CẢM HÓA
Trong
câu chuyện của nhà văn Mỹ LEWIS GRIZZARD
(1946-1994), lòng nhân ái, bao dung của người mẹ không những uốn nắn được các
trẻ ngỗ nghịch mà lại còn là bài học xử thế sống động cho chính con trai bà.
*
Hồi tưởng ngày đầu đi học ở ngôi trường má tôi đang
dạy, điều tôi nhớ rõ nhất là khi cô giáo đón chúng tôi vào lớp, thì hai anh em Frankie
cho nổ một quả pháo đại trên bệ cửa sổ, làm cô giáo hét toáng lên và chạy vào
văn phòng thầy hiệu trưởng, còn tôi cùng với nhiều học trò khác thì ướt cả
quần. Thầy hiệu trưởng đuổi cổ không cho anh em nó đến trường một tuần, mà đấy
lại là điều bọn chúng muốn và là lý do khiến chúng gây nổ. Frankie mười tuổi
còn David chín, và cả hai đã nhiều lần phải ở lại lớp Một.
Có má làm việc ở trường mình đang học thì được nhiều
thuận lợi. Tan trường về tôi có thể đi ngang qua phòng của má và hỏi xin vài xu
mua quà vặt. Tôi và các bạn thường ngồi bên ngoài cửa tiệm ăn kẹo và hy vọng có
thể ăn xong trước khi hai anh em nó ló mặt ra tước lấy.
Ngoại trừ vài cú thoi, quả đấm ở hai cánh tay và cái
ngày Frankie khóa cổ tôi rồi dộng đầu tôi vào một cây cột, tôi luôn cố không để
bị anh em nó chú ý. Nhưng Frankie chỉ mới vờn cho vui thôi. Khi nào chủ tâm
muốn làm ai đau đớn, nó thường không buông người ta ra nếu chưa thấy kẻ ấy chảy
máu và van xin tha mạng.
Khi lên lớp Năm, rốt cuộc cũng tới lượt tôi gặp nạn.
Tôi đang đạp xe trên đường ra cửa tiệm. Ở cuối con đường hẹp này là cái rãnh
sâu buộc người ta phải quẹo trái thật gắt. Chuyện xảy ra khi Frankie chạy đuổi
theo tôi. Nó ra lệnh: “Tránh ra. Tao đang vội.”
Vào lúc tôi hãm xe chậm lại để quẹo, nó nhấc đít xe
tôi lên và quẳng luôn cả tôi lẫn xe xuống rãnh.
Đầu tôi dộng xuống đất trước, rồi xe đạp đè lên người
tôi. Sau khi nhìn thấy tôi đổ máu mũi, mặt xây xát và một cục u to tướng nổi trên
trán, nó đi ra cửa hàng để tước đoạt những thanh kẹo của các trẻ khác.
Tôi ráng hết sức đạp xe trở về nhà. Tôi cố rửa cho
sạch mọi máu me, bùn đất và thậm chí còn ráng đè cho cục u trên trán xẹp xuống.
Hoài công thôi.
Tôi sợ má sẽ thấy tôi trong tình cảnh này và bắt tôi
khai thật rằng tôi đã là nạn nhân của nó. Má sẽ kể lại với thầy hiệu trưởng, thầy
ấy sẽ đuổi học Frankie mấy hôm. Việc ấy sẽ làm nó vui lòng, nhưng nó cũng sẽ
tức giận tôi tố cáo. Nó sẽ thoi tôi lia lịa. Ngoài ra, nó có thể sẽ xúi em nó
thay phiên mà hành hạ tôi.
Tôi tránh mặt má cho tới bữa cơm tối. Má hỏi: “Mặt
con sao thế? Sao mà trên trán u một cục vậy?”
Tôi đáp: “Tai nạn xe đạp. Con đang đi thì té xuống
rãnh.”
Má hỏi: “Là anh em Frankie, phải không nào?” Làm sao
mà lúc nào má cũng biết hết nhỉ? Tuy thế, tôi cứ bám lấy chuyện tôi bịa ra.
Má hỏi: “Có phải một đứa tụi nó đánh con không?”
Tôi nói: “Đâu có,
má.” Ờ, nó nào đã đánh đập gì tôi.
“Con đi đường ấy
hằng trăm bận rồi. Bây giờ phải kể má nghe thật sự đã xảy ra việc gì.”
Tôi đành thuật
lại.
Má nói: “Sáng mai
má sẽ gặp Frankie trong phòng thầy hiệu trưởng. Má chán mấy thằng chuyên đi bắt
nạt các con lắm rồi.”
Quả đúng như tôi
nghĩ.
Tôi mở miệng: “Má
à, thôi đừng cho thầy hiệu trưởng biết. Thầy sẽ kêu nó vô văn phòng và rồi nó
sẽ lại đánh con, lần này còn tệ hơn nữa.”
Má tỏ vẻ suy
nghĩ. “Thôi được, nhưng chính má sẽ nói chuyện với nó.”
Hôm sau tan
trường, tôi theo đường khác về nhà và trốn biệt trong giường. Bốn mươi lăm phút
sau, tôi nghe má về gọi tôi. Tôi lên tiếng: “Con trong giường nè má.”
Má bảo: “Ờ, ra
khỏi giường đi. Frankie sẽ không đánh con nữa đâu.”
Má đã báo cảnh
sát. Đó là chuyện phải xảy ra. Hai anh em nó đã bị bỏ tù rồi.
Má nói: “Ra phòng
khách và ngồi đó.”
Má có chuyện gì bảo
tôi đây.
