Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

16 LỜI HỨA NĂM XƯA (CAO CAO DÁNG NÚI)


LỜI HỨA NĂM XƯA
Người ta bo nhà nghèo mi biết con tho... L ra cũng phi nói nhà nghèo mi biết lòng cha. Có nhng ham thích rt bình thường, r tin mà tr con nào cũng khao khát; thế nhưng để cho con được vui v, mãn nguyn điều y thì người cha nghèo phi âm thm hy sinh c cái nhu cu rt chính đáng của mình.
Những chai nước ngt mười xu cho con và nhng ba ăn trưa đạm bc ca cha. Khi đứa con tình c khám phá ra mi liên h bí mt y thì cũng là lúc trong đầu óc non nt đã sớm hình thành một li ha mà người con s lng l gi kín cho mình sut hơn hai mươi năm dài, chờ mt cơ hội tt nht để dành cho cha mt li t ơn ý nghĩa nht. Đây là chuyện lòng của BRIAN KEEFE.
*
Mỗi lần đi qua một trạm cứu hỏa, những cỗ xe chữa cháy đỏ chói với lớp crôm sáng loáng, mùi của những vòi nước hong khô và những sàn nhà mới đánh bóng, những đôi ủng cao su quá khổ và những chiếc nón đồng, ngần ấy thứ lại đưa tôi trở về thời thơ ấu, trở về với cái trạm cứu hỏa mà bố tôi đã làm tổ trưởng bảo trì ở đấy suốt ba mươi lăm năm.
Một ngày nọ bố để cho tôi và anh tôi tuột trên chiếc cột đồng sáng choang của lính cứu hỏa (chiếc cột mà khi nghe lịnh báo cháy, lính cứu hỏa ôm thân cột tuột xuống cho lẹ, thay vì dùng cầu thang). Trong một góc trạm là tấm ván trượt (creeper) dùng để trườn vào gầm xe tải những khi sửa chữa. Bố bảo “nắm chặt nhé” và quay tôi vòng vòng cho tới khi tôi chóng mặt chóng mũi.
Bên cạnh tấm ván trượt là cái máy tự động cũ kỹ bán Coca-Cola với giá mười xu một chai. Những lần tới chơi trạm cứu hỏa, bao giờ việc quan trọng nhất của chúng tôi cũng là đi tới chỗ đặt máy bán nước ngọt.
Năm mười tuổi, tôi dẫn hai đứa bạn tới trạm cứu hỏa để khoe bố. Tôi xin bố cho mỗi đứa một chai nước ngọt trước khi chúng tôi về nhà ăn cơm trưa.
Tôi chỉ nhận ra chút do dự gợn trong giọng bố. Nhưng bố lại bảo “được thôi” và cho chúng tôi mỗi đứa mười xu. Chúng tôi chạy ù tới cái máy bán nước ngọt để xem ở mặt trong nút chai của ai có ngôi sao (cách khuyến mãi của hãng nước ngọt).
Ôi một ngày may mắn! Nút của tôi có một ngôi sao. Tôi chỉ còn thiếu hai nút chai có ngôi sao nữa là có thể gởi xin lãnh thưởng.
Cả lũ chúng tôi cám ơn bố rồi về nhà ăn cơm trưa và đi bơi.
Khi từ hồ trở về, tôi nghe bố mẹ trò chuyện. Mẹ có vẻ giận bố, và rồi tôi nghe nhắc tới tên mình: “Lẽ ra anh nên nói rằng không có tiền mua nước ngọt. Brian lẽ ra phải hiểu. Chúng mình đâu có thừa tiền và anh cần phải ăn trưa.”
Trước khi có thể bị bố mẹ phát hiện việc nghe lóm, tôi vội leo cầu thang về căn phòng nơi năm anh em tôi ở chung.
Khi dốc túi, chực đặt cái nút chai mới có vào cùng chỗ với bảy nút chai khác, tôi chợt nhận ra bố đã hy sinh nhiều biết bao để tôi có được nó. Tối hôm ấy tôi nhủ lòng: Một ngày kia tôi sẽ nói với bố rằng tôi biết lòng hy sinh của bố trong buổi chiều ấy và trong rất nhiều ngày khác, và tôi sẽ không bao giờ quên được chuyện này.
Trong hơn hai mươi năm kế tiếp, bố làm ba nghề khác nhau để cưu mang chín người chúng tôi, cách sống đó đã vắt kiệt bố. Bố bốn lần bị bịnh tim tấn công, để rồi cuối cùng phải dùng đến máy trợ tim (pacemaker).
Một buổi chiều kia chiếc xe màu xanh cũ kỹ của bố hỏng máy. (Nó là chiếc station wagon, cũng gọi estate car, nhiều chỗ ngồi, có chỗ rộng để chứa hành lý phía sau các hàng ghế, có cửa mở phía đuôi xe để dễ chất hành lý, nên tiện chở trọn một gia đình với đủ thứ lỉnh kỉnh.) Bố bảo tôi tới chỗ làm rước bố đi khám bệnh. Khi dừng xe trước trạm cứu hỏa, tôi bắt gặp bố cùng những lính cứu hỏa khác tụ tập ngoài sân, vây quanh chiếc xe pickup mới cáu. (Nó là loại xe tải nhỏ, thành xe thấp, thùng xe không có mui.) Khi tôi ngắm nghía chiếc xe, bố bảo: “Có ngày bố sẽ sắm một chiếc như vậy đó.”
