ĐỒ GÀ
MÁI
Trong
câu chuyện sau đây của MIKE HARDER, đứa con trai và bố, như e sợ những biểu hiện tình cảm
mềm yếu là trái với tính khí nam nhi, suốt thời gian dài hơn hai mươi năm, hai
kẻ đàn ông như quay lưng lại với nhau, cho dù thâm tâm họ luôn nghĩ về nhau, lo
âu cho sự an nguy của nhau... Có một lúc, cả hai bố con đều cố làm lành với
nhau, nhưng rồi lại cùng lúng túng, gượng gạo, không sao tự gỡ mình thoát ra
khỏi những lỗi lầm tưởng tượng và những sai trái có thực. Cái gì đã buộc chân
họ lại, ngăn không cho họ được chạy ùa tới mà ôm chầm lấy nhau, cùng bộc lộ
trọn vẹn tình cảm của mình một cách tự nhiên, đơn giản như những kẻ chân thật
yêu thương nhau vẫn thường dễ dàng làm được? Phải chăng vách chắn dựng lên giữa
hai kẻ đàn ông ấy là lòng tự ái quá lớn khiến họ không thể vượt qua?
*
Hồi đó là năm 1955. Tôi lên chín, đang đứng ở con đường hẹp cạnh bên nhà
tại bang Ohio ,
tay mang chiếc găng chơi bóng chày mới. Bố tôi tay để trần, đang ngồi lom khom
ở lối đi rải sỏi, cách xa tôi gần hai chục thước, ra lệnh: “Mạnh tay đi! Nhắm
vô đây nè! Không làm bố đau đâu.”
Ngại ngần, tôi ném trái
banh đi yếu xìu.
“Mạnh đi! Mạnh tay lên!”
Bố ra lệnh, buông ra cái biệt hiệu mà bố biết sẽ làm tôi đỏ mặt tía tai và tôi
sẽ thực hiện được cú ném banh như bố mong muốn: “Đồ gà mái!”
Tôi nắm chặt tay, những
đốt xương ngón tay trắng bệch không còn chút máu. Tôi ngắm nghía mục tiêu với
cái ác ý bộc lộ không cần kềm chế. Tôi uốn mình và tung quả banh bay vút đi,
bằng cả lòng tức giận chứ không bằng sức mạnh của cơ bắp, với nỗi xấu hổ chứ
không phải với sự tính toán ước lượng đường banh, và không phải nhắm vô hai bàn
tay khum khum chờ bắt banh của bố mà nhằm đúng vô cái điểm nằm giữa hai mắt bố.
Quả banh dữ dằn ấy bay cao khỏi đầu bố hơn một tấc, rồi rớt vô hai lòng bàn tay
bố. Bố tung quả banh trở lại, bảo: “Đã khá hơn rồi đấy. Bây giờ ném thấp xuống
một chút nhé.”
Vì bố, tôi đã học chơi
bóng chày như cuồng dại. Tôi lao mình vào trò chơi và gãy hết năm cái xương
trước khi nhận ra - ở tuổi ba mươi sáu, khi theo dõi nét mặt nhăn nhó của ông bác sĩ ngắm
nghía những phim chụp X quang của tôi - rằng tôi vẫn còn ở nguyên trên cái lối đi thơ ấu và cố gắng để gieo
được cho bố một ấn tượng.
Ít có đứa con trai nào
thực sự hiểu rõ bố mình. Những gì bố kỳ vọng nơi chúng ta giống như lớp lớp
thủy triều làm chúng ta vùng vẫy và chìm lỉm, tức thở vì thiếu tự tin, mong bấu
víu lấy những ngợi khen cổ vũ. Là con trẻ, chúng ta như rồ dại khi rắp tâm rửa
hận trước những lời bố chỉ trích, chê bai. Chúng ta tưởng tượng ra bố sẽ khâm
phục những đứa con trai của bố nhiều hơn. Chúng ta mơ mộng có được những hành
động hào hùng nghĩa hiệp, dường như thể chỉ duy có khi nào buộc bố phải quỳ
xuống ăn năn thì bấy giờ mới khiến cho bố hoàn toàn đồng tình nhất trí với ta
mà thôi.
