi mãi không phai mờ trong tâm tưởng.
Khi an táng bố, những hồi
ức khác lại tràn ngập trong tôi, và tôi thấy mình đang cố công phân giải những
tình cảm đối với bố. Thực sự bố đã làm bố như thế nào nhỉ? Tại sao tôi lại
không đau thương than khóc nhiều hơn khi mất bố? Đã bao giờ tôi bỏ qua những
thiếu sót của bố chưa?
Từ tuổi mười ba mười bốn
trở đi, tôi vẫn hằng trông mong bố khuyến khích thật nhiều, vậy mà ít khi có
được. Xong bậc trung học, tôi thưa với bố rằng tôi muốn làm một diễn viên. Bố bèn
thuyết luôn cho một bài tràng giang đại hải về cái bấp bênh của nghề nghiệp ấy.
Một lần, sau khi cãi nhau
vì tôi quyết định học nghề kịch ở New
York , bố đùng đùng chạy lên phòng tôi, tôi gặp bố ở ngưỡng
cửa. Hai bố con đứng đâu mặt nhau, tôi nắm chặt tay lại, nhìn bố trừng trừng,
người run lên, và nói tôi đã định đoạt xong rồi... Sắc mặt bừng đỏ giận dữ của
bố chợt tan biến, bố quay lưng bước đi, đôi vai chùng hẳn xuống. Vậy là xong,
trong khoảnh khắc, bố để tôi một mình tự ý, không cản trở nữa.
Nhưng bố vẫn không hết vẻ
dè chừng. Sau khi tôi đã thành diễn viên chuyên nghiệp, bố đến thăm trong một
sô diễn ở Broadway (trong thành phố New
York ) và sau đó bố lưu ý tôi: “Dĩ nhiên, nếu khôn
ngoan thì hãy kiếm cái gì đó để mà nương cậy, lỡ khi gặp bước khó khăn.”
Nói vậy, tôi đã có lúc
nương nhờ nghề báo, và bỏ ngay việc cầm bút khi xuất bản xong quyển sách đầu
tay. Bố bảo: “Với thành tựu này, bây giờ là lúc tốt nhất để con kiếm việc làm ở
một công ty.”
Khi tôi nói với bố rằng
tôi tính cứ tiếp tục hành nghề tự do hoài thì bố nín thinh.
Năm tháng trôi qua, trong
lúc tôi âm thầm thiết tha mong muốn ở bố một lòng tin không cần lý giải thì đáp
lại bố chỉ tỏ vẻ hoài nghi, mà điều ấy tôi có thể đoán trước được. Bây giờ thì
tôi nhận ra rằng những răn dè của bố là cái cách bố gắn liền quan hệ với tôi.
Trong nhiều năm trước đây, tôi cứ tưởng đâu bố chẳng thèm đoái hoài, nhưng giờ
đây tôi lại hiểu ra bố đang trao gởi những gì mà bố có thể làm được.
Tôi cũng nhận ra thậm chí
bố còn truyền cho tôi cảm hứng, không phải bằng ngôn từ lời lẽ, mà bằng những
gì bố đã làm. Sau một cuộc chiến ghê rợn bố đã trở về để nuôi nấng sáu đứa con
trong một mái nhà với một mảnh sân. Bố đã trở về, với biết bao trai tráng khác
cùng thế hệ của bố, để mà tạo dựng lại sự ổn định và an bằng cho những người
được bố chăm nom và gầy dựng tương lai.
Bố trải qua hai mươi năm
trong nghề quảng cáo và làm nghề địa ốc còn lâu hơn nữa, trong khi đó bố luôn
luôn đưa chúng tôi đi nghỉ mát và cho chúng tôi vào đại học. Bố đã xây đắp một
nền tảng để cho con cái bố có thể cảm thấy đủ đầy sức mạnh mà đi theo con đường
riêng của mỗi đứa. Khi chúng tôi mỗi người một ngả, bố thường xuyên viết thư và
sắp đặt chương trình cho những lần gia đình sum hiệp.
Đúng hai tuần trước khi từ
giã cõi đời, bố làm lễ sinh nhật cho mẹ. Từ các nơi chúng tôi bay về Florida và, trong khi
lưu lại nhà, chúng tôi cùng bố đi câu. Trông bố chẳng khỏe gì.
Lúc ấy chúng tôi nào biết
tình trạng sức khỏe bố đã biến chuyển ngặt nghèo. Hồi tưởng lại, tôi thấy rõ bố
chủ tâm giấu hết con cái, để khỏi làm chúng tôi mất vui.
Sáng hôm chúng tôi sắp sửa
rời Florida ,
bố kéo tôi ra riêng và chỉ cho thấy cái hộp một bề chừng chín tấc, bề kia
khoảng sáu tấc, chẳng rõ món gì. Tôi bất ngờ nhận ra trong đó là hàng trăm bài
báo cắt ra, liên quan tới hầu hết mọi việc tôi đã làm trong đời. Bố bảo: “Bố
nghĩ là con có lẽ thích cái này.”
Hai bố con ôm chầm lấy
nhau, đâu biết rằng đây là lần cuối cùng.
Nâng cái hộp nặng trên
tay, tôi bỗng hiểu rằng dù cho lời lẽ của bố dường như có đối nghịch với tôi
thế nào chăng nữa, vẫn không có điều chi khiến bố ngừng tay bỏ vào đầy cái hộp
từng mảnh từng mảnh báo một, ngay từ lúc tôi rời xa mái ấm gia đình. Hóa ra,
suốt thời gian ấy bố ở nhà, đã chia sẻ cùng tôi cuộc đời tôi.
Nay đã một năm rưỡi trôi
qua vắng hình bóng bố trong đời, và tôi nhớ bố khôn tả. Điều tôi nhớ da diết,
oái oăm thay lại là cái thời xa xưa khi tôi còn là chú bé con trọn lòng tin
tưởng bố với đôi mắt bịt kín, chở che tôi và đưa tôi qua cuộc đời này. Lòng trẻ
được an ổn chỉ vì biết rằng đang có bố trong đời.
Một hôm, tôi cùng đi với
con trai mới năm tuổi. Khi tôi nhấc bổng bé đặt lên vai, bé vói tay qua đầu tôi
che kín hai mắt. Tôi nói: “Bố chẳng thấy đường đâu nhé.” Nhưng những ngón tay
bé bỏng vẫn níu chặt không buông ra. Tôi bước đi trong vũng tối đen bất chợt,
bàn chân dò dẫm, cảm thấy sức nặng của con trẻ đè trên vai mình, đúng cái kiểu
xưa kia bố đã cõng tôi đi lúc tôi bằng tuổi bé bây giờ. Khi đó, lần đầu tiên kể
từ ngày bố khuất bóng, tôi nhận ra nước mắt mình đột ngột tuôn trào nóng hổi,
và thấy tôi đang trở thành gã hiệp sĩ mù trong mảnh đất kỳ bí lạ lùng của tình
phụ tử, ở đó ta luôn luôn bắt đầu lại thêm một lần nữa cuộc hành trình của đời
mình, trong niềm hy vọng cùng với chông chênh bất trắc.
Huệ
Khải
25-02-1995
Theo Hank
Whittemore, On the Shoulders of a Hero,
1993.