Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

19 MẢNH DĨA VỠ (AI ĐO LÒNG BIỂN)


MẢNH DĨA VỠ
Trong đời thường, có những vật nhỏ mọn, hoàn toàn vô giá trị với người này mà thực ra lại là báu vật thiêng liêng với người kia. Nó thiêng liêng vì làm cái gạch nối cụ thể gắn liền tâm hồn hiện tại với tháng ngày quá khứ xa xưa, gắn liền với kỷ niệm riêng, êm đềm, thân thương của một ai đó. Câu chuyện nhẹ nhàng của nữ sĩ BETTIE B. YOUNGS (sinh năm 1948) cho thấy trạng huống ấy ở một bé gái thơ ngây. Em tình cờ biết được mối tình đầu của mẹ, và trân trọng chia sẻ với mẹ một kỷ vật nhỏ nhoi, ghi dấu tình yêu đơn sơ, chân chất của cha của mẹ. Cũng chính từ đó, em cảm thụ được bài học thương yêu trong trắng đầu đời.
*
Một ngày dạo tôi chừng đâu chín tuổi, má đi ra tỉnh và giao các anh chị trông nom tôi. Khi má lái xe đi khuất, tôi chạy vào phòng ngủ của má và mở tủ áo ra nhìn trộm.
Ở ngăn trên cùng, nằm dưới những quần áo của người lớn, mềm mại với mùi thơm tho tuyệt vời, là một tráp gỗ nhỏ đựng nữ trang. Tôi bị những báu vật ấy mê hoặc - chiếc nhẫn hồng ngọc bà cô trao lại cho má; đôi bông tai ngọc trai đã có thời là món sở hữu của ngoại; giải băng má đeo hồi đám cưới mà má đã cởi ra để cùng làm các việc đồng áng bên cạnh ba.
Tôi thử đeo hết các món, trong đầu đầy ắp những hình ảnh rực rỡ của một phụ nữ cũng diễm lệ như má và có được các món nữ trang mỹ miều, tinh xảo như thế.
Rồi tôi thấy cái gì đó nằm kẹt dưới lớp nỉ đỏ viền quanh nắp tráp. Vạch nếp đường viền, tôi bắt gặp một mảnh sứ vỡ màu trắng.
Tôi cầm nó lên. Lạ quá, sao má lại cất giữ mảnh sứ này nhỉ? Mảnh vỡ ấy chỉ hơi lấp loáng trong ánh sáng, mà chẳng cho tôi lời giải đáp nào hết.
Mấy tháng sau đó, tôi đang bày bàn dọn bữa cơm tối thì người hàng xóm là bà Marge gõ cửa. Má còn lu bu nấu nướng, kêu vói mời bà vô nhà. Liếc nhìn bàn ăn, bà Marge nói: “Chà, chị sắp có khách đây mà. Để bữa khác tôi qua chơi.”
Má đáp: “Khách khứa nào đâu, cứ vô đi mà.”
Bà Marge hỏi: “Vậy đó không phải là những chén dĩa sứ đẹp của chị sao? Tôi chẳng đời nào tin cậy cho lũ trẻ được đụng tới các đồ sứ đẹp của tôi cả.”
Má cười: “Tối nay là bữa ăn ngon của gia đình tôi. Nếu chị dọn cho khách một bàn tiệc với những chén dĩa đẹp, thì sao lại không dùng những thứ đó cho chính gia đình chị?”
Bà Marge đáp: “Nhưng mà đồ sứ của chị đẹp quá!”
Má nói: “Úi chà, vài ba cái dĩa sứt mẻ dùng đâu đáng bao nhiêu mà chúng tôi lại được vui.” Má nói thêm: “Vả lại, mỗi miếng mẻ, mỗi chỗ nứt đều có chuyện để mà kể nhau nghe nữa chứ.”