Tuy nhiên, các ông bố
không muốn họ khó hiểu như họ có vẻ thế đối với con trai. Bố tôi, con một người
thợ mỏ, trưởng thành trong nỗi phân vân cũng như tôi là không biết mình đứng ở
vị trí nào trong ánh mắt đấng sinh thành. Tuy nhiên, dù bố không thể đổi được
huyết thống của mình thì bố vẫn không thể thôi lấy quyền làm cha mà rèn giũa
tôi. Bố làm cho đám con trai bố dạn dày hơn bằng sự chế giễu, uốn nắn các nhược
điểm của lũ con. Bố hoàn toàn kỳ vọng rằng cuối cùng thì chúng tôi cũng sẽ
chứng tỏ sự trưởng thành của mình bằng cách kháng cự lại quyền uy của bố.
Cái năm tôi mười sáu tuổi,
điều ấy đã tới. Tôi ngồi ở bàn ăn và buột miệng lỡ lời phê bình làm bố nổi giận
đứng phắt dậy đánh tôi. Bố lại mắng tôi là “đồ gà mái”, nhưng lần này tôi không
tức giận mà chỉ nhìn bố thương hại. Với sự tức giận thì bố còn đối phó được,
nhưng với vẻ thương hại thì bố đành thúc thủ.
Sau sự kiện ấy, bố miễn
cưỡng chấp nhận rằng tôi đã tới tuổi trưởng thành. Nhưng ngay cả khi tôi tốt
nghiệp trung học hai năm sau đó và sắp sửa vô hải quân, cả hai bố con đều lúng
túng không sao gỡ mình ra khỏi những lỗi lầm tưởng tượng và những sai trái có
thực. Vẫn còn hằn nguyên trong ký ức tôi hình ảnh một chiều thu năm 1968 khi
hai bố con đi săn với nhau và cố làm lành với nhau.
Nếu đó là cuộc săn bắn mà
bố con tôi thực lòng ham muốn thì buổi chiều ấy đã uổng phí. Nhưng thực ra bố
con tôi đang chia tay nhau đấy. Tôi sắp qua Việt Nam , và cho dù bố rất khó khăn
không nói được lời nào trìu mến, bố sẽ ráng thổ lộ một điều gì đó.
Hai bố con ngồi ở một
khoảnh trống trong rừng, dõi mắt nhìn bóng hoàng hôn xóa nhòa ánh sáng cuối
ngày trên bầu trời tháng Mười. Căng thẳng không chịu nổi. Khi đến mức quá độ,
bố con tôi lầm lũi trở ra xe đi về nhà. Chẳng ai nói năng gì hồi lâu. Thế rồi,
ghì chặt tay lái, đăm đăm nhìn đuôi chiếc xe phía trước, bố khó khăn mở lời:
“Bố muốn con biết là bố hãnh diện vì con, bao giờ cũng vậy. Giá như có cách chi
bố thế chỗ con, bố sẽ làm. Bố sẽ nhớ con.”
Mãi đến nhiều năm sau này,
khi một người bạn thuật lại sự việc xảy ra trong quán rượu lúc tôi xa nhà, tôi
mới hiểu ra bố đã thương nhớ tôi đến thế nào. Anh bạn kể: “Ông già cậu đang
thụt banh (pool, giống như bi da), và một gã to mồm - một thằng đô
con, vạm vỡ - đang nói về Việt Nam .
Hắn có con trai trạc tuổi cậu đang theo đại học. Cuối cùng, hắn nói: ‘Chúng ta
phải giữ mấy đứa thông minh hơn ở lại nhà để chúng có thể lãnh đạo quốc gia.’
Gã không biết cái gì đã nện gã. Ông già cậu vượt qua cái bàn banh trước khi tớ
kịp giữ ông lại. Thằng ấy to gấp đôi ông thế mà ông ngáng được cây cơ chận
ngang cổ nó, ráng chẹn họng cho nó nghẹt thở. Phải bốn đứa mình mới gỡ ông già
ra khỏi thằng đó.”
Anh bạn kể tiếp: “Cái năm
cậu đi rồi, mỗi lần có chiếc xe nhà binh nào chạy qua phố, lòng ông già lại héo
hắt chết đi một ít.”
