Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

06 CÁI BÀN CỦA MÁ (AI ĐO LÒNG BIỂN)

Image result for "woman at desk" clipart
CÁI BÀN CỦA MÁ
Quan hệ giữa con gái và mẹ có thường phức tạp như quan hệ giữa con trai và bố không? Nếu có, cách giải quyết sẽ nên như thế nào? Phải chăng người mẹ cần chủ động xử lý tình huống với sự tinh tế và nhạy bén của phụ nữ? Hay là nên tìm một dạng thức thỏa hiệp nào đó cho hai mẹ con? Giải quyết những mâu thuẫn tế nhị trong quan hệ tình cảm, nhất là giữa phụ nữ với nhau, có lẽ không nên trông cậy vào những công thức định sẵn.
Trong hồi ức này nữ sĩ ELIZABETH SHERRILL (sinh năm 1928) kể lại trường hợp bản thân, thuở còn là thiếu nữ. Ngoài khoảng cách tuổi tác giữa hai thế hệ, còn có sự tương phản về quan niệm sống. Cô gái ấy luôn khao khát muốn được bộc lộ tình cảm, mà mẹ thì vẫn muốn khép kín cánh cửa riêng tư. Cô rất muốn mẹ phải trở thành một người khác. Và mẹ cô đã chọn được một giải đáp cho bài toán không dễ của hai người.
*
Tôi ngồi ở cái bàn của má. Cái bàn gỗ đóng theo kiểu kết hợp tủ kệ, mà khi hạ tấm cửa tủ xuống để làm mặt bàn viết, nó bày ra những hàng hộc nhỏ và các ngăn kéo be bé, lại còn có cả một ngăn bí mật nữa. Tôi đã yêu thích cái bàn này kể từ thuở mới vừa cao khỏi mặt bàn đủ để nhìn thấy những tờ thư lúc má đang ngồi viết. Đứng bên cạnh chiếc ghế của má, trân trối nhìn nào là bình mực, bút viết, rồi lại trang giấy trắng mượt mà, tôi đã quyết định rằng cái việc viết lách ắt hẳn phải là cái việc vui thú nhất trên đời.
Những năm sau này, giữa cơn bệnh cuối đời, má dành lại nhiều món đồ cho anh chị tôi. Má nhắc đi nhắc lại: “Còn cái bàn thì cho Elizabeth.” Tôi cảm nhận rằng má rất gắn bó tình cảm với tặng vật này, một thứ gắn bó mà trong năm mươi năm trời tôi vẫn hoài mong khao khát.
Má được dưỡng dục trong cái tín điều của tầng lớp trung lưu nước Anh hồi thế kỷ thứ Mười Chín rằng những cảm xúc là những gì tư riêng kín đáo. Người dễ thương chỉ nói ra những điều dễ thương. Tôi chưa bao giờ thấy má giận, chưa bao giờ thấy má khóc. Tôi biết má yêu thương tôi; má biểu lộ tình thương của má qua hành động. Nhưng là đứa trẻ mười mấy tuổi đầu, tôi lại khát khao những nhỏ to chuyện trò tâm sự giữa mẹ và con gái.
Những tâm tình như thế chưa bao giờ xảy ra. Và giữa má con tôi có một khoảng trống cách ngăn. Tôi thì quá đỗi “tình cảm”. Má thì sống “theo bề ngoài”. Má bằng lòng chấp nhận mối quan hệ theo kiểu đó. Tôi thì không.
Năm tháng trôi qua và tôi đã gầy dựng một gia đình riêng, tôi yêu quý cái trạng thái cân bằng mà má mang đến cho gia đình tôi trong những lần má ghé thăm, yêu cái óc hài hước của má, yêu cái cách má ngồi đánh dương cầm và biến căn nhà tôi ngập tràn trong sóng nhạc. Nhưng tôi vẫn không thôi cố gắng muốn tìm kiếm ở má một thứ mà má không thể đem cho, đó là được má san sẻ những khoảng sâu kín trong tâm hồn má.
Rốt cuộc tôi đã dàn trải tình cảm của mình ra giấy trắng. Vỏn vẹn một trang thôi, mà mất trọn nguyên cả ngày ngồi viết. Tôi nói với má rằng tôi thương má và mang ơn má đã gầy dựng mái ấm gia đình êm vui hòa thuận. Tôi viết: “Má hãy tha thứ cho con đã có ý phê phán má.” Cẩn thận lựa lời, tôi xin má: “Bằng bất kỳ cách nào má chọn lựa, hãy cho con biết rằng quả thực má đã tha thứ cho con.”
Tôi gởi thư đi và nôn nóng đợi má trả lời. Chẳng một hồi âm. Sự nôn nóng biến thành chán nản, rồi trở nên cam chịu và cuối cùng đã hóa ra lòng thanh thản. Tôi không thể đoan chắc rằng lá thư đã đến tay má. Tôi chỉ biết rằng mình đã viết thư, và tôi có thể thôi không còn cố công ép buộc má phải biến đổi thành một con người nào khác chẳng phải là má. Trong mười lăm năm cuối đời má, hai má con tôi bằng lòng với mối quan hệ theo kiểu của má, nhẹ nhàng, trìu mến, vui vẻ.
Giờ đây, trong khi má chưa bao giờ có thể nói ra bằng lời, thì cái bàn tặng vật của má lại bảo giùm tôi rằng má hài lòng là tôi đã chọn lựa công việc cầm bút viết lách.
Chị tôi cất cái bàn mãi cho tới lúc vợ chồng tôi có thể đem nó về. Sau đó nó nằm yên trên gác mái gần một năm trời trong khi vợ chồng tôi sửa một phòng ngủ thành thư phòng để có chỗ đọc sách và viết lách.
Cuối cùng khi tôi khiêng cái bàn xuống phòng, nó bám đầy bụi bặm của tháng ngày bị xếp xó. Âu yếm, tôi lau chùi các ngăn kéo và những hộc nhỏ. Khi kéo cái ngăn bí mật ra, tôi bắt gặp đầy thư từ giấy má bên trong. Một tấm ảnh ba tôi. Những giấy báo tin khi có cưới hỏi trong gia đình. Và một trang thư, đã được mở ra rồi gấp lại nhiều lần.
Trong thư tôi đã xin má, hãy hồi âm cho con, bằng bất kỳ cách nào má chọn lựa. Má ơi, má bao giờ cũng chọn một cách làm mà cách làm đó lại cất lên được tiếng nói hùng hồn hơn biết bao nhiêu ngôn từ lời lẽ.
Huệ Khải
22-3-1995
Theo Elizabeth Sherrill, My Mother’s Desk, 1994.