Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

11 ĐI TÌM BẰNG AN (CAO CAO DÁNG NÚI)


ĐI TÌM BẰNG AN
Bao giờ trẻ cũng say mê, háo hức nghe kể chuyện. Qua chuyện kể mà biết gợi cho trẻ phát triển trí tưởng tượng cũng là nghệ thuật. Những câu chuyện thuở ấu thơ đáp ứng sở thích của trẻ là cần được người lớn ngồi bên kể hay đọc đồng thời qua đó mở ra cho trẻ một thế giới khác. Ngoài ra, tùy thuộc cách diễn đạt của người lớn, những câu chuyện sẽ lưu lại dấu ấn suốt đời con trẻ, cả cho đến lúc chúng trưởng thành rồi. Đối với CHRISTOPHER DE VINCK (sinh năm 1951) chính cái giọng của bố ông đã theo ông suốt cả những năm tháng sau này, và qua cái giọng quen thuộc đó ông còn tìm thấy sự an bình trong cuộc sống.
*
Hồi ba, bốn tuổi lần đầu tiên tôi được nghe giọng bố kể: “Be, be, cừu đen ơi, bạn có len không?...” Tôi nhớ cánh tay bố dài choàng quanh người tôi khi tôi ngồi trong lòng bố. Tôi thực sự cảm thấy được nâng niu. Bố biết tạo ra cái âm thanh vui tai của mỗi chữ. Khám phá ra một âm thanh vui tai là khám phá ra một ngôn ngữ mới.
Cũng như nhiều người cha khác, bố dự đoán được niềm hân hoan của trẻ khi nghe thấy một âm thanh ngồ ngộ. Bố chúm miệng lại, đẩy luồng hơi ra ngoài, tạo nên cái âm “khô... ông?” tuyệt vời.
“Có, có, thưa ô... ông, ba túi len đâ... ầy.” ([1]) Rồi sau đó là tới lúc lên giường ngủ.
Suốt thời thơ ấu của tôi bố đã tạo cho tôi những phút giây kỳ ảo. Những dẫn dụ, những gợi ý của bố dẫn dắt tôi khai phá trí tưởng tượng của mình.
Một chiều thu nọ, lúc đã kịp nhổ giò, tôi lấy một cái sọt đựng trái cây bỏ không và lật úp nó xuống bên cạnh gốc táo trong sân nhà. Giữa thân cây táo có hai nhánh lớn mọc gie ra hai phía thành hình chữ Y.
Anh và chị tôi lâu nay đã chinh phục được cây táo này, cho nên để cũng được cùng khoe khoang thành tích giống như anh chị mình là điều quan trọng đối với tôi.
Tôi leo lên đáy cái sọt úp và bám vào thân cây. Ráng hết sức tôi bắt đầu đu mình lên, từng chút một, cho tới khi bỏ được chân qua một cành, và rồi cuối cùng tôi ngồi được trên cái chỗ trước đây chỉ dành riêng cho những trẻ đã lớn.
Tôi không biết rằng bố đang ở bồn cỏ chăm chú nhìn theo. Bố gọi to: “Con thành công rồi đó!”
Tôi hét tướng lên đáp lại: “Dạ!”
Bố hỏi: “Con có nghĩ rằng đó là một chú voi không?”
Tôi nhìn nhánh cây dài vươn ra phía trước, rồi lại nhìn nhánh cây lớn hơn ở đằng sau, và bất giác cảm thấy dường như mình đã leo lên lưng một con voi xám to lớn.
“Dạ đúng rồi! Đây là một con voi đẹp.”
Bố nói: “Vậy hãy cỡi tới Bombay đi con.” Tôi nào có biết Bombay ở đâu, nhưng cái tên đó nghe sao mà xa xôi diệu vợi thế và nó đúng là nơi chốn dành cho voi, thế nên suốt buổi chiều hôm ấy tôi đã cỡi voi đi Bombay. ([2])
Khi anh em chúng tôi lớn lên, tháng Bảy nào bố mẹ cũng đưa lũ trẻ chúng tôi đi nghỉ hè hai tuần. Dạo tôi lên tám, một giáo sĩ dòng Tên ([3]) đã tháp tùng theo chúng tôi mấy ngày.
Vị giáo sĩ này biết được những cuộc hành trình của bố con chúng tôi đi vào thế giới tưởng tượng. Một đêm nọ, chính ông đã đến phòng chúng tôi ngủ, và trong bóng tối, kể cho chúng tôi câu chuyện về Baba Yaga, một phù thủy sống trong căn nhà dựng trên những chân gà và căn nhà ấy biết chạy quanh quẩn khắp nơi trong một khu rừng thẳm ở một miền nào đó trên đất Nga.
Tôi không bao giờ quên được giọng nói của vị giáo sĩ vì nó còn đi xa hơn cả trí tưởng của tôi. Tôi đã sợ sệt tin rằng có một phù thủy Baba Yaga nào đó, nhưng tôi lại vững bụng an lòng theo giọng nói của người đàn ông dẫn dắt tôi đi qua cái thế giới của Baba Yaga.
Khi anh em chúng tôi trưởng thành, chúng tôi tập trung chú ý tới những điều mà thuở bé chúng tôi đã tin tưởng. Đối với tôi, bất kể người nói là ai, chính cái tiếng nói mới có giọng thân quen. Hồi ở trung học, thầy giáo đọc cho nghe truyện Buổi Sáng Giáng Sinh của Frank O’Connor,([4]) và lúc lên đại học, giáo sư đọc một đoạn trích trong tác phẩm Billy Budd của Herman Melville,([5]) tôi nhận ra rằng xưa kia tôi đã có mặt ở những nơi ấy, khi ngồi trong lòng bố và trong bóng đêm của phòng ngủ vào một kỳ nghỉ hè.
Chúng ta có nhiều cách tìm đến sự bằng an. Với tôi đó là cái giọng nói trong cung cách kể chuyện của những người đàn ông, trong cách bố tạo ra âm thanh, trong cách chỉ cho tôi nhìn một thân cây hóa thành con thú.




([1]) Hai câu đầu một bài hát ngắn gồm bốn câu của trẻ con nước Anh: Baa, baa, black sheep, have you any wool? Yes sir, yes sir, three bags full. One for my Master and one for my Dame. One for the little boy who lives down the lane. (Be, be, cừu đen ơi, bạn có len không? Có, có, thưa ông, ba túi len đầy. Một túi cho ông chủ và một túi cho bà. Một túi cho cậu bé ở cuối con đàng.)
([2]) Bombay là thành phố cảng công nghiệp ở bờ biển tây bắc Ấn Độ, một trong những nước có nhiều voi.
([3]) Dòng Jesuit, thuộc Công Giáo La Mã (Roman Catholic), do Thánh Ignatius Loyola thành lập năm 1534.
([4]) Frank O’Connor (1903-1966), nhà văn Ái Nhĩ Lan.
([5]) Herman Melville (1819-1891), tiểu thuyết gia Mỹ.
Huệ Khải
19-4-1994
Theo Christopher de Vinck, Safe in a Father’s Story Telling, 1984.