DI VẬT
Gương
vỡ lại lành là chuyện cha mẹ KRISTI
POWERS:
Cha không phải người thích biểu lộ tình cảm. Khi tôi
còn bé, cha không hay trầm trồ những việc tôi làm giỏi. Nhưng tôi biết cha
thương tôi, theo cách của cha.
Tôi vẫn đinh ninh cha mẹ sống hạnh phúc. Cho đến ngày
sắp tròn mười sáu tuổi, tôi thấy cha đi làm về và tự giam mình trong phòng
riêng. Cả nhà lặng lẽ đến nặng nề. Mẹ khóc, bảo mấy chị em rằng cha sắp bỏ đi. Tôi
chết điếng. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày này. Nhưng đã là sự thật.
Cái đêm trước ngày cha bỏ đi, tôi thức suốt, cầu
nguyện, và khóc. Rồi tôi viết cho cha một thư dài. Con thương cha lắm. Con sẽ nhớ cha lắm… Những gì không nói ra được
với cha thì tôi trút cạn vào trang giấy nhòe nhoẹt nước mắt. Xếp thư lại, tôi
kẹp vào đó tấm ảnh của mình. Trên mặt sau tấm ảnh tôi chép lại câu nói đã tình
cờ đọc được ở đâu đó: Ai cũng làm cha
được hết. Nhưng phải có một người đặc biệt để gọi là cha. Rồi tôi tìm cách
lén nhét thư vào hành lý của người đàn ông sắp bước ra khỏi gia đình.
Hai tuần cha bỏ đi biệt tăm biệt tích. Hai tuần cảnh
nhà chìm trong tang tóc.
Một buổi trưa tan trường về, tôi bắt gặp mẹ ngồi
khóc. Lúc sáng cha ghé qua, xin với mẹ quay lại. Cha cho mẹ biết tôi đã viết thư cho cha. Cha khóc nhiều và suy nghĩ rất
nhiều trước khi quyết định gọi điện xin gặp mẹ.
Vài ngày sau cha
dọn về. Không ai nhắc gì chuyện cũ. Cũng không ai đả động tới lá thư của tôi.
Mười mấy năm bình lặng trôi qua.
Sau khi cha qua
đời vì bệnh tim, mẹ và các em tôi sắp xếp lại đồ đạc của cha. Hôm ấy tôi có
việc bận, không thể ở nhà phụ giúp thu dọn các thứ. Khi tôi trở về, cậu em nói:
“Mẹ bảo chị giữ cái này.”
Tôi mở cái hộp
nhỏ cũ kỹ. Tấm ảnh và lá thư năm xưa.
Huệ Khải
29-10-2008
Theo Kristi
Powers, A Promise Kept, 2000.