BỐ TÔI, CON TÔI VÀ TÔI
Tấm
lòng cứng rắn và lý trí của phần lớn đàn ông có lẽ là một trong những yếu tố
làm cho cách thể hiện tình thương của cha đối với con, nhất là con trai, thường
khô khan. Cách cha dạy con cũng thiếu nét êm nhu trìu mến của mẹ. Có lẽ một
phần vì thế mà ngày xưa ở Việt Nam ,
và Trung Quốc, cha còn được gọi là “nghiêm đường”. Trong gia đình, hầu như
ít khi con trai xích mích với mẹ, thường là hay xung khắc với cha. Giả dụ có
mâu thuẫn, hòa giải với mẹ hình như vẫn dễ dàng hơn cha. Nếu có nhiều người cha
khổ tâm vì tình cha con lợt lạt, thì vẫn không ít con trai phàn nàn cha không
hiểu được mình. WALT HARRINGTON (sinh năm 1950) trong khoảng ba mươi năm đời
mình cứ mãi ray rứt bận lòng tìm
kiếm một lý giải cho mối quan hệ giữa hai bố con ông. May mắn là ông cũng có
con trai, và nhờ đó ông bỗng hiểu rõ bố mình hơn bao giờ hết.
*
Bố trông vẫn giống y như hình ảnh ngày
nào trong trí nhớ của tôi, vào thuở tôi mới lớn: tóc dày, thân hình thon gọn,
mặt rám nắng, đôi mắt tinh tường. Có khác chăng là sự dịu dàng và lòng chịu
đựng của bố. Dạo tôi còn nhỏ không nhớ bố đã có những đức tính đó chưa. Và lòng
tôi phân vân chẳng biết bố hay tôi, ai đã đổi khác rồi.
Tôi và con
trai đã bay về bang Arizona
để thăm nhà, và ông nội cháu sáu mươi bảy tuổi, đang so dây đàn guitar để chơi
cho cháu nghe.
Có dạo bố và
tôi đấu khẩu rất găng. Hai bố con tranh luận về tất cả những chứng trái tính
trái nết cố hữu của bọn thiếu niên mới lớn: những áo quần dị hợm, những niềm
tin quái lạ và những bạn bè ồn ào kỳ quặc của tôi. Tôi vẫn nhớ như in cái ý
tưởng mà một hôm rốt cuộc cũng bất chợt nảy đến cho tôi, rằng tôi không phải là
bố, và tôi có thể thôi không cần phải cố gắng chứng minh điều đó nữa.
Ngày tôi còn
bé, bố chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Bố đi bán sữa suốt bảy ngày trong tuần.
Nhưng dù bận bịu làm ăn, lúc vắng mặt bố vẫn là một ông giám thị nghiêm khắc.
Các lỗi lầm được tính sổ, và tối đến bố mới phạt, tuy nhiên có khi chỉ là một
giọng răn đe hay một ngón tay xỉ mắng.
Mặc dù hai bố
con có xích mích, tôi chưa một lần nghi ngờ tí gì về lòng thương của bố, nó là
sợi dây an toàn cho bố con chúng tôi níu chặt để vượt qua những lúc khá gọi là
phong ba bão táp. Có đầy ắp những kỷ niệm êm đềm: Hai bố con cùng ngồi xa lông
coi truyền hình, dạo chơi thơ thẩn buổi chiều tà, ngồi chung xe hơi trở về nhà,
cùng nhau hát bài dân ca “Thung Lũng Sông Hồng”.
Bố có cái kiểu
cười giễu tôi, cái kiểu muốn khen tôi, muốn nói rằng bố tự hào về tôi, hãnh
diện vì những thành đạt của tôi, nhưng rồi bố lại giả bộ chọc quê. Bố trêu có
hơi bạo nhưng không ác, và chính qua cách bố trêu mà tôi luôn luôn nhận ra tình
thương thầm lặng, bao la của người. Khi trưởng thành, tôi hiểu rằng đó cũng là
cung cách mà biết bao đàn ông khi bộc lộ lòng trìu mến thì lại giấu giếm không
muốn cho ai biết sự mềm yếu lòng họ. Và tôi đã bắt chước bố, thay vì nói “Con
thương bố” thì tôi chê cái mũi bố to quá, cà vạt bố xấu quá.