Hai bố con cùng cười rộ lên. Đấy luôn là ước mơ của bố, và bao giờ nó cũng có vẻ xa xôi diệu vợi. Tôi đang làm ăn khấm khá, cũng như tất cả các anh tôi. Chúng tôi đã đề nghị mua tặng bố một chiếc xe, nhưng bố từ khước, bảo: “Nếu bố không mua lấy thì bố cảm thấy nó không phải là của mình.”
Khi khám bệnh xong và bước ra khỏi phòng mạch, trông bố xanh xao bệnh hoạn.
Bố chỉ nói: “Ta đi thôi.”
Bố con tôi cùng yên lặng. Tôi đánh xe một vòng cho xa để quay lại trạm cứu hỏa. Hai bố con đi ngang qua ngôi nhà cũ, sân bóng, hồ nước rồi tiệm chạp phô ở góc phố, và bố bắt đầu nói về những kỷ niệm mà mỗi nơi mỗi chốn đã gợi nhớ lại. Đó là lúc tôi biết bố sắp đi xa.
Bố nhìn tôi và gật đầu. Tôi hiểu. Hai bố con dừng xe ở một tiệm kem và lần đầu tiên sau mười lăm năm mới cùng ăn một cây cà rem. Hôm ấy hai bố con thực sự đã chuyện trò với nhau. Bố bảo bố rất hãnh diện vì đàn con và bố không sợ chết. Bố chỉ sợ phải xa mẹ. Chưa hề có người nào lại yêu vợ hơn bố tôi.
Bố bắt tôi hứa không nói cho ai biết bố đang đến gần cái chết. Tôi đồng ý và biết rằng đó là một bí mật rất khó lòng giữ kín.
Dạo ấy vợ chồng tôi đang tìm mua một chiếc xe. Tôi hỏi xem bố có bằng lòng đi với tôi để coi cái xe tôi muốn đổi bù không.
Bố con tôi bước vào phòng trưng bày, Khi bắt đầu nói chuyện với người bán xe, tôi bắt gặp bố đang nhìn chiếc xe pickup nâu, chiếc xe đẹp nhất mà tôi được thấy. Bàn tay bố vuốt ve thân xe tựa như một nhà điêu khắc đang rà soát lại tác phẩm của mình.
Tôi đề nghị lấy cái xe nâu ấy ra chạy thử. Hai bố con cho xe lăn bánh vào xa lộ, bố ngồi sau tay lái. Được mười phút, bố bảo cái xe chạy mới ngon làm sao.
Khi quành lại, bố con tôi đem chạy thử chiếc xe nhỏ hơn, màu xanh. Hai bố con quay về cửa hàng và kết thúc mọi việc với người bán xe.
Vài đêm sau, tôi hỏi bố có muốn đi nhận xe với tôi không. Tôi nghĩ bố đồng ý nhanh như thế chỉ để nhìn lại lần cuối “cái xe nâu của bố” theo cách bố gọi nó.
Khi bố con tôi cho xe vào sân cửa hàng, thấy chiếc xe nhỏ màu xanh của tôi dán tấm giấy “Đã bán”. Cạnh đó là chiếc pickup nâu, sạch bóng, cũng gắn trên kính tấm giấy to tướng “Đã bán”.
Tôi liếc nhìn và bắt gặp vẻ mặt thất vọng khi bố thốt lên: “Người ta mua cái xe đẹp mất rồi.”
Tôi chỉ gật đầu và nói: “Nhờ bố vào trong nói với người bán hàng là đậu xe xong thì con vào liền.” Khi bước qua chiếc pickup nâu, bố lướt bàn tay dọc thân xe và tôi lại thấy nỗi thất vọng trên mặt bố.
Tôi vòng xe ra xa tòa nhà và xuyên qua lớp kính phòng trưng bày tôi nhìn người đàn ông đã hy sinh mọi thứ cho gia đình mình. Tôi chăm chú dõi theo người bán hàng mời bố ngồi, trao cho bố xâu chìa khóa cho “chiếc pickup của bố” (cái xe màu nâu), giải thích rằng nó là của tôi dành tặng bố và đây là một bí mật của hai bố con.
Bố nhìn ra cửa kính, mắt hai bố con gặp nhau, và cùng gật đầu cười to.
Tối ấy, lúc bố lái xe về thì tôi đang đợi ở bên ngoài nhà. Khi bố bước ra khỏi “xe của bố”, tôi ôm chầm lấy bố mà hôn, nói rằng tôi thương bố lắm và nhắc rằng đây là một bí mật của hai bố con.
Đêm đó hai bố con lái một vòng. Bố bảo rằng về chiếc xe thì bố hiểu, nhưng cái nút chai nước ngọt có hình ngôi sao dán bằng băng keo vào tay lái là ý nghĩa gì vậy.

Huệ Khải
Tháng 6-1998

Theo Brian Keefe, A Promise Kept, 1993.