Má kể: “Trước khi
nói chuyện với nó, má đã xem học bạ của nó. Con có biết rằng nó mất cha và
không ai rõ bây giờ má nó ở đâu cả không? Một mình dì nó đang nuôi hai đứa. Má
đã nói chuyện với các giáo viên khác và được biết má nó trước kia hay đánh đập
hai anh em nó. Chúng không biết tới tình thương, và cũng không có tiền tiêu xài
như con. Tất cả những gì chúng biết là phải đánh người khác để giành lấy mọi
thứ chúng muốn. Má thật sự cảm thấy xót xa cho bọn chúng.”
Điều này không đúng
y như tôi đã ngỡ.
Má hỏi: “Con biết má
đã làm gì không?”
Tôi cảm thấy rằng
cho dù má làm bất cứ chuyện chi chăng nữa, nó cũng không dính líu tới cảnh sát.
“Giờ ra chơi má bảo
Frankie ghé phòng má và hỏi xem nó có muốn giúp má dọn dẹp mấy thứ giấy bút lặt
vặt không. Má bảo nếu nó chịu làm, má sẽ cho hai mươi lăm xu, và hai anh em nó
muốn tiêu xài cách chi tùy thích. Nó rất dễ thương và đắc lực. Thế là má bảo
nếu mai nó trở lại, má sẽ đưa anh em nó và con đi xem phim vào ngày Thứ Bảy.”
Rõ ràng, sự việc ở
cái rãnh hôm trước đã làm tai tôi nghe lầm rồi. Tôi mà đi xem phim với anh em
nó? Một mình tôi cùng ngồi với chúng nó trong cái rạp tối thui ư?
Tôi nói: “Con chẳng
đi đâu.”
Má bảo: “Không, con phải đi. Kinh Thánh dạy ta rằng
con hãy thương kẻ thù con mà.”
“Kinh Thánh cũng dạy không được sát sanh.”
Má trả lời: “Những trẻ ấy chỉ cần có chút tình thương
và sự quan tâm.”
Sáng Thứ Bảy, má con tôi lái xe tới nơi hai anh em nó
ở. Tụi nó chui vào ngồi băng sau. Chúng mặc quần áo cũ, nhưng sạch sẽ và và khá
thẳng thớm. Cả hai đều chải đầu. Xưa nay chưa bao giờ tôi thấy chúng trông ra
vẻ như thế.
Khi xe chạy, má bảo: “Con à, Frankie có chuyện muốn
nói với con.” Tôi cảm thấy nó có chút gì bối rối, ngượng ngập, gần như là mắc
cỡ. Có đúng là Frankie đây không? Nó lúng búng gì đó trong miệng, tôi chẳng
hiểu nổi.
Má bảo nó: “Nói to
lên.”
Vẫn không thể bắt
gặp mắt tôi, nó nói: “Tớ xin lỗi đã xô bạn và xe đạp xuống rãnh.”
Tôi không tin
được điều mình đang nghe. Frankie mà xin lỗi tôi ư?
Má hỏi: “Gì nữa, Frankie?”
Nó nói: “Tớ hứa không làm bất cứ ai trong trường đau
đớn nữa.”
Lạy Trời! Phép lạ đấy. Sói bằng lòng không ăn thịt
cừu nữa a.
Má bảo tôi: “Con nói gì đi chứ.” Tôi quá sững sờ đâu
nói chi được.
Rốt cuộc má bảo: “Hãy nói với Frankie là con lấy làm
cảm kích trước lời xin lỗi của bạn ấy.”
Tôi nói với tấm kiếng xe trước mặt: “Tớ cảm kích lời
đằng ấy xin lỗi.” Xe chúng tôi lăn bánh xuống phố trong thinh lặng.
Khi má dừng xe trước rạp chiếu phim, ánh mắt tôi van
lơn má: “Xin đừng bắt con xuống xe.”
Má bảo: “Đi đi, mọi việc sẽ êm thắm thôi mà.”
Những gì hai anh em nó làm là không thèm biết đến
tôi. Cuốn phim thu hút chúng đến độ chúng không màng chuyện sát hại ai hết.
Lúc má đến đón, hai đứa nó bắt đầu kể lại những cảnh
phiêu lưu, mạo hiểm mà chúng đã thấy trên màn ảnh.
Sau khi xe dừng ở lối vào nhà bọn chúng, Frankie tới
bên cửa xe má ngồi, và nói: “Thưa cô Christine, Thứ Hai cô có cần con giúp cô
không?”
Má bảo: “Cô sẽ gặp con ở trường và cho con biết. Còn
bây giờ, hãy đi kể cho dì con về cuốn phim nhé.” Má mỉm cười khi xe chúng tôi
lăn bánh rời đi.
Sau lần đó hai anh em nó không hề quấy nhiễu ai nữa.
Và ba đứa chúng tôi còn thêm vài lần trở lại rạp chiếu phim. Bọn tôi chưa bao
giờ trở thành bạn thân hay bất kỳ cái gì đại loại như thế. Nhưng lòng tốt của
má đối với chúng rõ ràng có tác dụng sâu sắc.
Chúng luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ má. Chúng lau giùm
bảng và đem giẻ lau đi giặt sạch. Chúng tưới cây kiểng và tìm thấy một thú vui
đặc biệt trong việc cho mấy con cá nuôi trong chiếc bồn nhỏ của má ăn.
Má đã khiến cho các giáo viên khác khai thác ý kiến
của má, rằng học trò cũng là con cái của má.
Má ơi, má đã dạy cho con nhiều lắm.
Huệ
Khải
04-9-1998
Theo Lewis Grizzard, Mama and the Garfield
Boys, 1993.