Nhưng tôi nhớ
chẳng có lần nào bố ôm chặt tôi vào lòng, hay là hôn tôi, hoặc nói rằng bố
thương tôi cả. Tôi nhớ những sáng Chủ Nhật được nép sát vào người bố. Tôi nhớ
cái cảm giác nồng ấm, vững vàng khi thiu thiu ngủ trong vòng tay bố. Nhưng mà
đàn ông, thậm chí là đám nam nhi nhỏ tuổi, cũng không ai ôm nhau hoặc hôn nhau
cả; người ta chỉ bắt tay thôi.
Sau này có
những lúc tôi sắp sửa xa nhà trở lại trường đại học, những lúc mà tôi tha thiết
muốn ôm chầm lấy bố. Nhưng chân tay tôi không chịu nhúc nhích theo cảm xúc. Tôi
ôm ghì mẹ, mà chỉ bắt tay chào bố.
Bố thường bảo:
“Điều người đàn ông nói ra chẳng quan trọng, quan trọng là việc y làm.” Lời lẽ
và cảm xúc đều đáng ngờ cả. Ngày ngày bố đi bán, bố che chở tôi, bố dạy tôi
điều hay lẽ phải, bố rèn cho tôi tâm hồn cương nghị. Đó là mối gắn bó buộc ràng
bố con với nhau. Đó là hạn giới của cả hai bố con.
Tôi đã ráng
không lập lại những gì tôi thấy là sai lầm của bố. Tôi và con trai tôi ôm nhau
trìu mến và hôn nhau khi chia tay. Đó là tính cách mới của đàn ông thời nay và
nó cũng phổ biến như tính cách cũ của đàn ông thời xưa, thời của bố. Tuy nhiên,
nói thực lòng, tôi không tin rằng tính cách mới này của đàn ông sẽ có thể ngăn
ngừa những xung khắc ở tuổi trưởng thành giữa người cha và con trai. Tất cả
những gì tôi hy vọng là con trai tôi và tôi xây đắp được một niềm vui nào đó
còn lưu lại trong tiềm thức, để điều ấy sẽ là sợi dây an toàn cho tôi và con
trai níu chặt khi phải trải qua những lúc bão giông mai hậu.
Sau khi đã có
con trai, chính lúc đó tôi mới bắt đầu nghĩ nhiều về quan hệ cha con, để rồi
thấy và hiểu bố thật rõ rệt.
Nếu bọn đàn
ông con trai trên đời này vẫn luôn phàn nàn ca thán về cha mình, là bởi những
người cha đó thiếu lòng kham nhẫn. Tôi nhớ lại một ngày mưa gió năm tôi lên sáu
và bố đang lợp cho bà nội tôi một mái nhà mới. Việc đó lúc tạnh ráo đã nguy
hiểm rồi huống hồ nhằm khi ướt át. Tôi muốn giúp bố. Bố không dằn được và cự
nự. Tôi cãi lại, và còn nhớ là bị đét vào mông. Những năm sau này bố nhiều lần
hồi tưởng chuyện đó và cười khúc khích, nhưng tôi chả thấy có gì đáng cười cả.
Chỉ đến ngày
nay khi phải ráng dằn lòng những lúc con trai bé bỏng cứ nằng nặc đòi giúp tôi
sơn phết nhà cửa hay cưa bỏ những cây khô ngoài sau vườn, thì tôi mới có thể
nhìn thấy lại cái ngày xưa ấy bằng đôi mắt của bố. Đố ai đoán được tôi đã giận
bố thế nào ba mươi năm qua cho tới khi tôi nếm mùi kinh nghiệm hệt như vậy với
chính con trai tôi, đứa trẻ mà tôi cho rằng bây giờ cũng đang giận tôi đấy.
Ngạc nhiên
hơn, trái với điều tôi vẫn đinh ninh hồi mười mấy tuổi rằng tôi hoàn toàn chẳng
giống bố tí nào, tôi đã nhận thức tường tận hơn. Tôi hết sức giống bố. Bố con
tôi cùng giống nhau ở máu hài hước, giống nhau ở tính bướng bỉnh, ngay cả giọng
nói cũng giống in nhau. Mặc dù tôi đã không khi nào thấy những tương đồng ấy là
đáng ham muốn, tôi đã trưởng thành trong những điểm giống nhau đó, đã thấy
thích cả chúng nữa.