Vói tay vào tủ chén, má lôi ra một cái dĩa cũ, gồm nhiều miếng bể được hàn gắn lại. Má nói: “Cái này vỡ tan tành vào hôm chúng tôi ẵm cháu Mark từ nhà hộ sinh về. Chiều đó trời giông gió dữ dội lắm. Cháu Judy mới sáu tuổi đầu, nhưng cháu muốn đỡ đần việc nhà. Khi mang dĩa ra chậu rửa cháu đã đánh rơi nó. Mới đầu thì tôi cáu giận, nhưng rồi tôi tự nhủ: Ta đừng để cái dĩa vỡ làm hỏng niềm hạnh phúc của cả nhà khi đang đón mừng em bé mới sinh. Ngoài ra, ngày hôm ấy chúng tôi còn có cái thú ngồi ráp, gắn các mảnh dĩa vỡ lại.”
Bà Marge có vẻ không tin.
Má lại đi tới tủ chén lần nữa và mang xuống một cái dĩa khác. Cầm thẳng cái dĩa, má nói: “Chị thấy chỗ mẻ này trên miệng dĩa chứ? Nó xảy ra năm tôi mười bảy tuổi.”
Giọng mẹ trầm lại: “Một ngày thu xưa các anh tôi cần người phụ giúp để vun đống chỗ cỏ khô cuối cùng, thế là các ảnh thuê một thanh niên. Anh chàng mảnh dẻ, đôi tay khỏe khoắn, tóc vàng và dày. Anh ấy miệng cười lạ lắm. Các anh tôi bắt đầu ưa chàng trai ấy và rủ về nhà ăn tối. Khi ông anh cả của tôi xếp người ấy ngồi bên cạnh tôi thì tôi cứ ngượng ngùng lúng túng muốn xỉu luôn.”
Bỗng nhận ra mình đang kể lại chuyện riêng tư cho con gái nhỏ và bà hàng xóm nghe, má đỏ bừng mặt và vội kể tiếp: “Anh chàng đưa cho tôi cái dĩa nhờ lấy giùm thức ăn. Nhưng tôi luống cuống quá thành thử khi cầm cái dĩa, nó tuột ra và phang vô thố thịt hầm bày trên bàn. Khi sắp ra về, anh chàng bước tới chỗ tôi, cầm lấy tay tôi giữ lại và đặt vô lòng bàn tay tôi một mảnh sứ bể. Ảnh chẳng nói một lời, mà chỉ mỉm cười, cái miệng cười đến lạ. Một năm sau tôi kết hôn với ảnh. Và cho tới ngày nay, khi tôi nhìn thấy cái dĩa này, tôi lại thích thú hồi tưởng cái thuở ban đầu gặp gỡ.”
Bắt gặp tôi đang nhìn trân trối, má nháy mắt. Rồi, cẩn thận, má cất lại cái dĩa vô tủ, đằng sau những cái khác, và nằm riêng một mình một chỗ.
Tôi không làm sao quên được cái dĩa có một chỗ mẻ. Ngay khi có được cơ hội thuận tiện, tôi liền lẻn vô phòng má và lôi cái tráp gỗ nhỏ đựng nữ trang ra. Trong đó có một mảnh sứ bể.
Tôi săm soi nó kỹ lưỡng. Rồi tôi chạy vô bếp, kéo một chiếc ghế tới tủ chén, leo lên và rinh cái dĩa xuống. Đúng y như tôi đoán, mảnh sứ bấy lâu nay má tôi hết sức cẩn thận cất giữ, rất ăn khớp với cái dĩa má đã đánh vỡ vào ngày má gặp ba.
Giờ thì đã hiểu rõ ràng hơn, và với lòng trân trọng hơn, tôi cẩn thận trả miểng sứ về chỗ của nó giữa các món nữ trang.
Câu chuyện tình khởi đầu bằng mảnh sứ bể đó đến nay đã năm mươi bốn năm. Mới rồi, một trong mấy người chị tôi hỏi má xem chừng nào thì cái nhẫn cổ gắn hồng ngọc thuộc về chỉ. Một chị khác lại nài xin đôi bông tai ngọc trai của ngoại.
Còn tôi, tôi thích món kỷ vật quý báu nhất của má, lưu niệm cho một đời yêu thương gắn bó - cái mảnh sứ bể nhỏ bé ấy.
Huệ Khải
12-10-1996
Theo Bettie B. Youngs, That Little Glass Chip, 1996.