Bố giấu tôi những sợ hãi
của người rằng tôi có thể sẽ không trở về nữa. Người cũng câm nín, thất vọng
lúc tôi chia tay rời khỏi hải quân sau khi mãn hạn nhập ngũ, thay vì lấy nghề
lính làm sự nghiệp đời mình. Chỉ mới gần đây tôi mới biết được rằng bố đã hãnh diện
biết bao lúc nhìn thấy tôi trong bộ quân phục.
Một người anh họ trao tôi
bức thư bố đã viết cho cha ảnh hơn năm mươi năm trước, không lâu sau khi bố xin
vô hải quân. Cái thư dài hai trang lê thê đầy ắp những hy vọng rằng bố sẽ trở
thành phi công hải quân và lấy đó làm sự nghiệp.
Bố khoe trong thư: “Tụi em
bay với các phi công bất kỳ lúc nào tụi em muốn. Tụi em bơi ra ngoài vịnh và
cột các bánh xe của những chiếc thủy phi cơ, rồi cột chúng vô một chiếc máy kéo
nằm trên bờ và kéo máy bay lên đường băng và dội rửa cho máy bay sạch nước biển
mặn. Tụi em thay dầu mỡ và vọc máy móc.” Trong đoạn tiếp theo bố kể tỉ mỉ các
mục tiêu trong sự nghiệp quân ngũ mà bố rắp tâm đeo đuổi.
Hồi ấy bố mười chín tuổi,
còn độc thân. Ông nội tôi vì hoàn cảnh gia đình thúc bách, mười ba tuổi đầu đã
phải bỏ học đi làm thợ mỏ. Trong hải quân bố thấy chiếc nhẫn đồng của người
lính ánh lên một tương lai tươi sáng hơn tương lai ông nội tôi.
Tuy nhiên, không mấy lâu
sau khi viết thư đó, bố không được tuyển đi học bay. Bố nộp đơn vô trường tàu
ngầm và được chấp nhận, nhưng một tay y sĩ nghiệt ngã nào đó phát hiện ra bố
yếu tim. Họ trao cho bố chiếc vé xe lửa hồi hương.
Lá thư ấy đã giải thích
nhiều điều. Khi rời Ohio
xin vô hải quân, bố không hề có ý định sẽ trở về. Như số mệnh rốt cục đặt để,
bố trải qua ba mươi năm sửa chữa các xe hốt rác trong lúc đánh vật với đời lo
ăn cho sáu đứa con - đó không phải ước mơ của bố. Ước mơ bẽ bàng làm cho bố hóa ra đau đớn,
và trong nỗi khát khao mù quáng muốn chuẩn bị cho đàn con phải sẵn sàng trước những
mặt trái cuộc đời tương tự như vậy, bố đã rèn giũa anh em tôi bằng những lời
chê bai làm chúng tôi sượng mặt. Gấp thư lại, tôi nghĩ. Té ra đó là nguyên do
bố hay mắng mỏ “đồ gà mái”.
Bố qua đời khi tôi xa
thành phố. Một giọng nói xa lạ của người hàng xóm vang trong điện thoại, báo
tôi biết bố đang bị một cơn đau tim hiểm nghèo và mẹ muốn tôi về nhà ngay. Tôi
nhớ là khi đầu dây bên kia gác máy, tôi đã ôm ống nghe trong lòng thẫn thờ hồi
lâu.
Sáng hôm sau hướng về Ohio , tôi nhớ đến trò
chơi bắt bóng của hai bố con hai mươi ba năm trước. Hồi đó tôi đã hết sức mong
muốn tặng cho bố một cục u trên đầu cũng lớn như cục u bố tặng vô cổ tôi. Tại
sao hai con người thương yêu nhau thắm thiết đến thế lại tìm ra những cách trẻ
con, ranh mãnh như vậy để hòng che giấu lẫn nhau tình yêu thương của mình? Tôi
tự hỏi nếu bố mất đi thì bố có biết là tôi lo lắng cho bố nhiều lắm không.
Đồ gà mái, tôi nghĩ ngợi,
cười nửa miệng, những khớp xương bàn tay tôi trắng bệch trên tay lái chiếc xe
đang đưa tôi về nhà, về một lần nữa, với bố.
Huệ Khải
18-01-1996
18-01-1996
Theo Mike Harder, When Life Throws a Hardball, 1995.