Chẳng hạn, bố
có kiểu trả lời điện thoại thế này: “Á lồ.” Giọng bố cao ở âm “á” và cụt lủn ở
âm “lồ”. Bây giờ bạn hãy điện thoại cho tôi đi, và bạn cũng sẽ nghe “Á lồ”
giống hệt như giọng ông bố tuổi tác của tôi. Mỗi lần nghe chính giọng nói đó
của mình, tôi thấy hay lắm.
Sự đồng cảm
mới mẻ này dành cho bố đã đưa tôi đến một thấu thị đầy ngạc nhiên: Nếu hôm nay
tôi vẫn còn đang xác quyết những tình cảm của tôi đối với bố, thì xưa kia khi
tôi còn trẻ con, bố cũng vẫn đang xác quyết những tình cảm của bố đối với nội
tôi.
Bố đã nuôi nấng
tôi khôn lớn theo kiểu tôi là một hệ quả của ông nội và cũng là một phản kháng
lại ông nội. Điều này không những liên kết con trai tôi với tôi và bố, mà cả
với nội tôi, và tôi ngờ rằng, còn cả với bất kỳ ai thuộc tổ tiên dòng họ chúng
tôi trước đây.
Vì những
nguyên do quá tế nhị không tiện thổ lộ, nhiều năm trước đây đã có lúc bố con
tôi không nói năng hay nhìn mặt nhau. Cuối cùng tôi bỏ tật ngang bướng và đột
ngột trở về thăm người. Bố con nói chuyện hai ngày, đủ thứ đầu Ngô mình Sở.
Không ai nhắc tới việc năm năm trời bố con chẳng ngó ngàng gì nhau.
Tôi ra về lòng
buồn không nguôi, biết rằng hai bố con vô phương làm lành với nhau. Hai hôm sau
tôi nhận được lá thư duy nhất trong đời bố gởi cho tôi. Tôi viết văn, bố người
bán sữa. Nhưng giọng điệu trong thư bố, niềm xúc cảm và tính đơn sơ đó có lẽ
lại là giọng văn của chính tôi.
Bố viết: “Bố
biết rằng giá như bố có thể làm lại được, bố sẽ bằng cách này cách khác tìm ra
nhiều thời giờ hơn để ở bên con. Dường như bố con mình chẳng bao giờ nhận ra
điều này, mà đến chừng biết được thì lại quá muộn màng rồi.”
Hóa ra, lần đó
về thăm nhà xong, khi tôi bước ra cửa, bố đã dõi mắt nhìn theo. Đúng cái lúc
tôi nghĩ rằng bố con thôi thế đành chịu mất nhau rồi, thì bố đang tự nhủ lòng
rằng bố phải ngăn tôi lại, bảo tôi ngồi xuống chuyện trò, rằng nếu hai bố con
chẳng làm thế, thì bố có lẽ sẽ không bao giờ còn gặp lại tôi nữa. Bố viết:
“Nhưng mà bố cứ để cho con ra đi.”
Tôi nhận ra
rằng chân tay bố đã không chịu nhúc nhích theo cảm xúc. Và đó là điều mà tôi
thật sự vẫn hằng cần biết.
Trọn buổi sáng
tôi mãi băn khoăn. Tôi và con trai sắp sửa giã từ bố ra về rồi, và tôi quyết
định phải làm một điều gì đó xưa nay tôi chưa hề làm.
Trong từng
mảnh đời của lũ con trai, có một lúc vì bản ngã kiêu mạn, hắn bất mãn với những
âm ba vang vọng nhắc nhở hắn nhớ rằng hắn là con trai của cha hắn. Tuy nhiên,
như đã xảy đến cho tôi, cũng nên có một lúc mà những vang vọng âm ba ấy hãy nói
lớn lên duy nhất một điều rằng cha con hai thế hệ trong âm thầm bỗng chốc sẽ
thông cảm chan hòa, hiểu biết lẫn nhau.
Thế nên ngay
trước lúc tôi và con trai băng qua cổng để lên máy bay, tôi đã nhoài người ôm
chầm lấy bố và nói: “Con muốn bố biết là con thương bố. Lúc nào cũng thương bố,
bố ơi!”
Huệ Khải
05-01-1995
Theo Walt Harrington, My Father, My
Son, My Self, 1987.